11:08, 23/08/2021

Giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước: Còn vướng mắc

Hiện nay, UBND cấp huyện lúng túng khi lựa chọn cơ quan tham mưu giải quyết hồ sơ yêu cầu bồi thường nhà nước, do pháp luật chưa có quy định cụ thể, còn nhiều vướng mắc.

Hiện nay, UBND cấp huyện lúng túng khi lựa chọn cơ quan tham mưu giải quyết hồ sơ yêu cầu bồi thường nhà nước (BTNN), do pháp luật chưa có quy định cụ thể, còn nhiều vướng mắc.


Quy định chưa chặt chẽ


Giải quyết BTNN là công việc mới, phức tạp; tuy nhiên, cán bộ phụ trách công tác này ở các cơ quan chuyên môn cũng chưa có kinh nghiệm, hầu hết làm kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian nghiên cứu chuyên sâu. Do đó, cán bộ tiếp cận hồ sơ thường lúng túng… Bởi lẽ, giải quyết yêu cầu BTNN có nhiều hoạt động xử lý nghiệp vụ phức tạp, cần sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan. Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố (đặc biệt là bên bị thiệt hại) làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết hồ sơ như: Thời gian xác minh thiệt hại, thương lượng, tính hợp lý, khách quan của chứng cứ chứng minh do bên thiệt hại cung cấp; nếu vụ việc giải quyết kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến quy định về giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và kết quả công tác cải cách hành chính của cơ quan, địa phương…


Trong khi đó, một trong những điểm mới căn bản của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017 so với Luật TNBTCNN năm 2009 là quy định đầu mối quản lý nhà nước (QLNN) về công tác BTNN. Theo đó, ở trung ương, Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng QLNN về công tác BTNN. Ở địa phương, sở tư pháp được giao giúp UBND tỉnh QLNN về công tác BTNN. Như vậy, Luật TNBTCNN năm 2017 và văn bản liên quan không quy định chức năng QLNN về công tác BTNN tại địa phương của UBND cấp huyện.


Bên cạnh đó, theo Nghị định số 108/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 37/2014; Thông tư số 07/2020 của Bộ Tư pháp chỉ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, còn phòng tư pháp cấp huyện không có chức năng tham mưu UBND cùng cấp thực hiện chức năng QLNN về công tác BTNN tại địa phương.


Lúng túng khi triển khai


Tuy Luật TNBTCNN năm 2017 không quy định chức năng QLNN về công tác BTNN của UBND cấp huyện, nhưng lại quy định rõ trách nhiệm giải quyết yêu cầu bồi thường. Cụ thể, khoản 3 Điều 33 nêu: “UBND cấp huyện là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình”.


Điều này khiến các địa phương băn khoăn, không biết cơ quan chuyên môn cấp huyện nào có trách nhiệm giúp UBND cùng cấp giải quyết khi phát sinh hồ sơ yêu cầu BTNN; việc tham mưu chỉ mang tính thời vụ hay ổn định, lâu dài… Khá nhiều địa phương cho rằng, chức năng tham mưu lĩnh vực này thuộc phòng tư pháp, bởi đã có thời gian dài thực hiện nhiệm vụ này theo văn bản hướng dẫn Luật TNBTCNN năm 2009. Đây cũng là cơ quan tham mưu cho UBND cùng cấp các vấn đề về pháp luật nên có chuyên môn sâu, có nhiều kinh nghiệm giải quyết hồ sơ.


Có quan điểm khác lại cho rằng, tùy tình hình địa phương và lĩnh vực chuyên môn phát sinh yêu cầu bồi thường mà UBND cấp huyện giao cơ quan chuyên môn phù hợp giải quyết. Cách làm này sẽ tạo sự linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể, không làm tăng thêm nhiệm vụ cho phòng chuyên môn. Điều này còn giúp cán bộ, công chức, viên chức không ngừng tự tìm tòi, nghiên cứu tài liệu để nâng cao trình độ, nêu cao ý thức trách nhiệm trong công việc, không để xảy ra sai sót khi giải quyết hồ sơ.


Tuy vậy, dù giao nhiệm vụ tham mưu giải quyết hồ sơ phát sinh theo khoản 3 Điều 33 Luật TNBTCNN năm 2017 cho phòng tư pháp hoặc cơ quan chuyên môn khác đảm nhận; giao theo vụ việc hoặc giao ổn định, lâu dài thì UBND cấp huyện cũng cần cân nhắc kỹ nhiều yếu tố như: Tình hình biên chế, số lượng đầu việc của cơ quan chuyên môn, lĩnh vực phát sinh yêu cầu bồi thường… Chỉ như vậy, cấp huyện mới có quyết định chính xác, phù hợp với thực tiễn địa phương, đặc biệt là bảo đảm chất lượng công tác tham mưu, nâng cao hiệu quả giải quyết yêu cầu BTNN.


Hải Dương