Nơi có thì sử dụng không hiệu quả, nơi không có thì phải tận dụng các cơ sở vật chất khác để tổ chức sinh hoạt văn hóa cho người dân… Đó là thực tế đang diễn ra trong sử dụng thiết chế văn hóa cơ sở ở một số địa phương.
Nơi có thì sử dụng không hiệu quả, nơi không có thì phải tận dụng các cơ sở vật chất khác để tổ chức sinh hoạt văn hóa cho người dân… Đó là thực tế đang diễn ra trong sử dụng thiết chế văn hóa cơ sở ở một số địa phương.
Biết tận dụng vẫn hoạt động tốt
Dẫn chúng tôi đến hội trường của thôn, ông Phạm Hoàng Danh - Trưởng thôn Phú Cang 1, xã Vạn Phú (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) cho biết, đây là địa điểm sinh hoạt thường xuyên của người dân trong thôn. Mấy chục năm qua thôn phải mượn hội trường của hợp tác xã (HTX) làm nơi sinh hoạt. Đó là một ngôi nhà cấp 4 đã cũ với hơn chục bộ bàn ghế dài bằng gỗ, phía trên có bục âm thanh và bàn làm việc. Bên ngoài, 2 sân xi măng rộng vẫn thường được dùng để phơi lúa và cũng là địa điểm tổ chức các hoạt động ngoài trời của thôn.
Hội trường hợp tác xã là nơi sinh hoạt thường xuyên của người dân thôn Phú Cang 1, xã Vạn Phú. |
Ông Danh cho biết, từ nhiều năm nay, các cuộc họp định kỳ của tổ chức, đoàn thể đến ngày hội đại đoàn kết, họp dân... đều được tổ chức tại hội trường này. Tuy hội trường đã cũ nhưng vẫn đáp ứng tốt cho các hoạt động của thôn. “Phần lớn các hộ trong thôn đều là xã viên HTX. Do đó, mỗi lần có cuộc họp dân hoặc các hoạt động, chúng tôi tổ chức luôn ở đây cho thuận tiện. Bên cạnh đó, HTX có hội trường, nhà làm việc và sân rộng nên các hoạt động trong nhà, ngoài trời đều có địa điểm tổ chức”, ông Danh nói.
Tuy không có nhà văn hóa thôn nhưng nhiều năm qua, thôn Phú Cang 1 luôn đi đầu trong các hoạt động tại địa phương. Nhiều năm liền, thôn Phú Cang 1 được công nhận là thôn văn hóa, được UBND xã khen thưởng. Hiện nay, thôn Phú Cang 1 có 380 hộ với 1.583 nhân khẩu. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Vạn Phú đã quy hoạch xây dựng nhà văn hóa cho thôn Phú Cang 1. Tuy nhiên, theo ông Danh, người dân trong thôn chưa cần đến nhà văn hóa thôn đủ chuẩn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới. “Trên địa bàn thôn hiện có một trường tiểu học sắp được chuyển về địa điểm mới. Chúng tôi kiến nghị cấp trên nên tận dụng cơ sở của trường tiểu học làm nơi sinh hoạt, làm việc của thôn. Điều này vừa tạo điều kiện cho thôn có nơi sinh hoạt ổn định, vừa chống lãng phí, tiết kiệm ngân sách Nhà nước...”, ông Danh bày tỏ.
Người dân thôn Trung Dõng 1, xã Vạn Bình thường tổ chức các hoạt động văn hóa tại đình làng. |
Với khuôn viên rộng gần 1ha, từ bao đời nay, đình làng Trung Dõng đã trở thành nơi sinh hoạt thường xuyên của cán bộ và nhân dân thôn Trung Dõng 1, xã Vạn Bình (huyện Vạn Ninh). Thôn Trung Dõng 1 không có nhà văn hóa thôn nên thường sử dụng đình làng làm nơi tổ chức các hoạt động của thôn. Đình làng nằm ở trung tâm thôn nên rất thuận tiện cho người dân đến sinh hoạt. Ông Phan Như Ngọc Phương - Trưởng thôn Trung Dõng 1, Phó Trưởng Ban quản lý đình cho biết: “Lâu nay, mọi hoạt động trong thôn đều được tổ chức ở đình làng. Người dân cũng đã quen đến đình làng để sinh hoạt. Không chỉ có công việc của chính quyền mà nhiều vấn đề khác trong thôn cũng được giải quyết tại đây”. Nguyện vọng của người dân thôn Trung Dõng 1 là có một nhà văn hóa thôn ở vị trí trung tâm và thuận tiện cho dân. Nếu chưa có thì nên tận dụng đình làng làm nơi sinh hoạt.
