Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC46) Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, với những thủ đoạn không mới nhưng nhiều người dân trên địa bàn tỉnh vẫn bị sập bẫy bọn tội phạm công nghệ cao.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC46) Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, với những thủ đoạn không mới nhưng nhiều người dân trên địa bàn tỉnh vẫn bị sập bẫy bọn tội phạm công nghệ cao.
Nhiều người bị lừa đảo
Bà M. (đã nghỉ hưu ở phường Vạn Thạnh, TP. Nha Trang) nhận được nhiều cuộc gọi đến từ một người phụ nữ xưng là cán bộ PC46 Công an tỉnh Khánh Hòa, nói bà liên quan đến đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, người phụ nữ đưa máy cho một người đàn ông, xưng là cấp trên của người phụ nữ với nội dung ngụy tạo bà M. liên quan đến một đường dây mua bán ma túy. Tiếp đó, người đàn ông gọi điện cho bà M. yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản người đàn ông yêu cầu để phục vụ điều tra, nếu không sẽ bị bắt giam. Vì hoảng sợ nên bà M. đã chuyển 350 triệu đồng vào tài khoản theo yêu cầu của đối tượng. Cũng với thủ đoạn này, ông Đ. (cán bộ hưu trí phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang) đã chuyển tiền vào tài khoản đối tượng chỉ định 400 triệu đồng; bà H. (đã nghỉ hưu ở phường Phước Long, TP. Nha Trang) cũng chuyển vào tài khoản đối tượng chỉ định 140 triệu đồng…
Những thủ đoạn của tội phạm
Theo Thiếu tá Lương Lê Vân - Đội trưởng Đội Phòng, chống tội phạm công nghệ cao PC46, một trong số phương thức, thủ đoạn đối tượng thường sử dụng trong 2 năm gần đây là gọi điện thoại giả danh cơ quan công quyền như: công an, viện kiểm sát, tòa án, hoặc nhân viên thu cước điện thoại đe dọa yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt (gọi chung là thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại). Nhóm tội phạm này thường hoạt động ở địa bàn phía bắc; đối tượng cầm đầu chủ yếu là người Trung Quốc, thuê các đối tượng trong nước mở tài khoản, rút tiền. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn kết bạn, làm quen qua facebook, hứa hẹn tặng quà có giá trị cao, dẫn dụ chuyển tiền phí, lệ phí xác nhận với Hải quan để nhận quà tặng (gọi chung là thủ đoạn lừa đảo “bẫy tình” qua mạng xã hội). Nhóm tội phạm này thường hoạt động ở địa bàn TP. Hồ Chí Minh; đối tượng chủ mưu cầm đầu thường là người quốc tịch Nigeria, thuê các đối tượng mở tài khoản rút tiền. Thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng như; số tài khoản, mật khẩu, OTP…; sau đó sử dụng các thông tin này chiếm đoạt tiền trong tài khoản bằng các giao dịch điện tử (gọi chung là thủ đoạn lừa đảo lấy cắp thông tin tài khoản). Thủ đoạn lắp đặt thiết bị sao chép dữ liệu tại ATM để lấy cắp dữ liệu khách hàng; sau đó sử dụng các dữ liệu này để làm giả thẻ ATM, rút tiền chiếm đoạt (gọi chung là thủ đoạn lắp đặt thiết bị skimming). Đối tượng chủ mưu là người Trung Quốc thuê các đối tượng là người Việt Nam hoặc Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam theo dạng thị thực du lịch; đồng thời trang bị cho các đối tượng này các thiết bị sao chép dữ liệu như: thiết bị skiming, máy tính có cài phần mềm mã hóa, chuyển dữ liệu như: QQ, Wechat…. Sau khi các đối tượng này lấy cắp được dữ liệu sẽ chuyển cho các đối tượng cầm đầu ở Trung Quốc qua máy tính; các đối tượng Trung Quốc sử dụng dữ liệu lấy cắp được làm giả thẻ ATM rồi nhập cảnh vào Việt Nam để rút tiền chiếm đoạt. Đây là loại tội phạm xảy ra nhiều trong năm 2017, dự báo sẽ tiếp tục có chiều hướng gia tăng do Nha Trang là thành phố trung tâm du lịch. Phòng PC46 cảnh báo, một số thủ đoạn mới của tội phạm rút tiền qua ATM đã xuất hiện tại một số nước châu Âu và dự báo sẽ xuất hiện tại Việt Nam thời gian tới là hình thức tấn công hộp đen, tấn công giao dịch ngược và tấn công bằng phần mềm độc hại.
