Hang Dơi (người dân thường gọi là "chùa Hang") ở núi Hòn Hèo (thuộc thôn Tiên Du 2, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) thực chất chỉ là một hang động, một điểm thờ tự tự phát.
Hang Dơi (người dân thường gọi là “chùa Hang”) ở núi Hòn Hèo (thuộc thôn Tiên Du 2, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) thực chất chỉ là một hang động, một điểm thờ tự tự phát.
Cơ sở thờ tự trái phép
Một ngày giữa tháng 12, tôi cùng anh Trần Quang Võ - Trưởng Công an xã Ninh Phú tìm về hang Dơi ở thôn Tiên Du 2, nơi mà thời gian gần đây nhiều người vẫn đồn đại là linh thiêng.
Bàn thờ bên trong hang Dơi. |
Dừng xe máy ở bìa rừng, đi bộ khoảng 200m trên con đường núi xuyên qua các rẫy điều, chúng tôi nhìn thấy hang Dơi. Người dân gọi là “chùa Hang”, nhưng ở đây không có ngôi chùa nào, đó chỉ là một hang động theo kiểu hàm ếch khá rộng (bề ngang 10m, sâu khoảng 8m, cao khoảng 2m), nền hang được tráng xi măng, có xây một số bàn thờ. Thoạt nhìn, việc đặt bàn thờ ở đây không theo một trật tự nào. Ngay tại cửa hang, ai đó đã xây 4 bàn thờ, đặt các tượng Phật Di Lặc, Quan Công... cùng tấm bia có ghi “tưởng niệm anh hùng liệt sĩ”. Trong lòng hang còn có thêm 5 bàn thờ được xây dựng theo kiểu bậc tam cấp có đặt tượng Thánh Mẫu, tượng Phật, tượng Quan Công... cùng một số đồ pháp khí như kiền chùa (khánh), mõ... và sách kinh Phật. Trên các bàn thờ, hoa còn khá tươi, chứng tỏ thường xuyên có người lui tới... Ở phía bên trái cửa hang có một ngôi nhà tạm vách làm bằng gỗ, mái lợp tôn. Cách đó không xa là ngôi tháp cao khoảng 4m trông còn khá mới. Ngay tại cửa hang, tuy có ghi dòng chữ “thanh tịnh” nhưng bếp lửa, xoong nồi, bát chén để vương vãi trông khá nhếch nhác...
Chén bát, xoong nồi để vung vãi ngay sau lưng tượng thờ. |
Vừa đi, anh Võ vừa kể về lai lịch của “chùa Hang”. Theo anh Võ, hang Dơi vốn là nơi cư trú của cán bộ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau năm 1975, không có người quản lý, hang Dơi trở thành nơi qua đêm của những người làm nghề khai thác lâm sản trái phép. Theo tín ngưỡng dân gian, những người thợ rừng đặt một bát hương nhỏ cúng thần núi. Ở phía trái cửa hang có một ngôi mộ cổ, tương truyền là mộ của Hòa thượng Thích Nhơn Hoằng bị thực dân Pháp bắn chết vào đầu năm 1946. Năm 2007, UBND huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa) cho phép Thị hội Phật giáo Ninh Hòa xây dựng lại mộ thành ngôi tháp. Lợi dụng điều này, một số đối tượng đã tự ý lập bàn thờ, đặt tượng ở hang Dơi, lập lán trại trái phép... Từ đó, lời đồn đại về sự linh thiêng của hang Dơi ngày một lan rộng, số lượng người đến cầu cúng ngày càng nhiều hơn. “Năm 2012, một số đối tượng tại địa phương lợi dụng mê tín dị đoan thường đến hang Dơi để cầu cơ, gây mất trật tự an ninh tại địa phương. Chúng tôi từng lập biên bản yêu cầu các đối tượng này giải tán”, anh Võ kể. Hiện tại, một số người vẫn thường xuyên lui tới nơi đây để chăm lo thờ cúng. Ngày 15-11, một nhóm phật tử đã tổ chức hành hương về đây, kêu gọi lập chùa. Tuy không phải là cơ sở tôn giáo, nhưng ông Nguyễn Bá Hợi (pháp danh Thích Tịnh Bảo) vẫn thường lui tới đây để hương khói.
Trên đường đi xuống, chúng tôi gặp một thanh niên tên Chân đi lên núi. Bắt chuyện, người thanh niên này cho biết đang lên “chùa Hang”. “Mình đi với thầy Thích Tịnh Bảo, thầy có việc nên mình lên núi nấu cơm trước, tí nữa 2 thầy trò cùng ăn cơm...”, anh Chân nói.
