Sau khi UBND tỉnh Phú Yên đưa ra thời hạn cuối cùng để di dời toàn bộ lồng bè nuôi trồng thủy sản ra khỏi khu vực Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), hàng trăm hộ nuôi tôm, cá…
Sau khi UBND tỉnh Phú Yên đưa ra thời hạn cuối cùng để di dời toàn bộ lồng bè nuôi trồng thủy sản (NTTS) ra khỏi khu vực Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), hàng trăm hộ nuôi tôm, cá…, trong đó có không ít ngư dân ở Khánh Hòa đứng ngồi không yên. Họ đang tìm mọi cách để di chuyển lồng bè tới các vùng lân cận, và vịnh Vân Phong đang đối mặt với nguy cơ hàng ngàn lồng nuôi “tháo chạy” về đây.
Những người một ngày ăn cơm 2 tỉnh
Vũng Rô mấy hôm nay trời mưa liên miên làm cho không khí càng trở nên ảm đạm. Ông Mười Hổ (tên thật là Phạm Sào, ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) như ngồi trên đống lửa, hết lo thời tiết lại lo việc sắp di dời khỏi Vũng Rô. Cả gia nghiệp đều đổ dồn vào bè cá, nay bị giải tỏa, khiến gia đình ông đang đứng trước cảnh trắng tay. Ngồi trầm ngâm nhìn về phía khơi xa, ông Mười Hổ thở dài: “Từ tháng 6-2012, UBND tỉnh Phú Yên đã có thông báo cho các hộ và doanh nghiệp NTTS tại Vũng Rô phải dừng việc đầu tư mới, tự tháo dỡ di dời lồng, bè, trả lại mặt nước trước tháng 10-2013 mà không nói về bất kỳ khoản đền bù nào. Lý do di dời là Vũng Rô đã được quy hoạch xây dựng cảng biển tổng hợp. Tôi cùng với mấy chục hộ dân khác ở Khánh Hòa ra đây NTTS từ mười mấy năm nay. Vốn liếng bỏ cả vào lồng bè, thậm chí nhà cũng thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn. Nay bị di dời chỉ có nước ra đường mà ở”. Đã 3 năm liên tiếp, con tôm hùm, con cá bớp làm gia đình ông lao đao. Vốn vay ngân hàng 70 triệu đồng nay không còn khả năng chi trả.
Toàn cảnh khu vực bãi Hương, Vũng Rô, nơi nuôi trồng tập trung của các ngư dân Vạn Ninh. |
Theo thống kê sơ bộ, ở Vũng Rô hiện có khoảng gần 40 hộ dân với gần 100 lao động là người dân Vạn Ninh đang NTTS ở đây. Họ không định cư ở đây mà chỉ sáng ra Phú Yên, tối về lại Khánh Hòa để lo mua thức ăn cho tôm, cá. Số bè nuôi của họ chiếm khoảng 1/10 tổng số bè của cả vùng. Phần lớn ngư dân ở Khánh Hòa ra đây nuôi trồng đều biết mình làm như vậy là không đúng, song họ chỉ có một suy nghĩ đơn giản, người dân Phú Yên vào Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) nuôi được thì họ cũng ra đây nuôi được. Ngư dân Nguyễn Văn Trọng (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh) phân trần: “Chúng tôi ở Đại Lãnh nên nuôi trồng rất khó khăn. Bãi ở đó trống gió, mùa đông không trụ được với bão nên kéo ra đây nuôi cho thuận tiện. Buổi sáng chúng tôi đưa thức ăn từ Khánh Hòa ra cho tôm ăn, chiều lại trở về. Một chốn đôi quê nhưng nuôi ở Vũng Rô thuận tiện hơn nuôi ở Đầm Môn rất nhiều, nhất là với người dân ở Đại Lãnh. Hiện tỉnh Phú Yên đang hối thúc người dân di dời, nhưng chúng tôi không biết đi đâu. Về địa phương thì không ai cho, ở lại thì không được. Gia nghiệp mấy trăm triệu đồng này không khéo lại trắng tay”. Nỗi lo của anh Trọng cũng chính là nỗi lo của rất nhiều ngư dân khác, bởi khu vực Vũng Rô có diện tích mặt nước khoảng 1.640ha, số lồng bè NTTS tự phát tại đây lên đến 355 bè/8.660 ô lồng, trong đó người dân tại thôn Vũng Rô chỉ có 137 bè/2.245 ô lồng. Đến nay, một số lồng bè NTTS đã di dời ra khỏi khu vực Vũng Rô, nhưng công tác di dời lồng bè đang gặp nhiều khó khăn, do tất cả các địa phương lân cận Vũng Rô đều từ chối tiếp nhận.
