Trước năm 1975, khi nhắc tới hai tiếng Đồng Bò, hầu hết dân Nha Trang đều e dè. Hoàng Ngưu Sơn, quen gọi là núi Đồng Bò, không biết từ bao giờ đã trở thành nơi bất khả xâm phạm. Vừa nhuốm màu huyền thoại bi hùng khi là thành trì của các lực lượng kháng chiến từ thời đánh Tây, vừa bí ẩn hiểm nguy, Đồng Bò hiện lên trong tâm thức mỗi người như chính họ cảm nhận. Bởi lẽ, người bên ngoài không ai thực sự biết bên trong dãy núi hùng vỹ xanh rì chạy dài từ Đông sang Tây, giáp ranh Diên Khánh, Cam Lâm, Ninh Hòa, như một vành đai kiên cố ngay sát thành phố ôm cả một vùng đồng trống lẫn rừng ngập mặn hàng trăm héc-ta đang ẩn chứa những gì. Thời chiến, những tiếng đạn pháo bom rền ngày ngày vang lên từ nơi đó, có lúc máy bay quần đảo phát loa và rải truyền đơn, những đụn khói đen sì vì cháy nổ lỗ chỗ bốc lên trên các sườn núi cách xa hàng kilômét vẫn nhìn thấy rõ. Đêm đêm từ những ô cửa sổ trong nội ô nhìn ra thấy hỏa châu pháo sáng bừng cả một góc chân trời phía tây thắp lên bao nhiêu nỗi lo ngại mơ hồ. Dường như có một cuộc chiến không cân sức đang diễn ra nơi đó. Cha tôi làm ở phi trường Nha Trang, nỗi lo bị pháo kích là có thật khi chỉ cách những ngọn núi phía ấy chưa đầy 5km đường chim bay. Giai đoạn quyết liệt nhất có lẽ là sau mùa xuân Mậu Thân 1968 với những trận càn quyết liệt kéo dài mấy tháng trời, những tưởng cả dãy núi Đồng Bò thành bình địa.
Hang, gộp Đồng Bò. |
Thời ấy, nhà cửa khu dân cư chỉ nằm mé bên này sông Tắc, một trong những nhánh sông gần cửa biển, bám quanh những cánh đồng rau màu phía ngoài bìa rừng sát chân núi. Nhìn đâu cũng thấy một vùng đồng không mông quạnh, nhấp nhô đồi núi, loang lổ rừng. Mùa khô, sông lờ đờ chảy qua rừng đước, rừng bần, qua bãi sú vẹt ra cửa biển, cạn trơ đáy lò dò đi bộ qua được. Mùa mưa là nơi lụt đầu tiên, ngó đâu cũng bãi sình lầy, nước tù đọng hôi hám, đất đai quanh năm mặn mòi cạn kiệt khô khốc. Chỉ có một vài con đường mòn ngoằn ngoèo lầm bụi rát nắng dẫn vô khu vực này từ phía sau đường Lữ Gia (đường Lê Hồng Phong bây giờ), đường Đồng Nai, đường Tỉnh lộ… Trẻ con ham vui cũng chỉ men tới quá mấy cánh đồng mót lúa bắt cá, đố dám vào sâu hơn hoặc đi giấc chạng vạng. Ấy vậy mà một bà cô hiền lành của tôi lại bỏ tất cả để vào trong đó lập một cái cốc tu một mình tại gia. Nơi bà lập cốc là Thủy Tú, sát chân núi Đồng Bò. Suốt thời chiến tranh, cô vẫn lặng lẽ ẩn dật trong cốc, tuần lễ đôi ba ngày đi về phố thị rồi ghé thăm nhà cha mẹ tôi. Cô dồn rất nhiều bao túi lỉnh kỉnh mua gom đường đậu mắm muối, thuốc men các kiểu, với số lượng không tưởng cho một người tu hành như cô. Không ai hỏi thêm, nhưng có lẽ ai cũng hiểu. Cái cốc của cô nằm ở bìa rừng ven sông, những con người lấy rừng núi làm căn cứ địa trên đường về nội thành công tác sẽ băng ngang qua. Dù sự tiếp tế này là công khai hay âm thầm thì đó cũng là điều đáng quý và can đảm. Mãi sau này khi tôi đủ lớn để có thể xin cô lời xác nhận thì người đã qua đời.
Sau năm 1975, rừng núi mở toang, những người con của núi rừng một thời nằm gai nếm mật tung bay về với đồng bằng ca khúc khải hoàn. Những người con thành phố e dè bỡ ngỡ ngược rừng chạm tay tới cái thế giới một thời bí ẩn và cấm kỵ. Thời giáp hạt giao mùa hậu chiến đầy đói kém và rối ren, núi rừng Đồng Bò lại trở thành nơi cưu mang cho biết bao người thất cơ lỡ vận. Cứ vào sáng tinh mơ, ngang nhà tôi, từng nhóm người lũ lượt tay cuốc tay rựa cơm đùm nước xách đi bộ hướng Đồng Bò, chiều tối lại gồng gánh kéo nhau về. Đó là công việc thịnh hành nhứt thời bấy giờ: Đi lấy củi, đốt than, vỡ hoang, săn bắt hái lượm... Bất kể những con đường mòn gai góc hầm hố lên bờ xuống ruộng, bãi bồi lau lách sú vẹt mặn chát lập phập lội qua, ai nấy đều hối hả tiến vào. Thậm chí, nguy cơ đe dọa tính mạng từ những bãi chiến trường năm xưa dường như cũng không làm người ta sờn lòng. Bao giờ rừng núi cũng dang tay đón nhận, không phân biệt kẻ đến người đi.
