Tuy mới phát hiện hơn 2 tháng nhưng bệnh trắng lá mía đã lan rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa, từ Ninh Hòa, Diên Khánh đến Khánh Vĩnh. Không có thuốc điều trị đặc hiệu, cách phòng trừ duy nhất là tiêu hủy mía nên các địa phương gặp nhiều lúng túng.
Tuy mới phát hiện hơn 2 tháng nhưng bệnh trắng lá mía (TLM) đã lan rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa, từ Ninh Hòa, Diên Khánh đến Khánh Vĩnh. Không có thuốc điều trị đặc hiệu, cách phòng trừ duy nhất là tiêu hủy mía nên các địa phương gặp nhiều lúng túng.
Xót xa vì mía bệnh
Diện tích mía bị bệnh lan nhanh tại khu vực Đồi Đỏ (Ninh Thượng). |
Dẫn chúng tôi ra ruộng mía bị bệnh trắng lá tại khu vực Đồi Đỏ, ông Nguyễn Bá Ninh (thôn 1, Ninh Thượng, Ninh Hòa) cho biết: “Đầu tháng 5, chỉ phát hiện lác đác vài cây mía bị trắng lá, bắt đầu từ đọt nhưng không ngờ bệnh lan quá nhanh. Tôi dùng mọi biện pháp như: Phun thuốc tăng trưởng, rắc vôi bột, xịt thuốc sâu, bón đạm... đều vô hiệu, cuối cùng đành phải phá bỏ 6 sào mía (6.000m2) để chuyển sang trồng ớt, bắp...”. Vụ mía năm ngoái, giá mía thấp, lỗ vốn, gia đình ông chỉ biết bỏ công làm lời. Đầu vụ này, bệnh TLM lan tràn, kết quả chắc còn bi đát hơn, bình quân 1 sào, tiền xử lý đã mất 3 triệu đồng. Ông Ninh sắp sửa phá bỏ 4 sào nữa vì bệnh TLM.
Nếu Ninh Thượng là xã có diện tích mía bệnh nhiều nhất thị xã Ninh Hòa (513ha, trong đó nhiễm nặng 313ha) thì khu vực Đồi Đỏ là nơi có diện tích mía nhiễm nặng nhất của xã. Tại nhiều đám mía trong khu vực, mía bệnh lan rộng gần hết diện tích. Ông Lê Văn Thành (Đồi Đỏ) sốt ruột: “Bón phân xong đợt 2, tôi phát hiện thấy cây mía bạc lâm râm, sau đó lan nhanh ra cả đám, dùng cách gì chữa cũng không hết. Bao nhiêu tiền đầu tư vào cây mía, đến thời điểm này đã lên đến 40 triệu đồng/ha. Nhưng bệnh lan tràn thế này, nông dân còn gì mà thu?”.
Bà Tô Thị Hết nhổ bỏ, trồng dặm cây mới nhưng bệnh không hết. |
Tuy diện tích mía bệnh tại xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa) không nhiều nhưng nông dân cũng rất lo lắng bởi bệnh chưa có chiều hướng dừng lại. Ông Đỗ Cao Kỳ (thôn Tân Sơn, xã Ninh Xuân) cho biết, ông có 26ha mía nhưng diện tích bị bệnh đã hơn 5ha, mức độ thiệt hại 40%. “Nếu không có biện pháp xử lý triệt để, một thời gian nữa, mía bệnh sẽ lây lan tới 70 - 80%, lúc đó coi như xôi hỏng bỏng không”, ông Kỳ nói. Tân Sơn là vùng chuyên canh cây mía của xã, diện tích hàng trăm héc-ta nên người trồng mía rất lo lắng. “Mọi biện pháp đều không hiệu quả. Nhổ bỏ mía bệnh, trồng dặm mía khỏe, chẳng bao lâu cây mới cũng đổ bệnh...” ông Nguyễn Văn Hùng - Chi hội trưởng nông dân Tân Sơn giãi bày.
Ông Lê Đức Duy - Phó Giám đốc Nhà máy Đường Khánh Hòa: Bệnh TLM phổ biến gần đây, diện tích hơn 30ha, thuộc địa bàn Ninh Hòa. Công ty sẽ xem xét, giãn nợ cho nông dân có diện tích mía bị nhiễm nặng trong thời gian 2 năm... |
Không chỉ Ninh Hòa, bệnh TLM còn xuất hiện ở huyện Khánh Vĩnh và Diên Khánh. Ông Nguyễn Ngọc Thơm (thôn Đông, xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh) có 11ha mía nhưng bệnh TLM đã xuất hiện trên diện tích 1,5ha, tỷ lệ bệnh 2 - 3%. Biện pháp xử lý duy nhất hiện nay là rắc vôi và nhổ bỏ cây bệnh. Theo ông Thơm, hiện cây mía còn bị bệnh vàng lá không rõ nguyên nhân. Theo ông Nguyễn Tánh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Cầu, xã có gần 400ha mía, hiện khoảng 40% ruộng mía bị cả 2 bệnh: vàng lá và trắng lá, trong đó bệnh trắng lá ít hơn, khoảng 9ha. Bà Lương Kim Ngân - Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Diên Khánh cho biết, đến nay, Diên Khánh đã phát hiện bệnh TLM tại 2 xã Diên Đồng và Diên Xuân, mức độ bệnh 2 - 3%. Trạm đang hướng dẫn nông dân nhổ bỏ, tiêu hủy cây bệnh...
