11:04, 22/04/2014

Lương y của làng

Đó là tên gọi mà nhiều người dân ở phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đặt cho lương y Nguyễn Văn Sử - Trạm Y tế phường Ninh Giang. Không chỉ tâm huyết với nghề, tận tâm chăm sóc người bệnh, ông còn tích cực tham gia công tác thiện nguyện, giúp đỡ nhiều người vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Đó là tên gọi mà nhiều người dân ở phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đặt cho lương y Nguyễn Văn Sử - Trạm Y tế phường Ninh Giang. Không chỉ tâm huyết với nghề, tận tâm chăm sóc người bệnh, ông còn tích cực tham gia công tác thiện nguyện, giúp đỡ nhiều người vượt qua hoàn cảnh khó khăn.


Tìm lại ánh sáng cho người già

 

Hơn 7 giờ ngày 18-4, hàng chục người dân tập trung trước phòng khám Đông y (Trạm Y tế phường Ninh Giang) - nơi làm việc của lương y Nguyễn Văn Sử. Ông Nguyễn Thanh (85 tuổi, xã Ninh Quang) nói: “Tôi sắp được ông Sử đưa đi khám, mổ mắt miễn phí ở TP. Hồ Chí Minh. Hôm nay, mọi người tập trung về đây để ký vào hồ sơ khám bệnh và nghe ông dặn dò trước khi đi. Mắt trái của tôi bị mờ đã mấy năm nay nhưng không có tiền chữa trị. Nay được đưa đi khám và mổ mắt miễn phí, tôi mừng lắm”. Năm ngoái, ông Thanh cũng được ông Sử đưa đi mổ mắt phải bị cườm nước. Giờ đây, mắt phải của ông nhìn khá rõ. Hiện nay, ông tiếp tục được đưa đi mổ mắt còn lại. Phần lớn những người tập trung ở đây để đăng ký đi mổ mắt đều lớn tuổi. Họ đến từ nhiều miền quê trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, TP. Nha Trang; cũng có người ở tận tỉnh Đồng Nai, nghe tin lương y Nguyễn Văn Sử giúp người nghèo đi mổ mắt nên tìm đến đăng ký.

 

Ông Sử kiểm tra lại mắt cho một người dân đã được đưa đi mổ.
Ông Sử kiểm tra lại mắt cho một người dân đã được đưa đi mổ.



Hơn chục năm nay, bà Đoàn Thị Oanh (84 tuổi, ở tổ dân phố Thanh Châu, phường Ninh Giang) sống một mình, các con của bà đã có gia đình ở riêng. Tuy đôi mắt bị mộng thịt, không nhìn được rõ, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên bà Oanh vẫn để vậy. Nhìn đôi bàn tay nhăn nheo lần mò xếp đồ và vật dụng cá nhân vào chiếc túi đã sờn cũ cho chuyến đi mổ mắt, chúng tôi hiểu được phần nào nỗi khổ của bà. Bà Oanh chia sẻ: “Chúng tôi chỉ lo tiền xe (450.000 đồng/người), còn ăn uống, thuốc men đều được hỗ trợ. Tôi dành dụm được ít tiền, số còn lại được con cái cho. Mong sao sau chuyến đi này, đôi mắt của tôi nhìn rõ hơn, đỡ khổ cho thân già”.

 

Không riêng trường hợp bà Oanh, nhiều người dân được đưa đi mổ mắt đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Được biết, từ năm 2010 đến nay, ông Sử đã liên hệ với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh để đưa 984 người đi khám mắt, trong đó có 819 người được mổ mắt miễn phí. Đợt này, ông tiếp tục đưa khoảng 60 người đi khám và mổ mắt.

 

Người dân được ông Sử (bìa phải) căn dặn trước khi đi mổ mắt.
Người dân được ông Sử (bìa phải) căn dặn trước khi đi mổ mắt.

 


Thầm lặng làm phúc cho đời

 

Ông Nguyễn Thướng - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh: Lương y Nguyễn Văn Sử là hội viên tiêu biểu của Hội Đông y tỉnh. Bằng sự chịu khó học hỏi, tìm tòi, ông đã cứu chữa cho nhiều bệnh nhân bằng phương pháp y học cổ truyền. Ngoài ra, ông còn tích cực vận động, liên kết với các tổ chức thiện nguyện để đưa người dân đi mổ mắt, cấp xe lăn, cấp gạo… Hội Đông y tỉnh đánh giá cao và đã khen thưởng lương y Nguyễn Văn Sử về những đóng góp của ông cho công tác từ thiện trong giai đoạn 2009 - 2013.

