Trong Thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấm không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Nhưng trên địa bàn TP. Nha Trang, hiện tượng dạy thêm học thêm đối với học sinh tiểu học vẫn diễn ra công khai, thiếu sự giám sát của các nhà quản lý.
Trong Thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã cấm không được dạy thêm đối với học sinh (HS) tiểu học. Nhưng trên địa bàn TP. Nha Trang, hiện tượng DTHT đối với HS tiểu học vẫn diễn ra công khai, thiếu sự giám sát của các nhà quản lý.
Dạy thêm học thêm tràn lan
Qua thông tin từ phụ huynh HS, chúng tôi đã đến nhiều điểm DTHT đối với HS tiểu học để kiểm chứng. Và thực tế, hoạt động DTHT diễn ra trên diện rộng, phần lớn các lớp DTHT đều do giáo viên (GV) đang dạy tại các trường tiểu học công lập tổ chức.
Tại Trường THPT Dân lập Nguyễn Thiện Thuật (đường Nguyễn Thị Minh Khai), tuy là trường cấp THPT nhưng cứ vào khoảng 6 giờ tối lại có rất đông HS tiểu học đến trường. Nhiều em vẫn còn mặc trên người bộ đồng phục của trường tiểu học nơi các em đang theo học như Tân Lập 1, Phước Tân... Vào bên trong trường, chúng tôi khá bất ngờ với quy mô tổ chức của các lớp học thêm tại đây. Ở dãy phòng học phía trước khuôn viên trường, một số lớp sáng đèn nhưng trong tình trạng cửa đóng then cài. Nhìn qua khe cửa lớp, chúng tôi thấy bên trong mỗi phòng học có từ 20 - 30 HS đang chăm chú nghe cô giảng bài. Đi sâu vào các dãy phòng học bên trong nhà trường từ tầng 1 lên tầng 3, ngoài các lớp dạy thêm HS tiểu học còn có HS cấp THCS. Tại các dãy phòng này, tuy không phải đóng cửa lớp cảnh giác như các phòng học phía trước nhưng chốc chốc GV lại chạy ra phía ngoài nhìn trước ngó sau... Chị Nguyễn Thị V., có con đang học ở Trường Tiểu học Phước Tân cho biết: “Con tôi học lớp 1, mới học thêm ở đây hơn 1 tháng. Cô giáo chủ nhiệm lớp con tôi thuê địa điểm này để dạy, học phí 1 tháng 400.000 đồng”.
Một lớp dạy thêm cho HS tiểu học tại Trường THPT Dân lập Nguyễn Thiện Thuật |
Còn trên đường Cửu Long, lớp dạy thêm do thầy P. phụ trách khá chật chội nhưng rất đông HS. Một phụ huynh trong khi chờ đón con cho chúng tôi biết, thầy P. là GV dạy toán ở Trường Phước Tân 1. Thầy dạy rất giỏi nên phụ huynh HS ở các trường khác cũng đến xin thầy dạy thêm cho con.
Không chỉ dạy thêm ở nhà, thuê địa điểm trường học cấp THPT để dạy thêm, nhiều GV còn mượn nhà của phụ huynh HS để dạy thêm. Thậm chí, một số GV dạy môn Anh văn còn thuê phòng học của các cơ sở dạy ngoại ngữ trên địa bàn thành phố để dạy thêm cho HS mà mình đang dạy ở trường. Nhiều phụ huynh nhận xét, GV thuê phòng học của các cơ sở dạy ngoại ngữ để dạy thêm là một hình thức khá tinh vi. GV thì dễ qua mắt các nhà quản lý, còn cơ sở ngoại ngữ thì được “tiếng” khi nhiều người không biết nhìn vào cứ tưởng cơ sở này dạy tốt nên có nhiều HS đến học.
Khó xử lý?
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hà Văn Thủy, cán bộ thanh tra Phòng GD-ĐT TP. Nha Trang thừa nhận có hiện tượng DTHT trên địa bàn thành phố nhưng do thiếu lực lượng, đây lại là vấn đề nhạy cảm, tế nhị nên khó tổ chức kiểm tra, xử lý. Năm học 2012 - 2013, trong các đợt kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, Phòng đều lồng ghép nội dung DTHT tại các đơn vị được kiểm tra. Tuy nhiên, đó là kiểm tra trong nhà trường và Phòng cũng chỉ mới kiểm tra được 18/109 trường trực thuộc. “Còn kiểm tra tình trạng DTHT ngoài nhà trường thì chủ yếu có đơn thư phản ánh mới làm. Trong một vài trường hợp, thanh tra xuống kiểm tra thì không có, do đi trong giờ hành chính. Chúng tôi chưa đi kiểm tra ngoài giờ hành chính vì phải có sự phối hợp với các đơn vị. Đi mà không có “gậy” trong tay thì khó kiểm tra, xử lý lắm!”, ông Thủy nói.
Được biết, trong năm học 2012 - 2013, Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 1 có 3 GV bị cắt thi đua, không cho làm chủ nhiệm lớp vì vi phạm DTHT ở nhà. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 1 - ông Hồ Văn Thiện cũng bị cắt thi đua vì nhà trường có GV vi phạm DTHT. “Trăm dâu đổ đầu tằm”, thầy Thiện nói và không muốn nhắc lại việc đã qua. Thầy cho biết, không chỉ bản thân thầy mà hiệu trưởng các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đều rất cương quyết và khó xử về vấn đề DTHT. Tất cả các văn bản liên quan đến DTHT đều được nhà trường phổ biến tới từng GV. Nhưng việc GV mở lớp “chui” tại nhà thì rất khó kiểm tra, giám sát. Chỉ khi nhận được phản ánh từ cơ quan báo chí hoặc của phụ huynh thì nhà trường mới “ngã ngửa”. “Nhiều lúc tôi cũng đi kiểm tra xem GV trường mình có chấp hành đúng quy định DTHT không để nhắc nhở, nhưng để “bắt quả tang” thì rất khó. Đây là việc làm hết sức tế nhị, nếu xử lý không khéo dễ gây hiệu ứng không hay trong dư luận mà một số tỉnh, thành đã mắc phải”, thầy Thiện nói.
