07:04, 01/04/2023

Độc đáo lễ hội truyền thống ở Khánh Hòa

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh diễn ra khoảng 1.000 lễ hội truyền thống với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Từ miền núi đến đồng bằng, từ đất liền đến hải đảo đều có những lễ hội dân gian truyền thống độc đáo diễn ra định kỳ. 

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh diễn ra khoảng 1.000 lễ hội truyền thống với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Từ miền núi đến đồng bằng, từ đất liền đến hải đảo đều có những lễ hội dân gian truyền thống độc đáo diễn ra định kỳ. Trong số đó, mỗi người dân Khánh Hòa luôn cảm thấy tự hào khi có 3 lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Lễ hội Tháp Bà Ponagar; lễ bỏ mả của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn; lễ hội Cầu ngư. Bên cạnh đó, còn có các lễ hội được tổ chức với quy mô lớn khác, như: Lễ hội Am Chúa, lễ hội Yến sào…
 

Lễ bỏ mả của đồng bào Raglai


Trong đời sống tinh thần của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn, lễ bỏ mả được xem là nghi lễ quan trọng nhất, bởi lẽ, nghi lễ này đánh dấu cho sự chia tay vĩnh viễn giữa người sống và người chết. Lễ bỏ mả thường được diễn ra trong 3 ngày, nhưng ngày nay, tùy theo điều kiện của từng nhà có thể rút ngắn thời gian tổ chức. Lễ bỏ mả hiện nay vẫn còn được thực hành và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng Raglai ở Khánh Sơn và một số địa phương khác có đồng bào Raglai sinh sống. Đồng bào Raglai thực hiện lễ bỏ mả với nhiều nghi thức, như: Bầu chủ nhang, dặn hồn ma, cúng kago, lễ đập heo đập gà, lễ rước hồn ma về nhà ăn cơm, làm tầng mả cho người chết, cúng cơm sáng, lễ dứt đứt, lễ dặn người sống… Ngoài nghi lễ cúng tế còn có nghệ thuật trình diễn mã la, trang trí nhà mồ, nhất là kỹ thuật làm kagor (mô hình thuyền gỗ được đặt trên nóc nhà mồ). Để chuẩn bị cho lễ bỏ mả, các gia đình phải chọn ngày giờ và tiến hành chuẩn bị việc ủ rượu cần, dựng sạp lễ, làm nhà mồ…

 

Lễ bỏ mả của đồng bào Raglai có sự tổng hợp các loại hình văn hóa,  nghệ thuật truyền thống. Ảnh tư liệu, nguồn: Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh

Lễ bỏ mả của đồng bào Raglai có sự tổng hợp các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Ảnh tư liệu, nguồn: Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh


Năm 2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận lễ bỏ mả của đồng bào Raglai ở Khánh Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Am Chúa


“Am Chúa hiển Nhân, Tháp Bà hiển Thánh”, câu nói đã lưu truyền từ bao đời nay trong lòng người dân xứ Trầm Hương. Cùng với lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội Am Chúa đã thể hiện sinh động tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân Khánh Hòa. Hàng năm, lễ hội Am Chúa được diễn ra từ mùng 1 đến mùng 3-3 âm lịch, tại Khu di tích cấp quốc gia Am Chúa trên núi Đại An (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh).  Lễ hội diễn ra với các hoạt động dâng hương, dâng hoa lễ Mẫu; lễ tế cổ truyền do các bô lão trong vùng đứng ra thực hiện; lễ cúng ngọ trong 3 ngày lễ hội.

 

Lễ hội Am Chúa là dịp để mọi người cùng nhau nguyện cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, gia đạo an lành.

Lễ hội Am Chúa là dịp để mọi người cùng nhau nguyện cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, gia đạo an lành.


Lễ hội Cầu ngư

Lễ hội Cầu ngư bắt nguồn từ tục thờ cúng cá Ông (cá Voi) hay còn gọi là thờ ông Nam Hải của cư dân miền biển. Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, lễ hội Cầu ngư vẫn còn được tổ chức hàng năm ở các làng biển với đầy đủ các nghi thức truyền thống. Phần lễ trong lễ hội Cầu ngư được diễn ra trang trọng với lễ rước sắc từ bến về đình, lễ nghinh Ông, lễ tế chánh, lễ tôn vương… Phần hội trong lễ hội Cầu ngư với những chiếc tàu đánh cá rực rỡ cờ, hoa để thực hiện nghi thức rước Ông trên biển. Lễ hội Cầu ngư còn sôi động với loại hình diễn xướng dân gian hò bá trạo. Đây là loại hình múa hát đặc trưng trong lễ hội nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết của ngư dân lao động trên biển, đồng thời mong ước tôm cá đầy khoang.

