22:53, 29/02/2024

Ngày qua và phố cũ   

LƯU CẨM VÂN

Khi ba má tôi đến Nha Trang và xây ngôi nhà đầu tiên trong đời mình ở Xóm Mới thì nơi đây chỉ là một vùng cát trắng hoang sơ, vắng vẻ còn thưa nhà cửa. Lúc đó, Xóm Mới chưa có nhiều con đường, khi bắt đầu xây nhà, má tôi đã phải chắt chiu gánh từng đôi nước từ con đường chính và đi qua bãi bờ, cát lún đến mắt cá chân. Chuyện đó má thường kể đi kể lại nhiều lần từ khi tôi còn nhỏ, nhưng đó chỉ là để nghe cho biết chứ khó hình dung lại thuở ban đầu khó khăn ấy.

Chợ Xóm Mới trên đường Ngô Gia Tự (Nha Trang).
Chợ Xóm Mới trên đường Ngô Gia Tự (Nha Trang).

Khi tôi lớn lên, đủ tuổi để bắt đầu có ký ức thì Nha Trang đã có nhiều con đường, tôi bắt đầu thấy Xóm Mới giống như một bàn cờ với những con đường ngang dọc với những ngã tư thẳng thớm. Nhà tôi ở cách chợ Xóm Mới chừng mươi mét, nếu lấy chợ làm trung tâm thì những con đường ngang dọc xung quanh đều rất gần nhau. Bởi vậy, từ khi còn nhỏ cho đến khi là một thiếu nữ, tôi đều đi bộ đến trường học. Mỗi ngày đến trường tôi đều đi từ đường Nguyễn Trãi (bây giờ là đường Võ Trứ), qua đường Huỳnh Thúc Kháng, Cô Bắc rồi rẽ qua đường Bùi Thị Xuân là đến cửa phía sau của Trường Tiểu học Tân Phước. Suốt những năm học tiểu học, tôi cứ đi theo những con đường ấy đến trường theo lời dặn của ba tôi là để đi gần hơn một chút và không có nhiều xe cộ.

Hồi ấy tôi còn quá nhỏ, không hề biết rằng nên nhìn ngó mọi thứ để sau này nếu thời gian có làm thay đổi thì mình vẫn còn giữ lại được trong ký ức của mình vài hình ảnh nào đó để mà nhớ, mà thương. Nhưng tôi cũng không cần phải thế vì cho tới ngày nay nơi này không thay đổi bao nhiêu. Năm lên trung học, tôi thi đậu vào Trường Nữ Trung học Nha Trang thì lộ trình đến trường của tôi có thay đổi chút xíu. Lần đầu tiên mặc áo dài đi ra đường, tôi cũng có một chút lúng túng vì dầu sao tôi cũng nghĩ là mình đã lớn. Tôi đi ngược lại với con đường cũ ra con đường Nguyễn Hoàng (bây giờ là đường Ngô Gia Tự) đông người và có nhiều xe cộ hơn vì là con đường đi ngang chợ. Chỉ là ba má dặn dò vì lo xa thế thôi, con đường ngang chợ thuở ấy mà tôi nhớ lại cũng không dập dìu cho mấy và tôi vẫn đi bộ mỗi ngày để đến trường.

Mỗi ngày mặc áo dài trắng, đội nón, ôm cặp, tôi đi qua đường Nguyễn Hoàng, rẽ qua đường Nguyễn Trung Trực, băng qua đường Tô Hiến Thành rồi thêm một khúc con hẻm thật nhỏ là đến cửa sau của trường. Trường Nữ Trung học Nha Trang khi đó mới thành lập nên còn dùng tạm khu nhà cũ nằm trên đường Lê Văn Duyệt (bây giờ là đường Nguyễn Thiện Thuật). Đó là những dãy phòng đơn sơ, tường quét vôi vàng, mấy khung cửa bằng gỗ sơn màu xanh da trời nằm trên mảnh sân nhỏ trải sỏi, thấp hơn mặt đường rất nhiều nên nắng bụi, mưa thì đầy bùn, nhưng nơi đó đã lưu giữ những kỷ niệm buổi ban đầu tôi chập chững bước vào tuổi thiếu nữ. Buổi ban đầu nào cũng lưu giữ những kỷ niệm đẹp khó quên nên sau đó không lâu trường có một nơi chốn khang trang xinh đẹp hơn thì trường cũ vẫn được nhắc lại rất trân trọng và thương mến.

