Phiên tòa xét xử vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản kết thúc trong hồ nghi của người dự về sự "giúp đỡ nhiệt tình" của bị cáo Đ.T.N (sinh năm 1968) đối với vợ chồng bị hại. Người dự chỉ chắc chắn là vợ chồng bị cáo N. và N.T.L (sinh năm 1966, cùng trú Cam Phú, Cam Ranh) đã thực hiện mọi hành vi phạm tội.
Phiên tòa xét xử vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản kết thúc trong hồ nghi của người dự về sự “giúp đỡ nhiệt tình” của bị cáo Đ.T.N (sinh năm 1968) đối với vợ chồng bị hại. Người dự chỉ chắc chắn là vợ chồng bị cáo N. và N.T.L (sinh năm 1966, cùng trú Cam Phú, Cam Ranh) đã thực hiện mọi hành vi phạm tội.
Bị cáo N. khai nhận, trước đây, vợ chồng bị cáo ở cùng mẹ trong căn nhà được Nhà nước tạm giao cho mẹ bị cáo. Trên giấy tờ thể hiện, sau khi mẹ mất, N. bán 125m2 đất cho vợ chồng ông N.X.T với giá 500 triệu đồng. Vợ ông T. đã đưa trước 300 triệu đồng, còn lại chờ làm xong giấy tờ đưa nốt. Mấy năm sau, N. lại tiếp tục cắt bán thêm 75m2 đất cho vợ chồng ông T., nâng tổng giá bán thành 800 triệu đồng. Ông T. lại đưa tiếp cho N. 300 triệu đồng.
Nhưng bị cáo N. khẳng định, hợp đồng sang nhượng đất thực chất chỉ là ngụy tạo, nhằm giúp gia đình ông T. yên ấm, bởi bị cáo chơi rất thân với vợ ông T. Thực tế, bị cáo không cầm đồng nào. Lần thứ nhất, năm 2010, thấy vợ ông T. buôn bán thua lỗ, nợ nần nhiều, sợ bị ông T. la rầy, N. bàn giúp vợ T. bằng cách giả bộ bán đất cho bà này và viết giấy nhận đặt cọc 300 triệu đồng nhưng không cầm tiền. Với tờ giấy này, khi ông T. hỏi đến tiền tích lũy, vợ ông này mới có cớ giải thích, gia đình sẽ êm ấm. Lần thứ hai, sau đó 4 năm, vợ ông T. tiếp tục kinh doanh thua lỗ, N. lại phải bày cách bán thêm đất. Lần này, tuy N. đã nhận 300 triệu đồng từ ông T., nhưng sau đó đã đưa lại ngay cho vợ ông T. để lo trả nợ. Như vậy, tuy bị cáo có viết giấy biên nhận nhưng thực tế không cầm 600 triệu đồng. Về việc biết rõ nhà đất đang ở chỉ được Nhà nước tạm giao cho mẹ nhưng không cho bị hại biết và vẫn giao dịch như đất của mình, bị cáo khẳng định, sau khi mẹ mất, bị cáo không nhận được thông báo thu hồi.
Vợ chồng ông T. tỏ ra tức giận cho biết, khi N. nói chuyện bán đất, ông đồng ý đặt cọc 300 triệu đồng. Lúc này, vợ ông mới cho biết 4 năm trước đã đặt cọc 300 triệu đồng mua một phần mảnh đất. Tờ biên nhận 600 triệu đồng là do N. đọc cho ông ghi. Hôm đó, N. còn viện lý do chồng đi làm không tới ký được, phải mang giấy về cho chồng ký. Sau này, ông mới biết N. chỉ kêu con ký, còn chữ ký của chồng là N. làm giả. Hôm sau, khi N. mang giấy lại, ông đã giao đủ tiền cọc.
Vị chủ tọa đã hỏi một câu dường như rất đơn giản, nhưng bị cáo N. không sao trả lời được: Bị cáo khai rất thân với vợ ông T.; hai bên đều khẳng định không mâu thuẫn, vậy tại sao bà này nhất định không thừa nhận được bị cáo giúp, lại còn tố bị lừa? Vị đại diện viện kiểm sát thêm: Trích xuất từ ngân hàng cho thấy, ông T. đã thế chấp nhà để vay 300 triệu đồng, trong khi bị cáo N. không chứng minh được đã hoàn trả tiền cho vợ chồng ông T. Bị cáo N. nói sau khi mẹ mất không nhận được thông báo thu hồi, nhưng chính bị cáo cũng khai không nhận được quyết định tạm giao cho mình. Nghĩa là, bị cáo biết rõ không có quyền chuyển nhượng nhà đất tạm giao mà vẫn tiến hành, còn không nói cho ông bà T. biết và giả mạo chữ ký của chồng để ông bà T. thêm tin tưởng. Thêm nữa, nếu chỉ ngụy tạo hợp đồng chuyển nhượng giúp vợ ông T. giấu chồng chuyện buôn bán thua lỗ, vậy sao 1 năm sau, vợ chồng bị cáo lại cùng ký giấy chuyển nhượng nhà đất này với giá 1 tỷ đồng cho chị L.T.K.Y để nhận trước 500 triệu đồng?
Tất nhiên, bị cáo N. có quyền trình bày lời khai và không bị buộc phải nhận tội, bởi nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, ở góc độ xã hội, cho dù bị cáo N. ra sức thanh minh chỉ nhằm giúp bạn thân, thì vẻ phẫn nộ của ông bà T. lại cho thấy, “tình bạn” ấy, nếu có, cũng đã không còn!
TAM THUẬT