23:25, 18/04/2023

Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn: Kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang quân khu 5 hiện nay

Tiểu đoàn 59 thành lập ngày 10 tháng 6 năm 1950 tại xã Tam Chánh, huyện (nay là thành phố) Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Đồng chí Nguyễn Lựu - Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Phạm Đạo - Chính trị viên Tiểu đoàn. Biên chế gồm: Đại đội 6 (Đà Nẵng), Đại đội 11 (Quảng Nam); cuối năm 1950, bổ sung Đại đội 4 (Quảng Nam). Tiền thân của Tiểu đoàn 59 là các đội biệt động hoạt động nội thành, chiến đấu bảo vệ thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến (1946). Tiểu đoàn 59 là “con đẻ” của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng. Vừa mới thành lập, Tiểu đoàn tham gia chống càn ở Điện Hòa, phục kích ở xã Điện Phong (Điện Bàn)… Năm 1951, Tiểu đoàn vào huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) để củng cố, sau đó tiếp tục chiến đấu tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Tháng 11 năm 1951, Tiểu đoàn hành quân vào Bình Định, chính thức trực thuộc Trung đoàn 803 chủ lực Liên khu 5. Tiểu đoàn được biên chế thêm Đại đội 8 trợ chiến (cối, đại liên). Tiểu đoàn 59 hoạt động trên chiến trường Tây Nguyên. Năm 1952, Tiểu đoàn tham gia chiến dịch Hè Thu, thọc sâu vào vùng địch, tiến công tiêu diệt cứ điểm Đồn Nhất - Hải Vân Quan (ngày 25/9/1952).

Đầu năm 1953, Tiểu đoàn 59 tham gia chiến dịch An Khê, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch này, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của chủ lực Liên khu 5. Sau chiến dịch An Khê, Tiểu đoàn 59 nhận lệnh tiến vào Bắc Khánh Hòa để đẩy mạnh hoạt động ở vùng sau lưng địch. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa, đơn vị cùng với địa phương thành lập Ban Chỉ huy chung, gồm: Đại diện Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn 803, Ban Chỉ huy Tỉnh đội, Tiểu đoàn 59, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy. Ngày 06/4/1953, Tiểu đoàn 59 tiêu diệt hai tháp canh Tân Phong, Nhĩ Sự thuộc Ninh Thân (huyện Ninh Hòa, nay là Thị xã Ninh Hòa); Đại đội 700 của địa phương phối hợp tác chiến, bao vây đồn Quảng Cư (Ninh Thượng, nay là xã Ninh Trung) để kiềm chế quân địch, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 59 tiêu diệt hai tháp canh.

Vè kháng chiến của nhân dân Ninh Hòa có câu:

“Tân Phong, Nhĩ Sự hai làng,

Có hai bót giặc gây ngàn đau thương,

Tháng năm chồng chất căm hờn,

Vì mưu giặc Pháp cùng đường hại dân”

Sau chiến thắng Tân Phong, Nhĩ Sự, nhân dân địa phương nổi dậy đấu tranh mạnh mẽ. Quân địch hoang mang, lo sợ; chúng không còn khả năng ngăn chặn phong trào cách mạng, nên buộc phải dừng việc dồn dân và vơ vét lúa gạo. Thừa thắng, Tiểu đoàn 59 tiêu diệt tiếp tháp canh Cầu Lớn (Ninh Thọ), Mỹ Lệ (Ninh Đa), Hội Bình (Ninh Phú), bắt hàng trăm tù binh và thu nhiều vũ khí. Chỉ trong một thời gian ngắn, Tiểu đoàn 59 đã diệt 5 tháp canh. Đơn vị chuẩn bị đánh đồn Quảng Cư thì phát hiện địch huy động lực lượng lớn chuẩn bị càn quét, nên khẩn trương lui về căn cứ Đá Bàn chuẩn bị chiến đấu.

