Trang thiết bị phòng cháy chữa cháy thiếu; tiểu thương vô tư cơi nới, lấn chiếm lối đi để bày bán hàng hóa, lén lút thắp nhang, cúng kiếng, sử dụng bếp gas… là thực trạng ở nhiều chợ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay. Điều này khiến các chợ luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Trang thiết bị phòng cháy chữa cháy thiếu; tiểu thương vô tư cơi nới, lấn chiếm lối đi để bày bán hàng hóa, lén lút thắp nhang, cúng kiếng, sử dụng bếp gas… là thực trạng ở nhiều chợ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay. Điều này khiến các chợ luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Chợ Ninh Diêm đã được xây mới nhưng tiểu thương vẫn còn lo. |
Chuyện buồn chưa qua
Về chợ Ninh Diêm (Ninh Hòa) sau hơn 1 năm chợ bị cháy (tối 28-9-2012), chúng tôi thấy chợ đã được xây mới, khang trang hơn. Sau những mất mát đã qua, các tiểu thương bây giờ người về chợ mới, người bán nơi khác..., nhưng trong họ vẫn luôn đau đáu nỗi lo!
Gia đình anh C. là một trong những trường hợp bị thiệt hại nặng trong vụ cháy chợ Ninh Diêm. Đến giờ, vợ anh C. vẫn không thể quên vụ cháy làm tiêu tan sạp hàng của gia đình: “Hôm đó, nghe tin cháy chợ, vợ chồng tôi vội chạy ra, mong cứu vớt hàng hóa. Thế nhưng, vừa đến nơi, ngọn lửa đã bốc cao ngùn ngụt. Chúng tôi đành bất lực nhìn số hàng hóa bị ngọn lửa thiêu cháy, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng”. Hiện vợ chồng anh C. đã buôn bán ở chợ mới, nhưng cuộc sống khá chật vật. Anh chị còn nợ ngân hàng 600 triệu đồng. Theo bà Trương Thị Chiệu - Chủ tịch UBND phường Ninh Diêm, vụ cháy chợ đã khiến 16 hộ kinh doanh trắng tay, thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng. Nhiều tiểu thương giờ vẫn còn nợ ngân hàng. Sau khi cháy, tỉnh hỗ trợ 3 tỷ đồng để xây chợ mới. Hiện chợ có 92 lô, trong đó đã cho thuê 82 lô.
Các tiểu thương ở chợ Vạn Ninh đã 2 lần chứng kiến cảnh “bà hỏa” viếng chợ. Năm 2007, 40 lô hàng ở khu vực nhà lồng của chợ bị thiêu rụi chỉ sau 1 đêm. Năm 2011, chợ Vạn Ninh lại bị cháy, thiêu rụi 22 lô hàng. Tổng thiệt hại sau 2 vụ cháy lên tới tiền tỷ. Tuy mức độ thiệt hại do cháy gây ra không lớn nhưng vụ cháy chợ Dinh Ninh Hòa (năm 2001) cũng khiến nhiều người chưa hết bàng hoàng. Bà Nguyễn Thị Thiên Hương (tiểu thương chợ Dinh) kể: “2 giờ sáng, tôi nghe có người báo sạp hàng của tôi bị cháy. Ra đến nơi, nhìn sạp hàng bị thiêu sạch (thiệt hại khoảng 100 triệu đồng), tôi như chết lặng. Do đám cháy phát hiện kịp thời nên chỉ 4 sạp hàng bị thiêu rụi. Nhờ bà con, dòng họ giúp đỡ, tôi mới có ít vốn kinh doanh trở lại”.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Nhân viên Ban Quản lý chợ Dinh kiểm tra họng nước. |
Hệ thống nước phải được chuẩn bị sẵn sàng, phòng khi có hỏa hoạn xảy ra. |
Sau những vụ cháy, công tác PCCC của các chợ được quan tâm, củng cố chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, nguy cơ từ “bà hỏa” chưa phải đã hết. Từ chợ lớn tới chợ tạm, phần lớn đều chưa được trang bị dụng cụ chữa cháy đầy đủ và đúng quy định. Trong số các chợ mà chúng tôi khảo sát, chỉ chợ Dinh Ninh Hòa, chợ Vạn Ninh là có thiết bị chữa cháy được bố trí một cách hệ thống, thuận lợi cho công tác ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Xung quanh 2 chợ này, các họng nước, trụ nước được lắp đặt khá nhiều.
