Tai nạn giao thông đã để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình các nạn nhân vì những hậu quả thảm khốc của nó. Tuy nhiên, có một điều đáng buồn là số vụ án liên quan đến tai nạn giao thông được đưa ra xét xử và các phiên tòa lại thường lặng lẽ so với mức độ khốc liệt của các vụ tai nạn đã xảy ra trước đó…
Tai nạn giao thông (TNGT) đã để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình các nạn nhân vì những hậu quả thảm khốc của nó. Tuy nhiên, có một điều đáng buồn là số vụ án liên quan đến TNGT được đưa ra xét xử và các phiên tòa lại thường lặng lẽ so với mức độ khốc liệt của các vụ tai nạn đã xảy ra trước đó…
Những tai họa bất ngờ…
Một ngày giữa tuần, tại Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 38 giường bệnh đều chật kín. Trong đó, có 8 bệnh nhân bị TNGT. Hầu hết các bệnh nhân này đều bị chấn thương sọ não và đa chấn thương phải thở bằng máy. Khuôn mặt thẫn thờ, ông Đinh Thành Phong (Cam Hòa, Cam Lâm) cầm khăn lau những vết máu còn sót lại trên khuôn mặt của người con trai bị chấn thương sọ não, bể xương đầu gối vì TNGT. Nghẹn ngào ông kể, cách đây 4 ngày, trên đường đi làm về con ông bị một thanh niên chạy ngược chiều tông phải. Do 2 xe đều đi với tốc độ khá nhanh nên vụ tai nạn làm cho cả 2 đều bị chấn thương sọ não và đa chấn thương, đến nay vẫn chưa tỉnh. “Mấy hôm nay vợ chồng tôi phải chạy tiền khắp nơi để lo cho cháu. Dự định vay thêm bên ngoài để đưa cháu vào TP. Hồ Chí Minh chữa trị tiếp. Gia đình có con gây ra tai nạn cũng đang chạy tiền để chữa trị cho con trai họ nên tôi cũng đâu nỡ bắt họ phải hỗ trợ mình. Cả 2 đứa đều đang thập tử nhất sinh chưa biết sống chết thế nào nên chuyện bồi thường đành tính sau” - ông Phong nói.
Ông Phong đang chăm sóc con bị TNGT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Cách đó không xa, bệnh nhân Hồ Minh Đ. (Ninh Ích, Ninh Hòa) cũng đang trong tình trạng hôn mê do bị giập một phần não. Theo người nhà của bệnh nhân, ngày 13-11, anh Đ. ra Vạn Ninh thăm người bạn, khi đi bộ băng qua đường anh bị xe khách mang biển số 77 tông phải. Chị Hồ Thị Thanh Hương - em gái bệnh nhân lo lắng: “Tiền điều trị, thuốc men cho anh tôi từ khi nhập viện đến nay hơn chục triệu đồng đều được chủ xe khách gây ra tai nạn chi trả. Bệnh này phải điều trị lâu dài, tốn kém nhiều mà không biết họ có chịu chi trả cho đến khi điều trị khỏi không. Nhà tôi sống chủ yếu nhờ vào mấy sào ruộng nên gia đình tôi không biết kiếm tiền ở đâu để trả viện phí”. Anh Đ. là lao động chính trong gia đình, mảnh ruộng gần 1.000m2 trước kia đều do anh Đ. làm, nay đành bỏ không dù đã gần đến ngày xuống giống gieo sạ vụ 3.
Hình ảnh bánh sau của chiếc xe tải cán nát đôi chân của người mẹ đang cố rướn người che chắn cho đứa con 4 tuổi đang nằm dưới bánh xe tải trên cầu Xóm Bóng, Nha Trang khiến nhiều người đi đường chứng kiến lặng câm. Vụ TNGT do xe tải chạy nhanh, vượt ẩu này đã cướp đi mạng sống của 2 mẹ con. Đã hơn 2 năm trôi qua, nhưng không khí u uẩn, tang tóc vẫn còn trong căn nhà ở tổ 11, phường Vĩnh Phước (Nha Trang). Ông Giã Mộng thắp nhang cho 2 bàn thờ, nghẹn ngào kể: “Lúc con dâu với cháu nội mất trong vụ TNGT, tôi đang đi biển cả tháng sau mới về. Về đến nhà, chưa kịp vơi đi nỗi đau mất cháu, mất dâu thì nửa năm sau, con trai tôi vì đau buồn sau cái chết của vợ con cũng đổ bệnh mà chết, để lại đứa con đầu mới 4 tuổi”. Sau tai nạn, chủ xe đã đền bù đủ tiền cho gia đình theo phán quyết của Tòa, người gây ra tai nạn cũng đã đi tù. Nhưng nỗi đau và sự mất mát của vụ TNGT để lại cho gia đình ông không gì có thể bù đắp được, khi mà trong vòng 1 năm họ phải chứng kiến cái chết của 3 người thân, đứa trẻ mới 4 tuổi phải mồ côi cha lẫn mẹ.
