Trong khi Khánh Sơn (Khánh Hòa) còn đang tìm giải pháp để chấm dứt tình trạng vàng thau lẫn lộn giữa sầu riêng Khánh Sơn với sầu riêng mạo danh, thì giờ đây, thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn lại có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng hóa chất ép trái chín nhanh đang diễn ra tràn lan.
Trong khi Khánh Sơn (Khánh Hòa) còn đang tìm giải pháp để chấm dứt tình trạng vàng thau lẫn lộn giữa sầu riêng Khánh Sơn với sầu riêng mạo danh, thì giờ đây, thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn lại có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng hóa chất ép trái chín nhanh đang diễn ra tràn lan.
“Thần dược ” ép sầu riêng chín
Đến Khánh Sơn đúng vào mùa thu hoạch sầu riêng, điều chúng tôi dễ dàng cảm nhận chính là niềm vui của người nông dân trước một vụ mùa thắng lợi. Tỉnh lộ 9 nhộn nhịp với những chiếc xe tải chở sầu riêng liên tiếp nối đuôi nhau đưa loại đặc sản này đến TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, các tỉnh miền Tây Nam bộ và thậm chí là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Lọ “thần dược” trái cây được các thương lái mang đi để sử dụng. |
Tuy nhiên, điều chúng tôi thắc mắc nhất là với đặc tính của trái sầu riêng chỉ chín mới rụng xuống thì làm sao thương lái có thể chờ đợi để gom hàng cho đủ chuyến. Và chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi lời giải cực kỳ đơn giản: Sử dụng hóa chất ép chín trái. Ông S. một nhà vườn ở xã Sơn Bình cho biết: “Vườn sầu riêng của tôi đã được thương lái đặt mua hết từ nhiều ngày nay, với giá tại vườn từ 15.000 đến 18.000 đồng/kg tùy từng giống trái. Sau khi thanh toán xong, họ cho người và xe vào cắt trái cho đến hết, làm gì còn trái nào để chín rụng đâu”. Khi được hỏi sầu riêng cắt xanh, thậm chí cắt non như thế làm sao để chín được? Ông S. ngập ngừng: “Tôi thấy họ cắt xong thì nhúng trái sầu riêng vào một thùng nước có pha loại hóa chất gì đó được mang theo. Tò mò hỏi thì những người mua trả lời là nước để làm cho trái chín nhanh, chín đều, chín đẹp”. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy hầu hết các nhà vườn trồng sầu riêng với diện tích lớn, sản lượng mỗi năm từ hàng chục đến hàng trăm tấn ở Khánh Sơn như ông T., ông Ng., ông H... đều có thỏa thuận bán cả vườn sầu riêng cho thương lái để cắt đồng loạt. Còn việc sử dụng thuốc kích thích trái chín, các nhà vườn đều chung quan điểm: Đó là chuyện của các thương lái.
Những trái sầu riêng Khánh Sơn đang bị nhúng hóa chất ép chín. |
Để tìm hiểu thêm về loại thuốc mà các thương lái sử dụng để ép chín sầu riêng, chúng tôi tiếp cận một thương lái đến từ tỉnh Đồng Nai đang thu mua sầu riêng ở xã Sơn Bình. Người đàn ông này cho hay: “Tôi đến thu mua sầu riêng ở Khánh Sơn đã mấy năm nay, bởi sầu riêng Khánh Sơn rất ngon và được người tiêu dùng ưa thích. 2 ngày một lần chúng tôi lại ra đây thu mua khoảng 20 tấn sầu riêng, sau đó lại chở vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ. Những lúc hàng nhiều thì ngoài tiêu thụ nội địa, chúng tôi còn xuất khẩu đi Trung Quốc”. Để có thể đóng hàng đi nhanh, ông ta tiết lộ “bí kíp” của mình khi lôi trong cabin ô tô ra một chai hóa chất với nhãn hiệu “Trái chín” và giới thiệu về nó như một loại “thần dược” giúp trái chín nhanh và đồng đều. Những thương lái mua sầu riêng Khánh Sơn đều sử dụng hóa chất này. “Khi thu mua với số lượng lớn thì độ chín của sầu riêng không đồng đều, do vậy