Họ là những thầy, cô giáo đầy nhiệt huyết với nghề, nỗ lực vượt khó và là những tấm gương tiêu biểu của ngành Giáo dục.
Họ là những thầy, cô giáo đầy nhiệt huyết với nghề, nỗ lực vượt khó và là những tấm gương tiêu biểu của ngành Giáo dục.
“Kiến trúc sư” của những ngôi trường điểm
“Lúc mới ra trường, tình cảm tôi dành cho học trò như người anh lớn trong gia đình với những đứa em nhỏ, 20 năm sau tựa tình cha con, còn giờ đây như người ông với đàn cháu” - thầy Võ Tấn Đạt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập 1 (Nha Trang) nói về tình cảm thầy trò nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11).
Gần 38 năm theo nghề “cao quý nhất trong các nghề cao quý”, là giáo viên (GV) dạy văn THCS nhưng phần lớn thời gian thầy Đạt gắn bó với các em học sinh (HS) tiểu học. Từng công tác ở 12 ngôi trường, dù ở vị trí nào, ông cũng đều tâm niệm làm hết sức mình, làm điều tốt nhất cho mái trường đó. Nhiều năm đứng lớp, có đến 30 năm làm cán bộ quản lý các vị trí, thầy Võ Tấn Đạt được biết đến như người đầu tàu có đóng góp rất lớn trong việc xây dựng những ngôi trường uy tín của ngành Giáo dục như: Tiểu học Phước Tiến, Tiểu học Lộc Thọ...
Sau khi cùng tập thể xây dựng Trường Tiểu học Phước Tiến trở thành đơn vị Anh hùng Lao động, thầy Võ Tấn Đạt về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc Thọ. Ngôi trường này được thành lập năm 2002. Khi thành lập chỉ có 3 khối lớp, đến năm học 2006 - 2007 mới ổn định các khối lớp. Tôi hỏi ông đang làm hiệu trưởng một trường thuộc tốp trên, chuyển về trường thuộc tốp dưới ông có thất vọng, hụt hẫng. Ông cười nhẹ lắc đầu: “Tôi không so sánh, chỉ là thật sự lo âu về mọi mặt, từ đội ngũ cán bộ cốt cán, đội ngũ GV đến cơ sở vật chất. Chúng tôi xác định lực lượng cán bộ, GV có tay nghề, nghiệp vụ chuyên môn vững, chịu khó, đoàn kết là yếu tố sống còn của nhà trường. Từ đó, nhà trường tập trung xây dựng có trọng tâm, sắp xếp, đề ra kế hoạch bồi dưỡng để có đội ngũ GV dạy giỏi, viết chữ đẹp, GV hoạt động ngoài giờ, văn nghệ... nhằm phát huy nội lực, sự sáng tạo của từng người”.
Điều gì giúp ông xây dựng thành công các ngôi trường trở thành điểm sáng? Đó là luôn công tâm, tin tưởng, động viên và phối hợp với cán bộ, GV, gắn chặt trách nhiệm với quyền lợi. Để có lực lượng GV dạy giỏi, yếu tố tiên quyết đảm bảo chất lượng dạy và học, người lãnh đạo phải có tầm nhìn để thấy được tố chất, năng lực của từng người, từ đó đầu tư, bổ khuyết, cổ vũ ý chí quyết tâm, sự tự tin của họ. Với Trường Tiểu học Phước Tiến, đội ngũ GV vững chuyên môn cần người hiệu trưởng như con chim đầu đàn bay dẫn đường đúng hướng. Còn Trường Tiểu học Lộc Thọ vì mới thành lập, đội ngũ GV trẻ. Vì thế, phải rèn ngay từ đầu để cán bộ, GV rút kinh nghiệm nhanh, mỗi người đều chịu áp lực tự nhiên để cùng tiến bộ, xây dựng uy tín cho nhà trường. Thầy Đạt tự hào về Trường Tiểu học Lộc Thọ có 4 GV dạy giỏi cấp quốc gia, 6 GV dạy giỏi cấp tỉnh và hơn chục GV dạy giỏi cấp thành phố và các hội thi khác. Đây là ngôi trường mà nhiều phụ huynh mong muốn con em mình được học tập.
Mới đây, thầy Võ Tấn Đạt được chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập 1. Công việc bận bịu khiến mỗi ngày ông phải “niệm chú” động viên mình cố gắng gấp đôi, gấp ba. Hỏi ông mong ước gì nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, ông bảo giai đoạn này trường đang rà soát, xây dựng quy chế nội bộ. Với ngôi trường có bề dày truyền thống, nền tảng vững vàng, ông chỉ mong cùng cán bộ, GV trường Tân Lập 1 sớm đứng vững ở vị trí vốn có.
Thầy giáo của học sinh dân tộc thiểu số
11 năm qua, thầy giáo Đỗ Ngọc Hậu (GV Trường Tiểu học và THCS Ba Cụm Nam) chưa một lần hối hận khi tình nguyện đến gieo chữ ở huyện miền núi Khánh Sơn. Với thầy, tình cảm của HS, của người dân nơi đây là động lực để thầy cống hiến sức trẻ, truyền đạt tri thức cho học trò người dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng giáo dục miền núi.
