09:03, 12/03/2014

Kỳ 2: Đường đi của gỗ lậu

Gỗ lậu được các đối tượng vận chuyển từ xã Khánh Thượng về thị trấn Khánh Vĩnh và huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) chủ yếu bằng đường bộ, đường sông. Tuy lực lượng chức năng đã biết và tổ chức chốt chặn, thế nhưng gỗ lậu vẫn lọt về xuôi...

Gỗ lậu được các đối tượng vận chuyển từ xã Khánh Thượng về thị trấn Khánh Vĩnh và huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) chủ yếu bằng đường bộ, đường sông. Tuy lực lượng chức năng đã biết và tổ chức chốt chặn, thế nhưng gỗ lậu vẫn lọt về xuôi...


Đột nhập điểm kết bè


Trời về chiều, hàng chục xe gắn máy chở gỗ lậu từ rừng đầu nguồn Khánh Thượng trở ra đều tấp lại tại bến Bà Hai (thôn Suối Cát, xã Khánh Thượng). Gỗ tháo xuống khỏi xe, ngay lập tức được kết bè rồi dùng phao (làm từ ruột ô tô) để thả xuôi theo dòng sông Cái. Khi chúng tôi đến, có hơn 10 người lớn, nhỏ hì hục kéo gỗ ra suối để kết bè. Phía trên bờ, một nhóm thiếu niên mang theo phao, đợi người thân đưa gỗ từ rừng ra. Người dẫn đường cho biết, 18-19 giờ tối mới là cao điểm của việc thả bè.

 

1
Lâm tặc kết bè gỗ để vận chuyển bằng đường sông.


Thấy người lạ, một số người dò hỏi; sau khi yên tâm, họ mới tiếp tục công việc. Theo quan sát, gỗ được cột chặt vào một chiếc ruột ô tô bơm căng hơi để làm bè nổi, nếu có thêm hộp gỗ thứ hai thì buộc dây để dắt theo khi chống bè đưa gỗ xuôi dòng. Cũng có người lại dùng 2-3 hộp gỗ kết lại thành bè, sau đó dùng 2 chiếc ruột ô tô căng hơi cột vào 2 đầu để bè gỗ nổi lên. Khi việc kết bè hoàn tất, các lâm tặc lên xe về làng, để phần chống bè xuôi dòng cho các thiếu niên. Lân la làm quen, Pinăng L. (thanh niên Raglai, người chở gỗ) cho biết, hàng ngày, anh mua gỗ từ các thợ cưa trong rừng, sau đó kéo gỗ ra điểm giấu xe, rồi vận chuyển gỗ về bến để kết bè. L. để cho em trai chống bè đưa gỗ xuôi theo dòng sông Cái. Việc kết bè để đưa gỗ theo đường suối về làng nhằm giảm sự chú ý của người dân, nếu có bị lực lượng chức năng phát hiện thì chỉ cần đâm thủng ruột ô tô là gỗ chìm. Kiểm lâm chỉ bắt được gỗ chứ không bao giờ bắt được người.


Qua tìm hiểu, dọc theo sông Cái (đoạn từ bến Bà Hai đến bến Đá Nhảy) có 3-4 điểm có thể tấp vào bán gỗ. Các đầu nậu thường cho người túc trực tại đây để mua. Sau khi đã mua, gỗ lại được kết thành bè lớn hơn, rồi đầu nậu thuê người đưa về thị trấn Khánh Vĩnh, hoặc huyện Diên Khánh bằng đường sông. Theo những người vận chuyển, việc đưa gỗ từ Thác Hòm về đến thị trấn Khánh Vĩnh bằng đường sông mất khá nhiều thời gian, nhưng an toàn hơn. Nếu xuất phát từ 19 giờ hôm trước thì phải đến tầm 2-3 giờ sáng hôm sau mới đến nơi. Cứ mỗi bè gỗ vận chuyển trót lọt, người chống bè sẽ nhận được thù lao khoảng 400.000 đồng, nếu bè gỗ bị bắt thì người vận chuyển không phải đền tiền mà được bồi dưỡng khoảng 200.000 đồng/chuyến. Ở 2 thôn Đa Râm và Suối Cát (xã Khánh Thượng) có không ít người chuyên vận chuyển gỗ thuê. Đi trong làng, có thể dễ dàng bắt gặp cảnh người dân chở ruột ô tô ngược lên đầu nguồn... Ngoài đường sông, đầu nậu còn đưa gỗ vào điểm tập kết cất giấu, chờ thuận tiện sẽ dùng ô tô vận chuyển theo đường bộ.