 

Thực hiện nghi thức rước Ông trên biển. Ảnh: Vân Anh

Thực hiện nghi thức rước Ông trên biển. Ảnh: Vân Anh


Năm 2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đánh giá tỉnh Khánh Hòa là một trong những địa phương tiêu biểu còn gìn giữ, tái hiện lễ hội Cầu ngư trong cộng đồng dân cư, với đầy đủ nghi thức truyền thống nên đã công nhận lễ hội Cầu ngư là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

 

Lễ rước sắc từ bến về đình  trong lễ hội Cầu ngư  đình Trường Đông  (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang).

Lễ rước sắc từ bến về đình trong lễ hội Cầu ngư đình Trường Đông (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang).

SONG ĐĂNG

Lễ hội Tháp Bà Ponagar

Lễ hội Tháp Bà Ponagar là lễ hội truyền thống có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh, diễn ra tại Khu di tích Tháp Bà Ponagar từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch hàng năm. Trong lễ hội sẽ diễn ra 9 nghi lễ chính, gồm: Lễ thay y và nghi thức tắm tượng (lễ mộc dục); lễ thả hoa đăng; lễ cầu quốc thái dân an; lễ khai mạc lễ hội; lễ thí thực; lễ cúng giờ tý (thời gian Mẫu thăng thiên); lễ tế truyền thống đình - lăng Cù Lao; lễ khai diên, tôn vương; lễ cúng tạ. Trong mỗi nghi lễ sẽ có những nghi thức bài bản được thực hành theo trình tự, thời gian cụ thể. Năm 2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội Tháp Bà Ponagar là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Nhiều nghi lễ truyền thống diễn ra tại lễ hội Tháp Bà Ponagar.

Nhiều nghi lễ truyền thống diễn ra tại lễ hội Tháp Bà Ponagar.

 

Người dân, du khách, các đoàn hành hương đến với lễ hội Tháp Bà Ponagar.

Người dân, du khách, các đoàn hành hương đến với lễ hội Tháp Bà Ponagar.



Lễ hội Yến sào


Lễ hội Yến sào là một lễ hội mang tính đặc trưng, đặc biệt của người dân Khánh Hòa, diễn ra vào ngày 10-5 âm lịch hàng năm tại đảo yến Hòn Nội trong vịnh Nha Trang. Đây vốn dĩ là một lễ cúng giỗ tưởng nhớ các bậc tiền nhân của những người làm nghề khai thác yến sào - một sản vật quý, giàu giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế. Trong nhiều năm qua, ngày lễ này đã được Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa nâng tầm và tổ chức quy mô, bài bản. Trong chương trình lễ hội, mọi người cùng nhau ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của nghề khai thác yến sào; dâng hương tưởng nhớ công đức của Thủy tổ Đề đốc Lê Văn Đạt và đảo chủ Thánh mẫu Lê Thị Huyền Trâm.

 

1

Nguồn: Công ty Yến sào Khánh Hòa cung cấp.


Theo nhân dân lưu truyền, năm 1328, trong chuyến công cán vào phương Nam, Đề đốc Lê Văn Đạt của nhà Trần đã phát hiện ra các hang đảo yến ở vùng biển Nha Trang ngày nay. Ông đã thành lập đội quân bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn tài nguyên này. Nghề yến sào nước ta ra đời từ đó và Đề đốc Lê Văn Đạt được người đời sau suy tôn là Thủy tổ nghề yến sào Việt Nam. Những người được xem có công kế nghiệp Thủy tổ nghề yến là An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang và con gái là Lê Thị Huyền Trâm. Dưới thời Tây Sơn, bà Lê Thị Huyền Trâm được giao chỉ huy đội thủy quân tại dinh Bình Khang kiêm tổng quản quần đảo Hòn Tre và các đảo yến. Ngày 10-5 năm Kỷ Sửu (1793), trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc và các đảo yến, bà Lê Thị Huyền Trâm cùng phụ thân đã anh dũng hy sinh. Từ đó, ngày 10-5 âm lịch hàng năm, người dân địa phương tổ chức cúng giỗ Thánh mẫu Lê Thị Huyền Trâm và tướng sĩ Tây Sơn.

 

Lễ hội Yến sào được tổ chức để ghi nhớ công ơn các bậc tiền bối ngành nghề yến sào và những người ngã xuống vì biển đảo quê hương.

Lễ hội Yến sào được tổ chức để ghi nhớ công ơn các bậc tiền bối ngành nghề yến sào và những người ngã xuống vì biển đảo quê hương.

 

 

Giang Đình - Song Đăng