10:09, 19/09/2015

Góp ý Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Trong thực tế, có trường hợp một số người vì động cơ, mục đích cá nhân muốn hại người khác, nhưng không muốn trực tiếp làm nên đã ép buộc người khác phạm tội bằng cách lợi dụng thế lực, tiền bạc, vị trí ảnh hưởng của mình mà khống chế, ép buộc người khác thực hiện hành vi phạm tội....

Đề nghị bổ sung một số tội mới

 

Trong thực tế, có trường hợp một số người vì động cơ, mục đích cá nhân muốn hại người khác, nhưng không muốn trực tiếp làm nên đã ép buộc người khác phạm tội bằng cách lợi dụng thế lực, tiền bạc, vị trí ảnh hưởng của mình mà khống chế, ép buộc người khác thực hiện hành vi phạm tội như: giết người, hủy hoại tài sản của người khác, trộm cắp tài sản... Những hành vi này diễn ra nhiều trong xã hội nhưng không thuộc trường hợp đồng phạm hay xúi giục người khác phạm tội. Hành vi của người dùng lợi thế về tiền bạc, vị trí ép buộc người khác phạm tội trong những trường hợp nêu trên là rất nguy hiểm cho xã hội và cần phải xem là tội phạm. Vì vậy, tôi đề nghị nên bổ sung vào dự thảo tội ép buộc người khác phạm tội.


Ngoài ra, thực tế đời sống xã hội còn xảy ra một số hành vi nguy hiểm cho xã hội, bởi hậu quả của tội phạm gây ra làm ảnh hưởng xấu đến các quan hệ xã hội, như: tội ban hành văn bản quy phạm trái pháp luật; tội cản trở hoạt động hành nghề của luật sư; tội công chứng, chứng thực trái pháp luật; tội vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Nên thu hẹp phạm vi áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội


Theo tôi, không nên mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội như dự thảo mà cần thu hẹp phạm vi.


Đó là bởi, người chưa thành niên phạm tội có những đặc điểm về thể chất khác người trưởng thành như: nhận thức hạn chế, thiếu kinh nghiệm sống, thiếu tự kiềm chế, dễ bị kích động, lôi kéo, dụ dỗ..., là những đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt, cần tạo điều kiện để họ có cơ hội khắc phục, sửa chữa sai lầm. Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp này, cần cân nhắc, xem xét trong sự tương quan với việc bảo đảm tính hiệu quả của công tác giáo dục phòng ngừa tội phạm nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng. Nhất là hiện nay, khi tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng cũng như tính chất và mức độ nghiêm trọng của nó, gây bức xúc trong cộng đồng xã hội. Quy định như trong dự thảo là quá mở, chỉ nên áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội do lỗi vô ý.


Thẩm phán LÊ THÚY PHƯỢNG (Tòa án nhân dân tỉnh)


T.M (ghi)



Không cần thiết phải giữ lại tội kinh doanh trái phép


Có thể nói, tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự (BLHS) đã không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước hiện nay. Đây là tội phạm ít nghiêm trọng, mức độ nguy hiểm của hành vi đối với xã hội là không lớn, nếu có thì thiệt hại chủ yếu là về kinh tế nên hoàn toàn có thể xử lý hành chính bằng hình thức phạt tiền và buộc khắc phục hậu quả. Trong khi đó, nếu các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm các quy định trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm trục lợi thì đã có nhiều điều luật tương ứng có thể áp dụng để xử lý hành vi sai phạm.


Theo quy định tại Điều 159 BLHS, có 3 hành vi sau đây được xem là phạm tội kinh doanh trái phép: (1) Có hành vi kinh doanh nhưng không đăng ký kinh doanh; (2) Có hành vi kinh doanh, có đăng ký kinh doanh nhưng không đúng với nội dung đã đăng ký; (3) Có hành vi kinh doanh, có đăng ký kinh doanh đúng với nội dung đã đăng ký nhưng không có giấy phép riêng. Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp 2013 nêu rõ “quyền tự do kinh doanh chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Còn Điều 33 của Hiến pháp quy định “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Như vậy có thể thấy rõ ràng, quy định về tội kinh doanh trái phép trong BLHS hiện nay đã không còn phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp 2013. Vì vậy, để đảm bảo BLHS sửa đổi sắp tới không trái với Hiến pháp thì cần thiết phải bãi bỏ tội danh này.


Trà Xuân Thoa