07:04, 26/04/2014

Mùa "hoa dù" nở

Hàng năm, cứ đến Tháng tư, Trường Sĩ quan Không quân lại tổ chức cho sĩ quan và học viên thực hành nhảy dù. Hình ảnh những chiếc dù trắng bung nở trên bầu trời Nha Trang vào mỗi buổi sáng thật đẹp mắt. Những người lính không quân ví von đó là mùa "hoa dù" nở.

Hàng năm, cứ đến Tháng tư, Trường Sĩ quan Không quân lại tổ chức cho sĩ quan và học viên thực hành nhảy dù. Hình ảnh những chiếc dù trắng bung nở trên bầu trời Nha Trang vào mỗi buổi sáng thật đẹp mắt. Những người lính không quân ví von đó là mùa “hoa dù” nở.


Lần đầu nhảy dù


5 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại bãi dù của Trường Sĩ quan Không quân để chuẩn bị theo chiếc trực thăng Mi-8 thả dù. Chỉ huy đoàn thông báo đây là chuyến thả học viên năm nhất - tức là lần đầu tiên được nhảy dù, khiến ai cũng hồi hộp. Học viên phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị cho chuyến bay. Thượng tá Nguyễn Như Thái, Chủ nhiệm Bộ môn dù Trường Sĩ quan Không quân kiểm tra dù chính, dù phụ của từng học viên. Vừa chỉnh lại dây an toàn cho học viên, Thượng tá Thái vừa ân cần dặn dò: “Nên bình tĩnh trong mọi tình huống. Khi đứng trước cửa máy bay, phải nhảy quyết đoán”.

 

Động tác rời khỏi trực thăng phải dứt khoát, quyết đoán.
Động tác rời khỏi trực thăng phải dứt khoát, quyết đoán.


“Năm nay có đến 75 học viên năm nhất, trong đó có 5 học viên Campuchia. Lần đầu tiên bao giờ cũng khó khăn. Quan trọng nhất là lỡ xảy ra bất trắc, học viên có bình tĩnh xử lý được không. Trong quá trình đào tạo lý thuyết và thực hành trên mặt đất, chúng tôi luôn dặn học viên phải tin tưởng vào những gì đã được học. Trước khi lên máy bay, chúng tôi phải làm công tác tư tưởng cho các em thêm lần nữa…” - Thượng tá Thái tâm sự.


Đúng 5 giờ 30 phút, chiếc Mi-8 cất cánh khỏi bãi dù. Sau gần 10 phút bay, chiếc Mi-8 quay vòng vòng rồi xác định độ cao, tâm (cột chữ T gắn ống gió được dựng ở giữa bãi dù) và hướng gió. Một bao cát nặng khoảng 30kg được ném từ độ cao gần 800m xuống. Tùy vào độ dạt của bao cát về hướng nào so với tâm để phi công điều chỉnh vị trí thả học viên. Đại úy Cao Sĩ Viên gọi to: “5 người hàng đầu chuẩn bị”. Lập tức 5 học viên đứng dậy bước ra cửa máy bay, thắt dây kéo từ túi dù ổn định vào thành trực thăng. Trên gương mặt từng học viên lộ rõ nét căng thẳng. Cửa trực thăng được mở bung, từng học viên nhảy bật ra sau khi nghe lệnh của thầy. Chỉ khi dù bung ra, chúng tôi mới thấy ở xa tít có 5 bông hoa trắng đang lơ lửng giữa bầu trời, phía dưới là biển Nha Trang xanh ngắt.


Dưới mặt đất, Thiếu tá Lê Bật Trường liên tục hô to vào loa: “Số 1 kéo dây dù bên trái”, “Số 2 kéo dây dù bên phải”, “Số 3 giật hai dây điều khiển phía sau”, “Tất cả nhớ khi tiếp đất phải khép chân lại”. Khi thấy hai dù đi sát nhau, Thiếu tá Trường hét lớn: “Số 3 và số 4 tránh xa nhau ra, quay mặt về tâm”…


Sau khi tiếp đất an toàn, học viên Hoàng Đức Anh nở nụ cười tươi rói. Anh có vẻ thích thú với cảm giác này: “Lúc ra khỏi máy bay, tôi bị ngộp, một cảm giác sợ hãi đến trong tích tắc. Tôi rơi tự do khoảng 3 giây thì dù chính bung ra. Tôi định thần lại rồi cố tìm tâm để hướng dù về đó theo đúng những gì đã được học. Khi chân chạm được đất thì cảm giác vỡ òa, giống như mình vừa vượt qua được một giới hạn khó khăn nào đó”.

 

Trực thăng Mi-8 thả dù.
Những chiếc dù màu sắc sặc sỡ.


 Thượng tá Thái cho biết, đối với những học viên năm nhất, nhà trường phải đào tạo khoảng 70 tiết lý thuyết và khoảng 20 tiết ngoài giờ thì mới có thể lên máy bay. “Quan trọng nhất là chúng tôi đào tạo cho học viên xử lý bất trắc trên không. Ví dụ, khi hai dù lao vào nhau thì cả hai người đều phải giật dây lái bên phải. Nếu ở gần quá không kịp xử lý thì người ở phía trên phải dang tay ra rộng nhất để không bị chui vào dù của người phía dưới hoặc đạp chân vào nhau”.


