Cây ớt từng làm cho không ít hộ nông dân mất ăn, mất ngủ, phải nếm trái đắng khi thị trường rớt giá. Nhưng năm nay, thứ trái cay xé miệng đang đem đến những dư vị ngọt ngào khi giá ớt tăng đến mức kỷ lục.
Cây ớt từng làm cho không ít hộ nông dân mất ăn, mất ngủ, phải nếm trái đắng khi thị trường rớt giá. Nhưng năm nay, thứ trái cay xé miệng đang đem đến những dư vị ngọt ngào khi giá ớt tăng đến mức kỷ lục.
Hiếm như... ớt hiểm
Ông Huỳnh Nhớ - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa: Ớt năm nay được giá là điều đáng mừng, song nếu bà con phát triển thêm diện tích, cây trồng này sẽ rất dễ rơi vào tình trạng mất giá. Và như vậy, lại rơi vào vòng luẩn quẩn được giá mất mùa, được mùa mất giá. Hiện nay chúng tôi chưa có ý định xây dựng cây trồng này thành cây chủ lực cho toàn thị xã. Để mở rộng diện tích cây ớt, cần có sự nghiên cứu và xây dựng dự án kỹ lưỡng. |
Mùa này năm trước, người dân chỉ bán được với giá 10.000 - 15.000 đồng/kg ớt. Nhiều gia đình vì ớt mà lỗ nặng. Năm nay, giá ớt đang từ 20.000 đồng/kg tự nhiên tăng vùn vụt: 30.000, 40.000 rồi có lúc cao điểm lên tới 60.000 đồng mới mua được một kg ớt tươi. Ở Ninh Hòa, cả tháng nay, đi đâu người nông dân cũng nói chuyện giá ớt tăng cao. Nhiều gia đình, vườn ớt đã cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Về Ninh An, Ninh Thọ - những vùng trọng điểm ớt của thị xã Ninh Hòa rộn ràng mùa thu hoạch, chúng tôi bắt gặp ánh mắt hồ hởi của người trồng ớt. Trên nhiều diện tích, ớt đợt hai trải dài trái xanh, trái đỏ to bằng đầu đũa treo lủng lẳng trên cây. Người hái, người khiêng ớt hối hả chất đống chuẩn bị cân cho thương lái... Dường như, niềm vui với cây ớt được mùa, được giá khiến họ không còn thấy mệt mỏi trong công việc. Chị Đoàn Thị Kim Duyên (thôn Ninh Điền, xã Ninh Thọ) cười tươi nói: “Giống ớt được nông dân trồng là ớt hiểm lai F1 (còn gọi là ớt xuất khẩu), có vị cay nồng và mùi thơm rất đặc trưng nên được người tiêu dùng trong, ngoài nước ưa chuộng. Trồng giống ớt này có thuận lợi là ít vốn, ít bị sâu bệnh, chịu hạn tốt, dễ chăm sóc, sai trái. Sau hơn một tháng trồng và chăm sóc, cây ớt bắt đầu cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài từ 2 đến 3 tháng sau mới kết thúc, bình quân 1 sào ớt đạt 750kg. Với giá ớt bán được từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, trừ chi phí, nông dân lãi khoảng trên dưới 30 triệu đồng/sào. Việc thu hoạch cũng rất nhẹ nhàng”.