muốn trái chín nhiều và đều để bỏ cho các đầu mối tiêu thụ, sau khi cắt sầu riêng ở vườn, trong vòng 24 giờ phải nhúng trái qua dung dịch hóa chất này, khi đó vỏ trái sầu riêng sẽ chuyển từ màu vàng nâu sang màu xanh. Không chỉ giữ màu sắc tươi xanh mà loại hóa chất này còn kích thích cho trái sầu riêng chín nhanh. Muốn trái chín càng nhanh thì nồng độ hóa chất pha vào nước càng đậm. Khi nhúng không được để hóa chất ngấm vào cuống để trái sầu riêng trông như chín tự nhiên”, ông ta chia sẻ kinh nghiệm. Thấy chúng tôi băn khoăn về việc những hóa chất này sẽ không an toàn đối với người tiêu dùng, người đàn ông này trấn an: Loại thuốc “Trái chín” là do một xí nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh sản xuất, có giấy phép hẳn hoi, làm sao mà không an toàn được. Ông còn dọa chúng tôi: “Trước đây, khi loại hóa chất này mới được sử dụng báo chí cũng “đánh” dữ lắm, nhưng mấy nhà báo phản ánh về hóa chất này đều “tiêu” hết rồi. Nếu các anh là nhà báo thì đừng nên phản ánh để tránh hậu quả đáng tiếc!”. Thông tin về loại thuốc này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Trọng Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Khánh Sơn và được biết, trong kỳ họp HĐND huyện vừa qua, cử tri cũng đã kiến nghị nhiều về vấn đề này. Phòng đã đi tìm hiểu, lấy mẫu thuốc và gửi đi xét nghiệm, nhưng vẫn chưa có kết quả.
Lợi bất cập hại
Người dân Khánh Sơn thu hoạch sầu riêng. |
Hiện nay, toàn huyện Khánh Sơn có khoảng 500ha sầu riêng, sản lượng năm 2013 ước đạt khoảng 1.800 tấn. Nhưng có một thực tế đáng lo ngại đó là số lượng sầu riêng chín tự nhiên rất ít; số lượng trái sầu riêng Khánh Sơn được dán nhãn hiệu độc quyền lại càng ít. Theo một cán bộ của Phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn, đã có 20 hộ trồng sầu riêng trên địa bàn huyện đến đăng ký nhãn hiệu. Số nhãn hiệu phát ra nếu dán hết cũng chỉ khoảng 200 tấn. Vừa qua, phòng có gọi các hộ này lên tiếp tục nhận nhãn hiệu về dán thì rất nhiều hộ trả lời nhãn hiệu cũ chưa dán hết vẫn còn rất nhiều. Như vậy, phần lớn sầu riêng Khánh Sơn được đưa ra thị trường đều bị ép chín. Với các nhà vườn, việc bán đồng loạt cả vườn sầu riêng cho thương lái khi đến mùa thu hoạch cũng là vì lợi ích của cá nhân họ. “Việc bán đồng loạt như vậy cho thương lái sẽ giúp chúng tôi thu hồi vốn nhanh. Thời gian thu hoạch được rút ngắn, chúng tôi sẽ có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng cây cho mùa vụ sau được tốt hơn”, ông Ng, chủ vườn sầu riêng ở xã Sơn Bình cho biết.
Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ mất thương hiệu, mất lòng tin của người tiêu dùng vào thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn là điều đã được cảnh báo trước. Theo bà Huỳnh Thị Kiều Châu - chuyên viên Phòng Quản lý khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ), khi một loại nông sản đã được bảo hộ thương hiệu độc quyền sẽ mang đến những lợi ích mang tính bền vững đối với người nông dân. Tuy nhiên, để thương hiệu đó có thể đứng vững và giữ được uy tín thì cần những giải pháp đồng bộ của chính quyền địa phương nơi sở hữu thương hiệu đó. Với thực trạng hiện nay, nếu không có sự bắt tay vào cuộc ngay thì nguy cơ thương hiệu mất uy tín là điều có thể xảy ra và giá trị của loại nông sản này sẽ bị giảm sút.
Sầu riêng Khánh Sơn được thương lái mang đi tiêu thụ chủ yếu đều được cắt đồng loạt và nhúng thuốc ép chín. |
Làm gì để giữ vững thương hiệu?