Mùa “hoa dù” nở


Theo quy định của Quân chủng Phòng không Không quân, hàng năm đúng vào Tháng tư, nhà trường tổ chức cho học viên và sĩ quan nhảy dù. Học viên nhảy 2 lần, còn sĩ quan làm việc trên không từ 35 tuổi trở xuống thì nhảy 1 lần. “Tuy những sĩ quan làm việc trên không đã được học nhảy dù thành thạo nhưng chúng tôi vẫn tổ chức nhảy dù hàng năm để không quên cảm giác ngoài không trung, các động tác bung dù, xử lý tình huống. Bên cạnh đó còn rèn luyện lòng dũng cảm, trong quá trình hoạt động trên không nếu xảy ra bất trắc có thể xử lý kịp thời”, Thượng tá Thái cho biết.


Đại úy Trần Xuân Trung (Trung đoàn Không quân 920 Trường Sĩ quan Không quân) nói: “Tuy nhảy thành thạo nhưng mỗi lần nhảy là một lần mới nên không thể nói trước được gì. Chính vì vậy, việc nhảy dù hàng năm là rất cần thiết đối với những người hoạt động trên không như chúng tôi”. Còn Đại úy Chu Văn Hiếu tâm sự: “Lúc mới nhảy khỏi trực thăng thì hơi bị ngợp một chút, nhưng khi dù đã bung ra thì cảm giác rất thoải mái, vừa ngắm toàn bộ thành phố xinh đẹp, vừa lái dù về tâm. Nếu ngắm từ dưới mặt đất, những chiếc dù bung ra trắng toát tựa như những bông hoa xinh xắn giữa bầu trời, chúng tôi thường ví von mùa này là mùa “hoa dù” nở…”.

 

Trực thăng Mi-8 thả dù.
Trực thăng Mi-8 thả dù.


Kể về những kỷ niệm trong quá trình giảng dạy và thực hành nhảy dù của mình, Thượng tá Thái nhớ lại: Năm ngoái từng có một học viên Campuchia nhảy khỏi trực thăng nhưng dù chính không bung được, bắt buộc anh phải bung dù phụ. Do dù phụ có tiết diện nhỏ nên tốc độ rơi rất nhanh, thường gấp 1,5 lần dù chính, (gần 8m/giây). Do dù rơi quá nhanh, anh không lái dù về bãi được nên phải “hạ cánh” trên… nóc nhà nằm sát trường. Trước đó cũng có một trường hợp một học viên do bật nhảy khỏi máy bay không đúng kỹ thuật nên bị vướng vào máy bay khiến dù chính bung chậm. “Anh này thấy dù chính không bung nên vội giật dù phụ, nhưng vừa giật xong thì dù chính bung ra. Rất may anh đã nhanh tay ôm trọn dù phụ lại. Nếu để hai dù cùng bung thì vướng vào nhau, không còn tác dụng. Đây là hai sự cố hiếm hoi trong quá trình nhảy dù, nhưng phi công đã bình tĩnh, xử lý nhanh, đúng những gì nhà trường đào tạo nên không có điều gì đáng tiếc xảy ra”, Thượng tá Thái cho biết.

 

Theo Thượng tá Nguyễn Như Thái, Chủ nhiệm Bộ môn dù Trường Sĩ quan Không quân, năm nay mùa “hoa dù” nở kéo dài từ ngày 4 đến ngày 21-4, với khoảng 340 lượt người nhảy dù. Ngoài sĩ quan, học viên của trường còn có sự tham gia của Quân chủng Phòng không - Không quân, Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 (Quân chủng Hải Quân), Lữ đoàn đặc công chống khủng bố 198, Lực lượng trinh sát đặc nhiệm Cục 2, Đoàn đặc công 10 (Quân khu 7), Câu lạc bộ Hàng không phía Nam.

Trung tá Trịnh Quang Vĩnh, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Không quân 920 khẳng định: “Dù là phương tiện duy nhất để phi công tự cứu mình khi có bất trắc xảy ra khi đang hoạt động trên không. Khi đang chiến đấu trên máy bay, nếu bị địch bắn cháy thì phi công phải nhanh chóng nhảy khỏi máy bay và bung dù để thoát thân. Khi hoạt động bình thường mà gặp sự cố không thể cứu vãn, phi công cũng phải xử lý tương tự. Nếu gặp tai nạn trong chiến đấu, phi công nhảy khỏi máy bay thì không điều khiển dù, để dù tự rơi. Khi đi tìm kiếm, sẽ căn cứ vào vị trí gặp nạn, đo tốc độ gió để đến được vị trí dù rơi”.


 “Đối với việc nhảy dù hàng năm, vấn đề an toàn được đặt lên hàng đầu. Trước khi nhảy khỏi máy bay, dây kéo phải móc vào túi dù ổn định của phi công. Khi vừa nhảy khỏi máy bay thì dây kéo giật cho dù ổn định mở. Lúc đó một máy bán tự động để mở dù chính được hoạt động. Nếu sau 3 giây, phi công vì lý do nào đó không giật bung dù chính thì máy này sẽ tự động làm điều đó”, Thượng tá Thái cho biết về độ an toàn của việc nhảy dù.


V.K