21:45, 27/02/2024

Nắm tay nội đi qua những cánh đồng

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nha Trang hơn 50 năm trước như thế nào? Bạn có từng sống với Nha Trang vào thời gian đó mới cảm nhận được sự thay đổi của thành phố hôm nay.

Khi ấy, hai bên con đường Cao Bá Quát gần như không nhà cửa. Bạn chẳng thể đi xuyên đường Lê Hồng Phong (đường Lữ Gia trước đây) ra Mả Vòng mà bị chặn lại bởi Quân Trấn. Lúc bấy giờ, chiếc xe đạp là một phương tiện đi lại sang trọng, xe máy có Mobylette và Solex. Khi ấy, biển Nha Trang còn hoang sơ với bãi cát tràn bờ, điểm nhấn là bồn nước giờ vẫn còn cạnh Tháp Trầm Hương.

Đường Trần Phú...

 

và đường Đồng Bò hôm nay
...và đường Đồng Bò hôm nay

Nha Trang của 50 năm trước, cả khu Bình Tân không dân cư, chỉ là khu quân sự. Đường Lê Hồng Phong đoạn từ Vân Đồn tới Phước Long chênh vênh nhỏ xíu, có tên là liên tỉnh lộ 4, dẫu là con đường cụt. Con đường nhìn ra khu vực bên trái là sân bay, bên phải là đồng ruộng, sông Tắc cắt ngang khu dân cư qua Đồng Bò, 2 bên bờ sông có rất nhiều cây dừa nước và bạt ngàn cây đước là nơi sinh sống của cá tôm.

Nha Trang của tôi ngày đó là những con đường rộng thênh thang, nhà ở đường Trần Nhật Duật, ngày đó gọi là đường Phước Hải nối dài (đường Phước Hải là đường Nguyễn Trãi bây giờ). Con đường trũng xuống, cuối đường là đường Vân Đồn hồi đó được đặt tên là đường số 1. Đường Vân Đồn khi ấy nối với đường Nguyễn Thị Minh Khai bởi một con đường nhỏ, chen qua những ngôi nhà rất nhỏ.

Ký ức của tôi là nơi đó, những cánh đồng ở đó nay đã hình thành các khu đô thị. Mùa mưa, con đường Phước Hải nối dài có khi ngập nước bởi chưa có hệ thống thoát nước. Hồi đó, tôi học Trường Tiểu học Phước Hải gần nhà, nay là Trường Phước Hòa 2. Tất nhiên là sau nửa thế kỷ, ngôi trường đã xây dựng thêm và có nhiều thay đổi, nhưng cây xà cừ trước trường vẫn còn.

Ngôi nhà của nội cũ kỹ, tường bị nứt không có tiền để sửa chữa, phía sau nối thêm bằng các tấm ván gỗ, có một khoảng đất rộng để tôi trồng đủ loại rau: Khoai lang, húng quế, cải, khoai tây và cả xà lách… Nội làm đủ công việc kiếm sống và nuôi cháu. Hàng ngày, nội đi làm cỏ lúa, gặt lúa thuê… nói chung là các việc liên quan đến đồng ruộng, vì khi ấy việc đồng áng vẫn còn hoàn toàn bằng tay chân. Còn tôi hàng ngày đi học, có khi về phụ nấu nồi cơm với bếp củi, thức ăn do nội thu được con cá, con cua từ những buổi đi làm.

Bạn không hình dung đồng lúa như thế nào đâu, bây giờ chạy xe đi hết con đường Lê Hồng Phong là gặp đường Phước Long và chỗ nào cũng là nhà cửa. Nhưng thực ra khu vực nhà cửa bên phải đường Lê Hồng Phong là ruộng lúa. Bây giờ đi thấy gần, nhưng hồi đó xa tít, xa lắm. Vào mùa hè, tôi nắm tay nội đi qua những cánh đồng, bàn tay nội chai sạm vì bao công việc, cứ dắt tôi một tay, tay kia giữ chiếc đòn gánh gánh 2 cái thúng đi về phía đồng ruộng.

Những cánh đồng ngày đó nằm dọc suốt con đường, có nơi làm lúa, chỗ trồng khoai lang hay giàn trồng đậu đũa, đậu cô-ve… Họ làm những căn nhà tranh có khi ở đó luôn, có sân bằng đất sét hoặc xi măng để phơi lúa hoặc nông sản. Thường có rất nhiều con rạch nhỏ nước chảy chia khắp nơi để lấy nước vào đồng ruộng. Những con rạch có rất nhiều cua, cá nhỏ, nhất là ốc bươu. Theo nội, tôi đi dọc các con rạch bắt cua và ốc, đó cũng là thức ăn của 2 bà cháu. Có khi 2 bà cháu lại đi mót khoai lang ở những thửa ruộng khoai lang người ta thu hoạch xong. Lạ là chỉ cần bới lên là gặp những củ khoai nhỏ còn sót lại, hoặc sau một cơn mưa, những củ khoai sẽ nhú mầm nên rất dễ phát hiện. Mót lúa cũng là một công việc kiếm sống, cứ đi sau những người gặt lúa, cầm theo cái liềm để mót những cây lúa cắt còn sót. Và đó là những buổi trưa mùa hè của tôi nằm dựa vào cây rơm, dưới bóng một cây xanh, ăn củ khoai lùi vừa mót được, ngủ trong cơn gió thơm cỏ cây vuốt ve.

Có lúc không ai thuê làm việc, nội dắt tôi đi hái củi. Sáng sớm, nội làm cơm nắm, bọc trong lá chuối trong tay nải bằng vải và muối mè. Nội dắt tôi đi, con đường từ nhà đến khu rừng là sông Tắc bây giờ rất xa, ngay con đường Phong Châu có cây cầu bắc qua là con đường nhỏ, bao quanh có nhiều bụi tre và những vườn cây. Ở ngay bến sông có chiếc thuyền gỗ nối dây 2 đầu, 2 bà cháu leo lên chiếc thuyền kéo dây qua bên kia bờ, rồi tôi tiếp tục nắm tay nội đi về phía sông, dùng rựa chặt những nhánh đước khô chất lên gánh về làm củi. Trên gánh của nội có cái nơm bắt cá, khi chặt củi thấy nước chao bọt thì chụp nơm xuống, thế nào bên dưới cũng có cá hoặc cua. Củi đem về cứ xếp dọc theo hàng rào để dùng lần.

Tất nhiên Nha Trang bây giờ đã khác, những nơi chốn tôi nắm tay nội đi qua đã nhòa theo ký ức. Nội cũng đã vĩnh viễn rời xa thế gian này từ rất lâu rồi. Để đôi khi tình cờ nhìn thấy một đứa trẻ nắm tay bà, tôi lại nhớ những ngày nắm tay nội đi qua những cánh đồng.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG