10:03, 25/03/2014

Những người dám ước mơ

Xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, nhưng đích đến của các nhóm học sinh ham tìm tòi, khám phá là sáng tạo để thỏa niềm đam mê và giúp ích cho xã hội.

Xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, nhưng đích đến của các nhóm học sinh ham tìm tòi, khám phá là sáng tạo để thỏa niềm đam mê và giúp ích cho xã hội.


Nhóm bạn cùng sáng tạo


Trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2013 - 2014, sản phẩm “Giải mã nguyên lý hoạt động công nghệ kỹ thuật số” của nhóm tác giả: Hoàng Trung Hiếu, Đỗ Thanh Phong, Nguyễn Phạm Xuân Thắng (học sinh lớp 11 Tin, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP. Nha Trang) đạt giải nhì lĩnh vực khoa học máy tính (không có giải nhất). Đây không phải là lần đầu tiên các thành viên trong nhóm đứng trên bục nhận phần thưởng cho những sản phẩm sáng tạo của mình. Mọi người đã đặt cho nhóm tên gọi “Nhóm bạn cùng sáng tạo”.

 

Nhóm tác giả của sản phẩm “Giải mã nguyên lý hoạt động công nghệ kỹ thuật số”.  (Ảnh do nhóm tác giả cung cấp)
Nhóm tác giả của sản phẩm “Giải mã nguyên lý hoạt động công nghệ kỹ thuật số”. (Ảnh do nhóm tác giả cung cấp)


Trong buổi gặp mặt nhóm tác giả, chúng tôi thấy một gương mặt khá quen, đó là bạn Hoàng Trung Hiếu. Cách đây 4 năm, Hiếu tham gia Hội thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa tổ chức. Lúc đó, mô hình “Ngôi nhà xanh thân thiện môi trường” của Hiếu đạt giải nhì (không có giải nhất) về lĩnh vực môi trường. Giờ đây gặp lại, tuy có nhiều thay đổi, nhưng cách nói cuốn hút người khác của Hiếu khi giới thiệu sản phẩm sáng tạo của mình thì vẫn như lần gặp 4 năm trước. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2012 - 2013 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Hiếu và Thắng cũng giành giải nhì cho sản phẩm “Sơ đồ tư duy trong học tiếng Anh lớp 10”. Thành viên còn lại của nhóm là Đỗ Thanh Phong cũng từng đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng của tỉnh với sản phẩm “Máy phát điện”.


Hiếu cho biết: “Tuy mỗi thành viên trong nhóm có thế mạnh riêng như: lập trình, mạch điện, lắp ráp điện tử... nhưng đều có chung sở thích tìm tòi, khám phá và chế tạo sản phẩm. Vì vậy, khi cùng tham gia làm sản phẩm “Giải mã nguyên lý hoạt động công nghệ kỹ thuật số”, chúng em làm việc rất ăn ý. Kinh nghiệm từ các hội thi sáng tạo cũng tạo thuận lợi rất lớn cho chúng em”. Giải thích về lý do hình thành ý tưởng giải mã hoạt động công nghệ kỹ thuật số, Phong nói: “Hiện nay, mọi người đã quá quen thuộc với các thiết bị công nghệ số như: điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay..., nhưng ít ai biết làm thế nào mà những thiết bị đó lại có thể làm việc thông minh đến vậy. Do đó, chúng em làm mô hình “Giải mã nguyên lý hoạt động công nghệ kỹ thuật số” mô phỏng hoạt động của một chiếc máy tính cầm tay thông thường để minh chứng rằng, chỉ bằng cách bố trí các công tắc điện “bật/tắt” đơn thuần, con người có thể làm thay đổi thế giới. Đây chính là nền tảng của công nghệ kỹ thuật số”. Mô hình có phần cứng (gồm các IC, đèn LED, keypad, board mạch được lắp ráp để thực hiện các chức năng của một chiếc máy tính cầm tay thông thường) và phần mềm (được viết bằng ngôn ngữ C, lập trình trên máy vi tính để nạp vào chíp vi xử lý, điều khiển mọi hoạt động của mô hình). Toàn bộ phần cứng và phần mềm của sản phẩm đều do nhóm tự tham khảo, nghiên cứu, thiết kế và lắp đặt.