Ông Tô Mỹ Khánh - Chủ tịch UBND xã Ninh Phú cho biết: “Tôi sống ở đây từ nhỏ chỉ thấy hang Dơi là một hang động chứ không có ngôi chùa nào cả. Việc tổ chức thờ tự ở hang Dơi hoàn toàn là tự phát”. Theo ông Khánh, việc tồn tại ngôi mộ của Hòa thượng Thích Nhơn Hoằng là có thật, tuy nhiên không có tài liệu chính thống nào nói về cái chết của nhà sư này. “Việc một số người tụ tập, tổ chức quay phim ở hang Dơi là việc làm trái phép, không hề có sự đồng ý của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng”, ông Khánh nói.
Ngôi tháp (mộ) của Hòa thượng Thích Nhơn Hoằng |
Có hay không chùa “Thạch Sơn”?
Ông Đặng Khải - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thị xã Ninh Hòa: Đến nay, chưa có bằng chứng cho thấy Hòa thượng Thích Nhơn Hoằng hy sinh vì hoạt động cho cách mạng, lịch sử Đảng bộ thị xã cũng không ghi lại sự kiện này... Hiện tại, hang Dơi không phải là cơ sở thờ tự của tôn giáo, đây cũng không phải là chùa hoang như Ban đại diện Phật giáo thị xã Ninh Hòa trình bày. Còn nếu xem đây là địa danh gắn liền với di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thì hiện nay vẫn chưa có sự công nhận... Khu vực mà Giáo hội Phật giáo thị xã Ninh Hòa đề nghị “khôi phục chùa Thạch Sơn” là đất quốc phòng. Theo quy định, khu vực này không được xây dựng các công trình, kể cả công trình tôn giáo, khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép. Chúng tôi mong muốn Ban đại diện Phật giáo Ninh Hòa tuân thủ và chấp hành đúng quy định của pháp luật và sự chỉ dẫn, trả lời của chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm đúng chính sách, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, cũng như pháp luật về quản lý đất đai. |
Ngày 16-10-2013, Thị hội Phật giáo Ninh Hòa có tờ trình “xin khôi phục lại chùa Thạch Sơn và truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho Hòa thượng Thích Nhơn Hoằng”. Theo trình bày của Thị hội Phật giáo Ninh Hòa, tại khu vực hang Dơi có ngôi chùa Thạch Sơn do Hòa thượng Thích Nhơn Hoằng trụ trì. Ngày 7 tháng Giêng năm Bính Tuất (1946), Hòa thượng Thích Nhơn Hoằng bị thực dân Pháp giết chết do tiếp tế lương thực, bảo vệ cán bộ cách mạng và người dân thôn Tiên Du. Cùng với tờ trình, Thị hội Phật giáo Ninh Hòa còn gửi kèm lời các nhân chứng và hình ảnh mặt trước của một ngôi chùa cổ mà theo họ là ảnh chụp chùa Thạch Sơn vào năm 1955... Trong lời nhân chứng, các ông Lê Xuân Anh, Phạm Thanh Nhân, Dương Gành, Võ Vân... khẳng định ở Hòn Hèo từng tồn tại một ngôi chùa mang tên Thạch Sơn, Hòa thượng Thích Nhơn Hoằng bị Pháp giết chết vì bảo vệ cán bộ Việt Minh. Tuy nhiên, mới đây, khi làm việc với chính quyền địa phương cũng như phóng viên, các nhân chứng nói trên đã phủ nhận những nội dung trong bản ghi lời nhân chứng mà Thị hội Phật giáo Ninh Hòa đưa ra.
Ông Phạm Thanh Nhân (sinh năm 1936, trú thôn Phú Bắc 2, xã Ninh Phú) cho biết: “Đầu tháng 10-2013, ông Nguyễn Bá Hợi và ông Nguyễn Văn Tân đến nhà tôi hỏi chuyện về chùa Hang. 2 ngày sau họ mang văn bản đến bảo tôi ký làm chứng những lời mình đã nói, do tin tưởng nên tôi không đọc lại mà vẫn ký. Tôi xin khẳng định những lời trong bản nhân chứng không đúng với những lời tôi đã trình bày với 2 người nói trên”. Theo ông Nhân, từ khi lớn lên ông chỉ thấy hang Dơi chứ không hề có một ngôi chùa nào mang tên Thạch Sơn ở đây; ông cũng không biết gì về chuyện Hòa thượng Thích Nhơn Hoằng giúp đỡ cách mạng. “Tôi có nghe kể là Hòa thượng bị Pháp bắn chết. Lúc ấy tôi mới 10 tuổi làm sao biết được ông ấy hoạt động cách mạng hay không mà làm chứng là ông ấy hy sinh vì bảo vệ Việt Minh. Tôi cũng không hề nói mình là đảng viên 55 tuổi Đảng, họ tự tìm hiểu ở đâu rồi đưa vào...”, ông Nhân bức xúc nói.