Về địch, để đối phó với Tiểu đoàn 59 và các lực lượng cách mạng của ta liên tục tiêu diệt các tháp canh, thực dân Pháp huy động lực lượng lớn quân Âu - Phi tinh nhuệ từ Bình Trị Thiên đổ bộ lên cửa biển Hòn Khói (ngày 18/4/1953), kết hợp với lực lượng của Tiểu khu Khánh Hòa từ Nha Trang kéo ra Ninh Hòa, do viên Thiếu tướng Le Blanc (Lơ-Bơ-Lăng) chỉ huy, chia làm 3 cánh, có máy bay và pháo binh yểm trợ, càn quét lên căn cứ Đá Bàn nhằm tiêu diệt Tiểu đoàn 59 và cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến của tỉnh Khánh Hòa.

Từ trung tâm thành phố Nha Trang theo đường số 1 hướng ra Bắc, đi qua thị xã Ninh Hòa, đến ngã tư Đá Bàn, rẽ trái theo đường số 7 sẽ đến hồ Đá Bàn. Xung quanh hồ là núi cao. Sông Đá Bàn chảy từ Tây Bắc vào hồ. Khu vực này được tỉnh Khánh Hòa khảo sát và xây dựng thành căn cứ địa cách mạng từ đầu năm 1951. Căn cứ chia làm 3 khu: Khu Bắc, khu Trung và khu Nam. Mỗi khu có cán bộ chính quyền, đoàn thể, dưới sự quản lý, điều hành chung của Ủy ban Căn cứ địa. Tất cả thanh niên trong khu căn cứ, trại viên trại sản xuất được tổ chức thành du kích, trang bị súng, lựu đạn, mìn…, vừa tham gia sản xuất vừa làm nhiệm vụ bố phòng đánh địch. Lực lượng vũ trang tập trung của căn cứ có 2 tiểu đội, làm nhiệm vụ canh gác các trục đường chính dẫn vào căn cứ, tổ chức hệ thống thông tin, báo động bằng kẻng mỗi khi máy bay, bộ binh địch xâm nhập. Bảo vệ từ xa có du kích các xã vùng ngoại vi, các chốt, các đài quan sát của trinh sát, quân báo huyện, tỉnh. Căn cứ Đá Bàn có diện tích rộng; được bố phòng chặt chẽ bằng các tuyến chông, mìn, cạm bẫy; nguồn lương thực, thực phẩm được đảm bảo tương đối ổn định. Đây là nơi đứng chân của các các cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính, Tiểu đoàn 59 và các đơn vị bộ đội địa phương… Trong căn cứ còn có Trường Đảng của tỉnh, lò rèn nông cụ, xưởng quân giới sửa vũ khí, bệnh xá, trại giam tù binh... Căn cứ Đá Bàn là chỗ dựa chung cho cả tỉnh, có ảnh hưởng trực tiếp đối với phong trào cách mạng ở Bắc Khánh Hòa. Trong năm 1952, quân Pháp đã 3 lần càn quét vào Đá Bàn nhưng đều bị ta đánh lui. Địch càng quyết tiêu diệt bằng được lực lượng ta tại khu Căn cứ này.

Sáng ngày 19/4/953, pháo địch ở Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh) bắn dọn đường cho bộ binh địch càn quét. Cánh phía Bắc khoảng 700 quân từ Xuân Sơn vượt đèo Ông Cộ vào Gò Trơ, dọc theo bờ Bắc sông Đá Bàn tiến lên chân dốc Chanh nhằm chặn đường rút của chủ lực ta ra vùng tự do Phú Yên. Cánh thứ hai khoảng 400 quân từ Dốc Dài tiến ra mặt phía Nam căn cứ. Cánh chính diện khoảng 2.500 quân từ đường số 1 tiến lên Bến Ghe. Sáng ngày 20/4/1953, các cánh quân địch càn vào căn cứ Đá Bàn.

Trong căn cứ, Đại đội 700 cùng với du kích đánh tiêu hao địch; quân địch bị chông, mìn, cạm bẫy, chúng dò dẫm từng bước, đốt phá nhà dân, trại sản xuất, bãi giao liên rồi hoảng sợ rút về. 

Trong khi đó, Tiểu đoàn 59, có một trung đội của Đại đội 700 phối hợp dẫn đường, đã bí mật vòng ra ngoài tổ chức trận địa phục kích tại Vườn Gòn ở phía Nam khu căn cứ chờ đánh địch rút lui.

