Có một thời gian, giá các loại cây cảnh được đẩy lên khá cao, khiến cho thị trường cây cảnh rất sôi động. Nhưng giờ đây, giá cây cảnh đang lao dốc, nhiều người rơi vào cảnh khốn đốn, nợ nần chồng chất.
Có một thời gian, giá các loại cây cảnh được đẩy lên khá cao, khiến cho thị trường cây cảnh rất sôi động. Nhưng giờ đây, giá cây cảnh đang lao dốc, nhiều người rơi vào cảnh khốn đốn, nợ nần chồng chất.
Cây cảnh ế ẩm…
Những cây cổ thụ được bứng từ rừng về không có người mua. |
Ông Nguyễn Đình Huấn - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh: Trước đây, sở dĩ có cơn sốt cây cảnh là do một bộ phận người có tiền nhưng hạn chế hiểu biết đẩy giá trị thực của cây lên. Những năm gần đây, do tình hình kinh tế khó khăn nên thị trường cây cảnh bị thu hẹp, không còn sôi động như trước, cây cảnh đã được trả về đúng giá trị thực của nó. Bây giờ, những loại cây cảnh thực sự có giá trị vẫn giữ được giá cao. Theo kinh nghiệm của tôi, thị trường cây cảnh có chu kỳ lên xuống, nên những người trồng cây cảnh, buôn bán cây cảnh cần nắm được quy luật đó. |
Trong vai người đang tìm mua cây cảnh về trang trí cho công ty, chúng tôi có mặt tại vườn cây cảnh của ông Khai (gần cầu Lùng, thị trấn Diên Khánh, Khánh Hòa). Tiếp chúng tôi, ông Năm - người làm công cho ông Khai rất nhiệt tình: “Các chú cứ xem thoải mái. Chấm được cây nào thì gọi điện cho ông chủ thỏa thuận giá cả. Nếu mua được, tôi sẽ cho xe chở về tận công ty luôn”. Đi một vòng quanh vườn cây cảnh của ông Khai, chúng tôi thấy trong vườn có rất nhiều cây quý, có dáng đẹp và lâu năm. Những cây sanh, lộc vừng, sộp… được tạo hình, uốn thế thác đổ, mẫu tử, long chầu hổ phục… trông rất bắt mắt. Sau khi ngắm được cặp lộc vừng thân rắn chắc như đá, chúng tôi gọi điện cho ông Khai để hỏi giá và được chủ nhân của nó cho biết: “Hiện tại, cặp lộc vừng này có giá 140 triệu đồng. Nếu công ty mua được, sẽ gửi biếu 10 triệu đồng uống nước. Giờ đây, cây cảnh ế ẩm nên mới có giá đó, chứ trước đây đã có người trả 300 triệu đồng mà tôi không bán”.
Không chỉ có những cây cảnh nghệ thuật, vườn ông Khai còn có rất nhiều cây rừng cổ thụ. Hỏi ra mới biết, chủ nhân của vườn cây này vốn là nhà thầu xây dựng. Nắm bắt được nhu cầu cây bóng mát ở các công trình xây dựng của khu du lịch, các doanh nghiệp lớn nên ông đứng ra nhận luôn việc cung cấp các loại cây này. Tuy nhiên, theo ông Năm, thời gian gần đây, do tình hình kinh tế khó khăn, các dự án xây dựng lớn cũng ít triển khai nên những cây cổ thụ vẫn chưa tìm được mối bán. Tuy không có người mua nhưng ông Khai vẫn phải thuê 2 nhân công để chăm sóc, bảo vệ vườn cây. “Trước đây, khu vườn cây này có 4 người làm nhưng vẫn không xuể. Lúc đó, việc bảo vệ cây cũng được chú trọng, ngày đêm nơm nớp lo sợ kẻ gian khiêng trộm cây cảnh; còn bây giờ chỉ có mỗi nhiệm vụ tưới nước cho cây sống, các công đoạn cắt cây, tỉa cành… bỏ hết”, ông Năm chia sẻ.
Do cây cảnh rớt giá nên giờ đây, công việc chăm sóc cây chỉ đơn giản là tưới nước. |
Vườn cây cảnh của ông Ảnh (xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh) cũng rơi vào cảnh tàn tạ. Mấy trăm chậu lớn nhỏ đều không nhận được sự chăm sóc của chủ nhân, cành lá cứ tự do phát triển. Dẫn chúng tôi đi xem vườn, ông Ảnh ngao ngán: “Trước đây, thấy cây sanh “có ăn” nên tôi đã dồn hết tiền để đầu tư. Vợ tôi dành dụm được sổ tiết kiệm để lo cho con đi học đại học, tôi cũng lén rút hết để đầu tư. Nào ngờ, giờ đây, nhìn cây càng thấy xót xa”. Cách đây khoảng 2 năm, vườn cây cảnh của ông Ảnh ước trị giá khoảng 4 tỷ đồng, ngày nào cũng tấp nập người vào ra, mua bán, tham quan. Bắt được đầu mối tiêu thụ ở mấy tỉnh phía Bắc, ông Ảnh rất tự tin vào chuyện làm ăn của mình. Nhưng trớ trêu thay, từ đầu năm 2011, tình hình bắt đầu trở nên xấu. Đến khoảng tháng 8-2011, bạn hàng chính thức đề nghị ông dừng cung cấp cây cảnh. “Lúc nghe tin đó, tôi bàng hoàng lắm. Một loạt cây vừa mới gom về không bán được nên chỉ còn biết làm củi. Hỏi đi hỏi lại mấy lần mới biết, bạn hàng ngoài đó cũng cùng chung cảnh ngộ vì thị trường Trung Quốc không còn ăn hàng”, ông Ảnh thở dài.
