Chia ca, túc trực 24/24 giờ, cài, cắm người và xe tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa để chào mời, ngã giá và sẵn sàng "chiến đấu" với nhau để giành hợp đồng, đó là chiêu của không ít cơ sở dịch vụ mai táng.
Chia ca, túc trực 24/24 giờ, cài, cắm người và xe tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Khánh Hòa để chào mời, ngã giá và sẵn sàng “chiến đấu” với nhau để giành hợp đồng, đó là chiêu của không ít cơ sở dịch vụ mai táng.
Lắm chiêu
10 giờ ngày 12-3-2014, một bệnh nhân nặng không qua khỏi, được chuyển về nhà bằng xe của BV. Chuẩn bị chỗ nằm trên xe, ngoài người nhà và nhân viên y tế, còn có một thanh niên nhanh nhẹn, giúp nhiệt tình. Sắp xếp xong, người này lập tức gọi điện thoại và chạy ra cổng BV. Ở đây đang có một thanh niên đang ngồi chờ trên xe máy. Xe của BV vừa ra khỏi cổng, hai thanh niên cũng tăng ga theo sau. Một người dân gần đó nhìn theo, lắc đầu: “Tụi nó chạy theo tới tận nhà để chào mời đấy”.
Chiếc ô tô này thường xuyên túc trực trước Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. |
Chị M.N ở xã Vĩnh Ngọc kể: “Mới đây, anh tôi bất ngờ bị đột quỵ và được đưa vào BV tỉnh. Trong những ngày anh nằm hôn mê, tôi thấy có một thanh niên thường xuyên đến hỏi han sức khỏe của anh tôi rất nhiệt tình. Mỗi lần có bạn của anh tôi đến thăm, người thanh niên này lại đến hỏi han và góp chuyện, khiến chúng tôi cứ tưởng là bạn bè. Về sau mới biết đó là một tên cò luôn túc trực tại BV để nghe ngóng tình hình bệnh nhân. Khi anh tôi không qua khỏi chuẩn bị đưa về nhà, người thanh niên này vào tận phòng bệnh thu xếp, bóp bóng, cho mượn bình oxy… rồi theo tận về nhà. Đến nơi, anh ta xin phép được vào thắp nhang, khẽ khàng hỏi thăm rồi tự nấu cơm, luộc trứng cúng cho người chết, sau đó nhỏ nhẹ cho biết mình làm dịch vụ mai táng. Trong lúc buồn thương, rối bời, và có chút ái ngại nên gia đình tôi đã gật đầu đồng ý thuê họ…”.
Một “cò” mai táng. |
Trên đây là một trong những chiêu mà các cơ sở mai táng vẫn thường áp dụng để tiếp cận với những tang gia. Một nhân viên BV tỉnh cho biết, nhóm đối tượng này còn “làm ăn” cả với những gia đình có người thân bị tử nạn vì giao thông nghiêm trọng tại Khánh Hòa vừa qua. Bằng cách lân la làm quen, mau mắn hỏi han, giúp đỡ tận tình, họ đã thuyết phục rồi thu của mỗi gia đình 2,5 triệu đồng để lo hậu sự, dù nhiều gia đình rất khó khăn. Về sau, khi biết nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng, các gia đình này mới “té ngửa”. Tuy nhiên, những người này giải thích: Đó là do các gia đình tự nguyện thuê dịch vụ!
Được biết, tình trạng này tồn tại vài năm nay tại BV Đa khoa tỉnh. Để tạo niềm tin, những người này thường tiếp cận gia đình người bệnh nặng, hỏi han, xoa dịu, phụ giúp dọn đồ... Khi nhân viên BV vắng mặt, họ bỗng thành nhân viên y tế, giải thích trơn tru về bệnh tình, hướng điều trị; thậm chí chào bác sĩ từ xa như thể quen biết lâu rồi! Số khác thì trà trộn giữa những người nhà đang ngồi chờ ở một số khoa, phòng thường có bệnh nhân nặng, như: Cấp cứu, Hồi sức sau mổ, Hồi sức tích cực - Chống độc… Phía ngoài cổng BV, khu vực trước Khoa Cấp cứu luôn thường trực chiếc xe của các cơ sở dịch vụ cùng số điện thoại liên lạc.
Nhiều “đòn”…
Dùng chiêu mềm dẻo để dụ tang gia, nhưng điều đáng nói, nhiều cơ sở dịch vụ mai táng đã lợi dụng tang gia bối rối để kiếm lợi. Trường hợp của chị M.T ở phường Tân Lập là một ví dụ, cha bị tai nạn giao thông đột ngột qua đời. Nhà chỉ có hai mẹ con, họ hàng thân thích đều ở xa. Đau đớn đến tột cùng và hầu như mất kiểm soát nên khi thấy những người này nhiệt tình giúp đỡ, M.T đã giao phó mọi việc cho dịch vụ mai táng. Khi tang lễ kết thúc, nhìn bảng chi phí được phía dịch vụ đưa ra, hai mẹ con muốn chết ngất vì số tiền lên đến hơn 100 triệu đồng. Họ năn nỉ giảm bớt nhưng phía dịch vụ vẫn lạnh lùng từ chối, buộc gia đình phải vay mượn khắp nơi để trả nợ. Chị M.T. cay đắng kể: “Có nhiều thứ bên dịch vụ tính tiền mà tôi cũng không biết đâu mà lần. Ví dụ như hương, hoa, đèn… họ tính đến hơn 10 triệu đồng. Thậm chí, ly chén, ấm nước họ mang đến, thấy cũ kỹ, sứt mẻ, không đảm bảo vệ sinh, tôi lấy đồ ở nhà ra dùng, nhưng đến khi tính tiền mới biết tất cả đều được quy ra tiền thuê với giá cắt cổ. Với số tiền đó có thể mua được cả chục bộ ấm chén còn đẹp hơn…”.
