11:02, 18/02/2014

Tín hiệu vui từ hồ Tà Rục

Hồ chứa nước Tà Rục (xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vừa được chặn dòng. Cơ hội phát triển của huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh đang rất gần. Hiện nay, các đơn vị thi công đang nỗ lực thực hiện những hạng mục còn lại để tích nước vào cuối năm 2014.

Hồ chứa nước Tà Rục (xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vừa được chặn dòng. Cơ hội phát triển của huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh đang rất gần. Hiện nay, các đơn vị thi công đang nỗ lực thực hiện những hạng mục còn lại để tích nước vào cuối năm 2014.


Khẩn trương thi công

 

Ngày 17-2, một ngày sau lễ chặn dòng hồ chứa nước Tà Rục, chúng tôi có mặt tại đây và ghi nhận không khí làm việc sôi nổi trên công trường. Những chiếc xe tải, xe lu, máy ủi hoạt động hết công suất để tiếp tục đắp phần còn lại của thân đập. Ông Vũ Xuân Chiến - Trạm Phó Chỉ huy công trường hồ chứa nước Tà Rục (Công ty Cổ phần Xây dựng 47, Bình Định) cho biết: “Để lễ chặn dòng được diễn ra đúng kế hoạch, toàn thể cán bộ, công nhân của Công ty đã phải chạy đua cùng thời gian. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, anh em đều nghỉ Tết muộn, ngày mùng 5 Tết đã trở lại công trường làm việc”. Công ty Cổ phần Xây dựng 47 là đơn vị chịu trách nhiệm thi công các hạng mục: Đập đất, cống lấy nước, đê quai thượng lưu. Theo ông Chiến, đến thời điểm này, Công ty đã hoàn thành 2/3 khối lượng công việc; đến cuối năm nay sẽ hoàn tất phần công việc còn lại. Cụ thể, ở phần đập đất, Công ty đã đào xong toàn bộ móng đập và khoan phụt xử lý nền móng chân khay đập, đắp đập đến cao trình 51/58m với khối lượng hơn 1,2/1,8 triệu m3 đất, 358.000/439.000m3 đá, 103.600/137.800m3 dăm cát. Gia cố bê tông mái thượng lưu đến cao trình 48,5/58m. Cống lấy nước đã thi công xong. Đê quai thượng lưu đã được đắp tới cao trình thiết kế là 38,5m. Để tiếp tục hoàn thành khối lượng công việc còn lại, trên công trường, Công ty luôn duy trì khoảng 100 công nhân cùng hệ thống phương tiện cơ giới vận hành tốt.

 

1
 

 


Tại khu vực thi công tràn xả lũ của hồ do Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đảm nhiệm, không khí lao động của công nhân cũng rất khẩn trương. Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Văn Sang - công nhân cơ khí cho biết: “Do đang vào giai đoạn nước rút, anh em công nhân hiểu được tính chất công việc, nên khi lãnh đạo yêu cầu tăng ca, làm thêm giờ, chúng tôi đều sẵn sàng”.


Hiện tại, gói thầu do Tổng Công ty Xây dựng NN-PTNT chịu trách nhiệm thi công đến nay đã hoàn thành được khoảng 80% khối lượng công việc. Hệ thống tràn xả lũ đã được đào xong toàn bộ hố móng và kênh xả sau tràn. Phần cơ khí của tràn xả lũ đã được thực hiện lắp đặt xong khe van, khe phai và cối quay cửa cung. “Để kịp thời gian chặn dòng, chúng tôi đã đốc thúc công nhân đẩy nhanh tiến độ thi công. Trước mắt, vẫn còn một khối lượng lớn công việc cần hoàn thành nên chúng tôi vẫn phải luôn duy trì nhịp độ làm việc cao trên công trường”, anh Lường Văn Thái - cán bộ kỹ thuật của Tổng Công ty Xây dựng NN-PTNT chia sẻ.

 

1
 Chặn dòng hồ chứa nước Tà Rục.


3 năm qua, việc triển khai xây dựng hồ chứa nước Tà Rục gặp nhiều khó khăn về điều kiện thời tiết, đặc điểm địa chất yêu cầu phải áp dụng xử lý kỹ thuật. Bên cạnh đó, nguồn vốn không được bố trí kịp thời cũng đã làm ảnh hưởng tới đơn vị thi công. Tuy nhiên, hồ chứa nước Tà Rục được chặn dòng đúng tiến độ đã cho thấy nỗ lực, quyết tâm cao của đơn vị thi công, chủ đầu tư và chính quyền địa phương. Theo dự kiến, sau khi chặn dòng, đến cuối năm 2014, công trình sẽ tích nước. Ông Nguyễn Đình Thắng - Giám đốc Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 (Bộ NN-PTNT), chủ đầu tư công trình cho biết, do điều kiện hồ chứa nước Tà Rục được hợp lưu từ 3 con suối Tà Nĩa, Tà Rục, Trà Lục nên lượng nước dồn về tương đối nhanh, nhất là vào mùa mưa lũ. Chính vì thế, mục tiêu tiến độ công trình đặt ra là đến trước ngày 20-8 phải thi công vượt lũ chính vụ với thân đập được đắp đến cao trình 58m, hoàn thành cống lấy nước, bê tông gia cố mái thượng lưu. Thi công xong toàn bộ hệ thống tràn xả lũ, trong đó ưu tiên phần lắp đặt cơ khí cửa tràn, hoàn thành lắp đặt 3 cửa van cung và một số phần việc khác liên quan.