Sau TNGT, sự mất mát của gia đình ông Giã Mộng gánh phải không có gì bù đắp được. |
Trong căn nhà cấp 4 của bà Nguyễn Thị Hoa (hộ cận nghèo ở Bến Cá, Phương Sài, Nha Trang) di ảnh của người con đã chết vì TNGT cách đây 3 năm được đưa vào khu thờ chung của ông bà. Hỏi chuyện, bà Hoa kể, năm 2010, con trai út của bà (26 tuổi) bị xe tải chở cát tông chết ở gần nhà. Khi con mất, bà phải chạy đủ nơi mượn tiền để lo đám tang. Sau nhờ sự can thiệp của Cảnh sát giao thông, chủ xe có đền bù cho gia đình khoảng 30 triệu đồng. Số tiền đó bà dùng để trả khoản nợ lo ma chay cho con. “Từ khi cháu mất đến nay, chủ phương tiện gây ra tai nạn chỉ đến thắp nhang cho cháu 2 lần. Cháu đã chết, tôi cũng không yêu cầu người ta bồi thường gì, chỉ mong mỗi năm đến ngày giỗ cháu, họ cũng nên đến thắp nhang để cháu bớt tủi. Vì nếu họ đừng chạy nhanh, vượt ẩu thì tôi đâu có mất con...” - bà Hoa nói trong nghẹn ngào.
Chưa xử lý triệt để...
Nhìn gương mặt thất thần, giọt nước mắt đau khổ của các gia đình có người bị thương, tử vong vì TNGT, chúng tôi nhận ra rằng, dù người gây ra tai nạn có đền bù thế nào cũng không thể bù đắp mất mát, đau thương mà các gia đình này gánh phải. Theo Bộ Luật Hình sự, những người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng sẽ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế có rất ít vụ việc được đưa ra xét xử, và số vụ được đưa ra xét xử rất ít so với số người chết vì TNGT.
Học sinh trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Nha Trang) tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT. |
Ông Nguyễn Thuận - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP. Nha Trang cho biết, bình quân mỗi năm, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Nha Trang tiếp nhận khoảng 500 vụ án, trong đó, các vụ án về TNGT chỉ khoảng 15 - 20 vụ. Hầu hết các vụ này nạn nhân đều bị tử vong. Trong khi đó, theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 228 vụ TNGT làm 165 người chết và 193 người bị thương. Những con số này cho thấy được thực trạng tuy hậu quả của các vụ TNGT gây ra rất nghiêm trọng nhưng việc đưa ra xét xử loại án này chưa nhiều nếu không muốn nói là quá ít.
Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa tỉnh, 10 tháng đầu năm 2013, số người nhập viện điều trị vì TNGT tại Bệnh viện là 2.260, bình quân mỗi tháng Bệnh viện tiếp nhận, điều trị cho khoảng 220 người bị TNGT. Trong đó, độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi chiếm gần 80%. Thời điểm Bệnh viện tiếp nhận nhiều nhất thường rơi vào những ngày lễ, tết, thứ 7, Chủ nhật và ban đêm. |
Theo phân tích của Luật sư Nguyễn Tường Linh (Văn phòng Luật sư Nguyễn Hồng Hà) có thể do một số nguyên nhân sau: TNGT là lỗi vô ý, xảy ra ngoài ý muốn của những người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông. Khi vụ việc xảy ra, người gây ra tai nạn phải lo thương lượng, giải quyết bồi thường cho bên bị hại để mong nhận được sự thông cảm (bãi nại, không yêu cầu xử lý hình sự). Thực tiễn cho thấy, việc tự nguyện khắc phục bồi thường có điều kiện (bãi nại) của người vi phạm thường đảm bảo quyền lợi về mặt dân sự cho người bị hại hơn là việc người bị hại yêu cầu Tòa án giải quyết, với trình tự tố tụng mất nhiều thời gian và kết quả lại không như mong muốn. Chính vì thế, các bên thường tự giải quyết mà không báo cho cơ quan chức năng. Đó là chưa kể có những vụ tai nạn xảy ra là nơi vắng vẻ, không có nhân chứng; công tác bảo vệ hiện trường không được làm tốt, bị xáo trộn, nên cơ quan chức năng không xác định được người gây ra tai nạn. Do không xác định được lỗi vi phạm nên không đủ căn cứ xử lý hình sự. Trường hợp này gây bức xúc trong dư luận về việc không xử lý được hoặc gây oan sai.
Thông thường khi xảy ra TNGT, các nạn nhân và gia đình đã phải chịu đựng nỗi mất mát, đau thương nên họ không muốn mòn mỏi đợi chờ đưa vụ việc ra xét xử cũng là điều dễ hiểu. Nhưng cũng chính vì điều này, khiến cho việc thực thi pháp luật chưa nghiêm và đây có lẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tâm lý chỉ cần dùng tiền để thỏa thuận, bồi thường và người gây tai nạn vẫn tránh được sự trừng phạt của pháp luật. Và đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến TNGT chưa giảm bền vững.
THẢO LY - BÍCH KHUÊ
Luật sư Nguyễn Tường Linh (Văn phòng Luật sư Nguyễn Hồng Hà): Khi xảy ra TNGT, công tác đầu tiên là cấp cứu người bị nạn và bảo vệ hiện trường rất quan trọng trong việc xử lý về sau. Đối với vụ tai nạn gây thiệt hại nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 202 Bộ Luật Hình sự đã được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thì Cảnh sát giao thông có thẩm quyền phải chuyển ngay cho cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý theo quy định pháp luật mà không buộc phải có đơn yêu cầu của người bị hại. Theo đó, việc thương lượng, hòa giải bồi thường khắc phục hậu quả chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi vụ án được đưa ra xét xử. Nghĩa là không thể dùng tiền để được thoát việc bị xử lý hình sự. Đó là quy định pháp luật, còn thực tiễn thi hành có thực hiện đúng hay không, cần phải có sự giám sát, kiểm tra từ các cơ quan chức năng.