Ngay sau khi nhận giấy chứng nhận thương hiệu, huyện Khánh Sơn đã thành lập Ban quản lý nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Khánh Sơn do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban. Tuy nhiên, hoạt động của ban này vẫn chưa mang đến hiệu quả như mong đợi. Cũng theo ông Lâm, trong quy trình kỹ thuật đối với cây sầu riêng không có kỹ thuật nào hướng dẫn việc ép trái chín. “Chúng tôi luôn khuyến khích người dân nên để trái sầu riêng chín tự nhiên. Đồng thời có khuyến cáo không nên sử dụng hóa chất bừa bãi”.
Ông Đinh Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Lâu nay, huyện chỉ định hướng trong các vấn đề như diện tích trồng, biện pháp kỹ thuật mà chưa thể quan tâm đến vấn đề tiêu thụ sầu riêng. Tình trạng thả nổi để người dân tự bươn chải dễ phát sinh những tiêu cực ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu. Có lẽ đã đến lúc huyện phải có hành động cụ thể để gìn giữ thương hiệu sầu riêng”.
Theo các chuyên gia, việc cần thiết trước mắt là thành lập Hiệp hội những người trồng sầu riêng ở Khánh Sơn, để tập hợp cùng đưa ra những quy tắc nhất định trong việc phát triển thương hiệu. Bên cạnh giải quyết vấn đề kỹ thuật, huyện cần có giải pháp về vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho người dân bằng cách liên hệ với những doanh nghiệp chế biến, những siêu thị để đảm bảo đưa đến người tiêu dùng sầu riêng đúng chuẩn. Huyện nên có chế tài để xử lý đối với những hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn, cùng với đó là tăng cường biện pháp tuyên truyền để người trồng sầu riêng hiểu rõ hơn về lợi ích của việc bảo vệ thương hiệu.
Đến thời điểm này, sầu riêng Khánh Sơn vẫn là loại nông sản duy nhất của tỉnh được bảo hộ nhãn hiệu độc quyền. Nhưng làm sao để nhãn hiệu đó luôn được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào những gì chúng ta làm hôm nay.
Nhân Tâm - Bích La
Theo Ths. Nguyễn Văn Hết - Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh: Một số hóa chất xử lý trái chín đang trôi nổi trên thị trường nước ta có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc một số hãng của nước ngoài có đăng ký ở Việt Nam được Bộ NN-PTNT chấp nhận và một số công ty của Việt Nam đã nhập về dạng nguyên liệu đóng gói, đóng chai để bán. Các thuốc lấy tên khác nhau như “Hoa quả thúc chín tố” (Trung Quốc), “Trái chín” (Việt Nam),… nhưng thành phần chính vẫn là ethrel.
Một chất khác là Ethephon (tên chung Ethephon, tên hóa học 2 Chloroethyl phosphonic acid, được viết tắt CEPA hoặc ACEP). Hay tên khác là Ethrel, Bromeflor, Arvest… trong thương mại có rất nhiều tên khác nhau tùy theo hãng sản xuất. Ethephon dạng lỏng, không màu đến hổ phách nhạt, tan dễ dàng trong nước được xếp vào nhóm hóa chất điều hòa sinh trưởng thực vật. Hiện nay ethephon được sử dụng rộng rãi để xử lý các loại trái cây mau chín.
Trong thực vật, ethephon kết hợp với nước sẽ chuyển hóa thành khí ethylen. Chất ethylen thúc đẩy quá trình chín nhanh của quả, kích thích mủ cao su… Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép sử dụng ethrel với liều lượng thích hợp để thúc chín trái cây như cà chua, dâu, táo… Úc, New Zealand và Hà Lan cũng cho phép tương tự nhằm rút ngắn thời gian chín và giảm tổn thất sau thu hoạch. Cục Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (US-EPA) đã xác định ethrel đi vào cơ thể qua thực phẩm chỉ an toàn nếu liều lượng mỗi ngày không vượt quá mức cho phép 0,05mg/kg cân nặng cơ thể. Ethrel có những độc tính nhất định và chỉ xếp vào loại chất độc nhẹ, không phải là một chất “cực độc” hay “cực nguy hiểm” như một số thông tin đã đưa…