Sử dụng chưa hiệu quả
Do không có người quản lý và không được sử dụng thường xuyên, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Buôn Lác, xã Ninh Tây đã hư hỏng, xuống cấp. |
Đến Nhà sinh hoạt cộng đồng (SHCĐ) thôn Buôn Lác, xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa), chúng tôi đã thấy sự hoang phế ngay từ ngoài cổng với cánh gãy nát, gỉ sét. Hội trường rộng chừng 70m2 không khác gì một nhà kho cũ kỹ. Các cửa sổ bằng kính đều đã vỡ, cỏ mọc vào tận trong nhà. Bên trong không có bàn, ghế, nền nhà đầy rác, bóng điện, quạt đều đã hư hỏng. Cảnh tượng trên cho thấy, nhà SHCĐ của thôn dường như đã lâu không sử dụng. Đây là nơi tụ họp, sinh hoạt của hơn 800 người dân (phần lớn là đồng bào Ê Đê) sinh sống tại đây. Ông Nguyễn Văn Trí - cán bộ văn hóa xã Ninh Tây cho biết: “Xã có 8 thôn, các thôn đều có nhà SHCĐ; có thôn còn được xây dựng 2 nhà SHCĐ. Tuy nhiên, hầu hết đều hư hỏng và xuống cấp”. Theo ông Trí, vấn đề hiện nay của các nhà SHCĐ là do thiếu cơ chế quản lý, trong khi ở một số địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số, việc tổ chức các hoạt động thôn thường diễn ra tại các nhà già làng, trưởng thôn... nên các nhà SHCĐ thường bị bỏ trống. Nhà SHCĐ chỉ sử dụng vài lần trong năm để tổ chức ngày hội đại đoàn kết, tiếp xúc cử tri nên rất lãng phí.
Khu sinh hoạt văn hóa tổ dân phố Thuận Thành, phường Cam Thuận, TP. Cam Ranh thường xuyên đóng cửa. |
Tình trạng lãng phí trong sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở không chỉ diễn ra ở các địa phương vùng sâu, vùng xa mà ngay cả các khu dân cư đông đúc thuộc khu vực thành thị cũng có tình trạng này. Trường hợp Khu sinh hoạt văn hóa tổ dân phố Thuận Thành, phường Cam Thuận, TP. Cam Ranh là một ví dụ. Do ít sử dụng và thường xuyên đóng cửa nên khu sinh hoạt văn hóa này đang đứng trước tình trạng xuống cấp. Hoặc khu Trung tâm Học tập cộng đồng phường Phước Hải, TP. Nha Trang mỗi năm chỉ diễn ra vài cuộc họp... còn bình thường nơi đây trở thành kho thuê chứa dụng cụ bàn, ghế của những người buôn bán thức ăn vỉa hè.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các thiết chế văn hóa cơ sở hiện nay chủ yếu là nhà SHCĐ, các hoạt động văn hóa - thể thao thông qua thiết chế này rất hạn chế, các nhà SHCĐ thôn mỗi năm chỉ sử dụng vài lần cho một số hoạt động vào dịp Tết Trung thu, ngày Quốc tế Thiếu nhi và công tác khuyến học.
Nhiều bất cập...
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết: “Việc đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở tại các cộng đồng dân cư là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là cơ chế quản lý, tổ chức các hoạt động để thu hút người dân đến sinh hoạt vẫn còn nhiều bất cập”. Theo ông Dũng, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa. Để đạt tiêu chí này, các xã phải có 100% thôn đạt chuẩn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (tức là phải có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy tổ chức và kinh phí hoạt động). Song hầu hết các thiết chế văn hóa cơ sở sau khi được đầu tư, xây dựng chỉ sử dụng cho 1 hoặc vài hoạt động mang tính chính trị, rất ít có các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ để có thể thu hút nhân dân đến các nhà sinh hoạt này. “UBND TP. Cam Ranh đang có chủ trương cho rà soát lại hoạt động cũng như có quy hoạch phù hợp đối các thiết chế văn hóa cơ sở”, ông Dũng nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ ở Cam Ranh mà hầu hết các địa phương trong tỉnh, thực trạng thiết chế văn hóa sử dụng không hiệu quả, bỏ hoang gây lãng phí rất nhiều. Nhận định về vấn đề này, ông Ngô Hương - Trưởng phòng Nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, để xây dựng thiết chế văn hóa cấp cơ sở cần có sự đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng, con người quản lý và tổ chức các hoạt động. Hiện nay vẫn chưa có cơ chế về việc này. Xây dựng xong thì ai là người quản lý, cơ quan nào sẽ trả chế độ cho họ và kinh phí để tổ chức các hoạt động? Ngoài ra, cũng cần có cuộc khảo sát về nhu cầu sử dụng của người dân đối với các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Đây là yếu tố quan trọng nhất. “Quy hoạch quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa là điều cần thiết nhưng phải tùy vào nhu cầu của người dân. Hiện tại, nhu cầu của người dân chưa cao thì có thể tận dụng các cơ sở vật chất khác làm nơi sinh hoạt. Nhưng trong tương lai, khi nhu cầu tăng cao thì cần có nhà văn hóa, nhà SHCĐ đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân”, ông Hương cho biết thêm.
A.N - M.H