Thầy Hậu tâm sự, 11 năm dạy học, HS của thầy đều là người dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, khi mới nhận công tác, bài học đầu tiên của thầy không phải là bài học trong sách giáo khoa mà là những cử chỉ làm quen, học trò và thầy giáo cùng học tiếng của nhau. Không chỉ khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục mà việc vận động các em đi học càng khó khăn hơn. Lớp học chỉ hơn 10 HS nhưng hôm nào cũng có HS nghỉ học để theo bố mẹ lên rẫy. Để vận động các em đến lớp, thầy cùng các đồng nghiệp phải đến từng gia đình HS để nắm rõ hoàn cảnh, điều kiện sinh hoạt, học tập của các em để từ đó đưa ra những biện pháp vận động, thuyết phục phù hợp. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học cho HS dân tộc thiểu số, thầy Đỗ Ngọc Hậu đã tìm cách khắc phục tình trạng HS viết sai lỗi chính tả do phương ngữ; nâng cao kỹ năng viết tập làm văn kiểu bài tả cảnh cho HS... “HS dân tộc thiểu số vốn từ rất hạn chế, khi làm văn thường sa vào kể lể, liệt kê. Vì vậy, khi dạy, tôi phải dùng từ đặt câu, dùng hình ảnh so sánh trong các câu văn để đoạn văn thêm sinh động, khơi gợi tính sáng tạo cho HS”, thầy Hậu cho biết. Nhờ cần cù, chịu khó, chất lượng học tập của HS lớp thầy Hậu chủ nhiệm nâng lên rõ rệt. 5 năm trở lại đây, lớp học của thầy không có HS yếu, HS khá, giỏi tăng dần theo từng năm. Không chỉ vậy, HS của thầy còn đạt giải cao trong các kỳ thi HS giỏi cấp huyện, hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hội thi hát dân ca cấp huyện... Bản thân thầy Hậu, từ năm học 2005 - 2006 đã đạt GV dạy giỏi cấp trường, năm học 2006 - 2007 đạt GV dạy giỏi cấp huyện và năm học 2008 - 2009 đạt GV dạy giỏi cấp tỉnh. Năm học 2012 - 2013, thầy Đỗ Ngọc Hậu vinh dự được giao lưu GV giỏi tiêu biểu toàn quốc và được công nhận GV dạy giỏi cấp quốc gia.
Tâm sự về nghề, thầy Hậu chia sẻ: “Những danh hiệu có được là niềm tự hào của mỗi GV nhưng với tôi, tình cảm của HS dành cho mình là thứ quý giá nhất, ý nghĩa nhất trong cuộc đời dạy học. Tôi vinh dự được đại diện các nhà giáo trong tỉnh tham dự lễ tuyên dương nhà giáo tiêu biểu toàn quốc ở Hà Nội. Nhưng so với những đóng góp của đồng nghiệp, tôi thấy mình vẫn còn nhỏ bé...”.
Người mẹ thứ 2 của học sinh
Mỗi năm đến ngày Nhà giáo Việt Nam, một người bạn ở TP. Hồ Chí Minh lại nhờ tôi gửi hoa tặng cô giáo Trương Thị Diễn - GV dạy Sử Trường THPT Tô Văn Ơn (Vạn Ninh). Cô là người đã góp phần rất lớn hun đúc nghị lực, giúp người bạn này vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để thành công như hôm nay.
Hôm tôi đến, cô Diễn đang soạn bài. Nhắc lại kỷ niệm về những người học trò, cô đưa tôi xem những tấm thiệp đã úa vàng theo thời gian, từng món quà nhỏ học trò cũ gửi tặng, rồi cô say sưa kể cho tôi nghe về hoàn cảnh, tính cách của từng người. Nhìn ánh mắt đầy niềm vui của cô khi kể về những người học trò, cách cô nâng niu những kỷ vật mà học trò gửi tặng, tôi hiểu vì sao nhiều thế hệ học trò của ngôi trường này luôn coi cô như người mẹ thứ 2 của mình.
Sinh ra và lớn lên ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), từ nhỏ, cô Diễn đã ước mơ trở thành nhà giáo. Sau những năm theo học tại Trường Đại học Sư phạm Huế, năm 1986 cô tốt nghiệp loại khá và được điều động về dạy môn Lịch sử tại Trường THPT Tô Văn Ơn. Ngày mới về, lạ nước lạ cái, cô gặp không ít khó khăn, nhưng rồi với tình cảm yêu quý của học trò, của phụ huynh dành cho mình và các GV của trường, cô đã vượt qua tất cả, ngày càng gắn bó hơn với nghề “gõ đầu trẻ”. Ngoài giảng dạy, cô còn dành thời gian tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh của từng em để động viên, hỗ trợ kịp thời, giúp các em vượt qua khó khăn, tiếp tục đến trường. Bên cạnh đó, để HS có hứng thú với môn Lịch sử, cô còn đề ra nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy như: “Phương pháp gây hứng thú cho HS trong dạy học lịch sử”, “Đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Lịch sử”, “Sử dụng phương pháp dạy học tích cực nâng cao hiệu quả giảng dạy lịch sử lớp 12”, “Kết hợp kể chuyện ngắn trong giờ học lịch sử”, “Nâng cao kết quả học lịch sử cho HS bằng phương pháp tích hợp kiến thức liên môn”... Nhờ đó, nhiều HS của trường đã đạt giải trong các kỳ thi HS giỏi cấp huyện, cấp tỉnh môn Lịch sử. Tổ chuyên môn Sử - Địa - Giáo dục công dân do cô làm tổ trưởng cũng đạt nhiều thành tích về chất lượng giảng dạy. Tỷ lệ HS khá, giỏi 3 môn trên của tổ luôn chiếm trên 55%, tổ thường xuyên đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, kiểm tra cuối năm 100% GV của tổ đều được xếp loại xuất sắc, trong đó có 3/12 GV đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (năm học 2012 - 2013)...
Với những thành tích đạt được, cô Trương Thị Diễn đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, kỷ niệm chương... Hiện cô đang được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
KHÁNH NINH - T.H - T.L