11:03, 18/03/2014

Phập phồng... lưới đăng

"Chim trời cá nước biết đâu mà lần. Trời thương, biển bội thì kiếm chút đỉnh. Nhưng năm nào biển nhàn coi như lỗ nặng" - ông Hai Thọ (tổ dân phố Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) ngậm ngùi nói ngắn gọn về nghề lưới đăng.

“Chim trời cá nước biết đâu mà lần. Trời thương, biển bội thì kiếm chút đỉnh. Nhưng năm nào biển nhàn coi như lỗ nặng” - ông Hai Thọ (tổ dân phố Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) ngậm ngùi nói ngắn gọn về nghề lưới đăng.


Bích Đầm là làng đảo nằm xa bờ nhất trong số gần chục làng đảo của TP. Nha Trang, cách đất liền khoảng 2 giờ đi ghe. Làng nằm trên một doi đất phía Tây núi Hồng, thuộc đảo Hòn Tre. Làng Bích Đầm có hơn 200 hộ, hơn 1.000 dân, chuyên nghề lưới đăng lâu đời nhất ở Khánh Hòa. Gia phả, địa bạ còn lưu giữ được tại làng ghi rằng, vào năm Gia Long thứ 7 (1809), cụ tổ Trương Văn Cõi (quê quán ở Bình Định) đã đến khai phá vùng đảo này (lúc bấy giờ còn tên tục là đầm Môn, bãi Tre) và sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác đầm đăng. Đã mấy trăm năm trôi qua, những ngư phủ hậu sinh vẫn một lòng lưu giữ nghề đăng truyền thống, mặc cho những bấp bênh mà nghề đem lại.


Tiếp nối truyền thống

 


Tuy giờ đây, nghề lưới đăng không còn ở thời hoàng kim, nhưng phần lớn những người đã gắn bó với nghề này mấy chục năm đều không có ý định bỏ nghề. Trong những ngày ở Bích Đầm, lão ngư Võ Văn Lắm đã say sưa kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm buồn vui về cái nghề mà mình từng gắn bó hơn nửa thế kỷ qua. Qua tâm sự của ông, một ngọn lửa yêu nghề vẫn âm ỉ cháy trong huyết quản của ông lão đã bước vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Ngồi bên bãi đá ven biển lộng gió, ông tâm sự: “Hàng năm, từ tháng Chạp đến tháng 5 âm lịch, các loài cá khơi có giá trị kinh tế cao như: cá thu, cá ngừ, cá bò từ vùng biển phía Nam di cư lên phía Bắc thường đi dọc theo chân các gành đảo trong lộng. Nắm bắt được đặc điểm này, cụ tổ của làng này đã phát kiến một phương pháp đánh bắt vô cùng độc đáo đó là lưới đăng. Nghề này có quy mô lớn, lao động nhiều, sản lượng cao nhưng không phải di chuyển giàn lưới mà chỉ cắm, đón lòng ở những nơi cố định chờ cá đến. Đồ nghề gồm 5 giàn lưới khác nhau: lưới lưng, lưới rọ, lưới tráng, lưới hom, lưới bửng, đó là chưa kể tới giàn lưới rút để sẵn trên thuyền. Để giăng lưới, người ta phải kết bè, trải nạp trên mặt nước, giằng chì dưới đáy và thả nhiều neo để giữ giàn lưới đứng vững. Khi phát hiện đàn cá đã lọt vào, chỉ cần tung lưới rút xuống là đàn cá nằm trong đăng bị tóm gọn”.

 

Khẩn trương đóng cửa đăng khi có cá vào lưới.
Khẩn trương đóng cửa đăng khi có cá vào lưới.


Theo lời kể của lão ngư Võ Văn Lắm, nghề này nhìn thì đơn giản, nhưng thực sự để đánh bắt được nhiều hay ít đều phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm, kỹ thuật của người chỉ huy giàn đăng. Trong thời gian làm nghề, ông đã không ít lần nhận được sự khâm phục của nhiều chuyên gia đánh bắt hải sản Hàn Quốc, Nhật Bản đến đây nghiên cứu. Ít khi nói ra, nhưng từ sâu thẳm lòng mình, cụ Lắm vẫn mong muốn con cháu cố gắng giữ lấy nghề lưới đăng truyền thống. Còn nhớ, cách đây 2 năm, vì nhớ biển, nhớ nghề, ông đã bảo cô cháu gái sắm một giàn đăng để đăng ngay trước làng đảo Bích Đầm. Kiếm chẳng được bao nhiêu, song giàn đăng đã giúp “kình ngư” Ba Lắm thỏa lòng nhớ biển.