Theo dấu xe chở gỗ lậu


Những ngày ở xã Khánh Thượng tìm hiểu về nạn khai thác gỗ trái phép, nhiều người đã “bật mí” về địa điểm Trại Bò (xóm Thác Hòm) của ông Thắng. Trại Bò là nơi nuôi bò kéo gỗ, chỗ ở của lâm tặc, đồng thời cũng là điểm tập kết đưa gỗ về xuôi bằng ô tô. Qua tìm hiểu, gỗ lậu được quân của ông Thắng khai thác trong rừng, sau đó cho bò kéo gỗ từ rừng ra đến suối Đa Rao. Chiều về, xe công nông sẽ lợi dụng đường đi của xe reo Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa để chở ra khu vực Trại Bò cất giấu, rồi tìm cách đưa gỗ về xuôi bằng đường bộ.


Sau một thời gian mật phục ở rẫy keo cạnh Trại Bò, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh bốc gỗ ở trại bò ông Thắng.  Khoảng 15 giờ, chiếc ô tô tải biển kiểm soát 79D-92xx tiến vào sau nhà trại. Cắt cử người cảnh giới xong, 4 thanh niên hì hục đưa 6 hộp gỗ lên xe (khoảng hơn 1m3). Sau khi dùng bạt ni-lông phủ kín các hộp gỗ, tài xế cho xe chạy về thôn Suối Cát. Chạy đến ngã tư Khánh Thượng - Giang Ly, cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khánh Thượng chừng 200m, tài xế cho xe rẽ về hướng xã Giang Ly, từ đó theo một con đường nhỏ chạy sang đường Nha Trang - Đà Lạt (đoạn cầu Bến Lội) để về thị trấn Khánh Vĩnh. Hỏi chuyện, một người dân xã Khánh Thượng cho biết: “Để tránh Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khánh Thượng, các đối tượng vận chuyển gỗ cho xe chạy đến ngã tư này đều rẽ vào đường đi xã Giang Ly rồi vòng qua Sơn Thái. Ở đây, hầu như ai cũng biết quy luật hoạt động của họ”.

 

1
Các đầu nậu bốc gỗ ngay tại Thác Hòm (thôn Suối Cát, xã Khánh Thượng).


Sợ mất dấu, chúng tôi liền rồ ga bám theo. Ra đến đường Nha Trang - Đà Lạt, hơn 10 phút sau, chúng tôi thấy xe chở gỗ lậu đang ở địa phận xã Cầu Bà. Sau khi giảm tốc độ, xe vượt qua Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cầu Bà (xã Cầu Bà) một cách dễ dàng, bởi trong Trạm lúc ấy không có nhân viên nào. Dường như phát hiện có người bám theo, tài xế rồ ga cho xe phóng nhanh hơn nữa nên chúng tôi bị mất dấu. Nghi ngờ ô tô này tấp vào một con đường nhỏ nào đó thuộc địa bàn xã Cầu Bà, chúng tôi vòng xe lại. Thật vậy, khi quay lại, chúng tôi đã bắt gặp xe chở gỗ lậu từ con đường nhỏ khuất sau rừng keo thuộc địa bàn thôn Đá Trắng (xã Cầu Bà) chạy ra. Lúc này, tấm bạt trên xe đã được phủ kín lại, buộc cẩn thận. Qua chốt A Meo (thị trấn Khánh Vĩnh), nơi đóng quân của lực lượng Kiểm lâm cơ động tỉnh, tài xế giảm ga cho xe chạy từ từ và đã qua mặt 2 người ngồi trong chốt. Tài xế cho xe chạy về thị trấn Khánh Vĩnh rồi rẽ vào con hẻm cạnh Trường Mẫu giáo Sao Mai để xuống gỗ (tại con hẻm này có một xưởng gỗ)...  


Quản lý rừng từ đâu?


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Tấn - Đội trưởng Đội Quản lý bảo vệ rừng Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa thừa nhận, việc khai thác gỗ trái phép ở rừng đầu nguồn Khánh Thượng tăng hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng nên chỉ tập trung cho công tác phòng, chống cháy rừng. “Hiện nay, đã vào mùa khô, dự báo nguy cơ cháy rừng đã ở cấp độ nguy hiểm nên chúng tôi phải tập trung cho việc phòng, chống cháy rừng ở khu vực rừng trồng. Việc quản lý, bảo vệ rừng ở Khánh Thượng rất khó khăn vì thiếu nhân lực (4 người quản lý 18.000ha), thiếu phương tiện và công cụ cỗ trợ. Lâm tặc rất manh động, trong khi chúng tôi ít người, lại chỉ có dùi cui và roi điện, làm sao dám đụng vào? Mùa này là mùa khô nên anh em bảo vệ không dám làm căng với lâm tặc vì sợ bị họ đốt rừng để trả thù”, ông Tấn lý giải.