Tương tự, ông Dương Gành (sinh năm 1929, trú thôn Tiên Du 1, xã Ninh Phú) cũng cho rằng những lời nhân chứng mà ông Hợi và ông Tân lập ra không đúng với những gì ông đã nói, do tin tưởng nên ông đã ký mà không đọc lại. Ông Gành cho biết, từ nhỏ có nghe mọi người kể về thầy Thích Nhơn Hoằng chứ không nghe nói đến việc thầy hoạt động cách mạng hay nuôi dưỡng cán bộ; hang động của hang Dơi được xây bằng đá dăm chứ không có một ngôi chùa nào cả. “Không có chùa Thạch Sơn cổ tự vì lúc đó khi đi chặt củi, chăn bò tôi thường ghé vào hang nghỉ nên tôi biết”, ông Gành khẳng định.
Riêng ông Lê Xuân Anh (sinh năm 1921, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa), người xin lấy “danh dự của một đảng viên 66 năm tuổi Đảng...” ra đảm bảo những lời nhân chứng của mình là sự thật. Tuy nhiên, khi làm việc với Hội Cựu chiến binh phường Ninh Hiệp, ông Anh thừa nhận ông không phải là đảng viên, cũng không phải là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã nghỉ hưu như trong lời làm chứng. Liệu những lời làm chứng của ông Anh có còn đáng tin?
Khu vực hang Dơi là đất quốc phòng
Hòa thượng Thích Nguyên Quang - Phó Ban Trị sự kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa: Vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Ninh Hòa có gửi tờ trình xin khôi phục chùa Thạch Sơn và truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho Hòa thượng Thích Nhơn Hoằng. Theo đó, chúng tôi làm công văn chuyển đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng xem xét giải quyết... Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh không phải là đơn vị có chức năng giải quyết nên chúng tôi không điều tra xác minh đúng - sai trong việc này, đó là việc của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. |
Qua tìm hiểu của Báo Khánh Hòa, khu vực hang Dơi, nơi mà Thị hội Phật giáo Ninh Hòa xin “khôi phục chùa Thạch Sơn” là khu vực thuộc đất quốc phòng. Ông Tô Mỹ Khánh cho biết: “Trong kế hoạch phòng thủ của xã Ninh Phú, hang Dơi sẽ là khu sơ tán của địa phương. Từ lâu xã Ninh Phú và các cơ quan chức năng đã thông báo đến các tổ chức, trong đó có Ban đại diện Phật giáo thị xã Ninh Hòa, khu vực hang Dơi là đất quốc phòng”.
Theo Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hang Dơi từng được cán bộ cách mạng và quân giải phóng làm nơi trú quân. Năm 1996, Bộ CHQS sự tỉnh chỉ đạo cho Ban CHQS huyện Ninh Hòa lập hồ sơ hang động, đưa vào quản lý theo danh mục hang động thiên nhiên phục vụ cho mục đích quốc phòng. Hiện nay, Bộ CHQS tỉnh có chủ trương quy hoạch, đầu tư kinh phí cải tạo hang Dơi thành công trình quốc phòng, phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng và quân sự địa phương. Khu vực hang Dơi (nằm trong vùng đất được quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng, kết hợp phát triển kinh tế của tỉnh) đã được quy hoạch bố trí, xây dựng các công trình phòng thủ của tỉnh và thị xã Ninh Hòa. Chính vì vậy, vừa qua Bộ CHQS tỉnh đã có công văn trả lời: Không thống nhất với đề nghị của Thị hội Phật giáo Ninh Hòa và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh về việc khôi phục chùa “Thạch Sơn”.
Về Ninh Phú lần này, nhiều người dân cho biết, hiện tại xã này đã có 2 ngôi chùa, không cần phải dựng thêm chùa ở đây.
XUÂN THÀNH