04:09, 19/09/2013

Vài vấn đề về luật sư cho người bị hại chưa thành niên

Theo Luật Tố tụng hình sự, bị can, bị cáo chưa thành niên trong các giai đoạn tố tụng phải được chỉ định luật sư, còn đối với người bị hại là người chưa thành niên thì luật không bắt buộc.

Theo Luật Tố tụng hình sự, bị can, bị cáo chưa thành niên trong các giai đoạn tố tụng phải được chỉ định luật sư, còn đối với người bị hại là người chưa thành niên thì luật không bắt buộc. Hiện nay, đã có Thông tư quy định về vấn đề này, theo đó, có quy định việc tham gia của người bảo vệ quyền lợi của người bị hại là người chưa thành niên, tuy nhiên vấn đề là quy định này có phải là thủ tục bắt buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ hay không?


Từ vụ án “Giết người” bị hại là người chưa thành niên


Khoảng 8 giờ ngày 5-6-2012, Trần Viết Duy cùng 14 đồng bọn chuẩn bị hung khí chở nhau đến sân bóng chuyền bờ biển để đánh nhóm Huỳnh Thanh Nha. Đến đây, nhóm của Duy đánh chém Nha khiến Nha tử vong trên đường đi bệnh viện. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố 15 bị cáo về  tội “Giết người”. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh chỉ  định các luật sư bào chữa cho 15 bị cáo trong các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử vụ án này.


Người bị hại đã chết là Huỳnh Thanh Nha, là người chưa thành niên (sinh ngày 4-5-1997). Đại diện hợp pháp của người bị hại là Ông Huỳnh Công Chánh - (cha ruột của bị hại) trong giai đoạn điều tra, truy tố có yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại gần 140 triệu đồng. Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, ông Chánh mới có đơn đề nghị Tòa án mời luật sư để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại. Lúc này, Tòa án nhân dân tỉnh căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư liên tịch số 01/2011 của VKSNDTC-TANDTC, BTP-BLĐ-TBXH ngày 12-7-2011, hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên, mới có văn bản yêu cầu Đoàn Luật sư  tỉnh cử luật sư bảo vệ quyền lợi cho đại diện người bị hại trong phiên tòa sơ thẩm.


Luật sư bảo vệ cho bị hại - thủ tục bắt buộc?


Theo Thông tư 01, các cơ quan tiến hành tố tụng “phải báo cho người bị hại là người chưa thành niên hoặc cha mẹ, người đỡ đầu, người đại diện hợp pháp của họ về quyền nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại là người chưa thành niên”. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ phải báo quyền yêu cầu này cho họ biết, nhưng việc báo cho họ dưới hình thức nào (bằng miệng, bằng thông báo hay phải lập biên bản giải thích thông báo quyền yêu cầu cho người bị hại có chữ ký xác nhận của đại diện người bị hại...?). Vấn đề này chưa được hướng dẫn cụ thể. Và trong trường hợp có căn cứ xác định, các cơ quan tiến hành tố tụng không thông báo cho họ biết quyền này, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị hại chưa thành niên, thì việc không báo quyền nhờ luật sư của bị hại, có bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự không vì đây là một trong những căn cứ để hủy án hoặc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung?


Mặt khác, ở đoạn 2 khoản 1 Điều 14 thông tư quy định:“Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án cần yêu cầu Đoàn Luật sư phân công Văn phòng luật sư cử luật sư hoặc cơ quan, tổ chức có người bị hại là thành viên cử bào chữa viên nhân dân bảo vệ quyền lợi cho họ”. Quy định này vô hình trung đã “bỏ quên” vai trò của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, nơi có trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên là luật sư tham gia hoạt động tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho người chưa thành niên theo Luật Trợ giúp pháp lý. Và nếu họ không chọn lựa được được người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại thì theo yêu cầu hoặc đề nghị của họ, Thông tư không quy định các cơ quan tiến hành tố tụng “phải thực hiện việc chỉ định luật sư, mà chỉ quy định là “cần””. Vậy trường hợp nào “cần”, trường hợp nào “không cần”, là chưa quy định rõ. Cho nên đây là một quy định tùy nghi, áp dụng quy định này hay không là tùy thuộc vào ý muốn chủ quan của của người tiến hành tố tụng. Có quan điểm cho rằng, trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện việc thông báo quyền nhờ luật sư bảo vệ cho đại diện hợp pháp người bị hại chưa thành niên, dù họ không lựa chọn được người bào chữa và có đơn yêu cầu, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ định luật sư thì vẫn không bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, bởi cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có trách nhiệm hướng dẫn họ đến các Trung tâm trợ giúp pháp lý hoặc một số tổ chức hành nghề luật sư để họ trực tiếp lựa chọn, quyết định việc yêu cầu luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ một cách tốt nhất. Do Luật Tố tụng hình sự và Thông tư không quy định bắt buộc phải yêu cầu người bảo vệ quyền lợi  cho người bị hại nói chung, người bị hại chưa thành niên nói riêng. Các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không thể áp dụng tương tự Điều 57 Bộ Luật Tố tụng hình sự để thực hiện việc chỉ định luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại chưa thành niên…


Để áp dụng pháp luật thống nhất và đảm bảo quyền lợi của người bị hại là người chưa thành niên, người bị nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần… trong khi Luật Tố tụng hình sự chưa được sửa đổi bổ sung, thiết nghĩ Hội đồng thẩm phán - Tòa án nhân dân tối cao cần hướng dẫn  các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện đúng và đầy đủ về thủ tục yêu cầu luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại là người chưa thành niên trong các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử.


Luật sư Nguyễn Hồng Hà

 


 Việc tham gia của người bảo vệ quyền lợi của người bị hại là người chưa thành niên:


1. Cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo cho người bị hại là người chưa thành niên hoặc cha mẹ, người đỡ đầu, người đại diện hợp pháp của họ về quyền nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác bảo vệ quyền lợi cho người bị hại là người chưa thành niên.


Trường hợp người bị hại là người chưa thành niên hoặc cha mẹ, người đỡ đầu, người đại diện hợp pháp của họ không lựa chọn được người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại thì theo yêu cầu hoặc đề nghị của họ, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án cần yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử luật sư hoặc cơ quan, tổ chức có người bị hại là thành viên cử bào chữa viên nhân dân bảo vệ quyền lợi cho họ.


(Trích khoản 1 Điều 14 Thông tư liên tịch số 01/2011 của VKSNDTC-TANDTC, BTP-BLĐ-TBXH ngày 12-7-2011, hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên).