11:07, 26/07/2013

Công ty bí ẩn và dự án từ thiện đáng ngờ

Một doanh nghiệp bị cưỡng chế thuế và phá sản, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, chủ doanh nghiệp đã đứng ra thành lập nhiều công ty khác với tổng vốn đăng ký lên đến hàng ngàn tỷ đồng, có chi nhánh ở hàng chục tỉnh, thành trong cả nước.

Một doanh nghiệp (DN) bị cưỡng chế thuế và phá sản, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, chủ DN đã đứng ra thành lập nhiều công ty khác với tổng vốn đăng ký lên đến hàng ngàn tỷ đồng, có chi nhánh ở hàng chục tỉnh, thành trong cả nước. Hiện nay “tập đoàn”có trụ sở chính tại TP. Nha Trang đang tiến hành thu gom hàng trăm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân ở nhiều địa phương trong tỉnh và cả nước.

.
Kỳ 1: Dự án từ thiện trên giấy?


Một công ty không lớn, trụ sở chính cũng khá khiêm tốn, song lại sẵn sàng hào phóng bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để làm dự án từ thiện và xã hội. Sự “tử tế” bất thường trong giai đoạn kinh tế đang khó khăn khiến không ít người nghi ngờ về tính minh bạch của nó… Bởi thực tế, số tiền từ thiện mà họ nhận được chỉ trên giấy.

 

1
Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần của Công ty Hiển Vinh hoàn toàn khác với mẫu sở hữu cổ phần của Bộ Tài chính; số liệu ghi vốn điều lệ của công ty hoàn toàn khác nhau.


Đã mấy tuần nay, tại khách sạn Lô Sa (1A/2 Hàn Thuyên, Nha Trang) và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Hiển Vinh (gọi tắt Công ty Hiển Vinh), 68 Phan Đình Phùng, TP. Nha Trang không khí trở nên tấp nập lạ thường. Hàng ngày, người dân xung quanh cảm thấy khá lạ bởi sự xuất hiện thường xuyên của các tăng ni, phật tử từ nhiều địa phương trong cả nước về đây xin từ thiện. Lân la hỏi chuyện, ông Phạm Công Lộc - tài xế xe ôm (phường Xương Huân, Nha Trang) tỏ vẻ hồ nghi: “Đã mấy tháng nay, người trong Nam, ngoài Bắc về đây nhiều lắm. Nghe đâu họ đến để làm hồ sơ xin tiền từ thiện của Công ty Hiển Vinh. Trường hợp nào đến cũng đều xin được tiền, số tiền xin được hàng chục tỷ đồng chứ không ít. Không biết tiền ở đâu mà họ cho nhiều thế”.


Xin tiền triệu, cho tiền tỷ

 

1
  Trụ trì chùa K.Q, xã Vĩnh thái đã đem toàn bộ cổ phần được cho trả lại cho Công ty Hiển Vinh.


Sáng 24-7, trong vai một phật tử của chùa Pháp Hoa (huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), chúng tôi tìm đến khách sạn Lô Sa để xin được giúp đỡ. Tuy mới sáng sớm nhưng ở đây đã có khá nhiều người đợi dưới sảnh khách sạn để làm thủ tục xin tiền từ thiện. Nghĩ chúng tôi là người ở tỉnh xa về, một phụ nữ trung niên tên Liễu (ở Diên Khánh) nhanh nhảu tiếp chuyện: “Thủ tục xin tiền từ thiện dễ dàng lắm, xin là được à. Chú muốn xin xây chùa hay cho các hộ nghèo đều được hết. Hộ nghèo thì vài trăm triệu, còn chùa thì họ cho 9, 10 tỷ đồng là bình thường. Tôi ở đây đã xin cho mấy chục hộ nghèo rồi, hôm nay tính hỏi xin thêm cho chùa ở trong Cam Lâm. Bữa trước, có ni cô trụ trì chùa ở tận miền Tây ra đây tính xin 300 triệu đồng xây lại chùa, nhưng công ty đã cấp tới 13 tỷ. Hôm đó ni cô mừng hết biết. Chú muốn nhanh có tiền thì cứ đưa sư trụ trì ra đây làm việc trực tiếp. Tiền ăn ở và đi lại khỏi lo, công ty họ chịu hết”.