Ước mơ khám phá bầu trời

 

Đến Trường THCS Nguyễn Du (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) vào ngày cuối tuần, trong khi hầu hết học sinh ở nhà nghỉ ngơi thì các bạn: Võ Thành Đạt, Lê Hoài Bảo và Đỗ Hữu Ngọc Tấn (học sinh lớp 9/1) vẫn mải mê với “dự án khoa học” của mình. Cùng đam mê thiên văn học, nhóm đã chế tạo thành công kính thiên văn phản xạ, đạt giải ba tại Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn quốc năm 2014. Đạt chia sẻ: “Em đam mê thiên văn học từ nhỏ và luôn tò mò muốn biết trên bầu trời có những gì. 2 năm trước, em cũng đã tự chế tạo kính thiên văn khúc xạ bằng mắt kính viễn thị bị hư của ông nội nhưng không thành công”. Tháng 7-2013, khi nghe trường phổ biến Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Đạt nghĩ ngay đến việc làm chiếc kính thiên văn nên rủ 2 bạn cùng lớp tham gia. Chưa hiểu nhiều về kính thiên văn, tại địa phương cũng chưa có trạm thiên văn, không có câu lạc bộ những người yêu thiên văn như các thành phố lớn... nên các em gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với niềm đam mê và sự quyết tâm, các em vừa làm vừa học hỏi qua thầy cô và các diễn đàn trên internet.

 

Sản phẩm kính thiên văn.
Sản phẩm kính thiên văn.


 

Ông Trần Văn Long - Trưởng phòng Quản lý khoa học và Công tác học sinh sinh viên (Sở Giáo dục và Đào tạo) đánh giá: Tuy là năm đầu tiên tỉnh tổ chức đoàn học sinh tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, nhưng kết quả đạt được nằm ngoài mong đợi với 3 giải (nhì, ba và khuyến khích). Sản phẩm của các em mang tính tư duy và ứng dụng cao. Vì vậy, ngoài giải thưởng chính, sản phẩm của các em còn được các giải khác như: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đạt giải 3 toàn cuộc và lọt vào vòng thi tuyển để đi thi quốc tế (thuyết trình bằng tiếng Anh); nhóm học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự được Trường Đại học Cần Thơ trao giải đặc biệt và tuyển thẳng các em vào trường.

Giới thiệu với chúng tôi về cấu tạo của kính thiên văn, Đạt say sưa nói: Thân kính được làm bằng ống nhựa PVC có đường kính 140mm, dài 850mm. Thấu kính được làm từ gương cầu lõm có đường kính 114mm, có tiêu cự 900mm. Một trong những khó khăn khi chế tạo kính là tạo bộ phận điều chỉnh độ gần xa (focus). Lúc đầu, nhóm dùng dây dù làm sợi kéo chỉnh bộ phận nhòm. Thế nhưng, chỉ một lúc, dây bị đứt vì độ ma sát quá lớn. Phải thử nghiệm đến 7, 8 lần, nhóm mới tìm ra cách sử dụng bánh răng cưa lấy từ ổ đĩa CD và hai bánh xe đồ chơi để làm bộ điều khiển focus cho kính thiên văn.


Khi “tác phẩm” hoàn thành, nhóm bắt đầu thử nghiệm đưa vào quan sát nhưng lại không thấy gì. Bảo cho biết: “Có lúc chúng em từng nghĩ phải bỏ cuộc. Sau nhiều lần tính toán, điều chỉnh và cố định được gương chéo đồng tâm với gương cầu lõm, chúng em mới quan sát thấy núi, mây chứ vẫn chưa nhìn thấy sao, trăng hay những thiên thể trên bầu trời. Cả nhóm lại tiếp tục mày mò, tìm phần mềm mô phỏng bầu trời mới đạt được mục đích”. Không ai trong nhóm có thể quên cảm giác đầu tiên khi quan sát được mặt trăng. Cả nhóm đều reo hò sung sướng và thay phiên nhau nhìn. “Em thấy bề mặt của mặt trăng lồi lõm, có tia sáng vàng rất đẹp; sao Kim có hình lưỡi liềm; sao Mộc có 2 vạch ngang... Cảm giác lúc đó rất khó diễn tả, giống như được thỏa mãn niềm mơ ước từ lâu”, Đạt cho biết. Sắp tới, nhóm tiếp tục chế tạo chân kính xích đạo hoạt động bằng động cơ, thay cho chân đế được quay bằng tay như hiện nay. Thông qua phần mềm định vị được cài trong máy tính, khi các vì sao, thiên thể trên bầu trời chuyển động, chỉ cần bấm chuột vào vị trí cần tìm, kính thiên văn sẽ tự động quay theo vật thể, tạo thuận lợi cho người quan sát.


