“Một công ty chẳng có tiếng tăm gì mà bỏ hàng trăm tỷ đồng để làm từ thiện thực sự là có vấn đề. Chắc chắn họ phải có mục đích gì khi cho tiền mạnh tay như thế” - sư cô Thích Diệu Minh (chùa Linh Quang, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) nghi ngờ ....
Kỳ 3: Trục lợi gì từ “dự án từ thiện” hào phóng?
“Một công ty chẳng có tiếng tăm gì mà bỏ hàng trăm tỷ đồng để làm từ thiện thực sự là có vấn đề. Chắc chắn họ phải có mục đích gì khi cho tiền mạnh tay như thế” - sư cô Thích Diệu Minh (chùa Linh Quang, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) nghi ngờ về sự minh bạch của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hiển Vinh (gọi tắt là Công ty Hiển Vinh).
Cán bộ Công ty Hiển Vinh đang xét duyệt hồ sơ từ thiện. |
Nối dài danh sách các “tỷ phú”
Sau khi Báo Khánh Hòa đăng tải 2 kỳ của loạt bài “Công ty bí ẩn và dự án từ thiện đáng ngờ”, sáng 29-7, không khí tại Khách sạn Lô Sa (1A/2 Hàn Thuyên, Nha Trang) cũng như trụ sở chính của Công ty Hiển Vinh đã không còn tấp nập. Những người từ các tỉnh khác đến nộp hồ sơ xin từ thiện bắt đầu kéo nhau ra về vì đã không tin vào tiềm lực tài chính của “mạnh thường quân”. Ông Phạm Văn Liên (xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) buồn rầu: “Tưởng công ty này lớn, có nhiều tiền nên tôi mới lặn lội vào đây xin từ thiện cho chùa ở địa phương. Nhưng vào đến đây, thấy cung cách làm việc của các nhân viên công ty có vẻ bất minh, trụ sở một nơi, nhận hồ sơ một nẻo. Hơn thế, nghe những người dân quanh đây bàn tán, nói những điều không hay về Công ty Hiển Vinh nên tôi không nộp hồ sơ, bởi không cẩn thận lại ăn quả lừa”. Khi biết được sự thật về Công ty Hiển Vinh, bà Hoàng Thị Dị - Ban khánh tiết chùa An Phúc Tự (thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) lo lắng: “Chùa chúng tôi đã nộp hồ sơ cách đây 2 tháng, nay nghe thông tin không tốt về công ty này nên rất lo. Ngay từ đầu, chúng tôi đã nghi ngờ về sự hào phóng của việc cho từ thiện. Lên mạng tìm hiểu thấy doanh nghiệp này chẳng có tiềm lực gì vậy mà dám cho tiền tỷ nên chúng tôi cảm thấy hoang mang”.
Danh sách 119 tập thể, cá nhân các tỉnh phía Bắc nộp hồ sơ vào Công ty Hiển Vinh xin từ thiện. |
Mở rộng điều tra, chúng tôi thật sự kinh ngạc với với số lượng hồ sơ xin từ thiện. Trong danh sách mà phóng viên có được, tính đến ngày 28-7-2013, riêng các tỉnh phía Bắc đã có tới 119 bộ hồ sơ gửi về Công ty Hiển Vinh để xin giúp đỡ. Theo nguồn tin riêng, hiện đã có rất nhiều giấy chứng nhận sở hữu cổ phần mà công ty này cấp cho các cá nhân và tổ chức ở các địa phương. Số phôi giấy chứng nhận cũ nay đã gần hết, công ty đang đặt nhà in làm thêm khoảng 10.000 phôi để cấp cho những người xin từ thiện. Và như vậy, danh sách những người bỗng dưng trở thành “tỷ phú” cũng theo đó mà ngày càng dài thêm.
Khi được hỏi, bà Lê Thị Đơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Hiển Vinh cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, công ty đã nhận và đang giải quyết khoảng 700 bộ hồ sơ xin từ thiện. Dự án này bắt đầu tiến hành từ tháng 2-2013 và vẫn chưa kết thúc”. Tuy nhiên, cũng theo lời của một nhân viên Công ty Hiển Vinh, họ đã nhận được hơn 900 bộ hồ sơ xin từ thiện, con số này vượt xa sự tưởng tượng ban đầu của lãnh đạo công ty. Đặc biệt, khi phóng viên thắc mắc về nguồn vốn nào cho dự án từ thiện “khổng lồ” thì bà Lê Thị Đơn đã từ chối không cho biết. Thậm chí, đến thời điểm hiện tại, vị Phó Tổng Giám đốc Công ty còn không biết được số tiền đơn vị mình đã bỏ ra làm từ thiện.
Nhân viên Công ty Hiển Vinh đang photo hồ sơ, danh sách các tập thể, cá nhân xin từ thiện. |
Có một điều trùng hợp, hầu như toàn bộ những cá nhân làm đơn xin được giúp đỡ đều không hề hay biết gì về Công ty Hiển Vinh. Thông tin duy nhất mà họ biết được đều thông qua những người trung gian, đó là việc công ty này đã từng cho các trại trẻ mồ côi, các chùa... hàng chục tỷ đồng, nhưng độ xác thực của thông tin khó có thể kiểm chứng. Sư cô Thích Đàm Huy (chùa Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) thừa nhận: “Thú thực khi làm đơn xin từ thiện, chúng tôi không hề hay biết gì về Công ty Hiển Vinh. Ban đầu nghe người em ở đền Cao Sơn Từ (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) nói có công ty ở miền Nam, hiện đang làm từ thiện cho rất nhiều chùa với số tiền hàng tỷ đồng nên tôi cũng làm đơn xin giúp đỡ. Vốn là người xuất gia, không am tường chuyện đời, tưởng việc công đức thì họ phải thành tâm nên chẳng hề nghi ngờ gì. Mà có thắc mắc cũng chẳng biết hỏi ai. Một số sư của các chùa khác từng lên Internet để tra cứu về công ty này song cũng không biết gì thêm”. Tuy thông tin về “mạnh thường quân” khá mù mờ, thiếu độ tin cậy, nhưng những tổ chức, cá nhân vẫn đua nhau nộp hồ sơ về Công ty Hiển Vinh mà không cần biết có “cạm bẫy” nào giăng ở phía sau.
Lộ thêm những “bí mật” đáng ngờ
Trong những ngày tìm kiếm thông tin, phóng viên vô tình nghe được nhiều cuộc trò chuyện của những nhân viên Công ty Hiển Vinh. Theo đó, ngoài việc đang triển khai dự án từ thiện - xã hội, công ty này còn tiếp nhận hồ sơ xin việc của các cá nhân tại nhiều địa phương trong cả nước. Trong vòng 30 phút tại quán cà phê cóc đối diện với Công ty Hiển Vinh, nhân viên của công ty này đã gọi điện đi 3 tỉnh là: Đắk Lắk, Quảng Ngãi và Bình Định để nhờ người gom hồ sơ xin việc. Số lượng nhân viên tuyển vào hơn 60 người (Đắk Lắk 30, Quảng Ngãi 15, Bình Định 18). Đáng ngạc nhiên, hồ sơ xin việc không yêu cầu bằng cấp, trình độ, miễn là người ở địa phương cần tuyển. Khi những người ở đầu dây bên kia hỏi tuyển để làm việc gì thì nhân viên Công ty Hiển Vinh cho biết là không cần làm gì, vì công ty đang trong quá trình hợp thức hóa nên cứ có hồ sơ sẽ được hưởng lương. Thời gian các cá nhân được nhận lương bắt đầu từ tháng 12-2013. Mức lương khởi điểm đối với tổ trưởng khoảng 5 triệu đồng, nhân viên là 3 triệu đồng. Sự vô lý ấy không những khiến chúng tôi ngạc nhiên mà những người được nhờ làm hồ sơ cũng hoàn toàn bất ngờ. Nếu như vậy, chỉ riêng 3 tỉnh Đắk Lắk, Quảng Ngãi và Bình Định với hơn 60 lao động, mỗi tháng Công ty Hiển Vinh “biếu không” gần 200 triệu đồng tiền lương.
Ngoài ra, khi thành lập Công ty Hiển Vinh, trên giấy tờ, ông Cao Văn Xứng đã góp vốn cổ phần bằng tài sản cố định là lô đất có diện tích 7.380m2 tại khóm Tây Bắc, đường 2-4, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang. Từ đó, ông Xứng mới được quy ra sở hữu số cổ phần tại Công ty Hiển Vinh lên đến trên 686 tỷ đồng, chiếm 20,04% tỷ lệ góp vốn và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, thực tế lô đất này đã được bà Lê Thị Cẩn (vợ ông Xứng), Giám đốc Công ty Thịnh An Khương thế chấp cho Ngân hàng Ngoại thương Nha Trang, và để bà Cẩn lừa đảo nhiều người ở TP. Hồ Chí Minh và Đắk Lắk.