Ban Quản lý chợ Vạn Ninh kiểm tra bình chữa cháy. |
Điều làm người ta lo lắng chính là ý thức phòng, chống cháy nổ của các tiểu thương buôn bán trong chợ. Tuy biết những thiệt hại mà hỏa hoạn gây ra hết sức nặng nề, nhưng hiện nay, nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ vẫn phớt lờ công tác an toàn phòng, chống cháy nổ. Có một điểm chung của các chợ trên địa bàn tỉnh hiện nay là phần lớn đều đã cũ và được sửa chữa lại, nên việc cơi nới, lấn chiếm diễn ra phổ biến. Các sạp hàng ở đa số chợ được bố trí rất thiếu khoa học, không thuận lợi cho công tác ứng phó với sự cố cháy nổ. Tại chợ Dinh, tình trạng này thể hiện khá rõ. Chợ Dinh có 3 khu vực (A, B, C), trong đó khu C tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Các sạp hàng ở đây chủ yếu là những mặt hàng dễ cháy (nhang, hàng mã, nón, chiếu, thúng, rổ, hàng khô...), nhưng khoảng cách chống cháy lây lan không bảo đảm. Hàng hóa được sắp xếp khá tùy tiện. Trong chợ, lều bạt chăng chằng chịt, không theo quy củ. Nguy hiểm hơn là các ổ cắm điện tại một số sạp hàng cũ kỹ, dễ gây chập điện... Ông Đoàn Tấn Binh - nhân viên Ban Quản lý chợ Dinh phàn nàn: “Mỗi khi chúng tôi kiểm tra, các hộ kinh doanh xếp hàng hóa ngay ngắn, nhưng sau khi chúng tôi đi là tiểu thương lại cơi nới, bày hàng hóa lấn chiếm lối đi”. Còn ông Nguyễn Văn Tấn - Phó Ban Quản lý chợ Vạn Ninh nói: “Chợ Vạn Ninh đã 2 lần bị hỏa hoạn, nhưng ý thức của tiểu thương vẫn chưa tốt. Việc buôn bán kinh doanh vẫn theo hướng hễ thấy có lợi là làm, tình trạng lấn chiếm cơi nới vẫn còn phổ biến, dù chúng tôi đã liên tục nhắc nhở”. Xem ra, bài học từ các vụ cháy vẫn chưa thực sự làm các chủ hàng ở đây nâng cao cảnh giác.
Căng dây, bạt ngang dọc - tình trạng thường thấy ở các chợ. |
Ở nhiều sạp hàng của các chợ, chúng tôi vẫn bắt gặp cảnh người buôn bán lén lút thắp nhang; thậm chí, có người không bán được hàng còn điềm nhiên dùng giấy đốt phong long! Trưa 1-10, đang đốt nhang tại sạp, thấy chúng tôi, bà Lê Thị C. (tiểu thương kinh doanh hàng mã ở chợ Dinh) vội giấu hũ nhang. Một tiểu thương cạnh đó bức xúc: “Đã cấm thì phải cấm toàn bộ, chứ để một số tiểu thương ngang nhiên đốt nhang, cúng kiếng kiểu này có ngày cháy chợ như chơi!”. Đáng nói, đa số tiểu thương đều không biết sử dụng bình chữa cháy và cũng chưa hề được tập huấn về công tác phòng, chống cháy nổ. Các tiểu thương để bình chữa cháy lăn lóc trong xó, che lấp bởi các kiện hàng, thậm chí có bình bị hoen gỉ. Hệ thống dây điện cũng bị nhiều người tự ý câu, nối, gây mất an toàn, làm tăng thêm nguy cơ hỏa hoạn.
Các tiểu thương điềm nhiên xếp hàng hóa choán chiếm lối đi. |
Theo Trung tá Hồ Nam - Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Vạn Ninh, Đội quản lý 6 chợ loại 3 trên địa bàn huyện (chợ Đại Lãnh, Tu Bông, Vạn Thắng, Xuân Tự, Xuân Vinh, Tân Đức). Đa số các chợ thuộc UBND xã quản lý, thiếu các trang thiết bị PCCC như: máy bơm, bình chữa cháy, dây dẫn nước, vòi phun, trụ nước... Các chợ có xây dựng phương án PCCC nhưng chưa tổ chức thực tập phương án PCCC. Riêng chợ Tu Bông và Vạn Thắng chưa đảm bảo an toàn về điện. Một số chợ còn thắp nhang, cúng kiếng, sử dụng bếp gas trong khu vực kinh doanh. Hàng năm, Đội đi kiểm tra các chợ 4 lần. Năm nào cũng có văn bản kiến nghị UBND huyện, xã nhưng những tồn tại trên vẫn chưa được khắc phục.
