20:34, 18/04/2023

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn (20-4-1953 - 20-4-2023):
Công tác phối hợp giữa Tỉnh ủy và Đảng ủy Liên khu 5 trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Tiểu đoàn 59 trên chiến trường Khánh Hòa

Quán triệt Nghị quyết của Đảng ủy Liên khu 5 về “Tiêu diệt địch, bồi dưỡng ta, đẩy mạnh phong trào địa phương và tạo điều kiện cho chủ lực học tập nâng cao đánh vận động”, năm 1953, Bộ Tư lệnh Liên khu ủy đã chủ trương mở chiến dịch Hè. Theo đó, đại bộ phận Trung đoàn 803 được lệnh lên Nam Tây Nguyên chiến đấu, riêng Tiểu đoàn 59 vào Khánh Hòa làm nhiệm vụ: “Tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, phá thế uy hiếp của địch đối với vùng du kích, hỗ trợ phong trào chiến tranh du kích vùng sau lưng địch, tham gia củng cố cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang địa phương”. Trong khoảng thời gian 2 tháng hoạt động ở chiến trường Khánh Hòa (từ tháng 3 đến đầu tháng 5 năm 1953), Tỉnh ủy Khánh Hòa và Đảng ủy Liên Khu 5 đã có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời, hiệu quả mọi hoạt động của Tiểu đoàn 59, thể hiện rõ nét trên 3 lĩnh vực trọng yếu sau:

Thứ nhất, phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo Tiểu đoàn 59 cùng với lực lượng địa phương thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương

Ngày 10/02/1951, để tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị chủ lực và các địa phương, Ban Thường vụ Trung ương ban hành Chỉ thị, trong đó nêu rõ:

- “Từ nay hễ quân đội đến địa phương nào, cấp ủy Đảng và cấp chỉ huy của quân đội phải có trách nhiệm tìm, liên lạc ngay với cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Ngược lại, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương khi thấy quân đội đến địa phương mình cũng phải tìm cách liên lạc với cấp ủy và cấp chỉ huy của quân đội”;

- “Trong thời gian quân đội hoạt động ở địa phương, cấp ủy Đảng trong quân đội phải báo cáo cho cấp ủy Đảng địa phương biết rõ chủ trương quân sự của đơn vị mình liên quan đến địa phương và khi đổi đi nơi khác, phải báo cáo cho cấp ủy địa phương biết. Ngược lại, cấp ủy Đảng địa phương cũng phải báo cáo cho cấp ủy Đảng trong quân đội rõ những chủ trương của địa phương mình liên quan với quân đội”.

Bám sát tinh thần đó, đầu tháng 12/1951, Đảng ủy quân sự Liên khu 5 quyết định thành lập Đảng bộ Trung đoàn 108 và 803 (đây là hai trung đoàn chủ lực của Liên khu), chỉ định Đảng ủy lâm thời Trung đoàn 108 do đồng chí Nguyễn Quyết làm bí thư, đồng chí Nguyễn Bá Phát làm phó bí thư. Đồng thời, chỉ định Đảng ủy lâm thời Trung đoàn 803 do đồng chí Nguyễn Sắc Kim làm bí thư, đồng chí Lư Giang làm Phó Bí thư và các ủy viên. Theo quyết định của Đảng ủy quân sự Liên khu 5, việc thực hiện chế độ Đảng ủy trước hết thực hiện ở Bộ Tư lệnh Liên khu và các trung đoàn chủ lực 108 và 803 của Liên khu để rút kinh nghiệm. Các trung đoàn hoạt động độc lập ở các địa phương, thì Tỉnh ủy địa phương trực tiếp lãnh đạo theo nguyên tắc của Ban Thường vụ Trung ương đã quy định.

Đây là cơ sở, nền tảng và nguyên tắc cơ bản bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Liên khu 5 đối với các đơn vị quân đội của Liên khu. Và đó cũng căn cứ, điều kiện tiên quyết hình thành mối quan hệ phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Liên khu 5 với các tỉnh ủy, trong đó có Tỉnh ủy Khánh Hòa đối với các đơn vị quân đội hoạt động trên địa bàn.  