13 giờ ngày 20/4/1953, quân địch nối đuôi nhau lọt vào trận địa phục kích của ta. Tiểu đoàn 59 bất ngờ nổ súng, địch hoảng loạn, lớp chết, lớp bị thương. Sau đó, chúng dùng hỏa lực chống trả quyết liệt; do chênh lệch về lực lượng nên ta gặp khó khăn. Các bộ phận bình tĩnh, giữ vững liên lạc, dùng hỏa lực bắn chế áp địch; bộ binh ta thọc sâu chia cắt đội hình địch để tiêu diệt, đánh giáp lá cà, cướp đại liên của địch để tiêu diệt địch; bộ phận đón lõng tiêu diệt địch tháo chạy. Trận đánh kéo dài từ 13 giờ đến 16 giờ. Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, mưu trí, dũng cảm, ta loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 400 quân địch, thu nhiều súng các loại. Về ta, sau trận phục kích, đơn vị rút về căn cứ an toàn, toàn bộ trận chống càn ta bị hy sinh 25 đồng chí . Ta đã đánh bại cuộc hành quân của cả một trung đoàn địch có quân số đông, hỏa lực mạnh hơn ta nhiều lần, bảo vệ vững chắc khu Đá Bàn - một căn cứ kháng chiến của tỉnh Khánh Hòa.

Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn một lần nữa chứng tỏ khả năng, sở trường của Tiểu đoàn 59 trong việc đánh phá hệ thống tháp canh và xây dựng phong trào du kích ở vùng sau lưng địch; mãi mãi âm vang một chiến công hiển hách trên mảnh đất quê hương Ninh Hòa trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời, để lại những kinh nghiệm quý báu về xây dựng Lực lượng vũ trang Quân khu 5 hiện nay:

1. Xây dựng Lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, lấy vững mạnh về chính trị làm cơ sở theo tư tưởng “người trước, súng sau”.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59 chủ yếu xuất thân từ du kích “đầu trần, chân đất”, chiến sĩ biệt động thành, chiến sĩ các đại đội độc lập… qua tôi luyện trong khói lửa chiến tranh, được Đảng và Bác Hồ giáo dục, rèn luyện, lớn lên trong sự đùm bọc cưu mang của nhân dân các địa phương từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Tây Nguyên, Khánh Hòa…, đã lập nên nhiều chiến công vang dội. Lòng yêu quê hương đất nước, lý tưởng cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, cộng với sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân đã làm nên nguồn sức mạnh tinh thần to lớn. Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm, tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của từng cán bộ, chiến sĩ. Trong chiến đấu phục kích, ta giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, song do lực lượng địch đông, có hỏa lực mạnh, lại chống trả quyết liệt nên ta gặp khó khăn lúc đầu. Trong những tình huống khó khăn, ác liệt trên chiến trường, bản lĩnh mưu trí của người chỉ huy, sức mạnh chính trị - tinh thần của người lính lại được thể hiện sâu đậm; đơn vị vẫn giữ vững được thế trận, chế áp hỏa lực địch, thọc sâu “xé nhỏ” đội hình địch để tiêu diệt, giành thắng lợi to lớn. Thực tiễn lịch đó để lại kinh nghiệm về xây dựng Lực lượng vũ trang Quân khu.

Hiện nay, cơ quan, đơn vị Lực lượng vũ trang Quân khu 5 được tập trung xây dựng theo Chỉ thị số 79/CT-BQP ngày 22/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với những nội dung: (1) Vững mạnh về chính trị; (2) Thực hiện nghiêm túc công tác tổ chức lực lượng; huấn luyện và đào tạo giỏi; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu; (3) Xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật và đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự; (4) Thực hiện tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, tài chính, kế hoạch và đầu tư. Trong đó, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở; yếu tố con người phải được đặt lên hàng đầu trong xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tăng cường rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Từng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ ở các cơ quan, đơn vị không ngừng tu dưỡng, rèn luyện theo 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nhận diện và kiên quyết đấu tranh với 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân theo Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương; chủ động đấu tranh phòng, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới”. Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; triển khai thực hiện tốt chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội; đổi mới nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ…, góp phần tích cực xây dựng Lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.

