06:04, 30/04/2014

Những đổi thay trên thành phố biển

"Đất lại về ta, đất xương thịt của mình/ Biển lại về ta, biển rất rộng rất xanh" (bài thơ "Khánh Hòa, Nha Trang ơi!" của nhà thơ Giang Nam). Mới đó đã 39 năm và  người dân Nha Trang tự hào về những thay đổi diệu kỳ của "thành phố thùy dương sóng vỗ rất hiền"…

“Đất lại về ta, đất xương thịt của mình/Biển lại về ta, biển rất rộng rất xanh” (bài thơ “Khánh Hòa, Nha Trang ơi!” của nhà thơ Giang Nam). Mới đó đã 39 năm và  người dân Nha Trang tự hào về những thay đổi diệu kỳ của “thành phố thùy dương sóng vỗ rất hiền”…


Những tuyến đường mở ra cơ hội


Những ngày Tháng 4 lịch sử của 39 năm trước, khi đang trên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ, nhà thơ Giang Nam được tin quê nhà giải phóng. Giây phút “Đi giữa đường Trường Sơn/Nghe quê mình giải phóng”, ông cứ ngỡ như đang mơ, niềm vui vỡ òa, rưng rưng bởi “những nhục nhằn, cay đắng”, ba mươi năm đằng đẵng đã “vĩnh viễn qua rồi”...


39 năm sau ngày “Đất lại về ta, đất xương thịt của mình/ Biển lại về ta, biển rất rộng rất xanh”, tiếng gọi quê hương “Khánh Hòa, Nha Trang ơi!” ngày ấy vẫn tha thiết trong tim nhà thơ lão thành. Dưới mái hiên nhà giữa lòng phố biển, nơi nhà thơ Giang Nam làm việc và thường tiếp bạn văn chương, ông vẫn nói với những người trẻ chúng tôi câu chuyện về Tháng 4. Nhưng đó không chỉ là chuyện về những ngày “lạt muối, đói cơm kháng chiến trường kỳ”; không chỉ là cảm xúc của “Ba mươi chín năm vẫn nguyên vẹn ân tình/Chiến thắng, tự do và niềm vui đoàn tụ/Ngày kết thúc tuyệt vời của một cuộc chiến tranh” (Ngày ta về thành phố) mà còn chuyện về những thay đổi diệu kỳ của thành phố biển.

 

Bà Phan Thị Hạnh và ông Phan Ngọc Minh ôn lại kỷ niệm  những năm kháng chiến.
Bà Phan Thị Hạnh và ông Phan Ngọc Minh ôn lại kỷ niệm những năm kháng chiến.


“Cả thành phố đã thay đổi rất nhiều. Ấn tượng nhất là những con đường mới mở. Trước đây, đi khỏi Bình Tân là hết đường. Còn giờ đây, thênh thang với Đại lộ Nguyễn Tất Thành nối Nha Trang tới tận Cam Ranh. Rồi con đường chạy ven biển qua Lương Sơn (xã Vĩnh Lương); tuyến đường nối Nha Trang - Đà Lạt. Những tuyến đường mở ra cơ hội phát triển mới. Cả thành phố nhà cửa san sát, cuộc sống người dân được cải thiện, đã mang dáng dấp một thành phố hiện đại…”, nhà thơ Giang Nam nhận xét.  


Chiều muộn, tại nhà riêng của bà Phan Thị Hạnh (tổ trưởng tổ dân phố 13, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang), bà Hạnh, ông Phan Ngọc Minh (Phó Chủ tịch Hội Truyền thống kháng chiến cứu nước tỉnh, Chủ tịch Hội truyền thống kháng chiến cứu nước TP. Nha Trang) và ông Huỳnh Đức Đi (Chủ tịch Hội Truyền thống kháng chiến cứu nước phường Vĩnh Hòa) hàn huyên về một thời nằm hầm bí mật bám đất, bám dân với quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”. Tuy sức khỏe đã yếu nhưng từ giọng nói, tiếng cười, phong cách của bà Hạnh vẫn toát lên sự mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt của nữ đội trưởng đội biệt động Hạnh “lỳ” nổi tiếng năm xưa, từng bị địch treo thưởng cho ai bắt được. 13 tuổi, cô con gái duy nhất của “gia đình cộng sản nòi” có cái tên hiền như đất - Phan Thị Lành đã thoát ly hoạt động cách mạng. Sau những lần gan góc đối mặt với kẻ thù, vượt vây, diệt ác ôn, cái tên Phan Thị Lành đổi thành Phan Thị Lỳ.

