11:07, 29/07/2016

Một nửa sự thật…

Những lời khai đều đều của bị cáo Nguyễn Thị Phú (sinh năm 1968, trú Dĩ An, tỉnh Bình Dương) trong phiên tòa không khỏi khiến người bị hại T. khó chịu.

Những lời khai đều đều của bị cáo Nguyễn Thị Phú (sinh năm 1968, trú Dĩ An, tỉnh Bình Dương) trong phiên tòa không khỏi khiến người bị hại T. khó chịu.


Ông T. cho biết, người ngoài không biết rõ có thể nghĩ ông cả tin bởi hết lần này tới lần khác đưa tiền cho Phú, tới gần 300 triệu đồng. Đúng là ông thiếu tỉnh táo, nhưng điều đó chủ yếu do Phú luôn sắp đặt trước để người khác tin tưởng. Nếu nói ông bị Phú lừa, thì trước đó, cha mẹ vợ của ông cũng bị lừa khi nhờ Phú tháo gỡ giùm miếng đất trong quy hoạch, bị giải tỏa. Ông tin vì còn được nghe giới thiệu Phú là… công an ở bộ, biệt phái vào miền Nam công tác (!). Khi ông đang gặp Phú bàn hướng tháo gỡ cho mảnh đất của cha mẹ vợ thì con gái ông gọi điện thoại, báo tin chồng bị bắt giữ do có hành vi trộm cắp. Đang choáng váng, nghe nói Phú có khả năng xin được tại ngoại, ông T. mừng lắm. Vậy nên, khi Phú bảo cần 380 triệu đồng lo công việc, ông đồng ý ngay.


Hết lần này tới lần khác, Phú khiến gia đình ông hy vọng. Lần đầu tiên, khi yêu cầu ông thuê xe từ TP. Hồ Chí Minh ra Nha Trang lo việc, Phú hẹn đón tại cổng Bộ Công an tại TP. Hồ Chí Minh. Khi ông T. tới điểm hẹn thì tận mắt thấy Phú từ trong cổng này đi ra. Đến Nha Trang, Phú đi trước để gặp người thụ lý hồ sơ, sau đó gia đình ông T. đến Công an TP. Nha Trang thì cũng thấy Phú từ trong cổng này đi ra và yêu cầu ông T. đưa tiền để đưa cho cán bộ điều tra rồi lại quay vào trong, chừng 30 phút sau mới ra lại và bảo ông T. về chờ. Đầu giờ chiều, gia đình ông T. đến trụ sở công an thì cũng tận mắt thấy cán bộ điều tra đang làm việc với con rể ông T. Tin tưởng công việc đang tiến triển tốt, ông T. còn nhiều lần đưa tiền cho Phú. Sau mỗi lần, Phú đều có lý do lần lữa, khi thì cán bộ điều tra lùi lịch hẹn, lúc bảo cán bộ đi công tác… Nói như khóc, ông T. cho biết, tiền ông đưa Phú là tiền phải đi cầm cố nhà đất. Hiện giờ, ông phải thuê trọ, tiền cũng đã cạn. Vì vậy, cho dù tòa có trả hồ sơ thì đây cũng là lần cuối cùng ông tới tòa, bởi ông chẳng còn tiền đi lại!


Trước những lời trần tình xót xa của bị hại, Phú chỉ đều đều khai nhận lại hành vi và thanh minh rằng bị cáo không hề giới thiệu mình là công an, bị cáo cũng chỉ “hứa hỗ trợ” ông T. chứ không nói sẽ xin được tại ngoại! Nhưng Phú khai nhận không có khả năng lo tại ngoại cho con rể ông này. Phú cũng thừa nhận đến gặp người thụ lý vụ án không phải vì quen biết hay đặt vấn đề “chạy tại ngoại” mà chỉ để… trình bày việc muốn động viên con rể ông T. khai báo, qua đó hỗ trợ quá trình điều tra (!)


Bản án sơ thẩm đã tuyên với hình phạt 6 năm tù dành cho Phú. Nhưng dự phiên xử mới thấy, Phú đã cố tình cho bị hại “mắt thấy” để tin tưởng giao tiền. Thậm chí, Phú còn lợi dụng cơ hội được gặp cán bộ điều tra để xin trình bày mong muốn “hỗ trợ điều tra”, nhưng lại để cho gia đình ông T. chứng kiến cuộc gặp đó từ xa, từ đó củng cố niềm tin của người bị hại. Thực tế là hết lần này tới lần khác, Phú lừa ông T. để chiếm đoạt tiền và tiêu xài. Sai lầm của ông T. là phán đoán sự việc chỉ dựa vào “mắt thấy” nhưng “tai… không nghe”. Sự thật mà ông T. biết chỉ có một nửa, chỉ là cái vỏ bề ngoài. “Một nửa sự thật là giả dối” chính là đây!


TAM THUẬT