11:08, 20/08/2013

Miên man Chapi

Tiếng đàn không ngân dài. Nhưng vang xa. Nghe như thác đổ, quặn thắt, chung chiêng dội vào vách núi; như gió hú, lang thang, hun hút trên đại ngàn. Đàn Chapi chở nặng tiếng lòng người Raglai. Nhưng, giờ đây, tôi nhìn cây Chapi của Ama Điệp mà lòng buồn the thắt.

Tiếng đàn không ngân dài. Nhưng vang xa. Nghe như thác đổ, quặn thắt, chung chiêng dội vào vách núi; như gió hú, lang thang, hun hút trên đại ngàn. Đàn Chapi chở nặng tiếng lòng người Raglai. Nhưng, giờ đây, tôi nhìn cây Chapi của Ama Điệp mà lòng buồn the thắt. Nó vẫn hát, về một thời quá vãng vàng son, đầy đam mê và tiếc nuối; và về một ngày mai vô định, với bao nỗi day dứt, xót đau. Tôi gọi ấy là nỗi buồn Chapi…


Đêm mông lung trong thung Ô Kha. Sương mờ giăng tấm khăn voan mơ hồ trên núi rừng Khánh Sơn (Khánh Hòa) cô tịch. Tôi ngồi bên bếp lửa, trong gian nhà Raglai nhỏ nhắn, đợi ama (ba, bố) Mấu Xuân Điệp, nghệ nhân đàn Chapi. Ông đang bận đi thăm một người bạn cũ. Away (má, mẹ) Mấu Thị Mười, vợ ông, ngồi cùng chúng tôi, lặng lẽ. Lửa tí tách reo bên tường thưa. Away Mười thêm củi cho nồi canh rau rịa bà vừa hái khi chiều. Canh rau rịa nấu với khoai mì, không thịt, không cá cũng ngọt lừ. Bên nhà, không như những con sông khác xuôi chảy về Đông, dòng Tô Hạp cứ thổn thức, miên man quay ngược về Tây, như muốn cố lần về một miền hoài niệm xa lắc của nhiều thế hệ người Raglai hằng trải qua bao nhiêu mùa mưa nắng trên dải Trường Sơn hùng vĩ.

 

1
Hai nghệ nhân Mấu Xuân Điệp và Mấu Quốc Tiến biểu diễn đàn Chapi.


 Người Raglai bình dị, chân chất mà dữ dội, kiên trung. Mảnh đất nơi tôi ngồi, dưới chân núi Tà Nĩa, thuộc xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa giờ đây thật yên bình. Trên những vạt đồi cao mênh mang cỏ dại, chiều về nghe mõ gió khua man mác thanh bình. Hoặc đâu đó, trong những tán rừng xanh, tiếng đàn đá thánh thót ngân lên, nghe trong veo, thanh thoát và ý vị. Nhưng, ngày trước, nơi này từng là “thung lũng tử thần”, là nỗi ám ảnh kinh hoàng của giặc thù xâm lược. Những tên tuổi lẫy lừng như Anh hùng Bo Bo Tới diệt máy bay địch bằng súng trường; căn cứ Xóm Cỏ mồ ma quân cướp nước… đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc một cách oai hùng.


Ô hay! Sao đâu đây có tiếng hát nồng cháy của người con rừng núi Y Moan? Và những dòng tâm tình về cây đàn Chapi khôn nguôi day dứt của nhạc sĩ Trần Tiến: “Ở nơi ấy, họ đang sống cuộc sống yên bình/Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi/Khi rung lên vài sợi dây, đàn đã đong đầy hồn người Raglai… Tôi đang ngồi trong ngôi nhà Raglai. Tôi đang thở không khí Raglai. Và trong tay tôi, cần rượu tapai của người Raglai đang vít cong, nồng ấm tình bằng hữu sông hồ. Rượu tapai không đắng, nhưng nồng. Rượu tapai lâu say; nhưng lại say lâu, như chính cái tình người Raglai đằm thắm và chung thủy. Tôi đang chờ một người; chờ nghe tiếng hồn người Raglai: đàn Chapi.

