12:03, 05/03/2014

Chuyện về hai nữ "nhạc trưởng"

Du lịch là một trong những ngành có lực lượng lao động nữ chiếm áp đảo. Do yêu cầu nghề nghiệp nên phần lớn họ đều là những người xinh đẹp, giỏi giang. Họ đã có nhiều đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của ngành Du lịch…

Du lịch là một trong những ngành có lực lượng lao động nữ chiếm áp đảo. Do yêu cầu nghề nghiệp nên phần lớn họ đều là những người xinh đẹp, giỏi giang. Họ đã có nhiều đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của ngành Du lịch…


Nữ bếp trưởng sáng tạo


Nhiều lần có dịp xem những nhân viên của khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang thực hiện chiếc bánh tét dài kỷ lục, chúng tôi luôn ấn tượng với một phụ nữ thanh tú và nhanh nhẹn: chị Lê Thị Thu Thảo - bếp trưởng của khách sạn. Vừa tỉ mỉ bỏ nếp, rải nhân, gói bánh... chị vừa điều hành các nhân viên để kịp hoàn thành đòn bánh tét đúng thời gian, cũng như điều khiển để di chuyển chiếc bánh khổng lồ đến lò nấu an toàn, không bị gãy giữa chừng...

 

Chị Thảo đang gói chiếc bánh tét dài 39m tại Khách sạn Yasaka-Sài gòn-Nhatrang.
Chị Thảo đang gói chiếc bánh tét dài 39m tại Khách sạn Yasaka-Sài gòn-Nhatrang.


Chị Thảo kể: “Năm 2004, khi Nha Trang được công nhận là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới, tôi được Ban Giám đốc giao nhiệm vụ thực hiện chiếc bánh tét dài nhất Việt Nam (dài 29m). Lần ấy, tôi rất lo lắng vì lần đầu tiên làm một chiếc bánh dài như vậy, do chưa có kinh nghiệm nên bánh bị gãy. Từ đó đến nay, mỗi năm chiếc bánh dài thêm 1m và thành công hơn. Năm nay bánh dài đến 39m, nặng 860kg. Đây là hoạt động thường niên của khách sạn vào mỗi dịp Tết, được đông đảo người dân và du khách hưởng ứng”.  


Chị Thảo đến với nghề đầu bếp như một cái duyên thật tình cờ. Năm 1999, chị được nhận vào làm nhân viên tạp vụ khi khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang vừa mới đi vào hoạt động, lúc đó chị đã 28 tuổi. Được một thời gian, chị được chuyển đến bộ phận phụ bếp của khách sạn. Ban đầu, chị chưa hình dung được công việc và chưa có niềm đam mê với nghề đầu bếp. Thế nhưng, qua thời gian tiếp xúc với các món ăn, cùng với sự động viên của những người đi trước, chị đã tham gia các khóa học nấu ăn. Có được vốn kiến thức từ sách vở, trong quá trình làm phụ bếp, chị không quên quan sát từng món ăn của các đầu bếp và học lỏm. Mỗi ngày chị ghi nhớ công thức của một món ăn vào đầu, và kết thúc buổi làm việc chị luôn ghi công thức đó vào cuốn sổ để có dịp thực hành.


Có lẽ, cũng chính vì đến với nghề tự nhiên như thế nên chị chưa từng nghĩ đầu bếp là một công việc vô cùng khắc nghiệt, đặc biệt đối với phụ nữ. Không chỉ yêu cầu sự tỉ mỉ, sáng tạo, người đầu bếp phải có sức khỏe dẻo dai, phải hy sinh nhiều thời gian dành cho gia đình. Mười mấy năm trong nghề, hơn 9 năm làm bếp trưởng của một khách sạn lớn, chị Thảo đã quen với những ca làm việc thâu đêm, suốt sáng. Có lúc khách đặt tiệc nhiều, chị và các đồng nghiệp phải làm việc từ 2, 3 giờ sáng. Ngày nghỉ cuối tuần, dịp lễ, Tết - thời điểm vui chơi, sum họp của gia đình thì đối với chị Thảo, đó lại là lúc công việc bận rộn và căng thẳng nhất. Chị tâm sự: “Tôi may mắn khi gia đình luôn đứng phía sau ủng hộ, động viên tôi trong công việc. Bản thân tôi cũng phải biết sắp xếp, cân bằng giữa công việc và gia đình. Tôi nghĩ làm nghề nào cũng vậy, phải cống hiến hết mình và không ngừng học hỏi, sáng tạo”.


Trong cuộc sống đời thường, chị được đồng nghiệp đánh giá là một người dễ tính, biết sẻ chia và thông cảm với người xung quanh, nhưng lại khá nghiêm khắc và khó tính trong công việc. Bên cạnh đó, chị luôn giao tiếp với khách hàng, lắng nghe góp ý và nắm bắt xu hướng ẩm thực nhằm đáp ứng thị hiếu ngày càng cao và đa dạng của khách. “Một người đầu bếp thành công là không bảo thủ, luôn tiếp thu ý kiến góp ý. Trong lúc khách vui vẻ thưởng thức những món ăn, tôi cùng đồng nghiệp tất bật trong bếp, hồi hộp mong chờ những lời khen, chê để rút kinh nghiệm” - chị Thảo cho biết.


