Để qua mặt cảnh sát giao thông, cơ quan đăng kiểm, nhiều tài xế tìm đến các tiệm vá vỏ để dùng thủ thuật cắt gai, ép số, biến những vỏ lốp ô tô quá đát thành những chiếc vỏ đủ thông số kỹ thuật. Việc làm này khiến tử thần luôn lơ lửng theo những vòng xe lăn bánh…
Để qua mặt cảnh sát giao thông (CSGT), cơ quan đăng kiểm, nhiều tài xế tìm đến các tiệm vá vỏ để dùng thủ thuật cắt gai, ép số, biến những vỏ lốp ô tô quá đát thành những chiếc vỏ đủ thông số kỹ thuật. Việc làm này khiến tử thần luôn lơ lửng theo những vòng xe lăn bánh…
Dọc tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa từ lâu đã được giới tài xế trong Nam, ngoài Bắc mệnh danh là thủ phủ của “công nghệ” tân trang xăm, lốp. Một chiếc vỏ đã mòn vẹt nhưng chỉ cần qua tay các “phù thủy” cắt gai, ép số, bỗng thành như mới.
“Lên đời” cho vỏ xe
Mới 7 giờ sáng, tiệm vá vỏ lốp ô tô của ông Hai Thuận (thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) đã tấp nập xe ra vào. Chiếc thay lốp, chiếc thì bơm hơi... nhưng nhiều nhất vẫn là cắt gai để biến những chiếc vỏ xe quá đát thành những vỏ xe trông như mới sử dụng. Vừa cắt xong gai cho 2 xe Hyundai từ Đồng Nai chạy ra, chiếc container mang biển soát 57K-7401 đã ì ạch tiến vào. Những vệt khói máy đen kịt khiến cho không gian của tiệm vá vỏ trở nên ngột ngạt. Nhảy xuống xe, tài xế tên Huỳnh oang oang: “Ông chủ làm khía giùm cho 2 cặp vỏ trước. Đát của nó quá rồi, không cắt gai, ra ngoài Vạn Ninh mấy ông công an lại quất tờ biên bản coi như toi. Mà nhớ cắt sâu sâu một chút ha? Bận trước, mấy cha cắt nông choẹt, vừa chạy được 2 chuyến hàng đã mòn hết trơn”. Khách vừa dứt lời, ông Hai Thuận cùng với 2 thợ khác đã lẹ làng đẩy con đội 35 tấn vào gầm xe, kích cho bánh xe cần cắt gai nâng lên khỏi mặt đất. Chỉ chờ có vậy, một thợ khác đã kéo máy cắt ra, thoăn thắt xỉa sâu vào thân vỏ lốp xe và đẩy một đường dài. Chiếc máy cầm tay dùng lưỡi dao nhiệt đi tới đâu, lớp vỏ bong ra tới đó. Mùi cao su cháy khét lẹt do lưỡi dao nhiệt tạo ra khiến những người đứng gần cảm thấy cay mũi.
Ông Hai Thuận đang thực hiện quy trình cắt gai. |
Sau khoảng 30 phút, chiếc vỏ cũ đã được người thợ này “lột xác” hoàn toàn. Những đường rãnh mòn trơn trở nên sâu, đều đặn. Nếu không nhìn kỹ, khó ai nhận biết đó là chiếc vỏ được tân trang. Trước đó nửa tiếng, mấy vỏ lốp còn nhẵn thín, mòn vẹt hết gai, nay qua bàn tay của thợ “tái chế”, những bánh xe trở nên mới hẳn. Khủng khiếp hơn, nhiều tài xế tuy biết vỏ đã quá mòn nhưng vì tiết kiệm tiền nên vẫn cố tình cắt gai để chạy. Lưỡi dao cắt chỉ chạy một đường khoảng hơn 1mm, lớp bố đã lòi ra. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến nhiều xe có tải trọng lớn nổ lốp, gây tai nạn giao thông.
Tranh thủ lúc rảnh, ông Hai Thuận xì xụp ăn ngấu nghiến tô bún bò. Vừa ăn, vừa kể chuyện nghề, ông “bật mí” những thủ thuật về “công nghệ tái chế” vỏ ô tô mà gia đình mình đã làm mấy chục năm qua. Ông Thuận tiết lộ: “Khách của tui đủ dạng. Từ khách thích hàng còn mới nhưng ham giá rẻ đến khách chỉ muốn hàng còn nhìn được, cốt yếu để né các đợt kiểm tra của cơ quan đăng kiểm, CSGT. Ở đây kiểu gì cũng làm được hết, mỗi vỏ lốp cắt gai tôi lấy từ 100 ngàn đồng trở lên, tùy thuộc vào gai dọc hay gai ngang. Ngày xưa dùng bằng dao thường, cắt thủ công còn thô, nay cắt bằng dao điện, đường nét tinh vi, khó ai phân biệt được đâu là vỏ đã cắt khía”.