 


Lúc chiều, khi nghe chúng tôi tìm hiểu về đàn Chapi, nghệ nhân dân gian Mấu Quốc Tiến, người rất tâm huyết trong việc sưu tầm, lưu giữ văn hóa truyền thống của người Raglai lại say sưa nói về… mã la. Ông bảo, người Raglai gắn bó với tiếng mã la từ bao nhiêu đời nay rồi. Tiếng mã la luôn ngân lên trong những dịp lễ, Tết quan trọng. Là vậy, nhưng, ngày trước, chỉ có những nhà giàu mới sắm được đầy đủ một bộ mã la. Mà mã la cũng chỉ được đem ra đánh trong những dịp mừng lúa mới, mừng đám cưới, lễ bỏ mả…


Không có được mã la, những người Raglai nghèo bèn nghĩ cách làm ra cây đàn Chapi bằng tre, phỏng theo tiếng mã la. Chỉ có mỗi một mắt tre dài chưa tới hai gang tay mà cây đàn Chapi mô phỏng được tiếng của cả một bộ mã la, theo mẫu hệ, có cả tiếng mẹ, tiếng cha, tiếng chị, tiếng em. Ông Tiến nói rằng, cây đàn Chapi là cả một bộ mã la thu nhỏ, chỉ do một người đánh, thay vì mã la có tới dăm bảy, thậm chí hơn cả chục người. Đơn giản, gọn nhẹ vậy, đàn Chapi theo chân người Raglai trên khắp mọi ngả rừng, mọi lối suối. Chapi những ngày mùa nghe tưng bừng, rộn rã. Chapi những đêm trăng nghe tha thiết, mênh mang. Chapi là tiếng của nứa tre; tiếng của ông bà linh hiển, của rừng thiêng màu nhiệm. Nhịp Chapi chậm rãi mà phóng túng, như chính phong thái khoan thai, thư thả và những bước chân tự do đầy kiêu hãnh của người Raglai.


Tôi cứ nhớ ánh mắt Raglai buồn sâu thẳm của ông Tiến hồi chiều, khi ông thở dài:

 

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Khánh Sơn Phạm Văn Hợp, huyện đã có kế hoạch bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Raglai như: Chữ viết, sử thi, mã la… và bước đầu đã có kết quả. Tuy nhiên, với cây đàn Chapi thì chưa thể thực hiện được. Huyện rất mong muốn tổ chức các hoạt động lưu giữ tiếng đàn Chapi nhưng khó vô cùng. Cái khó trước hết là ngay chính người Raglai hiện giờ cũng không mấy mặn mà với đàn Chapi nữa. Tiếp đến, các vấn đề về con người, kinh phí phục vụ cho công việc khôi phục, bảo tồn cũng gặp rất nhiều khó khăn.

- Ở huyện Khánh Sơn này, hiện giờ, ama Điệp là người duy nhất còn chơi được đầy đủ các làn điệu của đàn Chapi và cũng là người duy nhất còn làm ra được cây đàn Chapi. Lớp con cháu Raglai giờ không còn yêu Chapi nữa, chúng nó chỉ thích nghe nhạc xập xình mà thôi. Tệ hơn, có đứa còn không hề biết Chapi là gì nữa!


Ở Khánh Hòa, người Raglai sinh sống chủ yếu ở hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Cả huyện Khánh Vĩnh giờ chỉ còn vài người biết chơi đàn Chapi. Chỉ còn có mỗi Khánh Sơn, mà Khánh Sơn cũng chỉ còn có mỗi ama Điệp. Nhưng ông cũng đã già, đã yếu.


Có tiếng chân xa.


- Ổng về đó!, away Mười nói khẽ, nhưng quả quyết, như thuộc lòng mỗi bước chân ông.


 Có vẻ ông đã uống nhiều rượu. Người đàn ông đã đi qua hơn sáu mươi mùa rẫy chào chúng tôi thật nhanh rồi kêu vợ mang thêm rượu. Away Mười lại lặng lẽ vào nhà trong. Dường như lúc nào bà cũng sợ gây nên tiếng động, sợ làm giật mình tiếng Chapi mong manh của ông. Bà bảo rằng những lần ông khảy Chapi luôn có bà kề bên. Bà ngồi nghe ông đàn mà lòng rạo rực nhớ về một thời con gái mê mẩn tiếng Chapi. Chapi nuôi trong tâm khảm away Mười từng giấc mơ thanh xuân, cùng những câu hát Akhà Juca Raglai dịu ngọt. Và, có bà, tiếng đàn ông như say sưa hơn, tha thiết hơn, như cỏ dại gặp mưa trong những dạo mùa khô mà trời làm giông vậy.


Thêm một chút rượu tapai nữa. Ngọn lửa chùng xuống trong sương khuya.