Mỗi ruộng ớt như thế này đang cho thu hàng chục triệu đồng. |
Giá ớt tăng cao, thị trường hút hàng nên có bao nhiêu, các vựa đều thu mua hết. Thậm chí, thời điểm ớt đang ở giá 55.000 đồng/kg, các thương lái đến tận hộ gia đình giành nhau mua ớt. Người dân chưa kịp thu hoạch đã có người đến đặt mua trước. Anh Trần Văn Tiến (xã Ninh Thọ) hồ hởi khoe: “Khỏe lắm, hái bán ngay tại chỗ, còn ai thiếu lao động, hái không kịp chuyến, thương lái cho nhân công tới hái luôn...”. Lý giải cho sự tăng giá bất thường này, ông Võ Văn Hải (chủ vựa ớt Bé Hải ở chợ Lạc An, Ninh Thọ) phân tích: “Tôi đã buôn ớt gần 30 năm nay, nhưng đúng là chưa bao giờ ớt lại có giá cao và hiếm như năm nay. Mức độ tiêu thụ của thị trường vẫn vậy, nhưng năm nay giá ớt tăng có lẽ là do các tỉnh khác bị lũ lụt, nguồn hàng không đủ cung cấp. Mỗi ngày, riêng vựa của gia đình tôi đưa ớt đi các tỉnh phía Bắc cũng như phía Nam lên đến gần 4 tấn”.
Lấp lánh niềm vui
Giữa lúc kinh tế khó khăn, giá ớt đột ngột tăng cao đã thổi một luồng sinh khí mới cho người nông dân. Nhờ cây ớt, nhiều gia đình đang từ con nợ bỗng có trong tay cả trăm triệu đồng. Chúng tôi ghé thăm nhà anh Lê Quang Hậu (thôn Gia Mỹ, xã Ninh An) khi gia đình anh vừa sắm thêm nhiều vật dụng trong nhà. Câu chuyện của chúng tôi quanh đi quẩn lại vẫn là cây ớt. Anh Hậu khẳng định: “Vụ này giá ớt đạt kỷ lục, tôi trồng 1 sào ớt, đã hái bán, thu hơn 30 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí chưa tới 5 triệu đồng, thu lãi được hơn 25 triệu, làm gì cho bằng”. Anh vừa nói vừa chỉ tay về chiếc ti vi mới mua: “Có được nó cũng nhờ ớt đấy. Mấy tháng nay, kinh tế gia đình eo hẹo, may có nguồn thu từ cây ớt mới có tiền mua sắm. Điều kiện sống của gia đình được tăng lên rõ rệt”. Anh nói mà ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Niềm vui mùa ớt. |
Còn nhớ, khi trò chuyện với những hộ dân ở xã Ninh Thọ về cây ớt, bà con đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện về những gia đình trúng giá. Nhiều gia đình với mấy sào ớt đã thu lời 100 triệu đồng, còn lời trên dưới 50 triệu đồng vụ này thì rất nhiều. Hôm băng qua cánh đồng ớt thôn Bình Sơn (Ninh Thọ) gặp anh Phan Thanh Hải, anh phấn khởi cho biết: “4 sào thu hơn 120 triệu đồng, lãi bình quân 1 sào 25 triệu đồng, cao gấp 10 lần so với trồng lúa”. Anh Hải khẳng định: “Cây ớt năm nay cho thu nhập cao hơn tất cả các loại cây trồng khác, làm đìa nuôi trồng thủy sản cũng không lãi bằng. Nếu giá ớt cứ giữ như vậy đến hết năm, chúng tôi sẽ có thêm một cái Tết khấm khá. Năm nay cũng nhờ ớt mà gia đình tôi cất được căn nhà tường mới; con cái đủ tiền học, sắm áo quần...”.
