Trong khi việc bóc tách đất lâm nghiệp để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) vẫn còn gặp khó khăn thì mấy năm trở lại đây, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã đem tư liệu sản xuất của mình chuyển nhượng cho người khác, hoặc cho thuê đất để trồng keo.
Trong khi việc bóc tách đất lâm nghiệp để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) vẫn còn gặp khó khăn thì mấy năm trở lại đây, nhiều hộ đồng bào DTTS đã đem tư liệu sản xuất của mình chuyển nhượng cho người khác, hoặc cho thuê đất để trồng keo. Điều này đã khiến cho việc giải quyết đất sản xuất cho đồng bào càng trở nên khó khăn.
Bán, cho thuê hàng trăm héc-ta đất sản xuất
Vợ ông N.V.Q (xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn) giới thiệu lô đất định bán. |
Trong vai những người tìm mua đất, thuê đất, chúng tôi đến nhà ông Đ.V.Q (xã Sơn Hiệp) khi ông đang treo biển bán đất. Ông Q cho hay, gia đình ông đến Sơn Hiệp lập nghiệp từ hơn 10 năm nay, nhờ mua được mấy miếng đất của đồng bào DTTS với giá rẻ nên đã đầu tư trồng cà phê, trồng bắp. “Nếu các anh muốn mua thì chúng tôi sẽ bán lại cho 1 lô đất diện tích hơn 1ha, giá 300 triệu đồng. Trước đây, tôi mua lại của đồng bào bằng giấy tay, không có xác nhận của chính quyền địa phương nên bây giờ các anh muốn mua thì viết giấy tay thôi”, ông Q nói. Thấy chúng tôi băn khoăn về việc nếu mua đất này đầu tư trồng cà phê có thể bị chính quyền địa phương xử phạt, vợ ông Q trấn an: “Ở Khánh Sơn, nhiều đại gia cũng mua đất, thuê đất của đồng bào mà có ai bị xử lý đâu, các anh cứ an tâm mua đi, không có tranh chấp đâu mà lo”.
Rời gia đình ông Q, chúng tôi đến xã Sơn Bình, địa phương được xem là nhộn nhịp hơn cả trong việc mua bán, cho thuê đất. Hỏi người dân xã Sơn Bình xem có hộ đồng bào nào đang cần bán, cho thuê đất, chúng tôi được một thanh niên ở thôn Liên Bình cho biết: “Nhà ông Bo Bo Năm Cà Xe nhiều đất lắm, gần đây lại bị bệnh, không biết có bán không, các anh cứ đến đó hỏi xem”. Tiếp chúng tôi trong căn nhà trống hoác, ông Bo Bo Năm Cà Xe buồn rầu kể: “Nhà tôi có 5ha đất rẫy, cách đây 3 năm khi tôi bị bệnh, vì không có tiền thuốc thang nên 3 người con của tôi đã quyết định bán toàn bộ 5ha đất, được mấy chục triệu đồng để có tiền mua thuốc cho tôi. Bây giờ, bệnh tôi có giảm được đôi chút nhưng cả 3 đứa con chẳng còn lấy một tấc đất để sản xuất, phải đi làm thuê cho chính người mua đất của gia đình mình”.
Khoảng đất của gia đình ông N.V.Q (xã Sơn Hiệp) đang rao bán. |
Không riêng gì trường hợp của gia đình ông Bo Bo Năm Cà Xe, ở xã Sơn Bình, có đến gần 100 hộ đồng bào DTTS cho thuê, bán đất sản xuất, rồi quay lại làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Điều đáng nói là ngoài những hộ vì ốm đau, bệnh tật cần tiền phải bán, cho thuê đất, “vẫn còn nhiều hộ bán, cho thuê tư liệu sản xuất của mình với lý do khó chấp nhận như: Uống rượu nợ nần quá nên phải bán, cho chủ nợ thuê đất; vì bực tức người mua, người thuê đất cứ đến nhà hỏi, chèo kéo mãi nên bán, cho thuê...”, ông Lê Ánh Sáng, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết.
Tìm hiểu về tình hình chuyển nhượng, cho thuê đất sản xuất ở Khánh Sơn, được biết, cách đây khoảng 10 năm, các hộ dân từ Quảng Ngãi, Phú Yên và các tỉnh phía Bắc di cư vào Khánh Sơn lập nghiệp đã tìm mua đất sản xuất của đồng bào DTTS. 2 năm trở lại đây, khi keo được giá (dao động khoảng 60 - 90 triệu đồng/ha tùy vị trí canh tác), nhiều người đã đổ xô đi tìm mua đất, thuê lại đất của đồng bào với giá 7 - 9 triệu đồng/ha/1 vụ 6 năm để trồng keo. Tình trạng này diễn ra ở cả 8 xã, thị trấn của huyện Khánh Sơn. Thống kê chưa đầy đủ của các địa phương cho thấy, có hơn 350 hộ đồng bào DTTS đã bán hoặc cho thuê đất sản xuất của mình, với tổng diện tích hơn 288ha. Trong đó, những địa phương có diện tích đất bán, cho thuê lớn gồm: Sơn Bình hơn 90ha, Ba Cụm Bắc 60ha, Ba Cụm Nam gần 40ha…
Gia tăng áp lực đất sản xuất
Sau khi bán đất, con, cháu của ông Bo Bo Năm Cà Xe chỉ còn biết đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện hàng trăm hộ đồng bào DTTS nghèo ở Khánh Sơn đang thiếu đất sản xuất. Theo ông Mấu Xuân Hạnh - Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Bắc, trên địa bàn xã hiện có đến 70 hộ dân thiếu đất sản xuất; hầu hết các gia đình này đều thuộc diện hộ nghèo, nhiều hộ trước đây từng có đất nhưng vì cần tiền nên đã bán đi phần tư liệu sản xuất của mình. Hầu hết những hộ sau khi bán đất đều rơi vào diện hộ nghèo, bởi thu nhập từ việc làm thuê, làm mướn khá thấp mà lại bấp bênh, điều này càng khiến cho việc ổn định đời sống cho người dân tại các địa phương hết sức khó khăn.
