10:02, 15/02/2014

Mùa mía nhạt

Niên vụ mía 2013 - 2014 bắt đầu với hình ảnh nhà nông chạy đôn chạy đáo thuê người chặt mía; sau khi bán được mía cho các nhà máy, nỗi buồn "mía nhạt" khiến không ít người phải thở dài.

Niên vụ mía 2013 - 2014 bắt đầu với hình ảnh nhà nông chạy đôn chạy đáo thuê người chặt mía; sau khi bán được mía cho các nhà máy, nỗi buồn “mía nhạt” khiến không ít người phải thở dài.


Khan hiếm nhân công


Đến thôn Tân Mỹ, xã Ninh Xuân khi đã quá trưa, chúng tôi thấy ở những ruộng mía ven đường nhiều nông dân vẫn đang chặt mía dưới nắng gắt. Ông Nguyễn Văn Tiến, một nông dân cho hay: “Theo lịch, ngày mai xe của Nhà máy Đường Ninh Hòa sẽ đến chở 60 tấn mía của gia đình tôi. Năm nay, do tìm không được người chặt mía, tôi phải huy động vợ, con, anh em đi chặt giúp”. Theo ông Tiến, niên vụ trước, ông mướn 14 nhân công rất dễ dàng, chặt 1ha mía trong vòng 2 - 3 ngày là xong, nhưng niên vụ này, do không có người nên hơn 6 ngày vẫn chưa chặt xong. “May là trời nắng ráo, chứ chặt kéo dài thế này lỡ mưa xuống thì không biết phải làm thế nào” - ông Tiến nói.


Cũng do không thuê được người chặt mía nên mới hơn 1 giờ trưa, ông Bùi Tấn Hợi (thôn Trung, xã Ninh Tân) cùng những người trong thôn mà gia đình ông đổi công được tranh thủ ra ruộng chặt mía để kịp cho xe của Nhà máy Đường Cam Ranh đến chở. Hơn 10 năm trồng mía, đây là lần đầu tiên ông phải ra ruộng chặt mía. Ông cho biết: “Giá nhân công mới đầu vụ đã tăng từ 1.000 đồng lên 1.200 đồng/bó, vậy mà vẫn không tìm được người chặt. Hôm trước, gia đình tôi chạy đôn chạy đáo mới đổi được 8 công chặt, hôm sau do gia đình họ cũng phải thu hoạch mía nên chỉ còn được 4 người, vì vậy vợ chồng tôi cũng phải tranh thủ ra đồng chặt mía sớm hơn thường ngày. Kiểu này, tôi phải xin nhà máy cho dời lịch chặt chứ sợ không thu hoạch kịp”. Theo ông Hợi, năm nay xe vận chuyển không khó khăn như những năm trước, việc thu hoạch mía chậm là do thiếu lao động.


Chị Hồ Thị Giàu (xã Ninh Hưng) đang chặt mía cho gia đình ông Lê Văn Quang (xã Ninh Tân) cho biết: “Những năm trước, cứ đến mùa mía là rất đông người lên Ninh Tân chặt thuê, nhất là những thanh niên chưa có việc làm. Thế nhưng, việc chặt mía chỉ được khoảng 3 tháng, công việc lại khá nặng nhọc nên nhiều người đã chọn đi làm công nhân. Vì vậy mà nhân công chặt mía ngày càng khan hiếm”.


Hiệu quả giảm

 

Khan hiếm lao động chặt mía.
Khan hiếm lao động chặt mía.


Cách đây chưa lâu, gia đình ông Lê Quang Khải (thôn Tân Mỹ, xã Ninh Xuân) mới thu hoạch xong 2ha mía, năng suất 40 tấn/ha, chữ đường chỉ đạt 8,5 CCS, bán với giá gần 800.000 đồng/tấn. Với số tiền bán mía được gần 64 triệu đồng, sau khi trừ chi phí ông chỉ lãi 4 triệu đồng/ha. Chính vì vậy nên sau khi thu hoạch mía xong, ông Khải quyết định chuyển đổi 1ha mía sang trồng đậu xanh, chỉ duy trì 1ha mía lưu gốc.


Nhiều hộ nông dân ở xã Ninh Tân cũng chưa nếm được vị ngọt của mía niên vụ này. Theo tính toán của người trồng mía thì 2 niên vụ trở lại đây, hiệu quả cây mía giảm sút liên tục. Nếu như niên vụ 2011 - 2012, nông dân có thể thu lãi 20 - 25 triệu đồng/ha thì đến niên vụ 2012 - 2013 con số này chỉ còn khoảng 15 triệu đồng, đầu niên vụ này chỉ còn khoảng 5 - 7 triệu đồng/ha. Theo lý giải của nông dân, hiệu quả cây mía giảm sút là do giá thu mua mía nguyên liệu giảm, năng suất không tăng, trong khi chi phí đầu tư và tiền công tăng cao. Ngoài ra, không ít người còn tỏ ra băn khoăn trước việc cân đo, xác định chữ đường, tỷ lệ tạp chất của các nhà máy. Ông Nguyễn Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tân cho biết: Năm nay, hiệu quả cây mía giảm sút rõ rệt khi năng suất, chất lượng mía thấp so với mọi năm. Nguyên nhân là do tháng 9 và 10-2013 mưa ít - đây là thời kỳ cây mía phát triển mạnh nên cần nhiều nước. Trong khi đó, giá nhân công chặt mía, tiền chở mía từ ruộng đến xe vận chuyển lại tăng từ 10 - 20%. Với giá thu mua khoảng 900.000 đồng/tấn mía có chữ đường 10 CCS như hiện nay, những hộ trồng mía gốc có thể hòa vốn hoặc có lãi ít, còn những hộ trồng mía tơ nếu năng suất chỉ đạt 50 tấn/ha thì sẽ thua lỗ trên dưới 10 triệu đồng/ha.