Những cây sanh bán không được, chủ nhân để cho tự do phát triển. |
Trong sự thoái trào của cây cảnh, những người như ông Ảnh, ông Khai đã tìm lối đi khác cho mình. Ông Khai trở về với nghề thầu xây dựng. Những công trình ông nhận bây giờ tuy không lớn như trước, nhưng cũng đủ giúp ông có cuộc sống ổn định. Còn ông Ảnh lại trở về với xưởng cưa gỗ của gia đình để gom góp tiền gửi cho con trai đang học đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Dù sao, các ông cũng là những người may mắn vì không phải rơi vào cảnh nợ nần…
“Ôm cây”… đợi người mua
Đến xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh), chúng tôi được giới thiệu một người tên Hội, chuyên đi “săn” cây cổ thụ trên rừng. Khi biết chúng tôi muốn theo chân anh vào rừng để tìm cây, anh Hội lắc đầu bảo: “Trời! Mấy năm nay, tôi có đi rừng nữa đâu. Bây giờ, ai mua cây mà đi kiếm cho mệt”. Qua lời kể của anh Hội, chúng tôi được biết, trước đây, nhóm của anh có khoảng 15 người, chuyên nhận các “đơn hàng” đi bứng cây cổ thụ trong rừng về trồng ở các dự án xây dựng lớn. Mỗi chuyến đi, tùy theo yêu cầu của khách, nhóm của anh có thu nhập khoảng chục triệu đồng/người/chuyến. Cuối năm 2010, nhóm của anh Hội nhận hợp đồng bứng 5 cây lộc vừng cổ thụ, nhưng khi đưa cây về, chờ mãi không thấy khách đến lấy hàng. Tìm hiểu mới biết, khách hàng của anh đã rơi vào cảnh nợ nần nên bỏ đi nơi khác. Trong khi đó, để trả tiền công cho anh em trong nhóm, anh Hội đã phải đi vay nóng bên ngoài gần 150 triệu đồng, đến nay vẫn chưa trả hết. Giờ đây, anh phải “ôm cây” với hy vọng sẽ có người đến mua. Tuy nhiên, do cây bứng về không được chăm sóc tốt nên chất lượng đã giảm…
Cây lộc vừng này từng được định giá 40 triệu đồng, giờ giá bán chỉ còn 1/4 |
Được đánh giá là một nghệ nhân cây cảnh trẻ tuổi, trước đây, anh Tú (xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh) có thu nhập tương đối khá từ nghề chăm sóc cây cảnh. Không chỉ vậy, anh còn tự nguyện hướng dẫn cho nhiều người trong vùng kỹ thuật về tỉa, uốn, tạo thế cho cây. Khi cơn sốt cây sanh ập đến, anh Tú bị cuốn theo nên đã cầm cố cả nhà cửa, vay mượn ngân hàng. Trời chẳng chiều lòng người, “cơn lốc” cây cảnh qua nhanh, để lại cho anh hơn 200 chậu cây sanh đủ chủng loại cùng khoản nợ gần 500 triệu đồng. “Lúc đó, vốn có nghề trong tay nên cây cảnh của tôi có kiểu dáng, giá thành vượt trội hơn cây của người khác. Hễ có ai kêu bán cây là tôi mua liền. Không lâu sau đó, tôi bán ra cũng bỏ túi được khoản tiền gấp đôi, gấp ba số vốn bỏ ra. Có ai ngờ, giờ đây, toàn bộ vườn cây của tôi là khoản nợ đang treo, nhưng nợ thì tính lãi, còn cây không thấy ai mua”, anh Tú trải lòng. Bây giờ, mỗi chậu cây sanh của anh Tú giá đã rớt còn chưa bằng một nửa so với trước. Thời gian qua, để “giải vây” cho mình, anh Tú cũng đã cố gắng liên hệ với nhiều đầu mối mua cây cảnh, nhưng không có tín hiệu khả quan. Thậm chí bây giờ, nghề tạo cây cảnh của anh cũng không còn được nhiều người theo học nữa. Anh Tú quay qua “kiếm cơm” bằng cách nhận cắt tỉa cây cảnh ở một số gia đình khá giả hoặc các công ty, đơn vị trên địa bàn huyện.
Ông Ảnh ngán ngẩm trước vườn cây cảnh của mình. |
“Cơn sốt” cây cảnh lắng xuống, những người “đâm lao” đã rơi vào cảnh khốn đốn trăm bề. Cây cảnh chỉ là mặt hàng mang tính trang trí và thỏa mãn giá trị tinh thần, nhưng nó đã làm hàng trăm người đeo đuổi và ngậm đắng nuốt cay.
Giang Đình - Bích La