Ép số, né cơ quan chức năng
Cách tiệm làm vỏ lốp ô tô của ông Hai Thuận không xa, tiệm của ông Mười Cường cũng đông khách không kém. Vì có địa thế thuận lợi nên tiệm của Mười Cường lúc nào cũng có xe ra vào để làm vỏ. Từ xe khách, đến xe tải nặng, từ ô tô trong tỉnh đến những chiếc tận Hà Nội, Hải Phòng... khi cần “tút” lại vỏ lốp đều ghé vào đây. Không cạnh tranh được với Hai Thuận về thủ thuật cắt gai, nhưng nói đến ép số seri, cà số vỏ thì tiệm của Mười Cường khó có ai sánh bằng. Ngồi nhâm nhi ly trà nóng trong lúc rảnh việc, ông Mười Cường say sưa kể: “Để né cơ quan đăng kiểm, nhiều chủ xe đã “hô biến” chiếc vỏ xe quá cỡ của mình thành những chiếc có thông số giống như trong sổ đăng kiểm. Thông thường, những chiếc xe tải chở hàng nặng sẽ chạy cỡ lốp 11, tức đường kính là 110cm để chở được nhiều hàng. Nhưng trong sổ đăng kiểm chỉ là cỡ vỏ 10, những thông số này đều được in nổi bên hông mỗi chiếc vỏ xe. Để làm các thông số này nhỏ đi, chỉ cần 20 phút, những chiếc vỏ cỡ 11 sẽ được ép xuống 10. Công đoạn này được gọi là ép số. Đám tài xế thường hay dùng chiêu này, bởi lắp vỏ kích cỡ lớn vừa chở được nhiều hàng, sau này mòn cắt gai nó cũng dễ coi”.
Chỉ bằng thao tác cà số đã biến một vỏ có kích cỡ lớn thành vỏ có kích cỡ nhỏ. |
Ông Mười Cường chưa kịp uống hết ly trà, một chiếc xe có tải trọng 8 tấn mang biển kiểm soát Khánh Hòa đã lừ lừ tiến vào. Quăng vội cặp vỏ Trung Quốc mới cáu xuống đất, người tài xế tên Thành hối thúc: “Thay cho em cặp vỏ anh Mười. Nhớ cà số cẩn thận, chút nữa em đi đăng kiểm đó”. Nhận được yêu cầu, 2 người phụ việc nhanh chóng lăn những chiếc vỏ vừa được nhà xe tháo ra vào phía sau nhà. Cặp vỏ mà tài xế định thay có kích 11, nhưng vì loại xe này chỉ được phép sử dụng lốp xe có kích 10 nên phải cà số để sửa 11 thành 10. Nhanh thoăn thoắt, một người thợ dùng máy mài mòn số 110 trong hàng chữ 110-20RF trên thân vỏ xe một cách điêu luyện. Sau đó, anh ta dùng một chiếc khuôn ép nóng vào chỗ vừa mài. Khuôn ép là một đồng hồ đo nhiệt, một tấm sắt có gắn điện trở và được khắc sẵn số, tùy yêu cầu của khách mà dùng các loại khuôn số khác nhau. Chỉ với những thao tác đơn giản, trong nháy mắt, từ chiếc vỏ có kích cỡ 11 đã nghiễm nhiên biến thành vỏ số 10. Xong việc, tài xế cười khoái trá lên xe rú ga, còn ông Mười Cường nghiễm nhiên đút túi 120 ngàn đồng.
Ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải: “Các hành vi cắt, gai ép số bây giờ chúng tôi mới biết. Trong thời gian tới, Sở sẽ trao đổi với với cơ quan đăng kiểm để xử lý các hiện tượng này” |
Không chỉ cắt gai, ép số, các tiệm làm vỏ xe ở Ninh Ích kiêm luôn khâu đánh bóng, tân trang lại vỏ cũ, đắp vá các vết nứt, rách của vỏ xe. Qua bàn tay của các thợ làm lốp, một chiếc vỏ ô tô dù đã hết gai cũng trở nên mới một cách lạ thường. Tại tiệm vá vỏ Út Huy (thôn Tân Thành, xã Ninh Ích), hàng chục vỏ xe đủ loại đã được khắc, dán gai... đang nằm chờ được đánh bóng, sơn đen. Ông Huy, chủ cơ sở này cho biết, vỏ xe sau khi được chà rửa sạch sẽ, phơi khô sẽ được dùng dầu bóng để đánh cho phần cao su chết bong ra và vỏ xe được quét lớp sơn đen bóng như vỏ mới. Những vết nứt chân chim trên vỏ tân trang sẽ được quét lên một loại keo đen để trám vào. Giá đánh bóng một chiếc vỏ cỡ số 10 là 50 ngàn đồng, từ cỡ 11 trở lên giá 55 ngàn đồng. Khách hàng đến đây để “tút” lại vỏ xe chỉ nhằm một mục đích duy nhất là qua mặt cơ quan chức năng.