Cùng ý nguyện như vậy, anh Nguyễn Văn Thiệt - Đội trưởng sở đăng (chỉ địa điểm hoặc nhóm người làm nghề đăng - NV) Hòn Nọc - tâm sự: “Tuy làm ăn thất bát mấy năm liền, nhưng nghĩ nghề này đã theo gia đình tôi từ thời ông nội, nay bỏ sao đặng. Thôi thì tới đâu hay tới đó, mình cứ cố giữ lấy nghề truyền thống của cha ông để lại. Biết đâu vài năm nữa, nghề này lại khởi sắc”. Dường như những đau đáu với nghề lưới đăng đã và đang tiếp tục ăn sâu vào máu của những người con Bích Đầm. Ai đã từng “trót” mang nghiệp này vào thân đều mong muốn nghề đăng tiếp tục được lưu giữ. Vì thế, mới có chuyện cách đây hơn 10 năm, ông Hai Thọ được mời sang Nhật Bản để hành nghề và truyền nghề, nhưng ông đã từ chối, ở lại quê hương làm nghề và chỉ dẫn nghề cho con cháu.    


Lo theo từng con nước

 

Ngư dân sở đăng Mai Thọ kéo lưới thu cá.
Ngư dân sở đăng Mai Thọ kéo lưới thu cá.


Mấy hôm nay, gió khơi thổi vào thông thốc. Sóng biển cồn cào. Ngồi trên ghe gác đăng, ông Hai Thọ thở dài: “Sóng gió thế này thì làm ăn được gì nữa chú. Biển nhàn, chẳng kiếm được con cá để mà ăn cơm. Dân biển mà 2 bữa nay toàn ăn cơm với nước mắm. Chục anh em làm chung sở đăng mà không kiếm được cá thì cả nhà cũng coi như treo niêu”. Ông Hai Thọ bắt đầu câu chuyện nghề bằng những lời khá rầu rĩ. Đã 2 năm làm nghề đăng ở sở đăng Mai Thọ, năm nào cũng bị thua lỗ. Đầu tư một giàn lưới hàng trăm triệu đồng, nhưng thời gian qua, ông cùng với 8 bạn đăng chẳng kiếm được là bao. Ngồi trò chuyện trên ghe nhưng mắt ông Hai Thọ không rời khỏi mặt nước. Chỉ tay về phía cửa đăng, ông bông đùa: “Nghề này giống như kiểu há miệng chờ sung. Có cá vào thì làm, không có cá thì cứ ngồi đánh cờ, uống nước trà”. Mới nghe, tưởng như đây là nghề khá đơn giản, song thực tế lại không phải như vậy. Để làm được nghề này, tất cả những người tham gia đăng lưới phải thuần thục kỹ thuật, thao tác và quan trọng nhất phải có kinh nghiệm về luồng cá, con nước. Chi phí để làm đăng không hề nhỏ. Mùa vừa rồi, sở đăng của ông Hai Thọ đã thua lỗ mấy chục triệu đồng...


Cách sở đăng Mai Thọ không xa, Doanh nghiệp Tư nhân Tiến Thành với 30 công nhân cũng đang khẩn trương vá lại giàn lưới đăng chuẩn bị đem ra khu vực Hòn Nọc để cắm. Khi nói đến lợi nhuận mà giàn đăng thu được, anh Nguyễn Văn Thiệt cười như mếu: “Năm vừa rồi, sở đăng lỗ gần 300 triệu đồng. Mỗi tháng, doanh nghiệp phải bỏ ra 170 triệu đồng để trả tiền lương và các chi phí xăng dầu, ăn uống. Trước đây, nghề này còn kiếm sống được; vài năm trở lại đây, biển ít cá nên thất thu. Chim trời cá nước, không biết đâu mà dò”. Tuy mới bắt đầu vào mùa lưới đăng, nhưng những chủ đăng ở các sở đăng xung quanh Bích Đầm đã đứng ngồi không yên. Nếu thêm một mùa biển thất bát nữa thì lỗ trước chồng lỗ sau, cả sở đăng với mấy chục con người sẽ đứng trước nguy cơ phải bỏ nghề. Nỗi lo ấy cứ dần lớn lên theo từng con nước.