“Người vác tù và hàng tổng”, “Lương y của làng”… là những từ cảm mến mà nhiều người dân ở phường Ninh Giang đặt cho lương y Nguyễn Văn Sử. Đối với người dân nơi đây, ông không chỉ là lương y có tay nghề chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền, mà còn là người có tấm lòng nhân ái. Ông luôn dành sự quan tâm đến đối tượng người nghèo, người già neo đơn không nơi nương tựa. Vì vậy, suốt những năm hành nghề thầy thuốc, ông đã vận động các nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện giúp đỡ cho những đối tượng này. Năm 2009, ông đã vận động Hội Vòng tay nhân ái TP. Hồ Chí Minh cấp gạo miễn phí suốt đời cho 21 người già neo đơn trên địa bàn phường. Tuy số gạo được cấp không nhiều (10kg/người/tháng) nhưng đã giúp biết bao cụ ông, cụ bà thoát cảnh khó khăn. “Vợ chồng tôi không có con cái nên khi chồng mất (năm 1999), tôi sống một mình. Tiền hỗ trợ người cao tuổi hàng tháng (hơn 200.000 đồng) không đủ chi tiêu. Tháng 5-2010, nhờ ông Sử, tôi được nhận gạo miễn phí nên cũng đỡ vất vả phần nào”, bà Lê Thị Thiểu (85 tuổi, tổ dân phố Phong Phú 1, phường Ninh Giang) nói. Từ 21 trường hợp ban đầu, đến nay, số người được nhận gạo miễn phí đã tăng lên 31 người, trong số đó có cả người dân của địa phương khác. Vào ngày mùng 2 hàng tháng, người dân lại tập trung về chùa Long Phước (phường Ninh Giang) để nhận gạo. “Hiện nay, tôi đã lập danh sách để xin cấp gạo cho 29 trường hợp nữa. Sắp tới, Hội Vòng tay nhân ái TP. Hồ Chí Minh sẽ ra khảo sát”, ông Sử cho biết. Nhìn danh sách những người được nhận gạo ngày càng nhiều, chúng tôi hiểu rằng, công sức của ông Sử cũng ngày càng lớn.


Không chỉ xin cấp gạo miễn phí, ông Sử còn vận động xin cấp xe lăn cho người già, người tàn tật. Đến nay, ông đã tiếp nhận 50 xe lăn của Hội Vòng tay nhân ái TP. Hồ Chí Minh để trao cho các gia đình. Bà Nguyễn Thị Sớt (tổ dân phố Phú Thạnh, phường Ninh Giang) kể: “Chồng tôi bị bại liệt đã 5 năm nay. Nhờ ông Sử và tổ chức thiện nguyện cấp xe lăn nên việc di chuyển được dễ dàng, thuận lợi hơn. Vừa rồi, gia đình nhận được xe lăn mới, thay cho chiếc cũ đã bị hư. Không chỉ hỗ trợ về vật chất, ông còn thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên…”.


Cái duyên với nghề


Từ nhỏ, ông Sử vốn yêu thích việc tìm hiểu tác dụng của các loại cây thuốc nam. Trong thời gian làm cán bộ ngành Lâm nghiệp rồi nhập ngũ, ông đã dùng một số loại cây thuốc phổ thông để chữa bệnh. Lúc đó, việc tìm hiểu thuốc nam với ông chỉ là sở thích cá nhân. Cho đến khi ông xuất ngũ, gia đình gặp biến cố lớn, vợ ông bị bại liệt. Bác sĩ khuyên ông nên đưa vợ đi TP. Hồ Chí Minh chữa trị để có khả năng hồi phục cao hơn. Tuy nhiên lúc đó, hoàn cảnh gia đình ông rất khó khăn, vì vậy ông quyết định đưa vợ về nhà và tự chữa trị bằng thuốc nam. Ông đã mày mò nghiên cứu và tìm các vị thuốc từ cuốn cẩm nang “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi để sắc cho vợ uống. Gần 2 tháng sau, bệnh tình của vợ ông có dấu hiệu giảm, chân bắt đầu phục hồi và đi lại được. Tiếng lành đồn xa, mỗi khi ốm đau, bệnh tật, người dân trong làng thường tìm đến ông và được chữa khỏi. Được gia đình và bà con hàng xóm khuyến khích, ông theo học lớp Đông y của Hội Đông y tỉnh. Sau đó, ông về Trạm Y tế phường Ninh Giang khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền. Trong vườn cây thuốc của Trạm Y tế phường, ông trồng gần chục loại thuốc nam để phục vụ cho công việc chữa bệnh. Đến nay, ông đã có gần 20 năm hành nghề. Ông đang là Chi hội trưởng Chi hội Đông y phường Ninh Giang.

 

Ông Sử thăm hỏi gia đình bà Sớt.
Ông Sử thăm hỏi gia đình bà Sớt.


Ông Sử bày tỏ: “Trong quá trình khám, chữa bệnh, đối tượng mà tôi tiếp xúc nhiều nhất là người già. Họ không chỉ khó khăn khi thiếu ánh sáng của đôi mắt, bị bại liệt mà còn vất vả khi lâm vào hoàn cảnh neo đơn không nơi nương tựa. Vì vậy, bằng các mối quan hệ quen biết, tôi luôn cố gắng vận động, quyên góp để giúp đỡ các đối tượng này”. Ban đầu, công việc từ thiện gặp rất nhiều khó khăn, từ việc tổ chức cho người dân đăng ký, đưa đi mổ mắt, đến khảo sát các hộ dân để nhận gạo, xe lăn… Người hiểu chuyện thì cảm thông và chia sẻ với tấm lòng thiện nguyện của ông; người không hiểu thì lời ra, tiếng vào. Thế nhưng, 5 năm qua, số người được ông đưa đi mổ mắt miễn phí, cấp gạo, trao xe lăn ngày càng nhiều. Điều đó càng cho thấy tấm lòng thiện nguyện của ông.


Sự nỗ lực của lương y Nguyễn Văn Sử đã được người dân, các cấp chính quyền, tổ chức ghi nhận và đánh giá cao. Năm 2013, ông vinh dự nhận được giấy khen và kỷ niệm chương của Hội Đông y tỉnh về những đóng góp trong chuyên môn và công tác từ thiện.


HÀ DUNG