Cuộc “tháo chạy” âm thầm
Người dân cố gắng chăm sóc hải sản để có thể bán trước thời điểm bị giải tỏa. |
Bị di dời, nhưng không có nơi tiếp nhận đang đẩy người dân NTTS ở Vũng Rô rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Không chỉ có ngư dân ở Khánh Hòa mà cả ngư dân ở Phú Yên cũng đang lên kế hoạch di dời lén lút. Điểm tập kết cho cuộc “tháo chạy” chính là vịnh Vân Phong. Đến khu vực này, người dân vừa ít tốn kém tiền công lai dắt, nước ở đây sâu, kín gió, quá lý tưởng cho việc nuôi lâu dài. Chở chúng tôi ra thăm bè tôm hùm ở khu vực bãi Ngà, ngư dân Nguyễn Văn Lộc (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) than vãn về sự khắc nghiệt và bạc bẽo của nghề nuôi tôm. Nghề này đưa gia đình anh trở thành tỷ phú, nhưng nó cũng khiến anh trở thành “con nợ” của ngân hàng. Dường như sự “vinh quang” của một thời ăn nên làm ra không đủ khỏa lấp khó khăn trước mắt. Nhắc đến chuyện sắp bị di dời, giọng anh Lộc chợt chùng xuống buồn thiu: “Kiểu này chết chắc! Nhà tôi vay vốn ngân hàng làm bè với 123 lồng, nuôi 4.000 con tôm hùm và gần 1.000 con cá bớp tốn mấy tỷ bạc, nay di dời thì có nước sạt nghiệp. Mà có di dời thì về các địa phương khác cũng đâu có nhận. UBND huyện Đông Hòa đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo UBND thị xã Sông Cầu và UBND huyện Tuy An tiếp nhận lồng bè thủy sản từ Vũng Rô về vùng nuôi Lao Mái Nhà (xã An Hải, Tuy An) và các vùng nuôi ở vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu), song đến nay các địa phương này cũng chưa đồng ý. Bằng mọi cách phải tìm được nơi neo đậu, nếu không ai nhận chúng tôi chỉ có cách kéo vô Đầm Môn của Khánh Hòa tá túc”.
Theo tiết lộ của các hộ nuôi tôm ở Vũng Rô, hiện họ đang chuẩn bị cho một kế hoạch di chuyển ồ ạt khi thời hạn cuối cùng đã cận kề (31-10-2013). Có thể sẽ kéo lồng bè lén lút đến các địa phương khác, hoặc tháo dỡ rồi nhờ người dân địa phương nơi đến đứng tên để có thể đàng hoàng nuôi trồng mà không sợ bị đuổi. Vừa qua, Công ty TNHH Thuận Hoàng (tỉnh Bạc Liêu) đã di chuyển trót lọt vào Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) để tiếp tục nuôi trồng. Đây là tiền đề để các ngư dân khác lấy Đầm Môn làm đích đến cho cuộc “tháo chạy”.
Các ngư dân Khánh Hòa đang bàn tính kế hoạch di dời khỏi Vũng Rô. |
Ghé thăm bè tôm của anh Phạm Trung Cang (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh) khi anh vừa cho tôm ăn xong. Cầm trên tay con tôm hùm mới chết, giọng anh chua xót: “Tôm dịch chết đã khổ, giờ bị di dời khiến chúng tôi càng khốn đốn. Không địa phương nào cho phép nên chúng tôi chỉ có nước làm liều kéo về Đại Lãnh, sau đó tìm cách đưa về Đầm Môn. Ai muốn đuổi cũng mặc, muốn kéo đi đâu thì kéo chứ tụi tui hết cách rồi. Sống ở biển không nuôi trồng biết lấy gì mà ăn. Hôm rồi cũng có 2 bè của ông Nhiệm Kỳ và Hai Hoan (dân Tuy An, Phú Yên) kéo vô Đầm Môn nhưng bị chính quyền địa phương bắt phạt. Nếu 2 bè đó mà di chuyển trót lọt là chúng tôi kéo theo vô rồi”.