Ông Đỗ Cao Kỳ lo lắng vì bệnh trắng lá mía đang lan rộng. |
Lúng túng trong cách xử lý
Hiện diện tích mía bệnh ở Ninh Hòa đang lan rộng ước khoảng 30ha nhưng chính quyền và người dân các địa phương vẫn lúng túng trong việc xử lý. Bà Tô Thị Hết (thôn Tân Sơn, Ninh Xuân, Ninh Hòa) trồng 1,5ha mía, mức độ bệnh 30%. “Tôi rải 20 gói Fuaradan, xịt 20 chai thuốc sâu hết gần 2 triệu đồng nhưng bệnh vẫn không khỏi. Theo hướng dẫn của cán bộ xã, tôi nhổ bỏ hết cây bệnh”, bà Hết trần tình. Nhiều nông dân cho biết, việc xử lý mía bệnh rất bị động. Hiện nay, theo hướng dẫn của ngành BVTV là nhổ bỏ, tiêu hủy, nhưng nếu bệnh ở mức độ nhẹ thì nông dân mới bỏ công nhổ bỏ, còn nặng quá thì họ bỏ luôn. Ngành BVTV không hướng dẫn cụ thể có đốt xác mía bệnh hay không nên nông dân dồn đống trên bờ ruộng, bờ suối vô tình làm bệnh lây lan, hoặc có thể mầm bệnh lưu lại chờ vụ sau.
Ông Nguyễn Bá Ninh phải cày bỏ 6 sào mía bệnh chuyển sang trồng bắp, ớt. |
Ông Nguyễn Trinh - Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân cho biết, xã đã vận động nông dân nhổ bỏ, tiêu hủy mía bệnh, nhưng người dân có làm hay không thì không thể bắt buộc. Còn theo ông Trần Tự - Trưởng Trạm BVTV Ninh Hòa, Trạm khuyến cáo người dân bệnh nhẹ thì thu gom đem đốt, chăm sóc cây khỏe để kéo lại năng suất; bệnh nặng thì tiêu hủy, không nên đầu tư. Việc người dân có nhổ bỏ hay không không thuộc trách nhiệm của Trạm. Sau khi xác định bệnh, Trạm đã phối hợp với Chi cục BVTV, Phòng Kinh tế thị xã và các xã bị nhiễm nặng tổ chức 1 lớp tập huấn với hơn 100 người trồng mía tham dự...
Cần chỉ đạo quyết liệt
Theo Chi cục BVTV, hiện nay toàn tỉnh có 3 địa phương xuất hiện bệnh TLM là: thị xã Ninh Hòa, huyện Khánh Vĩnh và Diên Khánh, trong đó Ninh Hòa có diện tích mía nhiễm nặng nhất với gần 1.200ha (175ha nhiễm nặng từ 70 - 100%), chủ yếu trên mía lưu gốc, giai đoạn 2 - 3 tháng, gồm các giống: Suphanburi 7, K95-156, U thong... Ông Tống Trân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết: Đây là bệnh xuất hiện lần đầu trên cây mía ở Khánh Hòa nên chính quyền còn lúng túng. Thị xã đã phối hợp với Chi cục BVTV kiến nghị tỉnh xem xét hỗ trợ, đặc biệt với các hộ bị nhiễm nặng, buộc phải tiêu hủy toàn phần; đồng thời làm việc với các nhà máy đường bàn việc cùng chia sẻ khó khăn với nông dân...
Nông dân xịt thuốc chữa bệnh trắng lá mía tại Sông Cầu, Khánh Vĩnh. |
Ông Thái Tiến Dũng - Trưởng phòng Nguyên liệu Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa: Các giống mía Công ty nhập về có nguồn gốc từ Viện Nghiên cứu Mía đường Bến Cát (Bình Dương), đã qua các bước khảo nghiệm, đủ điều kiện đưa ra thử nghiệm. Vừa qua, Công ty đã tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình dịch bệnh trên cây mía. Công ty có chủ trương, xem xét khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ nông dân hoàn thành hợp đồng, hỗ trợ thuốc BVTV, phân bón để phục hồi cây mía... |
Theo đề nghị của các địa phương, Chi cục đã có tờ trình đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục BVTV chia sẻ: “Thời gian qua, Chi cục BVTV tỉnh đã nỗ lực để ngăn chặn bệnh TLM. Tuy nhiên, bệnh này hiện chưa có thuốc đặc trị nên Chi cục chỉ hướng dẫn người dân nhổ bỏ, tiêu hủy là chính. Đến thời điểm này, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện 5 lần điều tra, khảo sát vùng dịch; tổ chức tập huấn nhanh cho người trồng mía về tác hại và cách phòng trừ; đồng thời báo cáo kết quả cho Sở NN-PTNT về diễn tiến của bệnh và đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí tiêu hủy hơn 2 tỷ đồng”.
Mới đây, Sở NN-PTNT có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở tuyên truyền đến người dân về tác hại của bệnh và cách phòng tránh; giao Chi cục BVTV phối hợp các ngành thống kê diện tích mía bệnh nặng buộc phải xử lý tiêu hủy; đề nghị các Công ty Đường phối hợp hỗ trợ người trồng mía...
Bệnh TLM do Phytoplasma gây ra, là dịch bệnh nguy hiểm và có khả năng gây hại mạnh nếu không tiến hành các biện pháp phòng trừ triệt để. Trước tình hình trên, tỉnh cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt; nhanh chóng củng cố Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; triển khai chiến dịch trên diện rộng; hỗ trợ kịp thời kinh phí tiêu hủy; thống kê hỗ trợ những hộ bị thiệt hại nặng; đồng thời có kế hoạch chỉ đạo các Nhà máy Đường hỗ trợ nông dân và chủ động nguồn giống sạch bệnh cho vụ tới... Có như vậy mới hy vọng bệnh TLM bị đẩy lùi, vùng mía nguyên liệu được bảo vệ.
V.L