09:02, 26/02/2014

Những người đối đầu với dịch cúm

Chúng tôi đã theo chân các kiểm dịch viên của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Khánh Hòa giám sát người nhập cảnh và các y, bác sĩ Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đang điều trị cho bệnh nhân mắc cúm.

Chúng tôi đã theo chân các kiểm dịch viên (KDV) của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Khánh Hòa giám sát người nhập cảnh và các y, bác sĩ (BS) Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đang điều trị cho bệnh nhân mắc cúm.


Một ngày ở Khoa Truyền nhiễm


7 giờ sáng, tại Khoa Truyền nhiễm, bác sĩ Nguyễn Đông - Trưởng khoa ôm chồng bệnh án dày cộp bắt đầu tua khám bệnh. Điểm đến đầu tiên là những phòng bệnh trong khu vực cách ly các bệnh nhân (BN) bị cúm và theo dõi những trường hợp nghi cúm. Do ngày cuối tuần nên cả khoa chỉ có 1 BS trực phụ trách toàn bộ. Lúc này, điều dưỡng Phạm Thị Thanh Thủy cũng đang tất bật đẩy xe thuốc, thay bình truyền, tiêm cho bệnh nhân theo y lệnh, sau đó quay lại khu vực cách ly ở phòng cấp cứu.

 

DSC_0381.jpg
 


Hơn 9 giờ, điều dưỡng Thủy quay lại khu vực cấp cứu, thay trang phục phòng dịch vào phòng cách ly. Trong phòng, BN P.T.C (37 tuổi, TP. Nha Trang) nhập viện với triệu chứng sốt cao, ho nghi cúm kèm viêm phổi, suy hô hấp, lại mang thai 26 tuần tuổi đang được thở oxy, đặt máy theo dõi các dấu hiệu sinh tồn. Quanh người BN lỉnh kỉnh các loại dây truyền máu, truyền thuốc, ống thông nước tiểu. Sau khi rút túi máu truyền, thay bình thuốc truyền, chị Thủy pha thuốc rồi cẩn thận cho BN uống; cho rác vào đúng nơi quy định… rồi mới ra ngoài qua cánh cửa khác. Lúc này đã 9 giờ 40 phút.

 

Đi theo BS Đông và các điều dưỡng đến gần trưa, tôi vẫn chỉ có thể làm quan sát viên. Gần 11 giờ, vừa định hỏi chuyện BS Đông thì một điều dưỡng được tăng cường cho ca trực thông báo: “Khoa Nhi mời bác sĩ hội chẩn 1 ca sốt xuất huyết, cấp cứu lưu mời 1 ca”. “Cấp cứu lưu trước” - BS Đông quyết định nhanh. Đúng lúc ấy, BN P.T.C trong phòng cách ly có diễn biến xấu. BS Đông lập tức cùng điều dưỡng Thủy lao vào cấp cứu. Bên ngoài, tôi cùng người chồng thai phụ đều lo lắng. Người chồng bồn chồn khi nhìn qua tấm kính trong thấy rõ vợ khó thở, mặt tím tái. Ngay lập tức, thai phụ được lắp máy thở oxy. BS và điều dưỡng tích cực thực hiện các biện pháp cấp cứu. Gần 10 phút sau, BN đã ổn định hơn, điều dưỡng Thủy ở lại cho thai phụ ăn từng thìa cháo. Chỉ một hộp cháo nhỏ nhưng mất rất nhiều thời gian vì BN đang thở máy. Đến lúc bước ra từ phòng cách ly, gương mặt cô điều dưỡng trẻ không giấu được vẻ bơ phờ, mệt mỏi.


Sau nhiều ngày điều trị cúm trong phòng cách ly, BN B.B.T.X (18 tuổi, huyện Khánh Sơn) mới được chuyển ra ngoài. Bà B.B.T.H. (mẹ của B.B.T.X) kể: “Đưa nó vào đây, cả nhà đều khóc vì tưởng nó sẽ chết. Nó sống được là nhờ sự chăm sóc của y, BS ”. Được biết, khi được Bệnh viện Đa khoa Cam Ranh chuyển ra, BN B.B.T.X vừa mới sinh con đầu lòng được vài hôm, đã suy hô hấp, tím tái, máu trào ra miệng. Bản thân các BS cũng tiên lượng khó qua khỏi. Những ngày ở bệnh viện, người nhà không được vào phòng bệnh nên các điều dưỡng, hộ lý thay nhau túc trực liên tục để theo dõi điều trị, chăm sóc cho BN. Ngày thường họ đã vất vả, những lúc có dịch như thế này, công việc càng bận rộn và áp lực hơn.


Hơn 13 giờ, tôi hỏi chuyện ăn trưa, ai cũng lắc đầu từ chối vì bận việc. “Đó là chuyện bình thường. Gặp những ca nặng, guồng máy chạy liên tục. Người lo xét nghiệm, người lấy máy siêu âm, người lấy huyết tương… BS theo dõi, kiểm tra liên tục diễn biến BN để điều chỉnh y lệnh; điều dưỡng truyền dịch, theo dõi máy thở, huyết áp liên tục. Các trường hợp BN ở ranh giới giữa sống và chết đều là áp lực đối với chúng tôi”, BS Phan Thế Long - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm chia sẻ. Với các y, BS ở đây, đối mặt với những nguy hiểm từ dịch cúm không làm họ sợ, họ chỉ sợ không cứu được BN thoát khỏi tay tử thần…


Chuyện từ sân bay


Đến 8 giờ 35 phút, chuyến bay quốc tế từ Nga mới đáp xuống Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh, nhưng mới hơn 7 giờ, các KDV của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh đã có mặt tại sân bay. Đến nơi, công việc đầu tiên của đoàn là kiểm tra danh sách các chuyến bay, lắp đặt và kiểm tra lại hoạt động của hệ thống máy soi nhiệt độ tự động.