Vén bức màn bí mật
Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty Hiển Vinh đã cho rất nhiều tiền từ thiện bằng hình thức cổ phần. Song, trên thực tế, các giấy chứng nhận sở hữu cổ phần của Công ty Hiển Vinh cấp cho các tập thể, cá nhân chỉ là tờ giấy lộn, các cổ đông không có quyền lợi gì trong việc sở hữu cổ phần Công ty Hiển Vinh. Bởi theo quy định, cổ phần là một tài sản cố định, bất kể các tổ chức, cá nhân muốn mua, bán, chuyển nhượng hay cho cổ phần của mình phải có hợp đồng đối với các hình thức kể trên. Hơn thế, phải có cuộc họp và văn bản xác nhận của các thành viên hội đồng quản trị của công ty. Mặt khác, khi số cổ phần của Công ty Hiển Vinh đã cho đi thì các tập thể, cá nhân nhận cổ phần sẽ được bổ sung vào danh sách những cổ đông của công ty. Từ đó, bắt buộc Công ty Hiển Vinh phải đăng ký lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và tên những người được sở hữu cổ phần. Thế nhưng, thực tế kiểm tra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi không hề thấy công ty thực hiện điều này. Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, để cổ phần nhận được hợp pháp thì Công ty Hiển Vinh phải có hợp đồng cho, tặng. Song hiện nay không có cá nhân nào nhận được hợp đồng này.
Theo phiếu bàn giao giấy chứng nhận sở hữu cổ phần, các tổ chức, cá nhân Công ty Hiển Vinh trao “trên giấy” được thụ hưởng và chia cổ tức trong vòng 50 năm. Bên cạnh đó, trong phiếu này Công ty Hiển Vinh khẳng định tháng 10-2013 sẽ niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán, các tổ chức, cá nhân có thể bán, hoặc giữ số cổ phần tùy ý. Song theo tìm hiểu của chúng tôi, để được lên sàn giao dịch chứng khoán, doanh nghiệp đó phải được kiểm toán trong vòng 3 năm liên tiếp, chứng minh được nguồn gốc tài sản, thực lực kinh tế trong quá trình hoạt động kinh doanh. Còn riêng Công ty Hiển Vinh, tuy có số vốn đăng ký lên đến trên 3.427 tỷ đồng, nhưng từ năm 2010 đến nay, hàng năm Công ty Hiển Vinh chỉ đóng 3 triệu đồng tiền thuế môn bài (loại thuế bắt buộc) tại Cục Thuế Khánh Hòa. Vậy Công ty Hiển Vinh đang kinh doanh gì? Làm sao lên được sàn giao dịch chứng khoán? Câu hỏi này có lẽ không cần trả lời, bởi sự thật như thế nào mọi người đều rõ.
Vậy Công ty Hiển Vinh trục lợi gì sau khi “vung tay hào phóng” làm từ thiện. Một số chuyên gia kinh tế và dư luận cho rằng, với hình thức cho tiền bằng cổ phần và cấp giấy chứng nhận, Công ty Hiển Vinh đã biến những người được nhận tiền trở thành cổ đông góp vốn cho công ty mình. Từ một nguồn tiền ảo với cổ đông ảo, nhưng nếu sự thỏa thuận này được công chứng thì nó sẽ biến thành cơ sở để Công ty Hiển Vinh thế chấp vay vốn của ngân hàng. Hoặc ít ra nó sẽ là cơ sở cho công ty này chứng minh thực lực kinh tế, biến nó thành công cụ để thực hiện những mục đích không minh bạch. Ngoài ra, cũng có thể Công ty Hiển Vinh sẽ dùng dự án từ thiện để huy động vốn của các tổ chức phi chính phủ. Sau khi đã có tiền trong tay, những lời hứa từ thiện trước đó sẽ bị “mạnh thường quân” lãng quên hoặc tìm cách vô hiệu giấy chứng nhận sở hữu cổ phần của các tổ chức và cá nhân.
Từ những sự thật này, đã đến lúc cơ quan chức năng cần can thiệp kịp thời, làm rõ những hành vi của Công ty Hiển Vinh và sớm có cảnh báo tới các cá nhân và tổ chức để tránh những hậu quả nghiêm trọng.
Tổ PV
Kỳ 1: Dự án từ thiện trên giấy?