Khi có trường mới, hành trình đi học của tôi dài hơn một chút. Đi hết con đường Nguyễn Hoàng mới qua đường vào đầu đường Đinh Tiên Hoàng là thấy ngôi trường mới rộng lớn sơn màu trắng và cũng những khung cửa sổ màu xanh da trời. Nơi đó tôi học tiếp những năm học cấp ba, đã biết mộng mơ, tơ tưởng về một tương lai tươi đẹp và sắp xếp mọi thứ cho ngày ra trường. Những năm tháng ấy hình như tuổi chúng tôi chỉ hướng về phía của kỳ thi. Có mơ mộng tới đâu thì cũng chỉ ngày hai buổi cắm cúi ôm cặp đến trường, đếm những con đường, bao nhiêu khúc quanh và những ngôi nhà nhưng chỉ thoáng qua rồi mất hút tự nhiên. Vậy mà khi đã lớn, từ giã trường học bước vào đời thì thi thoảng lại nhớ, nhớ da diết mà thương quá những ngày tháng học trò.

Bây giờ bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, bao nhiêu ngày nắng, bao nhiêu ngày mưa cũng theo cuộc đời mà thay đổi ít nhiều. Một hôm nào đó ngồi trong quán cà phê cuối con đường cũ, bỗng nhìn thấy cây bàng cao lớn um tùm những chiếc lá non xanh mướt tự hỏi có phải chỗ này mình đã từng đi qua, từng ngắm nhìn tàng lá bàng có lúc màu vàng hay đỏ, lỗ chỗ bóng nắng in xuống mặt đường. Tự nhiên nhớ và kể cho người bạn đi cùng rằng trên con đường này ngày xưa đi học mỗi ngày, hầu như hôm nào tôi cũng đi sau một cặp đôi, chàng mặc đồng phục của Trường Võ Tánh và nàng tất nhiên là học trò Trường Nữ Trung học Nha Trang. Năm tháng đi qua, đã nhiều mùa hạ, mùa thu đi qua, vậy mà vẫn nhớ nhiều chuyện đã gặp trên những con đường đi học. Không biết cặp đôi ngày xưa có được cùng nhau bước chung trong cuộc đời hay không, nhớ tới và chúc cho họ đã chung đôi và hạnh phúc viên mãn.

Những con đường cũ bây giờ đã thành phố phường, có rất nhiều thay đổi, dù vậy vẫn nhìn thấy một vài ngôi nhà hầu như còn nguyên, như là năm tháng không có tác động gì. Đó là một ngôi nhà nằm trên đường Nguyễn Hoàng, hồi đó là một cửa hàng nhỏ bán dụng cụ học sinh, thỉnh thoảng tôi có ghé lại mua cục gôm hay cây viết chì. Rất lâu về sau đi ngang thì cửa hiệu không còn, vẫn là cái cửa sắt sơn màu xám nhưng thường xuyên đóng cửa, thỉnh thoảng mới thấy một đôi vợ chồng đứng tuổi ngồi phơi nắng. Lâu dần, có dịp đi ngang chỉ thấy một phụ nữ tóc bạc phơ ngồi ở bệ cửa, mắt nhìn ra đường chẳng buồn chẳng vui. Bây giờ có dịp đi ngang, không nghĩ gì mà vẫn nhìn lại ngôi nhà, cánh cửa sắt màu xám lâu rồi không còn mở, chợt thấy lòng buồn chơi vơi.

Tôi không còn ở gần chợ Xóm Mới đã lâu rồi nhưng hàng tuần vẫn đi chợ một lần. Vẫn là những con đường thẳng thớm như trên bàn cờ, nhiều ngôi nhà đã đổi chủ nhưng phố cũ không thay đổi nhiều. Lâu lâu đi chợ lại gặp người quen, cùng cười và hỏi thăm nhau vài câu, nhưng cũng có khi gặp vài người mình không biết vì khi mình còn ở đó họ còn quá nhỏ để mình nhớ. Thời gian là thứ trôi đi không có gì ngăn lại được. Phố rồi cũng sẽ cũ nhưng những gì liên quan đến phố vẫn không phai trong lòng những người con của phố.

Nên phố là nơi mà ai đi cũng nhớ về.

Báo Khánh Hòa trân trọng mời các cộng tác viên, bạn đọc tham gia gửi bài dự thi 
về địa chỉ email:cuocthivietvenhatrang@gmail.com

LƯU CẨM VÂN