Tương tự, ở Khánh Vĩnh, phần lớn nông dân đều lắc đầu buồn bã khi được hỏi về chuyện mía. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Thơm (thôn Đông, xã Sông Cầu) có 10ha mía, trong đó có 3ha mía tơ và 7ha mía lưu gốc. Những năm trước, bình quân 1ha mía lưu gốc ông thu lãi hơn 20 triệu đồng nhưng năm nay lãi chẳng bao nhiêu. Ông Thơm cho biết: “Năm nay, mía bị nhiễm sâu bệnh, thời tiết không thuận lợi nên năng suất chỉ đạt khoảng 45 tấn/ha, chữ đường thấp hơn năm ngoái. Nhà máy mua 900.000 đồng/tấn mía cây có chữ đường 10 CCS trở lên, mía nhà tôi chỉ được 8 CCS nên chỉ được mua với giá 720.000 đồng. Trừ chi phí, còn lãi khoảng 3 - 4 triệu đồng/ha mía lưu gốc”. Trong khi đó, hộ ông Cao Văn Thành (thôn A Xay, xã Khánh Nam) trồng 6ha mía, đến nay đã thu hoạch gần 3ha, được 150 tấn mía cây nhưng cũng chỉ đủ vốn đầu tư.


Ông Nguyễn Công Tính - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa cho biết, 2 niên vụ trở lại đây, hiệu quả từ cây mía mang lại thấp, vụ năm ngoái do bị mắc bệnh lá trắng nên hơn 1.200ha mía của nông dân chết trắng. Năm nay, tuy không bị dịch bệnh nhưng giá thu mua mía thấp hơn 10% so với năm ngoái, chi phí đầu tư lại tăng 10% nên người trồng mía lao đao.


Không đầu tư lại ăn may

 

1
Đưa mía vào ép.

 

Ông Thái Tiến Dũng - Trưởng phòng Nguyên liệu, Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa: Niên vụ mía này, tuy giá đường thấp nhưng hiện nay giá thu mua mía nguyên liệu của Công ty đạt 860.000 đồng/tấn mía 10 CCS, chỉ giảm 20.000 đồng/tấn so với trước. Tuy giá bán thấp nhưng thu nhập của nông dân không giảm nhiều nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà máy đối với nông dân như: Hoàn thành hợp đồng, khách hàng thân thiết, giảm 50% lãi suất đầu tư, chi phí sửa chữa đường vận chuyển. Nếu cộng cả giá bán và tiền hỗ trợ của nhà máy, 1 tấn mía 10 CCS nông dân thu được 915.000 đồng. Qua 45 ngày vào vụ, Công ty đã thu mua được khoảng 170.000 tấn mía nguyên liệu, với những hộ có đầu tư, năng suất bình quân đạt 53 tấn/ha, chữ đường bình quân đạt 10,4 CCS, tỷ lệ tạp chất chỉ 4,02%. Với giá thu mua mía hiện nay, nông dân có lãi ít nhất 15 triệu đồng/ha.

Đến thị xã Ninh Hòa, nghe người trồng mía kháo nhau niên vụ mía 2013 - 2014, những ruộng mía không đầu tư lại gặp may có lợi nhuận cao hơn những ruộng mía có đầu tư, chúng tôi cứ băn khoăn về nghịch lý này. Theo tính toán của ông Lê Quang Khải và nhiều nhà nông khác, niên vụ 2013 - 2014, chi phí đầu tư cho mỗi héc-ta mía lưu gốc khoảng 25 - 27 triệu đồng; với năng suất 40 tấn/ha, giá bán gần 800.000 đồng/tấn mía có chữ đường 8,5 CCS, lợi nhuận chỉ đạt 4 triệu đồng/ha, nếu tính luôn công chặt thì chỉ hòa vốn.


Trong khi đó, những ruộng mía không được đầu tư, chăm sóc lợi nhuận lại cao hơn. Chẳng hạn gia đình bà Võ Thị Hạnh (thôn Tân Trúc, xã Ninh Xuân) có 1ha mía. Niên vụ trước do năng suất thấp, chữ đường ít, sau khi thu hoạch gia đình bà thua lỗ gần 20 triệu đồng. Không có tiền đầu tư nên gia đình bà để cây mía tự phát triển. “Hiện 1ha mía này đã bán cho tư thương với giá 700.000 đồng/tấn; ít nhất chúng tôi cũng thu hoạch được 20 tấn, tính ra không tốn tiền đầu tư, công chăm sóc, gia đình tôi vẫn bỏ túi 14 triệu đồng”, bà Hạnh cho biết. Tương tự, ông Võ Hùng ở cùng thôn cũng có 2ha mía lưu gốc chỉ phát triển theo kiểu “nhờ trời”. Theo ước tính của ông Hùng, khi thu hoạch 2ha mía này cũng được khoảng 50 tấn; bán với giá 700.000 đồng/tấn, lợi nhuận 35 triệu đồng. Tuy nhiên, những hộ này cũng nhìn nhận kiểu trồng mía “nhờ trời” này chứa đựng nhiều yếu tố may rủi.


Trước tình cảnh bấp bênh của cây mía như hiện nay, nếu không được cải thiện, trong thời gian tới có khả năng nông dân sẽ quay lưng lại với cây trồng vốn đã gắn bó với họ nhiều năm qua.

 

BÍCH LA - THẢO LY - KIM OANH