Sau vụ cháy chợ Vạn Ninh, đến giờ gia đình bà Nguyễn Thị Dọn vẫn còn gặp khó. |
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Từ thực trạng trên, các chợ cần nghiêm túc xem xét lại hệ thống báo cháy, chữa cháy để đáp ứng yêu cầu phát hiện cháy sớm, tổ chức chữa cháy hiệu quả. Rút kinh nghiệm từ các vụ cháy, việc sử dụng điện của các tiểu thương ở chợ Vạn Ninh được quy định nghiêm ngặt hơn. Sau 18 giờ, hệ thống điện sinh hoạt tại các lô sạp bị cắt toàn bộ. Chợ đã thành lập Ban chỉ huy PCCC, 4 đội PCCC cơ sở, có 4 họng nước đặt ở 4 góc. Năm 2012, chợ được trang bị hệ thống báo cháy tự động. Ông Lê Văn Sơn - Phó Ban Quản lý chợ Dinh cho biết: “Sau vụ cháy chợ năm 2001, chúng tôi đã chú ý hơn công tác PCCC. Toàn chợ hiện có 1 máy bơm, 12 họng nước (gồm dây dẫn, vòi phun), 5 trụ nước chữa cháy; hơn 50 bình chữa cháy các loại; 6 mặt nạ phòng độc... Sau 19 giờ, hệ thống điện sinh hoạt tại các lô sạp và bảo vệ bị cắt toàn bộ, chỉ còn hệ thống điện chiếu sáng tại văn phòng Ban Quản lý. Hàng tháng, đội PCCC cơ sở kiểm tra hệ thống điện 1 lần”.
Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Thành - Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thị xã Ninh Hòa, trên địa bàn thị xã hiện có 2 chợ khá lớn là chợ Dinh Ninh Hòa và chợ Dục Mỹ. 2 chợ này đã thành lập tổ PCCC, phân công người trực 24/24 giờ. Hàng năm, Đội đi kiểm tra công tác PCCC 4 lần ở các chợ lớn, 2 lần ở chợ nhỏ. Nhìn chung, các chợ đều được trang bị các phương tiện PCCC cơ bản, tạm thời ứng cứu khi phát hiện đám cháy ban đầu. Về lâu dài, cần có lực lượng PCCC chuyên nghiệp. Các địa phương cần phát huy vai trò của người đứng đầu các xã, phường trong công tác PCCC.
Đáng lưu ý hiện nay là tuy có rất nhiều nguy cơ cháy nổ nhưng tại các chợ chúng tôi khảo sát, chưa có chợ nào mua được bảo hiểm cháy nổ cho tiểu thương. Theo các công ty bảo hiểm, họ không muốn bán bảo hiểm hàng hóa cho các chợ vì rủi ro cháy nổ cao, tiểu thương tại chợ thường không lưu tâm đến việc quản lý chứng từ sổ sách nên không chứng minh được thiệt hại khi có sự cố xảy ra. Ở các chợ, khoảng cách an toàn, tường chống lửa theo đúng yêu cầu PCCC hầu như không có, các sạp hàng lại kê nối liên tục với nhau, nếu xảy ra cháy thì dễ cháy sạch. Trong khi đó, giá trị hàng hóa lại không có giám định cụ thể.
Việc PCCC tại các chợ là việc làm cần thiết và liên tục, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Đã đến lúc, các cấp, ngành và tiểu thương buôn bán ở các chợ cần quan tâm hơn nữa đến công tác PCCC. Bên cạnh chú trọng trang bị phương tiện PCCC, tuân thủ nghiêm các quy định trong thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống điện, hệ thống thoát hiểm, cần trang bị cho người dân những kiến thức xử lý cần thiết khi có sự cố xảy ra.
K.THAO
Thượng tá Nguyễn Xuân Cảnh - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Khánh Hòa: Qua kiểm tra thực tế tại các chợ trên địa bàn tỉnh cho thấy, nguy cơ cháy nổ rất cao. Tại chợ Đầm, Xóm Mới, Bình Tân (TP. Nha Trang) hay các chợ khác trên địa bàn tỉnh, do bất cập trong việc quy hoạch, hệ thống chữa cháy, sắp xếp ngành hàng không theo quy chuẩn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Tuy được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về công tác PCCC nhưng hiện nay, ý thức PCCC của người dân chưa cao. Để nâng cao hiệu quả công tác PCCC, yếu tố con người hết sức quan trọng, nhất là lực lượng chữa cháy ở cơ sở. Để khắc phục tình trạng mất an toàn tại các chợ, phòng đã và đang tăng cường kiểm tra, tuyên truyền cho người dân về phòng ngừa cháy nổ; phương tiện chữa cháy đảm bảo, lực lượng chữa cháy thường xuyên được tập huấn, đào tạo...