Vốn là vùng giáp biển, hai thôn này không thể sử dụng nước giếng đào vì nước ở đây nhiễm phèn, nhiễm mặn quá nặng. Chính vì thế, tình trạng thiếu nước sinh hoạt là nỗi ám ảnh của hàng ngàn người dân ngay từ thuở lập làng....
Là một xã đồng bằng, nhưng suốt hơn 20 năm nay, hàng ngàn người dân xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) sống trong cảnh thiếu nước sạch nghiêm trọng. Bài toán nước sạch cho xã Vạn Hưng đến nay vẫn bế tắc.
Uống nước kênh mương từ ngày lập làng
Xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh nằm ở khu vực đồng bằng, tiếp giáp biển và có Quốc lộ 1A đi qua. Với diện mạo bên ngoài, hẳn nhiều người khi có dịp đến đây không thể tin được rằng người dân nơi này lại thiếu nước sạch trầm trọng. Xã Vạn Hưng có hơn 12.000 dân, nhưng theo ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã, hiện chưa có nhà nào có nước sạch một cách đúng nghĩa. Hiện nay, trong xã có 4/6 thôn được dùng nước máy nhưng chỉ qua hệ thống lọc thô nên không gọi là nước sạch. Đã vậy, vào mùa hè các thôn này lúc nào cũng thiếu nước trầm trọng, dân phải mua nước khắp nơi, với giá cao gấp vài chục lần giá nước bình thường. Trong đó, hai thôn Xuân Đông và Xuân Tây là khó khăn nhất, hơn 20 năm nay, gần 750 hộ với khoảng 3.300 người dân phải uống nước từ ruộng, kênh mương nội đồng.
Giếng nước lọc nằm cạnh ao chứa nước mương. |
Cách đây hơn 20 năm, sau khi dự án hồ chứa nước Đá Bàn (nằm đầu nguồn xã Vạn Hưng, cách Quốc lộ 1A gần 15km) được hoàn thành, hệ thống kênh thủy lợi dẫn nước về Vạn Hưng cũng được xây dựng. Sau đó khoảng 2 năm, hai thôn kinh tế mới là Xuân Đông, Xuân Tây được thành lập. Vốn là vùng giáp biển, hai thôn này không thể sử dụng nước giếng đào vì nước ở đây nhiễm phèn, nhiễm mặn quá nặng. Chính vì thế, tình trạng thiếu nước sinh hoạt là nỗi ám ảnh của hàng ngàn người dân ngay từ thuở lập làng. Trong cái khó cũng... ló cái khôn. Nhờ vào hệ thống kênh nội đồng dẫn về đến tận từng nhà, người dân nơi đây đã có sáng kiến đào những chiếc ao như ao thả cá, rộng từ vài chục đến vài trăm mét vuông, sâu 2 - 3m để trữ nước từ kênh mương. Sau đó, họ xây dựng những giếng nhỉ, dưới giếng đổ một lớp cát để lọc nước từ các ao thẩm thấu vào để làm nước sinh hoạt, nước dùng cho ăn, uống…Vậy là nguồn nước từ kênh mương đã được dân nơi đây sử dụng hàng chục năm qua.
Những ngày này, do hệ thống kênh mương của xã Vạn Hưng không có nước vì nước từ hồ Đá Bàn không xả về, nhiều ao chứa nước của người dân cạn khô đáy. Nước trong ao chứa của người dân cũng ngã màu vàng quạch, rong rêu xuất hiện dày trên mặt ao. Tại một số giếng lọc, nước không chỉ đục mà còn xuất hiệu nhiều lớp tảo, rêu nổi lềnh bềnh. Vậy mà người dân vẫn cứ sử dụng vì không có nguồn nước khác để dùng. Anh Cường (một người dân thôn Xuân Đông) bày tỏ: “Dù biết nguồn nước lấy từ kênh mương, bờ ruộng bị ô nhiễm từ xác chết súc vật, rác thải và nhất là thuốc trừ sâu, nhưng trong hoàn cảnh này người dân không có sự lựa chọn khác nên đành cam chịu...”.
Trước thực trạng người dân phải ăn, uống nước bẩn trong suốt thời gian dài, năm 2004, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã đầu tư 2,7 tỷ đồng xây dựng một hệ thống bơm và hồ chứa lọc nước sạch đưa về hai thôn Xuân Đông, Xuân Tây. Mỗi hộ dân đã đóng góp từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng để làm đường ống dẫn nước vào nhà. Tuy nhiên, niềm vui của dân kéo dài không lâu vì hệ thống nước ngưng hoạt động chỉ sau một thời gian ngắn.
