11:05, 24/05/2012

Diễn ra ngang nhiên và ngày càng nghiêm trọng

Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cái thuộc các xã: Diên Lâm, Diên Thọ, Diên Phước, Diên Lạc, Diên Phú, Diên Sơn (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đang diễn ra ngang nhiên và ngày càng nghiêm trọng.

Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cái thuộc các xã: Diên Lâm, Diên Thọ, Diên Phước, Diên Lạc, Diên Phú, Diên Sơn (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đang diễn ra ngang nhiên và ngày càng nghiêm trọng. Nhiều nhà dân sống hai bên bờ sông đang mất dần đi đất canh tác, vườn tược; nhà cửa cũng bị sạt lở nghiêm trọng, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào, đe dọa cả tính mạng, sức khỏe của họ. Mặc dù chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng tình trạng này vẫn chưa xóa bỏ được triệt để.

. Người dân điêu đứng

Các đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động ngang nhiên trên sông Cái.
Các đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động ngang nhiên trên sông Cái.

Đi dọc hai bên bờ sông Cái, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng loạt ghe, xuồng ngang nhiên hút cát trên sông. Tiếng máy nổ ầm ầm, tiếng xe cọc cạch, xe vận chuyển cát náo động hai bên bờ. Do mức độ khai thác cát diễn ra thường xuyên nên các vùng bờ tiếp giáp với khu vườn dân xuất hiện nhiều hố sâu. Khi mùa mưa lũ tới, nhiều diện tích đất vườn và nhà ở của người dân bị sạt lở, đe dọa trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân. Anh Trương Thanh Quyền, 42 tuổi, trú thôn Diên Thọ 1, xã Diên Thọ, một trong những hộ dân có đất nông nghiệp bị sạt lở nặng nhất, bức xúc: “Trước đây, nhà tôi có khoảng 1.000m2 đất vườn dọc bờ sông Cái trồng mai Tết và cây ăn quả. Nhưng sau đợt mưa lũ vừa qua, hơn 60% diện tích đất này đã bị cuốn xuống sông. Năm nay, người dân chúng tôi lại đối diện với nỗi lo mất nhà, mất đất khi mùa mưa đến gần”.

Không chỉ gia đình anh Quyền, một số hộ dân đang sống gần Trạm Thủy văn thôn Cẩm Sơn, xã Diên Lâm cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Nguyễn Hậu (61 tuổi, xã Diên Lâm) cho biết: “Những đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động từ khoảng 5 giờ đến 20 giờ; những hôm có trăng, chúng làm đến tận 24 giờ. Khi ghe chở cát chạy, sóng đánh vào hai bên bờ khiến cho đất đai, vườn tược sạt lở. Việc hút cát cũng làm cho dòng sông xuất hiện những hố sâu, là nguyên nhân dẫn tới lở đất hai bên bờ”.

Theo người dân phản ánh, ở hai bên bờ sông Cái, hàng ngày, có gần 100 xuồng, ghe đua nhau hút cát. Trung bình mỗi ghe, xuồng rút đi từ lòng sông khoảng 3-5 m3 cát/ngày, nghĩa là mỗi ngày có từ 300 - 500 m3 cát bị các đối tượng vận chuyển đi tiêu thụ. Với giá bán hiện tại khoảng 450 - 600 ngàn đồng/m3 cát (tùy chất lượng), 1 xuồng/ghe có thể kiếm được từ 2-4 triệu đồng/ngày. Chính nguồn lợi thu về quá cao đã khiến nhiều người đua nhau làm “cát tặc”.

. Cần biện pháp mạnh

Ông Nguyễn Xuân Thọ - Chủ tịch UBND xã Diên Thọ trao đổi với chúng tôi: “Tình trạng khai thác cát trên địa bàn những năm gần đây diễn ra hết sức phức tạp. Vì lợi ích kinh tế trước mắt, các đối tượng khai thác cát trái phép trên sông trở nên liều lĩnh và tinh vi. Khi cơ quan chức năng tới lập biên bản xử phạt, chúng tìm mọi cách tẩu thoát, nhiều đối tượng còn hăm dọa cả người thực thi công vụ. Tình trạng này, nếu tiếp tục kéo dài, sẽ để lại những hậu quả khôn lường”. Cũng theo ông Thọ, diện tích đất sạt lở do khai thác cát trong những năm qua chưa thể thống kê được số liệu chính xác, nhưng ước tính có khoảng hơn 6.000m2 đất nông nghiệp dọc hai bên bờ sông đã bị sạt lở hoàn toàn.

2
 Một trong những điểm tập kết mua bán cát tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh.

Ông Võ Thành Nhân - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diên Khánh cho biết: “Từ đầu năm 2011 đến nay, đội kiểm tra liên ngành của huyện đã xử lý hàng chục trường hợp khai thác và vận chuyển cát trái phép. Đồng thời, tịch thu 2 xe cọc cạch vận chuyển, 7 ghe hút cát, 4 đầu hút và hàng trăm vòi ống hút cát; xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn vẫn không hề giảm. Mỗi ghe khai thác cát trái phép thường có từ 3 - 5 người, trong đó có 2 - 3 đối tượng làm nhiệm vụ cảnh giới. Nếu thấy bóng dáng lực lượng chức năng là lập tức chúng cho chìm ghe bằng cách xả nước vào đầy ghe. Khi lực lượng chức năng rút lui, chúng lại cho ghe khác tới, dùng máy hút cát từ ghe chìm để trục vớt và tiếp tục khai thác”. Ông Võ Thành Nhân thừa nhận việc bắt ghe/xuồng khai thác cát không hề dễ dàng do lực lượng chức năng còn quá mỏng, khi xuất quân đi tuần tra thường bị các đối tượng phát hiện trước và kịp thời đối phó. Biện pháp trước mắt mà huyện Diên Khánh đưa ra là thường xuyên phối hợp với các xã lân cận thành lập các tổ kiểm tra để thay phiên nhau ngăn chặn, hạn chế vấn nạn này. Về lâu dài, chính quyền huyện chờ Công ty Trần Bình thực hiện đấu thầu Dự án Cải tạo, phục hồi môi trường sau khi khai thác. Còn Dự án Khai thác cát làm vật liệu xây dựng trên sông Cái và nhánh sông Chò thuộc sông Cái công suất 150.000m3/năm tại các xã Diên Lâm, Diên Phước, Diên Thọ… cũng của đơn vị này thì đang chờ Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét.

PHÚ VINH