Cầu trên đường Phong Châu dẫn vô Đồng Bò ngày nay. |
Học sinh, cán bộ, công nhân viên đều đóng góp nhiều ngày công ở vùng đất này, phát hoang, xây dựng nông trường, khu kinh tế mới. Một vùng tài nguyên mênh mông hàng ngàn héc-ta hoang vu được đánh thức, cựa quậy hồi sinh. Mãi đến những năm 80 mới ngớt, khi cái công trình lớn nhất là nghĩa trang thành phố nằm ở cuối độc đạo dẫn vô hoàn thành. Nơi an nghỉ vĩnh hằng này rộng hàng chục héc-ta, được khai phá, san bằng ôm theo triền núi, cứ đào xuống chừng mét đất là đụng đá tảng. Xa xa, vẫn là dãy Hoàng Ngưu Sơn trầm mặc.
Cuối cùng rồi tôi cũng được đi vào lòng dãy núi này, 9 năm sau ngày đất nước hòa bình, cùng với chính những người đã từng sống, ăn ngủ và chiến đấu suốt thời chiến tại đây. Họ là những nhân chứng sống để chứng minh cho bản năng sinh tồn của con người một khi đã xác định lý tưởng thì không gì có thể quật ngã được. Đó là Trung tá Võ Hồng Quân, người đã lấy sinh mệnh mình viết nên thiên huyền thoại “12 ngày đêm chiến đấu trong gộp” khi đang là Thị đội trưởng năm 1968 được truyền tụng như một phần lịch sử đấu tranh cách mạng của Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung. Đó là chàng trai làng tên Giám, đội viên Đội công tác cơ sở một thời băng rừng lội suối về làng lên cứ như con thoi làm liên lạc và dân vận. Đó là Cao Hoài Phong, thủ lĩnh thanh niên sinh viên lẫy lừng với hoạt động bí mật trong nội thành. Họ và rất nhiều người khác nữa, đã trưởng thành, hy sinh thời thanh xuân và đi ra từ đây. Khi cùng đứng với họ trên Hòn Thị ngắm nhìn về thành phố đang lấp lánh ánh điện trong bầu trời hoàng hôn, tôi như hòa vào cảm giác của những năm tháng mà họ sống, chiến đấu một thời ở đây.
Cấu tạo địa chất đặc biệt của vùng này đã tạo nên rất nhiều hang hốc lớn nhỏ, những cái gộp kín đáo nối nhau suốt cả dãy núi rộng lớn chạy dài. Gộp ăn luồn vào trong lòng núi, lên xuống qua lại với nhiều ngóc ngách, miệng vào thường hẹp và khuất do có nhiều tảng đá lớn chất chồng nhưng khi vào sâu bên trong lại rất rộng và thoáng, mát lạnh. Có những lòng gộp chứa được cả trăm người. Các gộp có thể ăn thông với nhau và có hẳn nguồn nước bên dưới. Lựu đạn, trái cay ném vào miệng gộp cấp tập cỡ nào đi nữa thì cũng lăn tòm xuống các khe sâu và người bên trong vẫn cố thủ được do có thể ẩn nấp ở các ngách đá lưng chừng. Với địa hình như vậy thì có thể dễ dàng hiểu được vì sao trải qua nhiều thời kỳ, từ chống Pháp đến chống Mỹ, Đồng Bò luôn là căn cứ địa vững chắc, cho dù nằm kề nội ô và luôn trở thành mục tiêu cho chính quyền đương thời tập trung hỏa lực đánh phá khốc liệt. Nổi tiếng với địa thế to rộng và gắn liền với các sự kiện lịch sử là các gộp đã được đặt tên trong kháng chiến như: Gộp Đá Hang, gộp Ông Phật, gộp Leo Dây… ở phía đông; phía tây là gộp Kinh Tài, gộp Tuyên Huấn, bệnh xá tiền phương, gộp Suối Lùng… Tôi đã tận mắt nhìn thấy những dấu vết thời chiến còn sót lại, những cái sạp đủ một người nằm bằng tre cột lại bám vào vách đá như tổ chim, những cái bếp dã chiến nằm sâu trong lòng núi để hạn chế khói bay ra, những bao “bột” hóa chất có đóng dấu USA còn nguyên khằn vứt lại bên bờ suối…
Gần nửa thế kỷ ngưng tiếng súng đã trôi qua, Đồng Bò nay đã dần hình thành những khu đô thị mới với làng biệt thự, nhà cao tầng, đại lộ dọc ngang mang nhiều cái tên khác nhau, văn minh và thời thượng. Khu hang gộp, các căn cứ quân sự ngày nào cũng đã được tôn tạo đầu tư khai thác đưa người tham quan lên tận nơi. Một hồ thủy lợi nước trong xanh soi bóng núi rừng rất nên thơ cũng đã hình thành - Hồ Kênh Hạ. Các điểm du lịch sinh thái ngày một mở rộng với những danh xưng mỹ miều.
Liệu ai còn nhớ có một Đồng Bò trong ký ức?
ÁI DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin