11:03, 27/03/2023

Khánh Hòa với sứ mệnh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và quốc phòng – an ninh của đất nước

Xét về khía cạnh quốc phòng – an ninh, vị trí của tỉnh Khánh Hòa có 3 đặc điểm đáng chú ý, bao gồm đặc điểm địa lý quân sự, đặc điểm lịch sử và đặc điểm phát triển kinh tế xã hội kết hợp với quốc phòng – an ninh.



 

. Thượng tướng, GS.TS Nguyễn Chí Vịnh - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng


Xét về khía cạnh quốc phòng – an ninh, vị trí của tỉnh Khánh Hòa có 3 đặc điểm đáng chú ý, bao gồm đặc điểm địa lý quân sự, đặc điểm lịch sử và đặc điểm phát triển kinh tế xã hội kết hợp với quốc phòng – an ninh.


Về đặc điểm địa lý quân sự, tỉnh Khánh Hòa là vùng đất tọa lạc tại vị trí trọng yếu trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh của khu vực Nam Trung Bộ và của đất nước. Đây là nơi giao thoa giữa núi rừng, đồng bằng duyên hải và biển đảo. Nếu nhìn từ phía sau lưng Khánh Hòa, ta có thể thấy dãy Trường Sơn, đặc điểm này đã trao cho Khánh Hòa một vai trò vô cùng xung yếu, trở thành “cửa ngõ” ra Biển Đông của dải Tây Nguyên. Trước cửa biển, Khánh Hòa có Vịnh Cam Ranh – một trong những vịnh nước sâu nắm giữ vai trò chiến lược quân sự hàng đầu thế giới. Xa hơn nữa, đó là quần đảo Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió thiêng liêng của Tổ quốc, chỉ cách Cam Ranh khoảng 250 hải lý. Như vậy, yếu tố phòng thủ của Khánh Hòa rất rộng lớn và đặc biệt, trải dài từ núi rừng Trường Sơn cho đến quần đảo Trường Sa.


Ngoài ra, Khánh Hòa có một bờ biển dài với tầm nhìn xa, đứng ở nơi đây ta có thể phóng tầm mắt và bao quát được các đảo, quần đảo và các ngư trường truyền thống đã nuôi sống người dân Khánh Hòa từ bao đời nay. Ngay gần bờ biển là tuyến đường hàng hải quốc tế nhộn nhịp, sau năm 1975 người ta nói vui rằng nếu muốn vượt biên thì chỉ cần đi thuyền thúng là có thể ra đến tuyến hàng hải quốc tế, bởi từ Vân Phong ra đến hải phận quốc tế chỉ cách 14 km. Trải dài theo tuyến đường bờ biển là khu vực thềm lục địa, thềm lục địa kéo dài và vùng đặc quyền kinh tế có rất nhiều tài nguyên, khoáng sản.


Như vậy, có thể khẳng định rằng chỉ riêng vùng biển của Khánh Hòa đã nắm giữ ba yếu tố quan trọng: yếu tố đảo; yếu tố thềm lục địa; yếu tố đường vận tải quốc tế bao gồm cả hàng hải và hàng không. Đó là chưa kể tới việc Khánh Hòa nắm giữ vai trò mắt xích trọng yếu của các tuyến đường bộ Bắc – Nam.


Vị trí địa lý quân sự của Khánh Hòa trở nên hết sức nổi bật nhờ sở hữu căn cứ quân sự Cam Ranh, vốn luôn được các cường quốc trên thế giới quan tâm và luôn có thể trở thành yếu tố nhạy cảm trong việc giữ thế cân bằng chiến lược của Việt Nam. Trong mọi trường hợp nguy cơ chiến tranh xâm lược, nếu có thể xảy ra thì kẻ thù sẽ luôn tìm cách chia cắt lãnh thổ Việt Nam ngay khi bắt đầu chiến tranh. Khánh Hòa cũng như Đà Nẵng đều có thể là một trong những phương án thích hợp nhất. Tóm lại, Khánh Hòa có một vị thế xung yếu về quốc phòng – an ninh. Yếu tố này có giá trị không chỉ đối với toàn bộ khu vực Tây Nguyên – Nam Trung Bộ, mà còn hết sức trọng yếu và nhạy cảm đối với cả nước. Trong đó, trước hết và quan trọng nhất chính là nhiệm vụ bảo vệ biển đảo và vị thế quốc tế của Việt Nam liên quan tới các tuyến hàng hải và hàng không quốc tế trên khu vực Biển Đông.


