Về nơi ở mới, tuy cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp nhưng những cư dân khu tái định cư Hòn Xện (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) vẫn còn canh cánh trong lòng nỗi lo mưu sinh và tình hình an ninh.
Về nơi ở mới, tuy cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp nhưng những cư dân khu tái định cư (KTĐC) Hòn Xện (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) vẫn còn canh cánh trong lòng nỗi lo mưu sinh và tình hình an ninh.
Khu tái định cư có đường sá, nhà cửa xây dựng khang trang. |
Đến Hòn Xện, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một KTĐC mới, với nhà phố khang trang, đường sá rộng rãi, thông thoáng, hạ tầng tương đối đầy đủ. Trên địa bàn đã xây dựng trường tiểu học, trường mầm non, trạm xe buýt, hệ thống viễn thông liên lạc, đường, điện, nước, cây xanh... Mặc dù vậy, cuộc sống của người dân nơi đây còn lắm nỗi lo.
Chật vật mưu sinh
Đã 9 giờ sáng nhưng nhiều người dân ở đây vẫn còn ở nhà. Đàn ông thì ngồi đánh bài, uống trà còn phụ nữ tụm ba, tụm năm tán gẫu. Ngồi thẫn thờ trước nhà, thấy khách, ông Võ Văn Sang (49 tuổi, tổ dân phố 15, Hòn Xện) thở dài: “Bây giờ, đàn ông xóm này rảnh lắm, chẳng có việc gì làm. Ngày trước ra khơi, vô lộng, tung hoành ngang dọc, còn nay phải ở nhà, buồn lắm”. Trước kia, ông Sang làm nghề lưới trũ, sắm được ghe, thu nhập khá, đủ lo cho cuộc sống của 5 thành viên trong gia đình. Nhưng sau đó, biển đói, ông bán ghe, chuyển sang nhử tôm hùm con. Từ khi nghề này bị cấm, ông Sang mất việc. Hiện nay, nguồn thu nhập của gia đình dựa vào gánh cá của vợ. 2 con của ông đang học đại học nhờ vào vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Vợ chồng ông định thế chấp sổ đỏ để vay vốn lo cho các con.
Trạm xe buýt đưa đón học sinh khu vực Hòn Xện. |
Sống ở Cồn Giữa (phường Xương Huân, TP. Nha Trang), vợ chồng anh Võ Kim Tính - chị Trương Thị Nghĩa (42 tuổi) mang theo khát vọng đổi đời khi chuyển về KTĐC Hòn Xện. Thế nhưng, đã một năm trôi qua, khát vọng ấy vẫn chưa thành hiện thực, bởi việc làm của cả hai vợ chồng còn bấp bênh. Trước đây, chị Nghĩa làm thuê, chồng đánh bắt hải sản gần bờ. Sau khi chuyển về nơi ở mới, 5 miệng ăn chủ yếu dựa vào thu nhập từ nghề đi biển của anh Tính; còn chị thất nghiệp, không ai thuê làm. Hiện nay, vợ chồng chị còn nợ Nhà nước 130 triệu đồng tiền sử dụng đất. “Đàn bà ở đây chỉ biết làm “thợ đụng”, ai thuê gì làm nấy, nếu không thì ở nhà ngồi chơi xơi nước” - chị Nghĩa nói.
Tuy sống trong căn hộ khá khang trang, nhưng gia đình anh Lê Văn Tuyên (sinh năm 1974) vẫn luôn đau đáu nỗi lo sinh kế. Trước đây, với việc chạy xe ba gác, bốc vác, anh Tuyên kiếm được 200.000 đồng/ngày; còn nay, thu nhập bấp bênh, ngày có ngày không. Vợ anh làm thợ may, nhưng chỉ sửa đồ lặt vặt. Thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ nuôi 4 miệng ăn.
KTĐC Hòn Xện có 3 tổ dân phố với hơn 1.000 hộ, hầu hết người dân sinh sống bằng nghề đi biển. Nhiều người đã thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng xây nhà mới, một phần để mua sắm ngư lưới cụ mưu sinh. Do không có vốn đầu tư mua sắm ghe thuyền nên người dân chủ yếu đánh bắt nhỏ, thả lờ dây ven bờ và làm nghề nhử tôm hùm con. Khi đánh bắt ven bờ và nhử tôm hùm con bị cấm, cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn. Mong muốn của người dân là được tạo điều kiện vay vốn, chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Tuy nhiên, do không có tài sản thế chấp nên họ rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng...
