Hiện nay, nhiều tiểu thương buôn bán rau, quả trên địa bàn TP. Nha Trang đang sử dụng một loại bột trắng, mịn để tẩy trắng thực phẩm. Dù được bán công khai và sử dụng tràn lan nhưng đến nay nó vẫn còn là điều “bí ẩn” đối với kẻ bán, người mua và cả… cơ quan chức năng
Hiện nay, nhiều tiểu thương buôn bán rau, quả trên địa bàn TP. Nha Trang đang sử dụng một loại bột trắng, mịn để tẩy trắng thực phẩm. Dù được bán công khai và sử dụng tràn lan nhưng đến nay nó vẫn còn là điều “bí ẩn” đối với kẻ bán, người mua và cả… cơ quan chức năng. Chưa ai biết nó là chất gì và có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người.
“Bột lạ” bán công khai
Ngày 28-7, theo sự hướng dẫn của một người bán rau phía ngoài chợ Bình Tân, chúng tôi đến dãy hàng khô nằm sâu trong chợ để tìm mua loại bột nói trên. Trước một quầy hàng, khi nghe chúng tôi nói muốn mua chất tẩy về chế biến thực phẩm, bà chủ quầy vui vẻ: “Ở đây chị có oxy già và loại bột này nè. Các em tìm đúng chỗ rồi đấy, vì ở chợ này chỉ mình chị có loại bột tẩy “tốc hành” này thôi”. Vừa nói, chị này vừa xách 1 bịch nilon màu đen đặt lên trước mặt chúng tôi: “1 ký giá 55.000 đồng, nó làm trắng các loại rau sống và có thể làm cho lòng lợn sạch, hết mùi ôi và rất giòn”. Thấy chúng tôi có vẻ e ngại về xuất xứ và độ an toàn, chị ta trấn an: “Người ta sử dụng đầy đấy thôi, có thấy chết ai đâu. Nếu sau này cần mà mua không được thì quay lại đây nhé”.
Loại bột tẩy không rõ nguồn gốc. |
Chợ Bình Tân chỉ có một quầy hàng, nhưng tại chợ Đầm, loại bột này được bán tràn lan. Chỉ trong khoảng 20 phút dạo quanh các quầy hàng khô, chúng tôi đã tìm được 3 điểm có bán loại bột tẩy với số lượng lớn và có cùng mức giá (nếu mua ít thì 7.000 đồng/lạng, mua từ 1kg trở lên thì 55.000 đồng/kg). Bà Q., chủ một quầy bán loại hàng này cho biết: “Cô cũng bán bột này cho nhiều quán ăn, quán nhậu để chế biến thức ăn hơn 1 năm nay và ngày càng hút hàng. Nhiều người bán bắp chuối, dừa trái ở đây cũng mua loại bột này để làm trắng hàng”. Thế nhưng khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ, độ an toàn của nó thì bản thân bà cũng không rõ. Tuy nhiên, bà tỏ vẻ am hiểu: “Đã là hóa chất thì ít nhiều phải độc hại. Nhưng còn tùy vào liều lượng khi mình sử dụng để “xử lý” thực phẩm!”(!?).
Cũng như bà Q., những người bán loại bột này ở chợ Xóm Mới đều chỉ cho chúng tôi rất kỹ về cách sử dụng và liều dùng cho từng loại rau, quả hay thực phẩm sống; nhưng không ai trong số họ biết về nguồn gốc, bản chất của loại bột này và ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Lo ngại về an toàn thực phẩm
Dễ dàng mua bột tẩy ở chợ Đầm. |
Quan sát tại nhiều điểm bán rau mới thấy loại “bùa làm đẹp” này được tiểu thương sử dụng khá phổ biến. Tại chợ Đầm - đầu mối cung ứng rau, củ của TP. Nha Trang có rất nhiều điểm chế biến bắp chuối để cung cấp cho thị trường. Quan sát ngẫu nhiên một quầy hàng, 2 phụ nữ đeo găng tay cầm dao xắt lia lịa, xung quanh là 3 - 4 chiếc chậu nhựa cỡ đại đầy nước, phía trên là 1 hũ bột tẩy. Bắp chuối xắt đến đâu được ngâm ngay trong nước, vài phút sau vớt lên để ráo nước, lúc này bắp chuối từ màu tím bầm đã biến thành màu trắng sáng. Sau vài mẻ ngâm - vớt, những người chế biến lại dốc hộp bột tẩy “bổ sung” vào những chậu nước đen ngòm.
Trong vai người mới vào nghề buôn rau, chúng tôi tiếp cận với chị H., người chuyên chế biến và cung cấp bắp chuối và được cho biết: “Ở đây chị cung cấp sỉ và lẻ cho tiểu thương và nhà hàng, quán nhậu... mỗi ngày cả trăm kg bắp chuối thành phẩm. Bạn hàng chủ yếu là các bà bán rau ở chợ Vĩnh Hải, chợ Bình Tân, chợ Xóm Mới, chợ Bàu..., chợ nào cũng có. Nếu bọn em muốn làm hàng trắng đẹp thì phải có loại bột trắng. Và lỡ bữa nào bán ế đến trưa bắp chuối có đen và héo, em cứ mang về ngâm vào nước sạch, đến sáng hôm sau ngâm qua nước hòa bột rồi mang ra bán thì nó lại trắng và giòn lại”.