Sau khi giúp xếp chỗ nằm cho bệnh nhân, hai đối tượng này phóng theo xe của bệnh viện về nhà bệnh nhân. (Ảnh chụp lúc 10 giờ 15 ngày 12-3-2014) |
Năm vừa qua, một nhân viên của BV cũng bị lừa ngay trước mắt. Người thân của nhân viên này vừa qua đời, gia đình còn đang rối bời thì một đối tượng xuất hiện, xăng xái phụ giúp, thông báo đã có xe đầy đủ… Đến giờ đưa xác người xấu số về nhà, tất cả mới nhận ra không phải xe của BV và được đối tượng thông báo “do tang gia thuê”. Đáng nói hơn là khi xong việc, những người này chìa ra một biên lai thanh toán rất chi tiết, với giá “chóng mặt”.
Một người hoạt động trong nghề thừa nhận: Kinh doanh nghề này lợi nhuận rất cao. Đặc biệt là giá quan tài, nhiều chiếc bị đẩy giá lên cả chục triệu đồng.
Một bảo vệ ở BV cho hay, “cò” mai táng hoạt động rất tinh vi và nhanh thoăn thoắt. Khi nghe tin có người chết, chúng tiếp cận ngay với thân nhân để biết địa chỉ. Sau đó, lập tức cho người chở quan tài, bàn ghế, đồ tang lễ đến nhà để phục vụ mà không cần biết có ai yêu cầu hay không? Những người này sẽ vận chuyển xác nạn nhân về đến tận nhà miễn phí nếu sử dụng dịch vụ mai táng từ A đến Z của họ. Nếu không, tiền vận chuyển xác sẽ được đội lên từ 2 - 4 lần!.
Nhiều nhân viên, bác sĩ, điều dưỡng của BV kể họ từng “vô tình” nghe được những câu nói “dằn mặt” của bọn “cò”, kiểu như: “Có ngày không vợ thì con cũng chết!”, “Chết vì bơm kim tiêm sida cũng được đấy!”. Vài người khác “trót” nhắc nhở thì bị ném đá lên nóc nhà, hoặc sáng ra thấy tường nhà bị trát phân… Ở BV còn có tình trạng vài đối tượng đứng xen giữa các nhân viên khám bệnh mà không ai dám nhắc nhở.
Cạnh tranh không lành mạnh
Trung tá Nguyễn Hồng Kỳ - Phó Trưởng Công an TP. Nha Trang: Trong thời gian tới, để giải quyết tình hình trật tự trong BV, chúng tôi đề nghị: BV cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho lực lượng bảo vệ, kiên quyết không cho số nhân viên của các dịch vụ tang lễ vào trong BV. Nhân viên BV cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, không tiếp tay cho số đối tượng cò mồi, nhân viên các cơ sở dịch vụ tang lễ lôi kéo, làm tiền người nhà bệnh nhân, gây mất an ninh trật tự. Ngoài ra, Ban Giám đốc BV cần tổ chức củng cố lực lượng bảo vệ. Những việc phức tạp về trật tự không giải quyết được, cần trao đổi để Công an thành phố biết và chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ hỗ trợ. |
Hoạt động của các “cò” mai táng trong bệnh viện cũng rất phức tạp, do có tới 5 - 6 trung tâm dịch vụ mai táng khác nhau “làm ăn” tại đây. Chính vì thế, việc tranh giành, xô xát, tố giác lẫn nhau giữa các “cò” diễn ra như cơm bữa, khiến an ninh trật tự trong và ngoài BV không ổn định. Khoảng nửa tháng trước, một người của cơ sở Công Thọ Hồng (cầu Hà Ra) bị đánh vỡ đầu vì “dám” vào BV làm dịch vụ. Trước nữa là người của cơ sở Ông Thọ Mười, Công Đức Thọ… Trung tá Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Trưởng Công an TP. Nha Trang cho biết: Hiện nay, có tình trạng nhân viên các cơ sở dịch vụ mai táng hàng ngày đến BV tỉnh, hoặc thông qua nhân viên của BV để nắm thông tin về bệnh nhân chết hoặc sắp qua đời. Sau đó, nhóm người này tiếp cận với thân nhân người bệnh để đề nghị cung cấp dịch vụ mai táng hoặc nhận chở thi hài về nhà. Từ đó, phát sinh sự tranh giành lẫn nhau giữa các cơ sở.
Câu hỏi nghi vấn dễ thấy nhất là tại sao nhóm này biết được các gia đình có người qua đời chỉ sau chừng 15 phút? Bởi từng có lần nhóm này lao vào BV định khênh xác bệnh nhân ra xe chở về, trong khi bệnh nhân này vẫn còn đang được các bác sĩ bóp bóng cấp cứu tích cực(!?)
Một lãnh đạo BV nhấn mạnh, BV không cản trở các cơ sở dịch vụ mai táng tới thỏa thuận với các gia đình có người bệnh qua đời, nếu họ thông báo giá trước, hợp đồng đàng hoàng và được gia đình tự nguyện thuê. Tuy nhiên, tình trạng tranh giành, ẩu đả ngay tại BV và hăm dọa nhiều người đang khiến các bác sĩ, nhân viên y tế không chuyên tâm vào công việc, người dân thì hoang mang. BV mong cơ quan điều tra sớm vào cuộc để giải quyết tình trạng này, sớm ổn định lại trật tự trong BV.
NHÓM PHÓNG VIÊN