05:03, 15/03/2014

Những hiểm họa rình rập

Bất chấp những nguy cơ tai nạn về điện, nhiều người dân ở các huyện miền núi vẫn trồng cây keo trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện; trong khi đó, ở TP. Nha Trang cũng có vô số bảng hiệu, nhà cao tầng "ôm" dây điện.

Bất chấp những nguy cơ tai nạn về điện, nhiều người dân ở các huyện miền núi vẫn trồng cây keo trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ); trong khi đó, ở TP. Nha Trang cũng có vô số bảng hiệu, nhà cao tầng “ôm” dây điện. Thực trạng này không chỉ gây nhiều khó khăn cho ngành điện trong việc bảo vệ HLATLĐ mà còn là nguy cơ lơ lửng trên đầu người dân.


Rừng keo vây đường dây điện


Một ngày đầu tháng 3, chúng tôi theo chân lực lượng của Đội Quản lý đường dây và Trạm Khánh Vĩnh (Điện lực Diên Khánh - Khánh Vĩnh) trong một chuyến phát quang HLATLĐ cao áp của một số tuyến trên địa bàn. Trước chuyến đi này, dù đã được ông Nguyễn Cao Ký - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa cho biết, Khánh Vĩnh là địa bàn phức tạp nhất về tình trạng người dân trồng keo vi phạm HLATLĐ, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ bởi thực trạng này còn “nóng” hơn những gì mình hình dung trước đó. Dọc các tuyến đường liên xã qua các địa bàn Khánh Phú, Khánh Trung, Khánh Thành, Khánh Đông, Liên Sang... rất nhiều đường dây điện cao áp chạy dọc đường bị những rừng cây keo bủa vây. Ông Đặng Niên Thiếu - Đội trưởng Đội Quản lý đường dây và Trạm Khánh Vĩnh nói: “Ở Khánh Vĩnh, cây keo được trồng ở mọi địa hình, kể cả ở những khu vực có đường điện cao áp đi qua. Đây là loại cây phát triển rất nhanh, nhất là về chiều cao, trong khi chất gỗ của nó rất giòn, dễ gãy đổ nên nếu trồng phạm vào hoặc gần HLATLĐ thì nguy cơ mất an toàn rất cao”.

 

Công nhân Đội Quản lý đường dây và Trạm  Khánh Vĩnh phát quang hành lang lưới điện cao áp.
Công nhân Đội Quản lý đường dây và Trạm Khánh Vĩnh phát quang hành lang lưới điện cao áp.


Sau chặng đường qua các xã trên, chúng tôi dừng lại ở một điểm thuộc thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam. Tại đây, đập vào mắt chúng tôi là rừng keo rất rộng chạy dọc theo đoạn đường dài, bao trùm lấy đường dây điện hạ áp. Anh Kiều Minh Đoan cùng 4 công nhân của Đội len lỏi vào rừng keo để đốn hạ những cây cao gần chạm đường dây điện cao áp. Được biết, cách đây hơn 2 năm, chủ rừng keo này đã bị lực lượng chức năng xử lý và buộc phải thu hoạch keo trước tuổi do vi phạm HLATLĐ. Tuy nhiên sau đó, chủ rừng lại tiếp tục trồng mới và hiện tại rừng keo đã gần như bao trùm lấy đường dây điện hạ áp và cao áp chạy qua.


Được biết, tình trạng người dân địa phương trồng keo bất chấp HLATLĐ kéo dài từ nhiều năm nay, nhưng việc xử lý vi phạm rất khó khăn và phức tạp. “Chủ rừng keo ở đây phần lớn là người dân tộc thiểu số, nhận thức về an toàn điện còn hạn chế. Số còn lại là người Kinh thuê đất để trồng keo, nhưng phần lớn họ không trú tại địa phương nên có chuyện gì ảnh hưởng đến ATLĐ, việc tìm được chủ rừng để xử lý cũng rất khó khăn. Ngoài ra, không ít trường hợp vi phạm, tuy đã bị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng mời lên xử lý, nhưng khi chúng tôi đến hiện trường để phát dọn, họ vẫn cố tình chống đối, hăm dọa và cản trở”, ông Thiếu nói.


“Mạng nhện” trên phố


Đi dọc theo các tuyến đường ở TP. Nha Trang, rất dễ bắt gặp hình ảnh những đường dây điện chạy trên mái nhà, lơ lửng ngay trước hiên; những lều quán, nhà cửa được cơi nới nằm sát trụ điện, trạm biến áp... Trên tuyến đường Lê Hồng Phong, có không ít nhà được xây dựng vi phạm HLATLĐ cao áp. Tại địa chỉ 324 Lê Hồng Phong, khoảng cách từ lan can tầng 2 nhà dân đến hệ thống điện chỉ chừng 0,6 - 0,7m, không đảm bảo an toàn. Tại địa chỉ này, trước đây đã xảy ra 1 vụ tai nạn điện khiến 1 người bị thương và gây hư hỏng một số thiết bị điện, thiết bị sinh hoạt của người dân xung quanh. Tuy vậy, việc vi phạm HLATLĐ của trường hợp này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, trên đường Nguyễn Thiện Thuật, một khách sạn lớn đang được xây dựng cạnh ngã tư Nguyễn Thiện Thuật - Biệt Thự. Theo quan sát của chúng tôi, khoảng cách từ đường dây dẫn điện đến công trình đang xây dựng chỉ chừng 0,5m; các vật liệu bằng kim loại dùng để che chắn được dựng sát ngay đường dây và trụ điện trông rất nguy hiểm cho công nhân thi công nếu trường hợp phóng điện xảy ra. Cũng trên tuyến đường này, không ít bảng quảng cáo của các khách sạn “chồm” ra ngay cạnh đường dây điện, có chỗ chỉ cách chừng 0,3 - 0,4m.