 

1
Ông Pháp, người đứng ra xét duyệt hồ sơ xin từ thiện đang trao đổi với phóng viên.

 

Trong lúc mọi người đang dùng những lời có cánh để ca tụng tấm lòng hào phóng của Công ty Hiển Vinh, một người đàn ông mặc quần lửng, áo may ô xuất hiện. Chẳng ai bảo ai, mọi người gật đầu chào lia lịa với thái độ rất hàm ơn. Người đàn ông này ngồi xuống ghế, lật nhanh các bộ hồ sơ xin từ thiện. Trường hợp nào đủ giấy tờ ông ta liền cho người dẫn sang Công ty Hiển Vinh để làm thủ tục nhận tiền. Thấy chúng tôi còn có vẻ ngơ ngác, bà Liễu nhắc nhở: “Ông ấy tên Pháp, là người đứng ra xét duyệt hồ sơ xin từ thiện. Ổng nhiệt tình lắm, được hay không đều nhờ cậy ở ông ấy hết”. Sau khi nghe chúng tôi trình bày, ông Pháp cao giọng trấn an: “Đây là Dự án từ thiện và xã hội của Khối liên doanh các công ty, nguồn vốn được huy động tại nước ngoài nên cứ yên tâm, trường hợp này sẽ được giải quyết. Anh về bảo sư trụ trì nộp ảnh, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận của Giáo hội Phật giáo tỉnh, mỗi thứ 6 bản có công chứng là tôi duyệt. Có thể gửi bằng đường bưu điện, nhưng tốt nhất là cứ đưa sư trụ trì ra ngoài này. Ở đây nhận giúp hết mọi trường hợp, từ đình, chùa, nhà thờ đến cả các gia đình nghèo và trẻ em bị nhiễm chất độc da cam. Trong đó có trường hợp nào cứ giới thiệu ra đây”. Nghe ông Pháp thao thao bất tuyệt, chúng tôi không khỏi bất ngờ với những thủ tục khá đơn giản để có thể trở thành tỷ phú như lời xác nhận trước đó của nhiều người.


Chiều 25-7, lân la uống cà phê ở quán nước đối diện với Công ty Hiển Vinh mới thấy được sự thu hút của dự án từ thiện và xã hội mà công ty này đang làm. Chỉ trong 1 tiếng đồng hồ, có đến 7 lượt người từ các tỉnh phía Bắc và phía Nam đến hoàn tất thủ tục để nhận tiền từ thiện. Đa số các chùa đều được Công ty Hiển Vinh đồng ý cấp cho 9 đến 10 tỷ đồng để xây dựng chùa.

 

Tuy mang mác đại gia, nhưng các thành viên Công ty Hiển Vinh đang phải ăn cơm hộp tại khách sạn Lô Sa (1A/2 Hàn Thuyên, Nha Trang).
Tuy mang mác đại gia, nhưng các thành viên Công ty Hiển Vinh đang phải ăn cơm hộp tại khách sạn Lô Sa (1A/2 Hàn Thuyên, Nha Trang).


Bỗng dưng thành cổ đông


Bỗng chốc được hàng chục tỷ đồng, thủ tục lại hết sức đơn giản, ai nghe thấy cũng ham. Nhưng đằng sau những con số khổng lồ ấy lại ẩn giấu những điều bất thường. Tất cả số tiền mà các tổ chức, cá nhân nhận được đều ở trên giấy, cái mà các chùa chiền và các hộ nghèo nhận được chỉ đơn giản là tấm giấy chứng nhận sở hữu cổ phần do Công ty Hiển Vinh xác nhận. Tất cả số tiền để làm từ thiện đều được quy ra cổ phần của công ty này, mỗi cổ phần có mệnh giá 10.000 đồng. Nhưng lạ một nỗi là công ty này chưa lên sàn giao dịch, do đó giá trị thật của những cổ phần này đến đâu thì chẳng ai hay biết. Khi chúng tôi đi thực tế, có tin rằng cổ đông lớn nhất của công ty là vợ chồng ông Cao Văn Xứng và bà Lê Thị Cẩn trong quá khứ đã bị nhiều cá nhân, công ty trong cả nước tố cáo về hành vi lừa đảo. Chính điều này, nhiều người nhận được cổ phần từ thiện đã bắt đầu cảm thấy lo lắng.