Ngoài vai trò bếp trưởng, nhiều năm qua chị Thảo còn là giáo viên của Trung tâm Nghiệp vụ Du lịch khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang. Chị đã hướng dẫn, đào tạo nghề đầu bếp cho rất nhiều học viên, nhân viên. Ở cương vị nào, chị cũng luôn tận tụy và tâm huyết với nghề.


Nữ giám đốc năng động

 

Trong sự phát triển của ngành Du lịch Khánh Hòa, lao động nữ có vai trò đóng góp rất lớn. Các chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt các chỉ tiêu chuyên môn được giao. Chị em không ngừng học tập, nâng cao trình độ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn tận tụy, đổi mới tư duy nhận thức, ngày càng đáp ứng đòi hỏi yêu cầu, nhiệm vụ cống hiến sức mình cho ngành. Theo kết quả thi đua của ngành 3 năm (2010 - 2012), có 856 nữ/2.957 cán bộ toàn ngành được khen thưởng.

Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Việt, khách sạn Sunrise Nha Trang được đánh giá là một trong nữ giám đốc năng động của ngành Du lịch. Nhận trọng trách điều hành một khách sạn 5 sao, để khách sạn giữ vững thương hiệu, đạt được nhiều thành tích là một công việc không phải dễ dàng. Thành tích mới nhất của khách sạn Sunrise Nha Trang là được nhận giải thưởng Luxury Spa Hotel do Tổ chức World Luxury Hotel Awards (Giải thưởng Khách sạn sang trọng thế giới) trao tặng. Giải thưởng này đã khẳng định những giá trị, dịch vụ mà khách sạn đã mang đến cho du khách. Đặc biệt là tính sáng tạo, độc đáo và hoàn hảo trong dịch vụ, cơ sở vật chất để giúp du khách tận hưởng những trải nghiệm đáng nhớ, chất lượng. Ngoài ra, khách sạn Sunrise Nha Trang cũng đã đạt những thành tích nổi bật như Giải thưởng Khách sạn xuất sắc do TripAdvisor trao tặng trong 3 năm liên tiếp, Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh của Tổng cục Du lịch, và các giải thưởng chuyên ngành khác phục vụ cho giải trí, du lịch...
Tuy vậy, khi hỏi về những đóng góp của mình, chị Nguyệt khiêm tốn: “Tôi chỉ là một hạt cát trong sa mạc, không có gì to tát để mà kể. Tuy nhiên, dù ở vị trí nào thì cũng đều nỗ lực, không những hoàn thành tốt công việc đang đảm trách mà luôn cố gắng hết mức trong công tác đào tạo đội ngũ nhân viên lành nghề, giúp họ có động lực để học tập, phấn đấu và trưởng thành”.

 

Giám đốc Thu Nguyệt tổ chức hoạt động từ thiện ở khách sạn.
Giám đốc Thu Nguyệt tổ chức hoạt động từ thiện ở khách sạn.


Chị Nguyệt cho biết, chị bắt đầu làm việc trong ngành Du lịch từ năm 1987 tại Công ty Dịch vụ Du lịch Nha Trang. Công ty đã quản lý hoạt động các đơn vị: Khách sạn Hưng Đạo Nha Trang - nay là Khách sạn Hữu Nghị, cửa hàng Thùy Dương, cửa hàng Hồ cá Trí Nguyên và Cửa hàng Hải Dương - tiền thân của Công ty Liên doanh Trung tâm Du lịch Hải Dương - chủ đầu tư ban đầu của Khu nghỉ mát Ana Mandara. Từ những cơ duyên ban đầu đó, chị đã luôn gắn bó với ngành Du lịch. Chị ngày càng yêu thích công việc đang làm và cố gắng hết mức để hoàn thành công việc mà mình đảm nhiệm.


Chị Nguyệt ví von: Trong ngành Du lịch, nếu như nam giới đại diện cho sức mạnh sức vóc và trí tuệ thì nữ giới luôn tinh tế, khéo léo, chu đáo và chi tiết. Tại khách sạn Sunrise Nha Trang, lao động nữ chiếm gần 50%, đặc biệt chiếm số đông trong tổng số chuyên viên quản lý điều hành. Có thể nói, đằng sau sự thành công của khách sạn Sunrise Nha Trang luôn có bóng dáng và sự đóng góp không nhỏ của lực lượng phái yếu này.


Nhiều người vẫn nghĩ công việc của những nhân viên trong ngành Du lịch thật tuyệt vời, nhất là với phụ nữ: được làm việc tại các khách sạn, khu nghỉ mát xinh đẹp, sang trọng, được tiếp xúc với những du khách sang trọng, lịch lãm... Nhưng thực ra, đó là một công việc có rất nhiều áp lực. “Làm việc trong ngành Du lịch, chắc chắn bạn sẽ phải đi làm trong thời gian mọi người được nghỉ lễ, Tết vui vẻ cùng gia đình, hoặc bạn phải giải quyết trọn vẹn công việc, yêu cầu của khách hàng rồi mới lo cho gia đình... Theo tôi, đối với phụ nữ, không có trợ lực nào lớn hơn là sự hỗ trợ của gia đình. Ngoài ra, bạn phải dự liệu một tình huống không có sự hỗ trợ nào để sắp xếp công việc một cách thật hợp lý. Muốn thực hiện được điều này, chúng ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng về tất cả các nhu cầu, hoạt động trong gia đình, để rồi cùng chia sẻ, trao đổi, bàn bạc và cùng nhau lo toan, từ đó thực hiện tốt hơn công việc của mình” - chị Nguyệt chia sẻ.


THU AN - KHÁNH HÀ