 

Một công trình đang xây dựng ở TP. Nha Trang vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Một công trình đang xây dựng ở TP. Nha Trang vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.


Bên cạnh nhiều công trình xây dựng dọc các tuyến đường chính của thành phố vi phạm HLATLĐ cao áp, việc tồn tại những “nùi mạng nhện” dây điện sau công tơ của người dân ở khu dân cư Đồng Muối (thuộc phường Phước Long và Phước Hải) cũng đang là điểm nóng về nguy cơ mất an toàn điện. Cách đây 2 năm, khu vực này đã được đầu tư đường điện xương cá dọc theo các con đường chính, nhưng hệ thống dây điện sau công tơ từ trước đến nay vẫn hết sức tạm bợ, đâu đâu cũng thấy dây điện chằng chịt, nhiều chỗ thòng thấp xuống đường. Bà Nguyễn Xuân Mai, một người dân nơi đây cho biết: “Phía trên ngã ba trước nhà tôi có hàng trăm sợi dây điện mắc vào nhau chằng chịt, thòng xuống thấp nên mỗi khi ô tô đi qua phải chống dây điện lên. Đã nhiều lần ô tô chạy qua vào ban đêm, máng đứt dây diện, rất nguy hiểm”. Nguy hiểm là vậy, nhưng dạo một vòng trong khu dân cư này, vẫn dễ dàng bắt gặp nhiều chỗ có “mạng” dây điện dày đặc và thòng xuống đường như trước nhà bà Xuân Mai. Lý giải về nguyên nhân mất an toàn đối với lưới điện cao áp, ông Nguyễn Cao Ký cho hay: “Nếu như nguy cơ mất ATLĐ ở các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh chủ yếu do người dân trồng keo ở những nơi có đường điện đi qua, thì ở thành phố lại có nguy cơ từ các công trình xây dựng. Những năm gần đây, khi giá đất mặt tiền ngày càng cao, người dân tận dụng tối đa phần đất trống để xây dựng, cơi nới nhà cửa, bất chấp vi phạm không gian về HLATLĐ. Ngoài ra, ở một số khu dân cư nằm trong quy hoạch như khu vực Đồng Muối, hệ thống dây điện sau công tơ của người dân khá tạm bợ nên có nhiều nguy cơ mất an toàn và hao phí điện”.


Những tai nạn thương tâm


Hiện Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đang quản lý, vận hành hàng trăm km đường dây cao áp 110kV, hàng nghìn km đường dây trung áp 35kV, 22kV và 15kV, và hàng nghìn trạm biến áp. Khối lượng đường dây và trạm biến áp trải dài trên khắp các thôn, xã trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, ý thức của người dân về bảo vệ HLATLĐ chưa cao. Do vậy, việc bảo vệ HLATLĐ gặp không ít khó khăn và rất nhiều vụ vi phạm HLATLĐ đã xảy ra, nhiều trường hợp dẫn đến tai nạn. Riêng trong năm 2013, trên địa bàn tỉnh có hơn  560 vụ vi phạm HLATLĐ, xảy ra hàng chục vụ tai nạn điện, trong đó có 2 vụ làm chết 2 nạn nhân.


Sáng 17-6-2013, ông Nguyễn Thành (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa) trong lúc vắt đồ lên dây phơi đã vô ý làm trụ dây phơi chạm vào máng đèn rò điện nên bị điện giật, gây tử vong. Ngày 6-8-2013, anh Lê Hùng Sơn (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh), trong lúc leo lên mái nhà sửa ăng ten, vô ý để ăng ten gần quá giới hạn an toàn của đường điện cao áp nên bị phóng điện. Tai nạn khiến anh ngã từ trên cao xuống đất và tử vong sau đó. Mới đây nhất là trường hợp bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp (thôn Phước Thượng 1, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang), căn nhà cùng toàn bộ tài sản của gia đình bà bị thiêu rụi, nguyên nhân cháy được xác định là do chập điện.

 

1
Hiện trường vụ hỏa hoạn do chập điện tại nhà bà Nguyễn Thị Diệp.


Điện là nguồn năng lượng cơ bản phục vụ sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân, các hoạt động đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội... Vì thế, bảo vệ ATLĐ quốc gia không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Điện lực mà là của toàn xã hội. Tuy nhiên, trước thực trạng vi phạm HLATLĐ cao áp như hiện nay, ngành Điện lực, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm bảo vệ ATLĐ, ý thức về sử dụng điện; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, góp phần bảo vệ hiệu quả ATLĐ, giảm hao phí điện cũng như nguy cơ tai nạn điện.


NAM - LONG