Tìm hiểu thêm chuyện thiếu đất sản xuất của đồng bào DTTS nghèo ở Khánh Sơn, chúng tôi được một lãnh đạo huyện cho biết, thực hiện chủ trương bóc tách đất lâm nghiệp để giao cho các hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất sản xuất, huyện Khánh Sơn dự kiến sẽ bóc tách hơn 530ha đất lâm nghiệp từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn để giao cho các hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất sản xuất. Trong khi việc bóc tách đất chưa xong thì thời gian qua, keo tăng giá khiến một làn sóng thuê đất của đồng bào lại ập đến. Lãnh đạo huyện Khánh Sơn hết sức đau đầu vì phải tìm cách giữ đất cho đồng bào. “Trong khi việc bóc tách đất lâm nghiệp giao cho người dân đang gặp nhiều khó khăn bởi toàn huyện chỉ có khoảng 85ha đất trống có thể bóc tách được thì thời gian gần đây, chuyện tách hộ, sang nhượng, cho thuê đất sản xuất của đồng bào DTTS tại các địa phương gia tăng càng khiến cho bài toán giải quyết đất sản xuất cho đồng bào trở nên khó khăn”, ông Đinh Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn chia sẻ.
Giữ đất cho đồng bào
Keo tăng giá là nguyên nhân chính khiến nhiều người đổ xô tìm thuê đất trồng keo |
Trao đổi với lãnh đạo các xã ở Khánh Sơn, được biết, chính quyền đã khuyến cáo người dân không chuyển nhượng, cho thuê đất sản xuất, thậm chí nhiều xã đã mời các hộ đồng bào DTTS đến vận động, làm cam kết giữ lại tư liệu sản xuất của mình. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều người vẫn mua đất của đồng bào để lập vườn, thuê đất để trồng keo. Các giao dịch về đất đai dạng này không hề qua xác nhận của chính quyền địa phương. Một chiêu thức được áp dụng nhiều là người bán và người mua thỏa thuận viết tay hai giấy: một giấy “mua bán đất” do người mua giữ sau khi “tiền trao, cháo múc”, một giấy “cho mượn đất” do người bán giữ. Khi chính quyền địa phương hỏi thì người bán sẽ trưng ra giấy “cho mượn đất”. Đối với việc thuê đất trồng keo thì chỉ cần 1 giấy viết tay “cho thuê đất” do người thuê giữ; khi chính quyền kiểm tra thì chủ đất chỉ cần chối phăng, đất ấy vẫn là “đất chính chủ” thì chẳng ai nói được. Ông Lê Ánh Sáng cho biết: “Tuy UBND xã đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân không chuyển nhượng tư liệu sản xuất dưới bất cứ hình thức nào nhưng thực trạng chuyển nhượng trái phép vẫn diễn ra, các hộ tự chuyển nhượng với nhau nên rất khó quản lý, đến nay xã chỉ mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được 1 trường hợp sang nhượng đất của đồng bào DTTS trái phép”.
Ông Đinh Ngọc Bình cho biết thêm: “Trước thực trạng đồng bào DTTS sang nhượng, cho thuê đất sản xuất gây nên những xáo trộn trong việc quản lý đất đai cũng như ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người dân, UBND huyện xác định phải giữ lại tư liệu sản xuất cho đồng bào. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra tình hình các hộ đồng bào DTTS chuyển nhượng, cho thuê đất; nắm bắt các đối tượng có dấu hiệu đầu cơ, thu gom đất trái phép từ bà con để có biện pháp xử lý. Sắp tới, UBND huyện sẽ thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại các địa phương có diện tích đất chuyển nhượng, cho thuê nhiều để xử lý các trường hợp vi phạm, tránh tình trạng lộn xộn kéo dài”. Cũng theo ông Bình, để giữ được đất cho đồng bào làm tư liệu sản xuất không phải là điều đơn giản, ngoài đất thuộc Chương trình 147, người dân không được phép sang nhượng, cho thuê thì đối với phần đất ngoài chương trình này, địa phương không thể cấm bà con chuyển nhượng, cho thuê được mà chỉ có thể tuyên truyền, vận động người dân giữ lại tư liệu sản xuất để làm ăn, ổn định đời sống.
Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh tại xã Sơn Trung, ông Trần Mạnh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, nắm tình hình cụ thể việc sang nhượng đất của đồng bào DTTS. Trên cơ sở đó, huyện sẽ xử lý nghiêm các đối tượng thuê đất, mua đất của bà con không đúng quy định; nếu phát hiện cán bộ thuê đất, mua đất của đồng bào thì sẽ có biện pháp xử lý nghiêm.
B.L - N.T