Cần đề cao cảnh giác
Công an tỉnh cảnh báo người dân: trong các trường hợp thông báo ngay cho Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) - Công an tỉnh Khánh Hòa (địa chỉ: 80 Trần Phú, Nha Trang; số điện thoại: 0694401500/ 0914094757/ 0979790007). |
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh cảnh báo người dân: đối với thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, “bẫy tình” qua mạng xã hội, lấy cắp thông tin tài khoản: dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại, yêu cầu gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ; không thực hiện các yêu cầu theo hướng dẫn của đối tượng; không nhấp vào các đường link trang web lạ, không đáng tin cậy; không cung cấp thông tin cá nhân trên các trang web có dấu hiệu nghi ngờ là giả mạo… Đối với thủ đoạn lắp đặt thiết bị skimming: khi giao dịch tại các máy ATM, cần lấy tay che chắn bàn phím khi thao tác nhập mã PIN (mật khẩu); thường xuyên thay đổi mật khẩu; không đặt mật khẩu dễ đoán như: ngày sinh, số chứng minh nhân dân; đăng ký với ngân hàng dịch vụ thông báo biến động số dư tài khoản qua điện thoại để phát hiện ngay những giao dịch không do chính mình thực hiện...
Theo ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm công nghệ cao trong hoạt động ngân hàng, ngành Ngân hàng đã rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng, mở và sử dụng tài khoản thanh toán; kiểm tra và giám sát chặt chẽ đảm bảo quy trình được thực hiện đúng và tuân thủ quy định pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát giao dịch thanh toán của các đơn vị chấp nhận thẻ để phát hiện các giao dịch đáng ngờ, đặc biệt là các đơn vị chấp nhận thẻ giao dịch với số tiền lớn, giao dịch nhiều lần, không phù hợp với thu nhập, hoạt động kinh doanh của đơn vị; có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng thẻ, tài khoản thanh toán để thực hiện giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm khác. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát hệ thống ATM, lắp đặt camera có độ nét cao, đảm bảo camera hoạt động tốt 24/7 để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nghi vấn; cài đặt, nâng cấp phần mềm, phần cứng thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ tại máy ATM; cảnh báo kịp thời cho khách hàng biết các thủ đoạn của tội phạm thẻ và hướng dẫn khách hàng cách tự bảo vệ thông tin cá nhân nhằm ngăn ngừa rủi ro trong giao dịch điện tử; phối hợp kịp thời với Công an tỉnh, các cơ quan chức năng khi phát hiện có giao dịch bất thường, có lắp đặt thiết bị lạ…; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngân hàng để chia sẻ, cập nhật thông tin về các thủ đoạn, hành vi phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng…
NAM DU
Năm 2017, Phòng PC46 điều tra, xử lý:
- 3 vụ gọi điện thoại giả danh cơ quan công quyền với tổng số tiền 790 triệu đồng; đã thu hồi tiền trả người bị hại hơn 744,4 triệu đồng.
- 5 vụ lừa đảo “bẫy tình” qua mạng xã hội với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng; thu hồi trả người bị hại số tiền hơn 30 triệu đồng.
- 3 vụ lừa đảo lấy cắp thông tin tài khoản với tổng số tiền 71,2 triệu đồng; thu hồi số tiền 17 triệu đồng.
- Đã xử lý hành chính 1 vụ, 2 đối tượng là người Trung Quốc có hành vi lắp đặt thiết bị skimming với số tiền 3 triệu đồng, thu giữ nhiều phương tiện, thiết bị đánh cắp dữ liệu.