Tháng 3/1953, theo mệnh lệnh của cấp trên, Tiểu đoàn 59 được giao nhiệm vụ tách khỏi đội hình Trung đoàn 803, hành quân vào chiến trường Bắc Khánh Hòa, phối hợp với lực lượng địa phương mở đợt hoạt động mạnh nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, gây ảnh hưởng chính trị rộng rãi trong Nhân dân, tạo điều kiện giúp cho địa phương phát triển cơ sở, xây dựng du kích, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng sau lưng địch; đồng thời, phối hợp với chiến trường phía Nam của Liên khu phá thế uy hiếp của địch đối với vùng tự do Phú Yên.

Sau một tuần lễ vào Phú Yên, băng qua sông Ba, vượt dốc Chanh,   Tiểu đoàn đã dừng chân tại căn cứ Đá Bàn. Theo yêu cầu của Tỉnh ủy và Tỉnh đội Khánh Hòa, đồng chí Tiểu đoàn phó Phan Quang Tiệp cùng  Đại đội 11 đảm nhận nhiệm vụ về Hòn Hèo, một vùng sát biển Ninh Hòa hoạt động; địa bàn còn lại Đại đội 6, Đại đội 4 và Đại đội 8 trợ   chiến, do các đồng chí Nguyễn Lựu - Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Phạm Đạo - Chính trị viên chỉ huy. Từ đây, mọi hoạt động chiến đấu, huấn luyện, công tác và sinh hoạt của Tiểu đoàn 59 đều được sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất của Tỉnh ủy Khánh Hòa và Đảng ủy Liên khu 5.

 

Ông Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nghe báo cáo về căn cứ Đá Bàn và trận đánh Vườn Gòn. Ảnh: XUÂN THÀNH
Ông Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nghe báo cáo về căn cứ Đá Bàn và trận đánh Vườn Gòn. Ảnh: XUÂN THÀNH

Thứ hai, phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo Tiểu đoàn 59 thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trên địa bàn tỉnh

Phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chiến đấu là nội dung phối hợp quan trọng hàng đầu của Tỉnh ủy Khánh Hòa và Đảng ủy Liên khu 5 đối với Tiểu đoàn 59, nhất là trong xác định quyết tâm và tổ chức thực hành chiến đấu. Trong thời gian hoạt động trên chiến trường Khánh Hòa, Tiểu đoàn chịu sự chỉ đạo và chỉ huy trực tiếp của Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Quân sự tỉnh, đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng địa phương mở đợt hoạt động nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, đi đôi với tranh thủ ảnh hưởng chính trị rộng rãi trong Nhân dân, tạo điều kiện phát triển cơ sở, đào tạo cán bộ địa phương, xây dựng du kích.

Là đơn vị được giao nhiệm vụ đi đầu trong việc đánh phá hệ thống tháp canh của địch trên các trục lộ giao thông vùng tạm chiếm ở Quảng Nam, Khánh Hòa, Tiểu đoàn 59 đã góp phần đánh bại âm mưu dồn dân, kiểm soát, kìm kẹp, bình định của địch nhằm tách lực lượng kháng chiến của  ta ra khỏi dân. Qua đó, phối hợp với chiến trường Liên Khu 5 phá thế uy hiếp của địch đối với vùng tự do Phú Yên.

Chỉ sau hơn một tháng vào Khánh Hòa hoạt động, Tiểu đoàn đã làm nên nhiều chiến tích vẻ vang: diệt 10 tháp canh, đặc biệt là, đánh thiệt hại nặng một lực lượng lớn quân địch  càn quét vào chiến khu Đá Bàn, lập nên chiến công Vườn Gòn - Đá Bàn - ghi dấu trận chiến đấu anh hùng của Tiểu đoàn 59 tại Ninh Hòa, Khánh Hòa trong tương quan bất lợi cho ta, khi phải đối đầu với lực lượng mạnh của địch do viên Thiếu tướng Pháp Lơ-Băng dày dạn kinh nghiệm trận mạc, chỉ huy đội quân Âu - Phi thiện chiến, với quân số đông, được trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại.

Như vậy, mặc dù xa sự chỉ huy, chỉ đạo của Trung đoàn 803, song nhờ có sự phối hợp tốt với địa phương theo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Tỉnh ủy Khánh Hòa và Đảng ủy Liên khu 5, Tiểu đoàn 59 đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, vận dụng tốt phương châm công tác vùng sau lưng địch của Trung ương Đảng; kết hợp chặt chẽ giữa ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích) trong công tác phát động Nhân dân đứng lên đánh địch, đòi cải thiện đời sống; vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và thành công phương thức “Tác chiến du kích kết hợp với tác chiến tập trung của chủ lực” vào điều kiện cụ thể của chiến trường; tiếp thu và nâng cao yếu tố kỹ thuật, chiến thuật của quân đội trong cách đánh tháp canh, đánh cứ điểm, nên đã anh dũng anh dũng chiến đấu và chiến thắng, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn lập công xuất sắc.

Thứ ba, phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo Tiểu đoàn 59 trong nhiệm vụ tổ chức xây dựng, huấn luyện lực lượng địa phương tỉnh Khánh Hòa

Tổ chức xây dựng, huấn luyện lực lượng địa phương là một nhiệm vụ quan trọng của Tiểu đoàn khi được Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 giao nhiệm vụ đến chiến trường Khánh Hòa.

Sau trận chống càn thắng lợi, theo đề nghị của Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa, Tiểu đoàn cử đồng chí Trương Công Vọng - cán bộ của Tiểu ban Chính trị Tiểu đoàn - cùng 9 đồng chí khác vào Nam Khánh Hòa, hỗ trợ địa phương phát triển chiến tranh du kích. Do lực lượng kháng chiến ở đây, nhất là lực lượng vũ trang địa phương còn tương đối yếu, quân địch ít khi bị tấn công, nên mang tâm lý chủ quan, xem thường. Chính vì thế, với việc thực hiện phương thức tác chiến phù hợp, vận dụng lối đánh đặc công, chỉ trong một đêm, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn và lực lượng địa phương đã tiêu diệt ba tháp canh Phú Nẫm, Phú Cốc, Cầu Thành và tiếp đến, diệt tiếp hai tháp canh Am Chúa,    Đảnh Thạnh.

Sau đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa và Đảng ủy Liên khu 5, Tiểu đoàn đã hỗ trợ và phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở, xây dựng du kích, tổ chức xây dựng, huấn luyện lực lượng địa phương, thúc đẩy chiến tranh du kích. Đến cuối tháng 5/1953, sau khoảng hơn hai tháng vào Khánh Hòa hoạt động độc lập. Tiểu đoàn 59 đã tổ chức xây dựng, huấn luyện cho địa phương một trung đội biết cách đánh đặc công;   góp phần phát triển chiến tranh du kích ở vùng địch hậu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.

Tựu trung lại, có thể khẳng định, với binh lực hạn chế, quân ta đã đánh thắng cả một trung đoàn địch mạnh về quân số và hỏa lực, làm thất bại âm mưu càn quét của địch, bảo vệ an toàn chiến khu Đá Bàn. Thắng lợi của trận chiến Vườn Gòn - Đá Bàn đã tạo nên tiếng vang lớn, trở thành “cơn ác mộng” đối với quân Pháp - Ngụy; thể hiện sự trưởng thành và lớn mạnh của Tiểu đoàn 59, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ mà cấp trên và Nhân dân giao phó; phản ánh sâu sắc tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng, sự nỗ lực phấn đấu, hy sinh, tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn. Trong đó, nhân tố có ý nghĩa quyết định làm nên sự trưởng thành và lớn mạnh, đó chính là sự phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất của Tỉnh ủy Khánh Hòa và Đảng ủy Liên khu 5 đối với Tiểu đoàn.

Bài phát biểu tham luận của Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa

tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn (20-4-1953 - 20-4-2023)