Về đặc điểm lịch sử, vùng đất mà ngày nay là Khánh Hòa từng chứng kiến những giai đoạn phát triển rực rỡ của dân tộc Chăm, nằm trong lãnh thổ của các quốc gia cổ xưa, trong đó nổi tiếng nhất là Chiêm Thành. Đến nay, đi dạo quanh Khánh Hòa, người ta vẫn bắt gặp nhiều di chỉ, bia ký khắc tiếng Phạn và tiếng Chăm cổ - dấu tích của một thời vàng son rực rỡ. Và từ năm 1653, vùng đất này trở thành một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam và chứng kiến công cuộc khai phá cương vực phía Nam của người Việt.


Tới thời kỳ hiện đại, Khánh Hòa với địa thế chiến lược trong quốc phòng – an ninh, nổi bật là Vịnh Cam Ranh và quần đảo Trường Sa thường xuyên bị các nước trong khu vực, cũng như các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Liên Xô, Trung Quốc để ý. Những di sản lịch sử trên địa bàn Khánh Hòa luôn là lời nhắc nhở tới nhiệm vụ giữ gìn đoàn kết, thống nhất quốc gia, dân tộc, ngăn ngừa các âm mưu chia rẽ, cục bộ địa phương, thậm chí là các âm mưu ly khai, gây mất ổn định xã hội,...


Đặc biệt, quần đảo Trường Sa - vốn là một đơn vị hành chính của tỉnh Khánh Hòa, nắm giữ vai trò khẳng định chủ quyền lãnh thổ và đặt lên “vai” Khánh Hòa rất nhiều trọng trách. Đáng chú ý là các nhiệm vụ thực thi pháp luật của chính quyền địa phương tại Trường Sa, các hoạt động dân sự và bảo đảm đời sống cho công dân Việt Nam tại các đảo cũng rất quan trọng để góp phần bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nhưng nhiệm vụ thực thi luật pháp của địa phương tại Trường Sa này cũng luôn đặt ra những vấn đề nhạy cảm trong mối quan hệ quốc tế với các nước có cạnh tranh chủ quyền trên khu vực Biển Đông.


Đồng thời, Khánh Hòa cũng còn có trách nhiệm trực tiếp trong việc duy trì các tuyến hậu cần phục vụ biển đảo, hoạt động đánh bắt hải sản và dịch vụ kinh tế trên biển, hỗ trợ lực lượng dân quân biển và lực lượng tàu có nhiệm vụ cùng với Hải quân và Cảnh sát biển thực thi các hoạt động bảo vệ biển đảo, nhất là khi có những tình huống khẩn trương và xuất hiện xung đột trên biển.


Bên cạnh nhiệm vụ góp phần bảo vệ biển đảo, Khánh Hòa còn giữ vị trí rất quan trọng trong các nhiệm vụ sống còn đối với các thách thức an ninh phi truyền thống. Trong đó có cứu hộ hàng hải, chống buôn lậu, cướp biển, di cư bất hợp pháp, thảm họa ô nhiễm môi trường,...


Về đặc điểm phát triển kinh tế và xã hội gắn với quốc phòng - an ninh, do tính chất địa lý phức tạp, địa hình bị chia cắt bởi núi rừng và sông ngòi, nên Khánh Hòa sở hữu rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững hàng đầu đất nước.