Nỗi lo an ninh
Ghé vào một quán tạp hóa bên đường, chúng tôi tình cờ biết một vụ mất cắp lớn vừa xảy ra trước Tết. Bà Nguyễn Thị Diệt (58 Vũ Hữu, Hòn Xện) kể: “Tầm 4 - 5 giờ chiều, tôi đi quanh xóm dạo mát, ở nhà chỉ có mẹ già. Thấy sơ hở, kẻ gian đã lẻn vào nhà, cạy tủ, vét sạch tiền bấy lâu nay tui dành dụm được...” - bà Diệt thở dài. Chị Trương Thị Nghĩa (tổ 15, Hòn Xện) cho hay, trong khu vực, thỉnh thoảng vẫn xảy ra mất cắp vặt như: mất gà, chó... Kẻ gian không biết từ đâu tới nhưng rất khó phát hiện.
Giờ ăn của các cháu ở trường mầm non Khu tái định cư Hòn Xện. |
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Trúc Sinh - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa cho biết, Hòn Xện là khu dân cư quy tụ hàng ngàn nhân khẩu giải tỏa từ nhiều phường nội thành như: Xương Huân, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vạn Thạnh... nên tình hình an ninh ở đây khá phức tạp, xảy ra nhiều vụ mất cắp, đánh nhau, gây rối an ninh trật tự. Trước tình hình đó, Công an phường đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường tuần tra ngày đêm, nhất là khi người dân đi làm, vắng nhà. Hiện nay, phường đã thành lập đội tuần tra gồm công an phường, bảo vệ dân phố (4 người), phường đội (2 người) tiến hành tuần tra các khu vực trên địa bàn phường nên tình hình an ninh đã tạm lắng dịu. Theo ông Đặng Văn Tiệm - Tổ trưởng tổ 15, trên địa bàn thỉnh thoảng xảy ra các vụ trộm gà, bắt chó, mất cắp tài sản... nên tổ thường xuyên tổ chức tuần tra, có khi phối hợp với cảnh sát khu vực tuần tra...
Bao giờ lạc nghiệp?
Đem câu chuyện sinh kế của người dân Hòn Xện trao đổi với ông Huỳnh Kỳ Trầm - Giám đốc Ban quản lý Dự án các công trình trọng điểm tỉnh, ông chia sẻ: “Dự án khi làm đã xét tới điều này. Hộ nào có ghe sẽ được TĐC tại Hòn Rớ để thuận tiện cho việc làm ăn, chỉ những hộ không có phương tiện thì mới chuyển về đây. Biết họ khó khăn về kinh tế nên tỉnh vẫn cho người dân nợ lại tiền sử dụng đất đến 5 năm, khi nào trả sẽ tính biến động theo thời giá. Tuy nhiên, nhiều người có tâm lý muốn xây nhà to, nhà đẹp nên dẫn tới nợ nần. Vấn đề phát triển kinh tế, dân sinh sau TĐC là nhiệm vụ của chính quyền phường và TP. Nha Trang...”.
Theo ông Nguyễn Trúc Sinh, tuy hạ tầng một vài chỗ trong KTĐC chưa đồng bộ (như: thiếu hệ thống xử lý nước thải, nơi cấu trúc địa chất khó thấm nước gây ô nhiễm...) nhưng nhìn chung, khu dân cư Hòn Xện khá khang trang, bảo đảm các hoạt động đời sống dân sinh. Vấn đề khó khăn hiện nay là việc làm, thu nhập của người dân. UBND phường đã kiến nghị thành phố sớm có hướng chỉ đạo về chuyển đổi ngành nghề cho người dân, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Mai Loan - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Nha Trang: Thành phố đã có chỉ đạo việc chuyển đổi ngành nghề của nghề nhử tôm hùm con trên vịnh Nha Trang. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa thấy phường Vĩnh Hòa lập danh sách gửi cho Phòng, trong khi các phường có nghề này đã triển khai, nhất là Vĩnh Thọ, Vĩnh Phước, Phước Đồng... Theo kế hoạch, UBND thành phố sẽ đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố xem xét cho vay 20 triệu đồng/hộ, hỗ trợ lãi suất để giúp ngư dân chuyển đổi nghề nhử tôm hùm con.
“An cư lạc nghiệp” là mong ước của người dân khi chuyển đến nơi ở mới. Với KTĐC Hòn Xện, UBND TP. Nha Trang cần có giải pháp ưu tiên trong vấn đề giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân. Có như vậy, cuộc sống của người dân nơi đây mới bớt khó khăn.
VĨNH LẠC - KIM THAO