10:03, 09/03/2014

Nhà nông thêm nỗi lo vì mía

Chưa hết buồn vì năng suất niên vụ mía giảm, lỗ vốn đầu tư, nông dân xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) lại thêm phần lo lắng bởi mía đã chặt nhưng phơi khô trên ruộng do xe chở mía bị một nhóm người chặn lại, không cho vận chuyển về nhà máy.

Chưa hết buồn vì năng suất niên vụ mía giảm, lỗ vốn đầu tư, nông dân xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) lại thêm phần lo lắng bởi mía đã chặt nhưng phơi khô trên ruộng do xe chở mía bị một nhóm người chặn lại, không cho vận chuyển về nhà máy.


Mía bị phơi khô


Thời điểm này là vụ chính thu hoạch mía nên đi đến đâu ở xã Ninh Tân, chúng tôi cũng nghe người dân bàn chuyện cây mía. Theo thống kê của Hội Nông dân xã Ninh Tân, địa phương có 95% số hộ nông dân trồng mía với khoảng 1.630 ha. Hiện tại, số mía thu hoạch chỉ được khoảng 40% diện tích. “Nhiều hộ sau khi chặt xong lại không vận chuyển được nên đành để mía phơi khô trên ruộng hoặc ven đường. Hiện nay, người dân rất hoang mang”, ông Nguyễn Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tân cho hay. Năm nay, gia đình ông Hoàng trồng 5 ha mía. Ngày 5-3, ông đã thu hoạch gần 1 ha mía, được khoảng 40 tấn, phải vận chuyển 3 xe mới hết. Theo lịch, ngày 7-3, mía của gia đình ông sẽ được đưa về nhà máy. Thế nhưng, hiện nay, số mía này vẫn nằm phơi nắng trên ruộng. Nhiều hộ trồng mía khác tại địa phương đang hết sức sót xa vì mía đã phơi nắng nhiều ngày qua.

 

Mía trên ruộng được tủ lại để giảm bớt thiệt hại.
Mía trên ruộng được tủ lại để giảm bớt thiệt hại.


Dù đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi nhưng gia đình bà Võ Thị Mỹ vẫn không tìm đâu ra xe để vận chuyển mía về nhà máy đường. Bà Mỹ cho biết, vụ này, gia đình bà trồng gần 4 ha mía, từ trước Tết đến nay đã chặt 3 ha, vận chuyển được 7 xe về nhà máy, còn 1 xe mía đã chặt khoảng 1 tháng vẫn chưa chuyển được. Bà Mỹ chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng đến 7 ha mía. Gần đây, do hiệu quả cây mía giảm nên vụ này, tôi đành bỏ đất trống gần 3 ha, chờ thu mía xong sẽ đầu tư trồng keo. Thế nhưng mía bị thua lỗ, bây giờ lại gặp thêm tình trạng xe không vận chuyển được, tôi chưa biết phải làm thế nào. Kiểu này chắc gia đình tôi không dám trồng mía nữa…”.


Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hồng đã chặt mía xong, chất lên 3 xe để vận chuyển về nhà máy; nhưng khi xe chạy đến khu vực cầu Cháy (xã Ninh Lộc) thì bị chặn lại, đành phải quay về. Hiện nay, 3 xe mía vẫn nằm chờ ở nhà. Ngoài ra, gia đình chị còn lượng mía khoảng 6 xe đang nằm phơi nhiều ngày trên ruộng vì chưa vận chuyển được. Theo tính toán của chị Hồng, nếu cứ tiếp tục tình rạng này thì người nông dân sẽ bị thiệt hại nặng. “Nếu tình trạng này kéo dài thì mía của chúng tôi sẽ khô thành củi mất. Việc xe không vận chuyển được khiến lịch thu hoạch chậm; đến tháng Tư âm lịch, mưa giông đổ xuống, mía trổ cờ nhiều… thì thiệt hại sẽ rất nặng nề”, chị Hồng bức xúc.


Được biết, hiện tại, địa phương này có khoảng 1.000 tấn mía đã thu hoạch xong đang nằm phơi trên ruộng vì chưa được vận chuyển về nhà máy. Theo ông Nguyễn Văn Cùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ninh Tân, năm nay, hiệu quả cây mía giảm sút, nhiều gia đình rơi vào cảnh thua lỗ. Trong khi đó, nhiều hộ phải vay vốn để đầu tư, nay mía không bán được, lại bị hao tổn từng ngày. Địa phương kiến nghị cấp trên sớm có hướng xử lý vụ việc, nếu chậm ngày nào thì người dân phải chịu thiệt ngày ấy.


Dọc theo những tuyến đường ở xã Ninh Tân và các rẫy mía, chúng tôi thấy hàng trăm đống mía đang chờ vận chuyển đã dần khô héo. Trên những ruộng mía, người chặt mía thưa thớt hẳn (mặc dù thời điểm này là chính vụ thu hoạch), chỉ có một vài nông hộ xót trước cảnh mía khô nên ra đồng tủ lại những đống mía dưới cái nắng gay gắt.