Sớm có hướng giải quyết
Việc gần 9.000 lồng tôm, cá ở Vũng Rô đang nháo nhác tìm nơi di dời không chỉ ảnh hưởng tới các hộ nuôi khác ở vịnh Vân Phong, mà ngay cả chính quyền địa phương cũng không khỏi ái ngại. Nhiều xã của huyện Vạn Ninh lo lắng trước nguy cơ ngư dân di chuyển ồ ạt lồng bè từ Vũng Rô vào. Gặp chúng tôi, ông Trần Đình Thú - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh băn khoăn: “Hiện đã có khoảng 10 bè nuôi ở Vũng Rô kéo về neo đậu, song Đại Lãnh không phải là nơi nuôi trồng đặc dụng, lại có cảng nên không thể để họ nuôi thủy sản ở đây được. Bên cạnh đó, bãi biển Đại Lãnh là bãi ngang, nơi hứng gió nên có nuôi trồng thì mùa bão lụt biết trú tránh ở đâu? Vùng Vũng Rô từ xưa vốn là vùng nuôi thủy sản chung của ngư dân 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, nay giải tỏa toàn bộ chắc chắn họ sẽ tìm cách di dời đến các địa điểm lân cận, trong đó có Đại Lãnh. Khi đó sẽ rất nhiều các vấn đề phát sinh, ảnh hưởng đến địa phương. Chúng tôi sẽ kiến nghị UBND huyện sớm có kế hoạch giải quyết vấn đề này”.
Nỗi buồn tôm chết và nỗi lo không nơi neo đậu luôn hiển hiện với ngư dân ở Vũng Rô. |
Cùng chung nỗi lo, ông Trương Thái Hùng - Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết: “Vừa rồi đã có tình trạng lồng bè ở Vũng Rô kéo về Đầm Môn để nuôi trồng, nhưng chúng tôi lập tức ngăn chặn và xử phạt. Thời gian tới, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ngành chức năng và chính quyền địa phương, bởi thời điểm giải tỏa ở Vũng Rô đã cận kề nên chắc chắn tình hình sẽ còn phức tạp. Hiện Đầm Môn có quá nhiều lồng bè, mật độ nuôi trồng dày đặc, nếu phát sinh thêm lồng nuôi mới, nguy cơ dịch bệnh sẽ càng cao”.
Nỗi lo về việc di dời lồng bè từ Vũng Rô giờ không còn của riêng ai. Thế nhưng, để cân bằng được quyền lợi của các ngư dân là điều không dễ. Ngư dân ở Phú Yên không được kéo lồng bè đến Vạn Ninh để nuôi trồng là điều dễ hiểu. Còn mấy chục hộ dân ở Vạn Ninh đã nuôi tôm, cá ở Vũng Rô cả chục năm nay, giờ bị trả về địa phương thì phải giải quyết ra sao? Hàng chục tỷ đồng của ngư dân đang đi nuôi trồng ở ngoại tỉnh sẽ có nguy cơ tan theo bọt nước nếu chúng ta không có hướng giải quyết. Thời hạn cuối cùng để giải tỏa lồng bè ở Vũng Rô gần đến, UBND huyện Vạn Ninh cần sớm có phương án để xử lý tình trạng này một cách hài hòa nhất.
Đình Lâm
Ông Lê Văn Trúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên: “Tạm thời chấp nhận cho các doanh nghiệp và hộ gia đình nuôi thủy sản sử dụng mặt nước đến hết vụ nuôi, nhưng thời gian di dời muộn nhất phải kết thúc trước ngày 31-10-2013, đặc biệt là ngoại tỉnh. Các hộ nuôi phải tự tháo dỡ hoặc di chuyển lồng bè để hoàn trả mặt nước cho Cảng Vũng Rô mà không có bất kỳ một khoản bồi thường nào. Dân địa phương nào về lại địa phương đó, việc nơi nuôi trồng mới có chấp nhận cho họ nuôi hay không phụ thuộc vào chủ tịch các huyện, UBND tỉnh Phú Yên không giải quyết”.
Ông Trần Kim Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh: “Chúng tôi cương quyết không cho lồng bè địa phương khác kéo về địa phận huyện Vạn Ninh neo đậu để nuôi trồng. Tất cả các điểm NTTS ở Vạn Ninh nay đã quá tải. Nếu để cho những hộ nuôi ở Vũng Rô kéo về dễ xảy ra tình trạng tranh giành mặt nước, phá vỡ quy hoạch nuôi trồng và nguy cơ dịch bệnh. Đối với những ngư dân là người Vạn Ninh đang nuôi ở Vũng Rô chúng tôi sẽ cho thống kê lại rồi tìm hướng giải quyết”.