Bất chấp tử thần
Hành vi cắt gai, ép số khiến cho vỏ ô tô luôn đứng trước nguy cơ nổ lốp bất cứ lúc nào. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và tài xế luôn đứng trước nguy cơ đối diện với “tử thần” bởi tai nạn. Hàng năm, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn kinh hoàng có nguyên nhân từ nổ lốp xe. Điều này, bất cứ người lái xe nào cũng biết, song vì lợi ích, họ vẫn bất chấp. Tại tiệm vá vỏ của Hai Thuận, khi được hỏi, một tài xế xe bồn tuyên bố lạnh tanh: “Cứ chạy vỏ lốp xe đúng quy chuẩn thì lấy cám mà ăn à! Một cặp vỏ có giá mười mấy triệu, đường sá thì xấu, nếu thay vỏ liên tục thì tiền đâu cho lại. Thôi thì cứ cắt gai, ép số, qua mặt CSGT là được. Khi nào nó nổ thì tính sau. Tai nạn có bảo hiểm lo, sợ gì”. Những lời nói vô trách nhiệm của tài xế xe bồn nọ khiến những ai nghe được cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Theo ông Hai Thuận, nhiều xe lốp đã quá mòn, khi vào cắt gai, chủ tiệm vỏ khuyên không nên cắt vì rất nguy hiểm nhưng tài xế vẫn nhất quyết làm. “Họ đòi làm thì làm, biết làm sao được. Người ta bỏ tiền, người ta có quyền, mình không làm tiệm khác cũng làm” - ông này phân trần.
Thượng tá Dương Văn Thành - Quyền Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa: “Việc kiểm tra các xe bị cắt gai, ép số và các điểm làm dịch vụ này thuộc trách nhiệm của lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông. Tuy nhiên, lâu nay chưa thấy lập biên bản về các trường hợp cắt gai, chủ yếu là biên bản vi phạm kích cỡ lốp và cà số lốp”. |
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Dương Văn Thành - Quyền Trưởng phòng CSGT tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Hành vi cắt gai vỏ lốp ô tô vô cùng nguy hiểm. Mỗi loại vỏ lốp ô tô khi sản xuất đã được kỹ sư của các công ty thiết kế với một thông số kỹ thuật phù hợp, lớp bố trong vỏ ô tô giúp vỏ chịu được các lực nén, lực ma sát, đảm bảo vỏ không bị nổ, bị phù. Phần rãnh, gai cao su có tác dụng tạo độ bám đường. Những loại vỏ xe cũ, mòn nếu đắp lại sẽ không đảm bảo các thông số an toàn như khi xuất xưởng. Một khi vỏ xe đã mòn, trơn được đem khắc rãnh lại độ bám, hệ số ma sát không đạt, dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Đối với những xe có tải trọng lớn, lốp xe dễ bị nổ do hành vi này”.
Có một điều đáng ngạc nhiên, dù hành vi cắt gai, ép số là vi phạm pháp luật, tiếp tay cho tội ác, song dường như nhiều năm qua, các địa điểm hành nghề này vẫn làm công khai mà không hề có sự kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng. Trên dọc tuyến Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Ninh Ích), có đến hàng chục tiệm cắt gai, ép số ngang nhiên treo biển hành nghề. Mỗi ngày có đến cả trăm chiếc ô tô lớn nhỏ ghé đến đây để “tái chế” các vỏ xe đã quá đát của mình. Thấy tôi thắc mắc, bà Hai Tích (vợ ông Hai Thuận) cười ngạc nhiên: “Ồ, lâu nay nhà tôi làm dịch vụ này có thấy ai nói gì đâu. Mà không riêng tiệm này, quanh đây cả chục tiệm làm công khai cũng chẳng sao. Đúng là cắt gai nhiều khi cũng nguy hiểm thật, nhưng họ có nhu cầu thì mình làm thôi”.
Hàng ngày, hết lượt xe này đến lượt xe khác ghé vào “thủ phủ làm lốp” Ninh Ích để cắt gai, ép số. Và cũng vì thế, sẽ có thêm hàng trăm chiếc với những chiếc vỏ “tái chế” lăn trên đường. Không biết rồi tính mạng của họ và những người đi đường vô tội sẽ ra sao khi xe bị nổ lốp, xảy ra tai nạn? Tử thần luôn ẩn hiện theo từng vòng quay của những vỏ xe được “tân trang” tại đây.
Đình Lâm