2. Nâng cao chất lượng huấn luyện chiến thuật, gắn với rèn luyện kỷ luật, tăng cường bản lĩnh chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ cấp phân đội.

Trong trận đánh Vườn Gòn - Đá Bàn, chiến thuật phục kích chống lại cuộc hành quân càn quét của địch đã được sử dụng và phát huy hiệu quả. Chủ lực ta tránh đối đầu trực diện với 3 cánh quân địch đang hung hăng càn vào Căn cứ; chỉ tổ chức một bộ phận lực lượng, dùng chiến tranh du kích để tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, đánh địch bằng vũ khí tự tạo làm cho chúng hoang mang, nhụt chí rồi rút lui; lúc này, ta bí mật bố trí trận địa phục kích nhằm tiêu diệt quân địch khi chúng rút về là thời điểm địch chủ quan, sơ hở nhất. Kết quả trận đánh, Tiểu đoàn 59 chủ lực được tăng cường 1 trung đội của Đại đội 700 địa phương đã đánh tan một trung đoàn địch. Chiến thắng này để lại những kinh nghiệm quý báu về chiến thuật phục kích trong kháng chiến chống Pháp.

Ngày nay, trong xây dựng lực lượng vũ trang theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, huấn luyện chiến thuật là nội dung quan trọng trong huấn luyện chiến đấu, bao gồm hệ thống các biện pháp dạy và luyện cho chiến sĩ, phân đội về chuẩn bị và thực hành trận chiến đấu; có huấn luyện chiến thuật tiến công, huấn luyện chiến thuật phòng ngự, huấn luyện chiến thuật binh chủng hợp thành, chiến thuật của binh chủng, bộ đội chuyên môn. Huấn luyện chiến thuật cần căn cứ vào điều lệnh, điều lệ, mệnh lệnh và các chỉ lệnh huấn luyện; đối tượng tác chiến; biên chế vũ khí trang bị; nhiệm vụ chiến đấu của bộ đội, đặc điểm khu vực địa hình tác chiến và thực tế chiến đấu, bảo đảm theo phương châm “Cơ bản - Thiết thực - Vững chắc”, có cường độ cao, lấy thực hành là chính. Thực hiện tốt “kết hợp chặt chẽ huấn luyện với rèn luyện bản lĩnh chính trị, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ” ; tăng cường giáo dục truyền thống, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, xây dựng niềm tin vào trang bị kỹ thuật, niềm tin chiến thắng và bản lĩnh chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ.

Việc nghiên cứu tổng kết trận chiến đấu, đúc kết bài học kinh nghiệm để vận dụng vào công tác huấn luyện chiến thuật, xây dựng Lực lượng vũ trang Quân khu là rất cần thiết, có ý nghĩa sâu sắc. Xuất phát từ thực tiễn lịch sử trận đánh Vườn Gòn - Đá Bàn, trong thực hành huấn luyện, cần đặc biệt chú ý đến công tác bố trí trận địa phục kích, bố trí đội hình chiến đấu, tổ chức hỏa lực, vận dụng thuần thục và linh hoạt các cách đánh, giữ vững thông tin liên lạc, hệ thống chỉ huy và thế trận, đưa trận chiến đấu phục kích đi đến kết quả như quyết tâm tác chiến.

Tiểu đoàn 59 là đơn vị có kinh nghiệm hoạt động độc lập dài ngày trong vùng địch tạm chiếm, vận dụng sáng tạo và thành công phương thức tác chiến du kích kết hợp với tác chiến tập trung, gây cho địch rất nhiều tổn thất. Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn (ngày 20/4/1953) để lại một số kinh nghiệm lịch sử sâu sắc trong xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, nâng cao bản lĩnh chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ và nâng cao chất lượng huấn luyện chiến thuật. Việc nghiên cứu tổng kết trận chiến đấu này, đúc kết kinh nghiệm là việc làm có ý nghĩa khoa học, góp phần tích cực vào xây dựng Lực lượng vũ trang Quân khu ngày nay.

 

. Thiếu tướng Cao Phi Hùng - Phó Tư lệnh Quân khu 5