Trao đổi với chúng tôi về việc có biết hay không các địa điểm DTHT đang hoạt động trên địa bàn phường quản lý, bà Võ Thị Như Hoa, Chủ tịch UBND phường Tân Lập cho biết từ thông tin của phụ huynh HS và cán bộ trong phường, lãnh đạo phường đã nắm được tình hình DTHT ở một số địa chỉ trên địa bàn, trong đó nổi bật là ở Trường THPT Dân lập Nguyễn Thiện Thuật. “Chúng tôi đã cử người đi tìm hiểu và đã nắm rõ tên các GV đang DTHT ở đây. Chính vì không muốn gây hiệu ứng không hay trong dư luận cũng như khéo léo, tế nhị trong xử lý, nên chúng tôi sẽ gửi danh sách các GV vi phạm quy định DTHT về cho nhà trường để xử lý theo quy định”, bà Hoa nói.
Vì sao phải học thêm?
“DTHT là một thực tế rất đau lòng. Đáng trách là có một bộ phận GV vì mục đích lợi nhuận đã dạy thêm bằng mọi cách, gây sức ép đối với HS; có thái độ không đúng mực với HS không học thêm mình; cho HS làm trước theo mẫu bài kiểm tra ở lớp học thêm để thu hút HS; HS học thêm mình thì cho ngồi đầu bàn...”, thầy Thiện chia sẻ. Phụ huynh tên Đ.T.L ở phường Phước Hòa tâm sự, học thêm là nỗi ám ảnh của một người mẹ vốn quan tâm đến việc học của con cái như chị. Nó theo suốt từ khi 2 đứa con của chị vào lớp 1 đến nay đứa con đầu đã vào lớp 9. Từ việc chọn học thầy nào dạy giỏi mà hiệu quả, tính toán học giờ nào để tiện đưa đón 2 đứa con, cho đến việc cân nhắc có nên cho con theo học một thầy qua các cấp học, hay năm nào học cô chủ nhiệm ấy để cho con khỏi bị đì, khỏi bị áp lực tâm lý. Đó là chưa kể đến việc lo chạy tiền cho con để học đầy đủ các môn nhằm theo kịp bạn bè.
Phụ huynh chờ đón con tại một điểm dạy thêm |
Chị Đ.T.L nhớ lại, hồi đứa con gái thứ hai của chị còn học lớp 5 ở Trường Tiểu học Tân Lập 2, con bé là HS giỏi Toán, Văn toàn trường. Nhưng chỉ vì chị không cho con học thêm khóa học hè môn Toán ở trường tổ chức mà con của chị đã bị GV “hạ nhục” trước lớp. Cứ vào tiết dạy Toán, cô giáo cho bài thật khó rồi gọi em lên giải, bài nào em giải được thì cô không khen, còn bài nào em không giải được thì cô bắt em lên đứng trên bục giảng, quay mặt xuống lớp và chì chiết: “Đấy, HS giỏi Toán toàn trường mà có bài toán cũng giải không xong”.
Ông Nguyễn Khắc Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang: Thực hiện nghiêm túc Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, Quyết định 14/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về DTHT, UBND TP. Nha Trang đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc thực hiện các quy định DTHT. Nếu phát hiện có GV vi phạm DTHT, đặc biệt là GV tiểu học, Phòng GD-ĐT phải đề ra các biện pháp và hình thức xử lý theo quy định. Trưởng phòng GD-ĐT phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố trong việc quản lý hoạt động DTHT trên địa bàn TP. Nha Trang. |
Những lời nói của cô đã làm cho con bé quá sốc, về nhà ôm mẹ khóc nức nở: “Con quá xấu hổ với bạn bè, muốn chui xuống đất, từ nay con sẽ không bao giờ làm HS giỏi nữa”. Sự tổn thương về tâm hồn đã khiến em từ chối tất cả các cuộc thi HS giỏi do nhà trường tổ chức. Bây giờ em đã là HS lớp 7 của một trường cấp II cũng khá nổi tiếng trên địa bàn thành phố. Nhưng những phiền lụy từ chuyện DTHT vẫn chưa chịu buông tha em. Đó là do em từ chối học thêm tại nhà cô giáo dạy môn Toán ở trường vì lý do đã theo học thêm một thầy dạy Toán giỏi từ thời cấp I. Thế là em đã bị cô giáo dạy Toán trên trường để ý và ghét bỏ. Cứ đến giờ Toán, cô giáo ra câu hỏi, em xung phong trả lời thì cô không gọi, câu nào em không xung phong thì cô lại gọi, trả lời không được thì cô chì chiết, nói gần nói xa. Có hôm cô ra câu hỏi chỉ có một mình em xung phong thì cô giả lơ không gọi mà tự bản thân cô giải đáp cho cả lớp...
Lý do phụ huynh cho con theo các lớp học thêm rất vô vàn. Ngoài những lý do trên cũng có một số phụ huynh có nhu cầu thật sự, muốn con cái được học thêm để bồi dưỡng kiến thức. Do đó, cần có cái nhìn đúng và quản lý đúng việc DTHT. Việc cần quản và giám sát chặt chẽ là những biểu hiện thiếu đạo đức nghề nghiệp của GV. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng phải dũng cảm phản ánh những vi phạm của GV, nếu có.
THU HIỀN - MINH THIẾT