Ước vọng vươn khơi

 

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế TP. Nha Trang, mùa khai thác 2013, sản lượng của nghề lưới đăng giảm 39% so với mùa vụ 2012. Hầu hết các đơn vị đều thua lỗ nặng, một số sở đăng không thể tích lũy tái sản xuất. Nhiều cơ sở còn nợ tồn đọng từ những năm trước nên việc huy động vốn gặp không ít khó khăn. Đã vậy, những cơ sở đánh bắt bằng lưới đăng không được vay vốn ngân hàng; do đó, để tiếp tục làm nghề phải vay bên ngoài với lãi suất cao.

Ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Khánh Hòa: Lưới đăng là nghề truyền thống của ngư dân Nha Trang. Những năm gần đây, người làm lưới đăng gặp rất nhiều khó khăn. Để giữ gìn và phát huy nghề này, thiết nghĩ, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho ngư dân vay vốn, tránh tình trạng người dân phải vay vốn bên ngoài với lãi suất cao. Cùng với đó, chính sách thuế đối với nghề này cần được quan tâm hơn, có thể giảm, miễn thuế cho họ để tạo điều kiện thuận lợi cho nghề phát triển. Ngoài ra, nghề lưới đăng cũng cần có sự đổi mới về phương tiện, dây chuyền đánh bắt hiện đại để đạt năng suất cao hơn.

Giữa những bộn bề khó khăn, các sở đăng quanh làng đảo Bích Đầm vẫn ngày ngày âm thầm bám biển. Theo quan sát của chúng tôi, lưới đăng là một loại hình khai thác thủy sản thân thiện với môi trường sinh thái. Bởi đặc điểm cấu tạo của lưới đăng chỉ đánh bắt những loài cá có kích thước lớn nên không mang tính tận diệt. Còn theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Kinh tế TP. Nha Trang, nghề lưới đăng còn là một hoạt động góp phần củng cố an ninh quốc phòng, ổn định đời sống cư dân miền biển. Nói điều này, chúng tôi chợt nghĩ tới ước vọng của ông Hai Thọ: “Lâu nay, nghề lưới đăng vẫn được làm ở trong lộng, nếu có thể đem nghề này vươn ra khơi xa sẽ rất tốt. Tôi đã nghĩ tới chuyện sẽ đem lưới đăng ra làm ở vùng biển Trường Sa, nhưng do tiềm lực mỏng nên tâm nguyện vẫn chưa thành”. Mong ước của ông Hai Thọ cũng là suy nghĩ của nhiều người làm lưới đăng, bởi theo họ, các hình thức đánh bắt chính ở Trường Sa bây giờ là câu, lặn... rất nguy hiểm cho ngư dân mà sản lượng khai thác cũng không cao. Còn với lưới đăng, sau khi tìm hiểu kỹ con nước, luồng cá thì có thể đóng đăng ở đây. Với nguồn lợi thủy sản dồi dào ở vùng biển Trường Sa, nghề lưới đăng sẽ trúng lớn. Tuy nhiên, điều khiến cho ý định của những người làm nghề lưới đăng vẫn chỉ là ước vọng bởi chi phí đầu tư ban đầu của nghề này khá lớn. Nếu muốn vươn khơi, các sở đăng buộc phải có nhiều vốn đầu tư ghe tàu có công suất lớn và lưới cụ làm nghề. Cùng với đó, các chi phí về xăng dầu, tiền công lao động, giá cả sinh hoạt ngày càng tăng như hiện tại sẽ rất khó để thực hiện được. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, nghề lưới đăng vẫn chưa nhận được bất kỳ một sự hỗ trợ nào về vốn vay cũng như các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề từ phía Nhà nước. Những người làm lưới đăng vẫn đang phải tự bươn chải cùng nghề.


“Tuy Nhà nước quản lý hoạt động lưới đăng, nhưng lâu nay vẫn chưa có chính sách cụ thể nào để hỗ trợ nghề này. Địa phương chúng tôi cũng đã nhiều lần vận dụng một vài chính sách như: giải quyết việc làm, vốn hỗ trợ nông dân để hỗ trợ vốn vay cho những người làm lưới đăng. Nhưng tính ra cũng chẳng được là bao, người dân vẫn phải tự lo cho nghề nghiệp của mình”, ông Nguyễn Văn Phú - Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Nguyên cho biết.


Tạm biệt Bích Đầm khi hừng đông, văng vẳng trong làng tiếng những người làm lưới đăng gọi nhau ra sở đăng. Tiếng cười nói của những ngư phủ trẻ rộn vang trên sóng biển, lan theo từng con sóng, mang theo hy vọng về một mùa lưới đăng bội thu.

 

Đình Lâm - Nhân Tâm