Nhiều tiểu thương ở chợ Đầm khi chế biến bắp chuối đều để sẳn hũ “bột lạ” bên cạnh để bổ sung vào chậu ngâm sản phẩm. |
Bà T. cũng bán rau ở chợ Đầm không ngần ngại nói với chúng tôi: “Bà năm nay đã 65 tuổi và đã bán rau ở đây ngót 50 năm qua. Rau bắp chuối của bà cũng ngâm chất tẩy nhưng chỉ với liều lượng ít hơn người ta. Dùng loại này chắc chắn không tốt cho sức khỏe nhưng bà mà không làm vậy thì bán ế vì ở đây ai cũng ngâm bắp chuối bằng loại nước pha bột tẩy”.
Tương tự, chị Duyên, một tiểu thương bán rau ở chợ Xóm Mới cho biết: “Trước tôi bán bắp chuối tự xắt, ngâm chanh nhưng cũng chỉ được 2 - 3 tiếng thì bắp chuối sầu, đen chẳng ai mua. Chính tâm lý người mua thích hàng bắt mắt nên đa số lấy bắp chuối ở chợ Đầm về bán, vì bắp chuối này ngâm chất tẩy trắng nên nhìn trắng đẹp lại giòn rụm”.
Bắp chuối sau khi xắt mỏng được ngâm vào nước hòa “bột lạ” khoảng vài phút. |
Tuy nhiên, khác với những người khác, chị Duyên lại có “kinh nghiệm” nhớ đời với loại bột này: “Loại bột này rất độc, mình từng mua về để tự làm vì thấy nó rẻ và lợi, nhưng có lần bị bột xộc lên mũi rồi bị viêm xoang luôn. Thấy vậy nên mình không tự làm nữa mà mua sỉ ở chợ về bán. Bây giờ hầu như ai cũng bán bắp chuối đã ngâm qua chất này, bắp chuối càng đẹp thì chứng tỏ càng ngâm nhiều. Với khách quen mình cũng nói với họ là bắp chuối có ngâm qua thuốc, ai mua thì mua chứ cũng không thể không bán!”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện loại bột này còn được sử dụng với nhiều mục đích khác, từ ngâm giá, dừa trái đã lột vỏ hay thậm chí là cả lòng heo, thịt cá ươn, thối... để làm mới thực phẩm và đánh lừa người tiêu dùng.
Cơ quan chức năng không hề biết
Chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan chức năng để tìm hiểu thêm về loại bột trên. Tuy nhiên, hầu như các cơ quan quản lý đều chưa nắm thông tin này. Bác sĩ Lê Đình Đờn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm, thừa nhận chưa biết loại bột trên là gì. Liên hệ với Chi cục Quản lý thị trường, ông Nguyễn Minh Sô, Chi cục trưởng cũng cho biết, Chi cục chưa có thông tin gì về loại hóa chất mà phóng viên đang đề cập đến.
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành nỗi bức xúc của xã hội. Việc sử dụng hóa chất độc hại trong việc chế biến thực phẩm hiện rất phổ biến, tràn lan và người gánh chịu không ai khác vẫn là người tiêu dùng. Người dân hàng ngày vẫn phải sử dụng các loại thực phẩm độc hại mà không hề hay biết. Những ngày gần đây, dư luận vẫn xôn xao về những loại hóa chất được dùng trong chế biến bún, bánh canh. Vì thế, loại “bột lạ” này có thể là một tác nhân nữa cần cảnh giác. Để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra xác minh và sớm có câu trả lời rõ ràng về vấn đề này.
NAM - LONG
Bác sĩ Lê Đình Đờn - Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm: Hiện tại chúng tôi chưa lấy mẫu loại bột đó để kiểm tra nên chưa rõ đó là chất bột gì. Chúng tôi chỉ lấy mẫu để kiểm tra theo sự định hướng. Vừa qua, chúng tôi cũng đã chủ động mua một số mẫu bún trên địa bàn thành phố, gửi vào TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm xem có thành phần chất phát quang hay không, hiện tại vẫn chưa có kết quả.
Ông Nguyễn Minh Sô, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường: Loại hóa chất như phóng viên đề cập, chúng tôi chưa nắm được đó là loại gì. Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với một số đơn vị liên quan để tiến hành kiểm tra thông tin về loại hóa chất này. Trong trường hợp nếu thông tin đúng, tiểu thương phải có giấy phép kinh doanh loại chất này và có nguồn gốc xuất xứ. Nếu họ không có giấy phép kinh doanh, chúng tôi sẽ tạm giữ loại hóa chất này, đồng thời lấy mẫu để gửi đi kiểm định đó là loại chất gì, trên cơ sở đó chúng tôi mới có hướng để xử lý theo quy định của pháp luật.