Chặn xe chở mía


Trong 2 ngày 8 và 9-3, hàng trăm xe chở mía từ Đắk Lắk và thị xã Ninh Hòa bị nhiều tài xế, người bốc xếp mía tổ chức thành một nhóm chốt chặn xe, không cho xe chở mía lưu thông vào các nhà máy đường. Tại ngã ba Tỉnh lộ 5 giao nhau với Quốc lộ 1A có một nhóm khoảng 10 người cắm chốt 24/24 giờ. Khi phát hiện xe chở mía đi từ Tỉnh lộ 5 hoặc từ hướng Quốc lộ 1A vào Nhà máy Đường Cam Ranh, lập tức họ ra chặn, yêu cầu tài xế quay đầu xe.


Tuyến Tỉnh lộ 5 là một trong những đường nối các xã Ninh Tân, Ninh Tây, Ninh Xuân với Quốc lộ 1A. Đây cũng là tuyến đường mà nhiều tài xế chuyên vận chuyển mía từ Đắk Lắk, các xã thuộc thị xã Ninh Hòa về Nhà máy Đường Cam Ranh. Chị Hòa - chủ một quán nước dọc Tỉnh lộ 5 cho biết, do quán chị nằm cách điểm chốt chặn khoảng 500m, lại có chỗ đậu xe, thoáng mát nên 2 ngày qua, nhiều tài xế xe chở mía tấp vào chờ. Theo chị Hòa, không có tài xế nào dám cho xe mía chạy qua chốt vì sợ bị đánh.

 

Nhiều xe chở mía  phải tấp lại ven Tỉnh lộ 5 vì bị chặn.
Nhiều xe chở mía phải tấp lại ven Tỉnh lộ 5 vì bị chặn.


Tiếp cận nhóm người chặn xe, chúng tôi được biết, họ sẽ kiên quyết không cho bất cứ xe nào qua nếu Nhà máy Đường Cam Ranh không điều chỉnh giá cước vận chuyển, giá bốc xếp và thời gian bốc dỡ mía. Nhóm người chốt chặn xe chở mía chủ yếu ở xã Ninh Xuân. Theo phản ánh của họ, sở dĩ chặn xe chở mía là vì niên vụ mía năm nay, tài xế và người bốc vác chịu thiệt thòi, thu nhập không cao. Họ chặn xe là để gây áp lực với Nhà máy Đường Cam Ranh. Ông N.V.T (xã Ninh Xuân) - tài xế trong nhóm chặn xe cho biết, năm nay, giá cước Nhà máy đường đưa ra giảm hơn so với mọi năm. Nếu như năm ngoái, giá cước 1 tấn mía 171.000 đồng thì năm nay giảm 10.000 đồng. Bên cạnh đó, giá bốc xếp mía cũng giảm từ 32.000 đồng/tấn xuống còn 28.000 đồng/tấn. Điều này khiến các tài xế không tìm đâu ra người để bốc xếp. Không chỉ vậy, mỗi chuyến xe từ Ninh Hòa vào Nhà máy phải chờ từ 18 đến 24 giờ mới cho bốc dỡ mía. Vì thế, đến 3 ngày tài xế mới chạy được 2 chuyến mía… Nhiều tài xế cho biết, do năm nay Nhà máy Đường Cam Ranh hợp đồng quá nhiều xe ở địa phương khác tham gia chở mía, nên việc bốc dỡ không kịp. Ngoài ra, Nhà máy còn ưu tiên thu mua mía từ các địa phương khác, còn mía trong hợp đồng thì lại vận chuyển chậm. “Mỗi chuyến xe chở mía từ Ninh Hòa vào Nhà máy Đường Cam Ranh, tài xế lấy tiền công từ chủ xe 200.000 đồng, nhưng phải chờ đến 24 giờ, trong khi chi phí ăn uống để chờ đã hết một nửa số đó. Như vậy, cứ 3 ngày chở 2 chuyến mía thì công tài xế trung bình mỗi ngày chưa được 70.000 đồng. Công của những người bốc vác mía còn thấp hơn. Tuy có xe nhưng không tìm được người bốc xếp mía cũng đành chịu”, ông N.V.T cho biết.


Ông N.H.T - người bốc xếp mía ở xã Ninh Xuân, trong nhóm chặn xe đề nghị: “Nhà máy phải nâng giá bốc xếp cho chúng tôi ít nhất ngang bằng với niên vụ trước. Ngoài ra, phải hạn chế xe ngoại tỉnh, đẩy nhanh việc nhập mía trong vòng 8-12 giờ kể từ lúc xe chở mía về Nhà máy thì chúng tôi sẽ không chặn xe nữa”.


Chia tay những nông hộ “một nắng hai sương” trên ruộng mía, chúng tôi bắt gặp không ít ánh mắt buồn bã khi mía đang dần khô trên đồng. Trước thực trạng trên, nông dân rất cần sự can thiệp, giải quyết kịp thời của cơ quan chức năng để giúp họ bớt lo lắng và giảm thiểu thiệt hại trong vụ mía này.


BÍCH LA