Chị Lê Thị Bích Tuyền (phật tử chùa K.Q, ở Vĩnh Thái, TP. Nha Trang) cho biết: “Đợt tháng 6-2013, chùa chúng tôi có nhận số cổ phần do Công ty Hiển Vinh cho với trị giá 10 tỷ đồng. Khi mới nhận được các sư cô mừng lắm. Chưa bao giờ chùa có số tiền lớn như thế này. Tuy nhiên, sau khi nhận cổ phiếu về, sư trụ trì cảm thấy hoài nghi về sự dễ dàng của việc làm từ thiện. Hơn thế, khi đọc thông tin trên mạng thấy những cổ đông lớn của công ty này trước đây đã bị nhiều người tố cáo lừa đảo, và trốn thuế nên các thành viên trong chùa càng lo lắng hơn. Sợ trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo nên vừa rồi chùa K.Q đã đem toàn bộ cổ phần được cho trả lại cho Công ty Hiển Vinh. Đồng thời sư trụ trì cũng đã lấy giấy tờ đã ký về”.


Tương tự chùa K.Q, chùa Diệu Nam ở đường Đồng Nai (phường Phước Hải, TP. Nha Trang) khi biết được thông tin không tốt về công ty cho cổ phần trị giá 9 tỷ đồng đã đứng ngồi không yên. Hôm chúng tôi đến, sư cô trụ trì Ngọc Quý lắc đầu thở dài liên tục: “Họ mà lừa mình thì chết. Sư là người tu hành nên chẳng am tường về giấy tờ. Nghe họ nói cho tiền nên bảo ký giấy gì thì ký giấy đó. Hôm họ gọi lên để hoàn tất hồ sơ, ký tá nhiều lắm mà sư đâu biết đó là những loại giấy tờ gì. Nay cầm tờ giấy ghi 9 tỷ đồng mà cảm thấy không yên”.


Trước sự lo lắng, hồ nghi của nhiều người, chúng tôi đã xác minh lại các thủ tục để được nhận tiền từ thiện. Qua đó, phóng viên đã không khỏi giật mình trước tính pháp lý của nó. Tuy yêu cầu tất cả các loại giấy tờ đều phải photo công chứng, nhưng có rất nhiều bộ hồ sơ từ các tỉnh phía Bắc gửi vào chỉ là những bản sao bình thường gửi file ảnh qua mail. Vào đến Nha Trang nó được đưa ra tiệm photo scan lại dấu và chữ ký công chứng rồi cho in màu. Hành vi như vậy rõ ràng là giả mạo giấy tờ, song không hiểu vì sao các loại giấy tờ đó vẫn được chấp nhận. Ngay giấy chứng nhận cổ phần mà các cá nhân được nhận cũng không có cơ sở pháp lý. Phần lớn các chùa và các cá nhân chỉ mới làm đơn xin từ thiện từ tháng 6-2013, nhưng trong giấy chứng nhận đều ghi thời gian từ năm 2012. Với sự sai lệch về thời gian như vậy, rõ ràng những giấy chứng nhận cổ phần có trị giá hàng tỷ đồng chẳng khác gì một tờ giấy lộn. Hơn thế, mẫu chứng nhận sở hữu cổ phần của Công ty Hiển Vinh hoàn toàn khác với hướng dẫn mẫu cổ phiếu trong các công ty cổ phần theo quy định của Bộ Tài chính. Điều đáng nói, trong các giấy chứng nhận sở hữu cổ phần của Công ty Hiển Vinh do ông Cao Văn Xứng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty ký, số liệu cũng không thống nhất. Chẳng hạn, tuy cùng ngày đăng ký kinh doanh, nhưng có giấy chứng nhận ghi vốn điều lệ của công ty chỉ trên 200 tỷ đồng, có giấy lại ghi trên 6.400 tỷ đồng, trong lúc vốn điều lệ đăng ký kinh doanh với cơ quan chức năng là 3.427 tỷ đồng?



Tổ P.V


Kỳ 2: Lai lịch một công ty

 

Kỳ 3: Trục lợi gì từ “dự án từ thiện” hào phóng?