Ông Vũ Trọng Nậm, Trưởng thôn Xuân Đông đưa chúng tôi đi xem một kênh mương rộng chừng hơn 1m. Đây vốn là mương dẫn nước từ hồ Đá Bàn về đồng bằng và đó cũng là nguồn nước chính của thôn Xuân Đông. Kênh mương này đã trơ đáy, chỉ còn thấy bùn, rác và vỏ chai thuốc trừ sâu nằm ngổn ngang. Ông Vũ Trọng Nậm chỉ tay về những phiến đá cuội xếp khá ngay ngắn nằm trơ dưới lòng kênh mương cho biết, đó là “bến nước” của người dân trong thôn. Mỗi khi mương có nước, bà con kéo nhau ra đó tắm, giặt, có người lấy cả nước về lọc và sử dụng... Thời gian qua, không hiểu sao Ban Quản lý hồ chứa nước Đá Bàn không xả nước về Vạn Hưng, khiến dân ở đây cũng không còn nước mương để dùng. Chính vì thế, mấy tháng qua người dân phải đi gần chục cây số để mua nước, giá nước có khi lên đến 150.000 đồng/m3.
Anh Nguyễn Văn Thời, một người dân được xem là có kinh tế tương đối khá giả tại thôn Xuân Đông cũng giật mình trước số tiền mua nước. Gia đình anh Thời có 4 người, nhưng gia đình anh phải mua cả triệu đồng tiền nước/tháng.
Bị ung thư do nguồn nước bị ô nhiễm?
Để có nước, dân thôn Xuân Đông phải đi gần cả chục kilômét mua nước. |
Bên cạnh những lo toan về nước sạch, mấy năm gần đây người dân ở hai thôn Xuân Đông, Xuân Tây còn lo lắng vì trong làng số người chết do căn bệnh ung thư; đặc biệ,t ung thư dạ dày liên tục tăng. Thống kê chưa đầy đủ, trong 5 năm qua tại thôn Xuân Đông có gần 20 người chết vì ung thư. Thôn Xuân Tây cũng có gần cả chục người; đa số người chết trong độ tuổi lao động, từ 40 - 50 tuổi. Đến nay, tuy chưa có những nghiên cứu khoa học về nguồn nước gây nên bệnh ung thư, nhưng với điều kiện nước sinh hoạt như hiện nay thì hoàn toàn có khả năng. Điều đó càng khiến dân nơi đây lo lắng hơn khi cả hai thôn này hiện vẫn có nhiều người mắc bệnh ung thư đang điều trị tại bệnh viện...
Trong nhiều cuộc tiếp xúc đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, người dân hai thôn Xuân Đông, Xuân Tây đều phản ánh tình trạng thiếu nước sạch, mong muốn được quan tâm hơn, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ông Cao Như Hoàng, Trưởng thôn Xuân Tây, bức xúc: “Cả thôn có hơn 250 hộ dân nhưng chỉ có chừng 70 hộ có điều kiện xây bể trữ nước mưa để dùng. Năm nào mưa ít, các hộ này cũng phải uống nước bẩn từ kênh mương. Đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, nhưng vẫn không được giải quyết nên dân nản và không muốn kiến nghị gì thêm”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết thêm, việc đầu tư nguồn kinh phí để cải thiện nước sạch cho người dân cũng có, tuy nhiên đầu tư nhỏ giọt, nguồn nào cũng có một ít. Vì thế, cộng số tiền đầu tư nhiều lần lại thì lớn, nhưng nước sạch vẫn không về đến dân. “Theo tôi, hiện nay cách tốt nhất để dân Xuân Đông và Xuân Tây có nước sạch là lắp đường dẫn nước từ thị xã Ninh Hòa ra. Còn lấy nguồn nước tại huyện Vạn Ninh thì rất khó vì bản thân đường ống cung cấp nước tại Vạn Ninh đã quá tải so với nhu cầu hiện tại. Về chủ trương này, nhiều cuộc họp với lãnh đạo các cấp của tỉnh, xã đã đề cập nhiều lần nhưng không thấy hồi âm”, ông Lộc chia sẻ.
Trường Giang