Được giá xin chớ vội mừng
Bà Trần Thị Điệp - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ: Những năm gần đây, mô hình trồng cây ớt đã đem lại lợi nhuận rất cao. Nhiều nông dân địa phương nhờ gắn bó với loại cây này mà khá lên, thoát khỏi nghèo khó. Nhưng điều trăn trở của bà con cũng như lãnh đạo địa phương là số diện tích trồng ớt còn nhỏ lẻ, cách làm ăn còn manh mún. Năm nay ớt được giá nhưng chúng tôi rất sợ nhiều người sẽ trồng đại trà và giá ớt lại hạ, do đó xã không có chủ trương mở rộng thêm diện tích trồng ớt. |
Người trồng ớt năm nay trúng đậm, người giàu lên vì ớt; có nhà thoát nghèo cũng nhờ ớt. Thu nhập cao từ cây ớt đang vô hình trở thành liều “dopping” kích thích thêm những người nông dân đang hừng hực khí thế theo đuổi loại cây trồng này. Người đủ tỉnh táo thì dè chừng, song cũng không ít người thấy ớt được giá đã dốc vốn liếng, thậm chí thuê thêm đất để trồng với diện tích lớn. Theo số liệu từ UBND xã Ninh Thọ và Ninh An, năm nay diện tích trồng ớt ở 2 địa phương này lên đến hơn 100ha. Tính đến tháng 11, Ninh Thọ có đến 70ha ớt đã và đang cho thu hoạch, còn Ninh An là 38ha. Tuy đánh giá cao giá trị của cây ớt mang lại nhưng Ninh Thọ và Ninh An chủ trương không phát triển diện tích ớt theo chiều rộng mà tập trung nâng cao năng suất, bởi cây ớt chỉ phù hợp với vùng đất cao, pha cát. Chủ trương của xã là vậy, song vụ ớt mới chưa bắt đầu. Ở Ninh An và Ninh Thọ đã có khá nhiều hộ dân xuống giống trồng diện tích ớt mới. Thậm chí, có gia đình còn sử dụng cả diện tích đất trồng lúa để trồng ớt. Đáng ngại hơn, cả những địa phương chưa hề trồng loại cây này, người dân cũng đang lao theo cây ớt. Ắt hẳn người dân ở đây còn nhớ vụ ớt năm 2012, nhiều gia đình đã phải nếm trái đắng khi giá ớt chỉ có 8.000 đồng/kg. Khi đó, người trồng ớt lỗ thê thảm, nhiều hộ bán ớt chỉ đủ chi trả tiền thuê nhân công. Anh Trần Quốc Tiến (thôn Xuân Mỹ, xã Ninh Thọ), người mới thu hơn trăm triệu đồng tiền ớt nhớ lại: “Thấy ớt ngon ăn, năm ngoái tôi vay vốn ngân hàng trồng một lúc 0,5ha. Khi chưa thu hoạch, ớt có giá 20.000 đồng/kg, nhưng khi ớt chín rộ, giá đột ngột hạ xuống chỉ còn 8.000 đồng. Tôi phải chạy vạy khắp nơi, bán cả bò mới có tiền trả nợ”.
Ông Lê Văn Trọng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh An cũng không giấu nổi sự lo ngại về tình trạng ớt được giá sẽ đẩy người dân vào vòng xoáy của cây ớt. Ông giãi bày: “Chưa bao giờ giá ớt cao như năm nay. Chỉ với 20.000 đồng/kg người trồng ớt đã có lãi, giá lên hơn 50.000 đồng thì lợi nhuận sẽ rất cao. Nhưng phải tỉnh táo. Tuy cây ớt đang đem lại lợi nhuận song thị trường loại nông sản này không ổn định. Nếu đua nhau trồng thì ớt sẽ lại rớt giá thê thảm. Bản thân người nông dân cũng hoàn toàn không nắm được giá cả thị trường. Khi thu mua, chủ vựa nói giá bao nhiêu thì người dân biết bấy nhiêu. Nếu họ bắt tay với các vựa khác dìm giá thì người trồng ớt cũng đành chịu. Chúng tôi đang lên kế hoạch nhanh chóng thành lập tổ liên kết trồng ớt, mong tìm được hướng đi vững chắc cho nông dân”.
Lo lắng của ông Trọng hoàn toàn có cơ sở. Nhìn vào bạt ngàn cánh đồng ớt đang cho thu hoạch xen lẫn những diện tích ớt mới trồng khiến cho nhiều người cảm thấy vui, lo lẫn lộn. Vui vì năm nay ớt được giá, người nông dân bớt khổ, lo cũng bởi ớt được giá mà diện tích trồng mới càng nhiều lên. Mai nay, ớt có còn là cây trồng “bạc triệu”, điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào sự tỉnh táo của người dân.
ĐÌNH LÂM