 
Kỳ vọng cho vùng đất khát


Được biết, ngay từ những ngày đầu triển khai dự án, người dân xã Cam Phước Tây đã đồng tình ủng hộ, nhường đất xây dựng hồ chứa nước. Người dân đã nhanh chóng di dời để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. UBND huyện Cam Lâm cũng đã kịp thời bố trí xây dựng khu tái định cư Láng Chai (cho các hộ người Raglai) và khu tái định cư 3-2 (cho các hộ người Kinh) với đầy đủ cơ sở hạ tầng nên người dân yên tâm chuyển về nơi ở mới.

 

1
Công nhân đang thi công phần tràn xả lũ


Trên con đường đến hồ chứa nước Tà Rục, đoạn qua một số địa phương thuộc huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh, quan sát những rẫy mía, ruộng hoa màu của người dân, chúng tôi có cảm giác cây cối như đang lả đi vì thiếu nước. Hỏi thăm chuyện đồng áng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tình (thôn Văn Thủy, xã Cam Phước Tây), anh Tình cho biết, hầu hết các khu vực sản xuất ở thôn Văn Thủy đều thiếu nước; cây trồng chỉ nhờ nước mưa nên năng suất không cao. Gia đình anh thuê 3ha đất để canh tác, do không có nước, phần lớn diện tích phải trồng mía nên ít hiệu quả; 0,3ha còn lại, nhờ gần các ao nước tự nhiên nên anh trồng bí đao cho hiệu quả cao hơn hẳn. Anh Tình chia sẻ: “Ai cũng mong ngóng từng ngày vào nguồn nước này, mong sao dự án sớm hoàn thành để chúng tôi có nước sản xuất”. Dự định của anh Tình, khi có nước, anh sẽ chuyển toàn bộ diện tích 3ha đang canh tác sang trồng hoa màu và các loại bầu bí.

 

Ông Trần Đình Lập - Chủ tịch UBND xã Cam Phước Tây cho biết: “Toàn xã có 600ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa nước, mía và các loại hoa màu. Lâu nay, sản xuất nông nghiệp chủ yếu nhờ nước trời. Chúng tôi kỳ vọng dự án khi hoàn thành sẽ giúp địa phương chủ động được nguồn nước, từ đó tăng năng suất cây trồng và nâng cao hiệu quả sử dụng đất”.


Tương tự, nhiều hộ nông dân khác ở xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh) cũng đang mong chờ dòng nước mát từ hồ Tà Rục. Đưa chúng tôi đi thăm khu vực sản xuất ở các thôn: Thống Nhất, Trà Sơn, Giải Phóng, Suối Môn, ông Cao Hữu Lý - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho hay, do thiếu nước nên toàn bộ diện tích hơn 150ha chỉ sản xuất được 1 vụ. Ngoài ra, hiện nay, xã Cam Phước Đông có 480ha lúa nước, 60ha mía, 250ha cây ăn quả... cũng đang thiếu nước cục bộ, nhất là vào mùa khô. Nếu có dòng nước từ hồ Tà Rục, địa phương có thể phát triển các loại hoa màu ngắn ngày, các loại cây ăn quả... cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, sản xuất nông nghiệp ở đây sẽ phát triển nhanh. “Lợi ích từ hồ Tà Rục mang lại cho sản xuất nông nghiệp của địa phương sẽ rất lớn. Chính quyền địa phương đang có kế hoạch nghiên cứu, thử nghiệm một số cây trồng, vật nuôi tại các khu vực sản xuất trong xã nhằm tận dụng tốt nhất lợi ích từ nguồn nước hồ Tà Rục”, ông Lý cho biết.


Theo bà Nguyễn Thị Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, đây là dự án quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế cũng như ổn định đời sống của người dân địa phương, nhất là việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp của nhiều xã trong huyện.

 

NHÂN TÂM - BÍCH LA


  


Tại lễ chặn dòng hồ chứa nước Tà Rục, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh: “Hồ chứa nước Tà Rục là công trình đặc biệt quan trọng đối với huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh. Tỉnh mong muốn các bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị thi công hoàn thành xây dựng công trình theo đúng kế hoạch, góp phần phát triển sản xuất và giải quyết tình trạng thiếu nước ở địa phương”.    

Khu vực hưởng lợi từ Dự án Hồ chứa nước Tà Rục trải rộng trên phạm vi 7 xã, gồm: Cam Phước Tây, Cam Thành Bắc, Cam An Nam, Cam An Bắc, Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm), Cam Phước Đông, Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh). Với lưu lượng nước 6.000m3/ngày đêm, hồ chứa nước Tà Rục sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới cho 1.750ha đất canh tác của nông dân các địa phương; đồng thời cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 40.000 người và cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp, các dự án công nghiệp tại TP. Cam Ranh.