08:05, 26/05/2019

Đề xuất phạt 30 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 12 tháng với lái xe có nồng độ cồn vượt quy định

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.


Một trong những đề xuất đáng chú ý của dự thảo là sửa đổi tăng nặng hình phạt hành chính và tước giấy phép lái xe (GPLX) đối với người điều khiển xe ô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định.


Cụ thể, dự thảo nghị định sửa đổi khoản 11 Điều 5 “Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ” như sau: phạt tiền từ 26.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:


a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80miligam/100mililít máu hoặc vượt quá 0,4miligam/1 lít khí thở (tước GPLX từ 10 tháng - 12 tháng);


 b) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, chất ma túy của người thi hành công vụ (tước GPLX từ 10 tháng - 12 tháng);


c) Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy” (tước GPLX từ 22 - 24 tháng).


Như vậy, so với quy định hiện hành tại Nghị định 46, mức phạt tiền được đề xuất tăng từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng lên mức 26.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm.


Dự thảo cũng nêu rõ: phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi lùi xe trên đường cao tốc; điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20km/giờ.


Địa phương phải ưu tiên chi xử lý các điểm đen về giao thông


Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 28/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2018/TT-BTC (Thông tư số 01) quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT).


Trong đó, thông tư mới quy định rõ hơn một số khoản chi đã thực hiện trước đây. Ví dụ tại điểm a, khoản 1, điều 3 Thông tư số 01 trước đây chỉ ghi là “chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật TTATGT”, nay được quy định cụ thể hơn. Theo đó, chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật TTATGT, gồm: sản xuất, biên tập, phát sóng, phát hành, truyền tải sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, các chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản phẩm và các sản phẩm thông tin khác, tin nhắn qua điện thoại di động và mạng xã hội, tổ chức các buổi tọa đàm, cuộc thi, bình chọn, triển lãm ảnh...


Thông tư đã sửa đổi quy định về lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí TTATGT. Đối với địa phương, sở giao thông vận tải, công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ban ATGT các cấp lập dự toán kinh phí đảm bảo TTATGT theo nhiệm vụ được giao. UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định sử dụng nguồn kinh phí ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT và nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên địa bàn.


Riêng năm 2019, HĐND cấp tỉnh chủ động sử dụng nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT được bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương về ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, ưu tiên cho lực lượng công an, thanh tra giao thông vận tải và xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông theo quy định.


Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15-7-2019.


T.K