 

Một góc đường Trần Phú, TP. Nha Trang. Ảnh: Trần Minh Ngọc

 

Mấy chục năm đã qua, trong lòng ông Minh, bà Hạnh, ông Đi vẫn vẹn nguyên niềm vui giải phóng, khí thế những ngày đầu xây dựng chính quyền. “Lễ mít tinh mừng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước tổ chức ngày 1-5-1975 tại sân vận động. Tôi được phân công ủy viên quân quản phường Vạn Thạnh, xách loa vận động nhân dân. Lúc đó, khí thế lắm, người dân phấn khởi đi dự mít tinh” - ông Minh nhớ lại. Những con đường từng in dấu chân của họ năm xưa, những vùng quê họ từng được người dân nuôi dưỡng, che giấu đều đã thay đổi. Bà Hạnh nhận xét: “Bây giờ, những con đường từ nông thôn đến nội thị đều đã được bê tông hóa. Kinh tế đã phát triển rõ nét…”.


Bước chuyển mình vượt bậc


Hơn 80 tuổi, ông Đào Văn Nhân (tổ dân phố 1 Định Cư, phường Tân Lập, TP. Nha Trang) thuộc thế hệ chứng kiến sự thay đổi liên tục của thành phố từ sau giải phóng đến nay. Sinh ra ở khu vực Cù Lao - Xóm Bóng, ông Nhân sớm tham gia hoạt động cách mạng, rồi tập kết ra Bắc năm 1954. Hòa bình lập lại, tháng 5-1975, ông đưa gia đình trở lại quê hương. “Còn nhớ, khi ấy, nhà cửa đều thấp lè tè, chỉ có Khách sạn Nha Trang (lầu bảy - nằm ở đường Thống Nhất hiện nay) là tòa nhà cao nhất. Bây giờ, nó đã lẫn trong vô số nhà cao tầng của phố biển” - ông Nhân bắt đầu câu chuyện.

 

 

Với ông Nhân, so với hồi mới giải phóng, con đường Lê Hồng Phong biến đổi dễ nhận thấy nhất. Hiện nay, đây là một trong những con đường giao thông đông đúc nhất của Nha Trang. Thỉnh thoảng đi lại trên con đường này, hai bên nhà cửa san sát, chợt gợi lại trong ông về hình ảnh con đường nhỏ, rải đá; một bên là các cơ sở của quân đội, một bên là bãi cát trải dài, không bóng dáng nhà dân.


Sau những năm khó khăn thời bao cấp, từ năm 1990 trở đi, cuộc sống đã đỡ hơn. Từ những năm 1995 trở đi, Nha Trang bắt đầu chuyển mình. Và sau năm 2000, người dân thành phố bắt đầu chứng kiến sự đổi thay từng ngày của phố biển. Ông Nhân nhìn nhận: “Thành phố phát triển nhanh quá. Khu vực thưa thớt dân cư trước đây giờ là khu phố Tây sầm uất. Bãi Trũ - Hòn Tre trước đây chỉ có vài chục hộ dân hầu hết sống bằng nghề câu mực, giờ khu vực này đã thành khu du lịch cao cấp Vinpearl, điểm nhấn cho du lịch Nha Trang. Con đường Trần Phú đoạn gần sân bay trở đi lúc bấy giờ chỉ là những nhà kho cũ của quân đội, giờ đã san sát nhà hàng, khách sạn. Bãi biển ngày càng nhiều khách nước ngoài”.


Thuộc thế hệ sau này, tôi không thể hình dung ra con đường Nguyễn Thị Minh Khai cái thời trời mưa là lầy lội, con đường Vân Đồn vắng vẻ cỏ mọc đầy như lời ông Nhân kể. Tuy nhiên, tôi có may mắn chứng kiến sự chuyển mình của thành phố hơn chục năm trở lại đây. Thành phố ngày càng mở rộng hơn. Con đường ven biển với rất nhiều khách sạn cao cấp. Hai bên cầu Trần Phú là công viên, bờ kè rộng rãi, thoáng đãng thay thế cho những ngôi nhà xập xệ, nhếch nhác trước đây. Khu đô thị mới Vĩnh Điềm Trung đẹp và hiện đại đã hình thành. Nhiều tuyến đường như: Yersin, Lê Thánh Tôn, Pasteur… được mở rộng. Những con phố về đêm rực rỡ, sầm uất và ngủ muộn hơn, đúng nghĩa của thành phố du lịch…


Trong câu chuyện với chúng tôi, các bậc cha chú đều bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của thành phố sau ngày nước nhà thống nhất. Thế hệ đi trước đã không sợ hy sinh, không tiếc máu xương vì độc lập - tự do của dân tộc. Họ mong rằng, lớp người đi sau sẽ tiếp bước, tự hào, gìn giữ, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết xây dựng thành phố ngày càng phát triển.


N.D