Để ba mẹ đỡ vất vả   

 
Nếu như các sản phẩm trên đều xuất phát từ sở thích đam mê tìm tòi, sáng tạo thì sản phẩm “Hệ thống máy đánh vôi tự động” lại vì mục đích thiết thực để giảm bớt sự vất vả của người nuôi trồng thủy sản. Đây là sản phẩm của nhóm học sinh lớp 11A1, Trường THPT Ngô Gia Tự (TP. Cam Ranh), đã đạt giải khuyến khích trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia về lĩnh vực hóa sinh. Bạn Nguyễn Thị Thanh Thương - nhóm trưởng và cũng là người đưa ra ý tưởng bày tỏ: “Gia đình em có ao nuôi tôm. Hàng ngày, thấy ba mẹ phải lội xuống ao đánh vôi hoặc thuê người đánh vôi rất vất vả, tốn kém (vôi được đưa xuống ao để cân bằng môi trường nước và làm cho vỏ tôm cứng hơn). Vì vậy, em đã nảy sinh ý tưởng làm máy đánh vôi tự động để ba mẹ bớt cực hơn”. Chia sẻ với 2 bạn cùng lớp về ý tưởng này, Thương được ủng hộ nhiệt tình. Thế là, cả nhóm bắt tay vào làm với những nguyên liệu phổ biến ở vùng nuôi trồng thủy sản như: ống nước, thùng chứa, guồng đập nước, máy bơm... Ban đầu, nhóm cũng gặp phải một số khó khăn do chưa tính toán được tỷ lệ phù hợp giữa đường kính ống dẫn nước vào và ống dẫn nước ra. Sau thời gian thử nghiệm, nhóm đã thiết kế ống dẫn nước vào thùng chứa nhỏ bằng một nửa ống dẫn ra để sức mạnh của nước có thể hòa tan vôi và các dung dịch, hóa chất trong thùng chứa. Không chỉ làm mô hình, Thương và các bạn còn cho thử nghiệm ở ao nuôi tôm của nhà mình cho thấy hiệu quả rõ rệt, không phải lội xuống ao mà vôi và lượng thuốc, hóa chất đưa xuống ao được phân bố đều hơn. Ông Nguyễn Thanh Phong - ba của Thương cho biết: “Khi thấy hiệu quả từ máy đánh vôi tự động của các cháu ngay tại ao nuôi của mình, tôi rất bất ngờ. Sau đó, tôi đã giới thiệu cho một số hộ nuôi xung quanh áp dụng thử. Đến nay, có khoảng 10 hộ đang sử dụng phương pháp này”.

 

Thanh Thương (phải) và sản phẩm máy đánh vôi tự động.
Thanh Thương (phải) và sản phẩm máy đánh vôi tự động.

 

Ông Phong còn cho biết, mỗi ngày, ông thuê lao động đánh vôi với tiền công từ 60.000 đến 80.000 đồng (mỗi năm tốn khoảng 10,2 đến 14,4 triệu đồng). Khi sử dụng máy đánh vôi tự động, ông chỉ tốn chi phí khoảng 800.000 - 900.000 đồng chế tạo sản phẩm, không cần thuê lao động. Máy lại sử dụng được thời gian ít nhất cũng 3 năm. Bất ngờ, tự hào là cảm xúc của ông Phong khi thấy con mình đam mê sáng tạo và luôn nghĩ đến cha mẹ. Ông càng vui hơn khi sản phẩm của nhóm Thương đạt giải thưởng và được người dân ứng dụng ngay tại địa phương.  

 

MẠNH HÙNG - HOÀNG DUNG