 

Ông Lê Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh: Trách nhiệm bảo vệ rừng trước hết phải do chủ rừng. Thế nhưng, thời gian qua, việc quản lý rừng tận gốc vẫn còn yếu. Chính vì vậy, chúng tôi đã có văn bản đề nghị tỉnh chỉ đạo chủ rừng phải phối hợp với chính quyền địa phương để giữ rừng từ gốc. Chủ rừng phải quản lý rừng tận khoảnh, phải nắm được khu vực nào có gỗ quý, khi bị xâm hại phải biết được để tổ chức ngăn chặn, chứ đợi khai thác rồi mới truy bắt thì hiệu quả cũng chỉ được phần nào bởi lâm tặc có quá nhiều đường đi”.

Việc quản lý rừng không chặt chẽ, trong khi đó, hiệu quả từ việc kiểm tra, xử lý của lực lượng Kiểm lâm ở vòng ngoài cũng chỉ được phần nào. Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh cho biết, để qua mặt Kiểm lâm, các đối tượng vận chuyển tìm đủ cách như: thay đổi xe liên tục, thay đổi biển số, chở nhẹ để ít bị nghi ngờ... Ngoài ra, các đối tượng còn đi những đường khác để tránh chốt A Meo như: rẽ từ cầu Cà Lung (xã Liên Sang) theo đường núi qua địa phận xã Khánh Thành rồi ra thị trấn Khánh Vĩnh hoặc đưa gỗ về Cầu Bà rồi chở xe máy qua cầu treo, theo đường bộ sang xã Khánh Nam. “Thời gian gần đây, việc vận chuyển gỗ lậu bằng đường bộ đã giảm hơn so với trước, nhưng việc vận chuyển gỗ bằng đường sông vẫn đang rất “nóng”. Lâm tặc khá manh động, có lần chúng tôi phát hiện lâm tặc vận chuyển gỗ định bắt giữ thì họ kéo đến rất đông. Khi bị bắt gỗ, có đầu nậu còn nhắn tin đe dọa...”, ông Tỉnh nói.


Theo Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh, 2 tháng đầu năm 2014, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 28 vụ vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn huyện, thu giữ hơn 40m3 gỗ xẻ hộp, giảm 21 vụ so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề: “Liệu các vụ vận chuyển gỗ trái phép ít bị phát hiện thì tình hình khai thác gỗ trái phép sẽ giảm?”, ông Nguyễn Tây - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh ngập ngừng: “Chúng tôi chỉ kiểm tra dưới này, chứ việc khai thác trong rừng làm sao biết được”. Ông Tây nhận định, nhu cầu sử dụng gỗ ngày càng cao, lợi nhuận từ gỗ lậu rất lớn nên số người đi làm gỗ lậu ngày càng nhiều. Trong khi đó, chủ rừng chưa chủ động trong việc tổ chức truy quét các đối tượng khai thác lâm sản trái phép nên hiệu quả chưa cao.


Ai cũng biết gỗ từ Khánh Thượng về xuôi chỉ có 2 con đường: đường bộ và đường sông. Điều đáng nói, dù có là đường nào thì cũng đi qua đoạn cầu Sông Cái (gần trụ sở UBND xã Khánh Thượng). Nhưng thật khó hiểu, bởi không có lực lượng nào tổ chức chốt ở đây. “Nếu lực lượng chức năng chốt tại cầu này thì có gỗ nào đi lọt?”, ông Pinăng Liễng - một người dân ở xã Khánh Thượng nói.


Tuy trời đã nhá nhem tối nhưng những tiệm sửa xe gắn máy ở Khánh Thượng vẫn tấp nập khách. Sau những ngày băng rừng lội suối, các lâm tặc lại đem xe vào tiệm để “tút” lại... Rồi đây, lại thêm nhiều cây gỗ bị hạ theo những chuyến xe này. Chợt nghĩ, nếu như số xe độ này bị cấm lưu thông, chắc chắn nạn khai thác gỗ trái phép sẽ giảm đáng kể. Điều đơn giản vậy, sao lâu nay lực lượng chức năng không làm?


THÀNH NGUYỄN - HẢI LĂNG

 

Kỳ 1: Náo loạn rừng xanh