Trễ hơn 15 phút so với lịch trình, chuyến bay IK 2521 mới hạ cánh. Các KDV nhanh chóng thực hiện công việc đã được phân công. KDV Lê Nguyên Quốc có mặt ở cửa máy bay để kiểm tra sơ bộ các biểu hiện lâm sàng bệnh của hành khách, nếu thấy hành khách nào có dấu hiệu mệt mỏi, họ sẽ lập tức đưa vào khu vực cách ly. Ở khu vực kiểm dịch, KDV Đinh Tấn Huy hướng dẫn hành khách đi máy soi thân nhiệt tự động; KDV Hồ Thanh Nghĩa và Phạm Minh Sửu phụ trách điều chỉnh máy, đọc thân nhiệt của hành khách qua máy soi thân nhiệt tự động đặt tại khu vực kiểm dịch y tế quốc tế. Tại khu vực kiểm dịch, BS chuyên khoa II Nguyễn Hoa Hội - Giám đốc Trung tâm cũng túc trực cùng với các thành viên để thực hiện việc khám, chẩn đoán bệnh khi phát hiện hành khách có biểu hiện của bệnh cúm. Sau khi hành khách thứ 250 đi qua máy soi nhiệt độ tự động đã cho thân nhiệt bình thường, các KDV mới thở phào nhẹ nhõm.  

 

Các kiểm dịch viên kiểm tra lại máy đo nhiệt độ tự động từ xa.
Các kiểm dịch viên kiểm tra lại máy đo nhiệt độ tự động từ xa.


 Trong căn phòng làm việc rộng khoảng 16m2, được trưng dụng một phần làm nơi nghỉ tạm, KDV Phạm Minh Sửu kiểm tra lại lịch hạ cách của những chuyến bay quốc tế kế tiếp, đồng thời cho biết: “Bình quân mỗi ngày có khoảng 4 chuyến bay quốc tế với khoảng 1.000 người đến Cam Ranh. Tuy công việc của KDV không vất vả nhiều như các y, BS điều trị nhưng sự căng thẳng cũng không kém, nhất là vào những mùa dịch bệnh như hiện nay. Vì nếu không cẩn thận, để lọt bệnh nhân bị mắc cúm A/H7N9 đi vào trong nội địa sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho người dân”. KDV Lê Nguyên Quốc chia sẻ: “Những ngày này, lực lượng KDV thực hiện công tác kiểm dịch tại sân bay, cảng biển đều được tăng lên gấp đôi, được tập huấn liên tục. Dịp Tết vừa qua, có 23 chuyến bay từ Trung Quốc sang, các KDV đều phải căng mình ra để làm việc. Chỉ đến khi cuối ngày không có sự cố gì, cả đoàn mới thấy nhẹ người, bao nhiêu mệt nhọc cũng tan biến”.


Đưa chúng tôi đi xem khu vực cách ly đã được bố trí, BS Nguyễn Hoa Hội cho chúng tôi biết cách thức xử lý về mặt y tế của Trung tâm khi phát hiện hành khách có triệu chứng nghi bị cúm A/H5N1 hoặc H7N9 như: Tiến hành cách ly BN, kiểm tra giấy báo y tế, vận chuyển BN đến nơi điều trị, thực hiện việc giám sát người nhà, hành khách đi cùng chuyến bay với BN, xử lý y tế máy bay bằng hóa chất… Tất cả các quy trình này vừa phải đảm bảo an toàn cho hành khách vừa không cản trở giao thông đường bay. “Hiện nay, Trung tâm có 1 máy soi nhiệt độ tự động từ xa, 3 máy soi nhiệt độ cầm tay và một số trang thiết bị liên quan đến việc xử lý y tế. Trong tương lai, khi số lượng các chuyến bay quốc tế đến Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh tăng lên thì số thiết bị này rất khó đáp ứng tốt. UBND tỉnh, Sở Y tế nên quan tâm trang bị thêm cho Trung tâm 2 máy soi nhiệt độ tự động từ xa, 5 máy soi nhiệt độ cầm tay. Vì với 1 máy soi nhiệt độ tự động từ xa như hiện nay, nếu có trục trặc, chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm dịch, nhất là đối với những tàu biển quốc tế có lưu lượng hành khách hơn 1.500 người”, BS Hội kiến nghị.


Câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng khi trên loa phát thông báo chuyến bay quốc tế kế tiếp sắp hạ cánh. Các KDV tất bật quay trở lại với công việc cùng với niềm vui khi nhận được thông báo, lãnh đạo sân bay đã đồng ý bố trí một phòng ở tập thể để các KDV có nơi nghỉ ngơi trong thời gian chờ các chuyến bay.

KHÁNH NINH - THẢO LY