Ama Điệp hai tay nâng cây đàn Chapi lên ngang ngực; ghì sát đầu ống tre rỗng vào người. Từng ngón tay ông lần bật trên những sợi dây tre; khi chậm rãi, nhẹ nhàng; lúc thoăn thoắt, dữ dội. Tiếng đàn không ngân dài. Nhưng vang xa. Chapi trong đêm nghe như thác đổ, quặn thắt, chung chiêng dội vào vách núi; nghe như gió hú, lang thang, hun hút trên đại ngàn. Này là lời ước được mùa, cho bắp lúa đầy chồ, heo gà đầy sân. Này là lời tự tình của trai gái yêu nhau, cho cái miệng biết ăn cùng nhau miếng trầu, cho cái bụng biết cùng suy tính về một mái ấm Raglai bền chắc. Này là khúc tiễn biệt hồn người đi về trên non cao, nơi thần linh đang an nghỉ, để rồi một ngày nào đó lại được trở lại làm người, như quan niệm luân hồi của người Raglai. Tôi không còn nghe ra những đâu là điệu tumuya (đánh trong lễ bỏ mả), đâu là riwư (đánh trong đám cưới), là sa pathâu (đánh vào ngày mùa) rồi alâu (tiếng hát giao duyên), rồi catnâu cacu (tiếng hát về chim cu gáy), trun pu (đánh mừng lúa mới)… Chỉ thấy có một suối nguồn âm thanh tre nứa phiêu bồng, miên man dưới chân ngọn Tà Nĩa kiêu hùng.


Trong lâng lâng hơi men tapai, cứ vậy, tôi ngồi khêu lửa, và lặng nghe Chapi. Chapi ru đêm Trường Sơn; ru đêm Raglai huyền hoặc trong ánh lửa liêu trai giữa đêm đen đông đặc trên đại ngàn ngái ngủ.


Ama Điệp không đàn nữa. Ông cẩn thận mắc cây Chapi lên tường rồi giục chúng tôi uống rượu. Lại rượu tapai.


Đàn đã dứt. Nhưng thanh âm Chapi vẫn như quanh quất đâu đây.


Chừng như trở về từ cõi mơ, ama Điệp bắt đầu kể:


- Ngày trước, nghe ông nội khảy đàn Chapi, ama mê lắm. Ông nội còn dạy rằng, không biết làm đàn, không biết chơi đàn Chapi thì không xứng làm đứa con trai Raglai. Ama học chơi đàn, học làm đàn từ hồi còn nhỏ. Thấy ông nội đi đâu một chút là lấy đàn ra khảy liền. Càng lớn càng ghiền, không dứt ra được.


- Làm đàn Chapi có khó không?, tôi hỏi.


- Làm thì không khó. Khó là đàn phải kêu cho hay; phải chỉnh làm sao đó để các dây đàn có âm thanh phát ra giống hệt tiếng mã la.


Nhưng ama Điệp chợt ngậm ngùi, đầu cúi thấp. Thêm một hơi rượu tapai nữa, ông mơ màng nhìn ra xa, phía dòng sông Tô Hạp ngày đêm thao thiết chảy. Đêm nay, ngồi với chúng tôi, ông tỏ bày nỗi niềm cùng cây Chapi tri kỷ. Rồi mai, khách đi rồi, khi buồn, ông lại khảy Chapi, như đi tìm sự chia sẻ đến tột cùng. Nhưng, bây giờ, không còn nhiều người Raglai có cái tai ưng nghe Chapi nữa. Chỉ có away Mười. Như một đôi tri âm gắn kết từ truyền kiếp, cho dài thêm thanh âm Chapi.


Đêm nay, ama Điệp không nói gì nhiều về việc bảo tồn đàn Chapi. Dường như ông đã nói quá nhiều, và cũng đã quá mỏi mệt, nếu không muốn nói là vô vọng, về điều ấy. Chỉ thấy mắt ông buồn, rất buồn. Tôi hiểu, và gọi ấy là nỗi buồn Chapi.


Đàn Chapi chở nặng tiếng lòng người Raglai. Nhưng, giờ đây, tôi nhìn cây Chapi của ama Điệp mà lòng buồn the thắt. Nó vẫn hát, về một thời quá vãng vàng son, đầy đam mê và tiếc nuối; và về một ngày mai vô định, với bao nỗi day dứt, xót đau. Nói dại, mai này, khi ama Điệp đi về với thần linh, cây đàn chắc chắn sẽ trở nên cô độc khôn cùng. Sẽ không còn ai rung lên những sợi tơ lòng nhiều trắc ẩn của người Raglai trên cây đàn Chapi nữa. Cây đàn Chapi trong nhà ama Điệp rồi sẽ dần chìm lấp trong những lớp bụi thời gian nghiệt ngã, vô tình và trong sự hờ hững của chính những người hằng gắn bó, yêu thương nó.


Trong bảng lảng sương chiều trên đỉnh đèo, tôi nghe có tiếng Chapi. Chapi ở đâu, giữa núi rừng quạnh quẽ? Hay là tiếng Chapi từ những ngọn núi, những rừng cây tự bao đời nay kết tụ giờ lại rung lên, lại gợi nhắc?


Bất giác, ai đó bật kêu lên: Ôi, Chapi…


Khánh Sơn - Nha Trang, mùa Hè 2013.

 

Phóng sự của PHONG NGUYÊN