Khánh Hòa sở hữu nhiều vùng vịnh nước sâu, kín gió, gần với tuyến hàng hải quốc tế nên rất thuận lợi cho xây dựng cảng biển. Tận dụng lợi thế của 3 vịnh Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh nằm trên trục đường hàng hải quốc tế Nam - Bắc Á, tỉnh Khánh Hòa đã phát triển, khai thác hoạt động dịch vụ hàng hải, phát triển công nghiệp tàu thủy. Tiêu biểu nhất là cảng quốc tế Cam Ranh. Với vị trí kín sóng, kín gió, vùng nước rộng, độ sâu ổn định trên 20 m, khu vực ít chịu ảnh hưởng của giông bão, địa chất tốt... nơi đây phù hợp cho việc xây dựng các cầu cảng tiếp nhận các tàu quân sự, dân sự cỡ lớn như tàu sân bay, tàu vận tải container. Chưa kể tới Khánh Hòa còn sở hữu sân bay quốc tế Cam Ranh, vốn là một trong bốn sân bay nhộn nhịp nhất cả nước.


Với những lợi thế về cơ sở hạ tầng như vậy, nên Khánh Hòa còn có đặc điểm về hội nhập, giao lưu quốc tế. Với lợi thế đường bờ biển dài và đẹp, cùng địa hình đa dạng, Khánh Hòa trở thành điểm đến ưu thích của các du khách tới từ Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc,… Đây cũng là đặc điểm có ảnh hưởng trực tiếp tới lĩnh vực quốc phòng – an ninh.


Có 3 vấn đề đặt ra khi chúng ta bàn tới đặc điểm hội nhập, giao lưu quốc tế của Khánh Hòa.


Thứ nhất là ý thức về quốc phòng – an ninh, chính quyền tỉnh cần chú ý tới vấn đề gìn giữ chủ quyền trên biển và trên thềm lục địa, cùng với đó là bảo đảm an ninh nội địa gắn với yếu tố Tây Nguyên.


Một vấn đề khác đáng chú ý đó là là giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu. Cách đây 20 năm, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga từng cảnh báo rằng hoạt động nuôi trồng thủy sản có thể gây phá hủy tầng thủy sinh. Ngoài ra, do biến đổi khí hậu, mưa bão diễn ra liên tục gây ra tình trạng sạt lở đất tại vùng núi và ngập lụt tại các đô thị của Khánh Hòa.


Cuối cùng, chúng ta phải xem xét nghiêm túc việc kết hợp quốc phòng và kinh tế. Đây vốn là một vấn đề cấp thiết, bởi chúng ta không thể chỉ tập trung xây dựng lực lượng quốc phòng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mà quên đi việc kết hợp với các hoạt động kinh tế nhằm tận dụng lợi thế vị trí địa lý của Khánh Hòa.


Tháng 3 năm 2014, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về sử dụng căn cứ Cam Ranh phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và phát triển kinh tế, Bộ Quốc phòng đã khai trương cảng quốc tế Cam Ranh và thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Cảng-Petro Cam Ranh (TCP Cam Ranh). Kể từ đó cho tới nay, Tân Cảng đã trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ ngoài khơi và cứu hộ, cứu nạn tại Việt Nam.

 

Chính nhờ yếu tố giao lưu nước ngoài, tỉnh Khánh Hòa có vị thế trở thành trung tâm kết nối các hoạt động hợp tác đa phương giữa Việt Nam và các nước. Lấy ví dụ, vào năm 2021, Trường Đại học Thông tin liên lạc tại Khánh Hòa đã thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ với sự trợ giúp của chính phủ Ấn Độ. Tới nay, Trung tâm đã tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về quản trị mạng, lập trình ứng dụng, an toàn an ninh thông tin, chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ cho gần 20.000 học viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội, phát triển đất nước; tổ chức tốt hoạt động nghiên cứu, phát triển, gia công các sản phẩm công nghệ thông tin; mở rộng quan hệ hợp tác với trên 30 đối tác hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, khoa học công nghệ ở trong nước và quốc tế.


Như vậy, với lợi thế địa lý chiến lược, tỉnh Khánh Hòa có thể tận dụng tiềm năng của mình để phát triển kinh tế - xã hội - quốc phòng, an ninh theo mô hình liên kết vùng. Với trục ngang là Tây Nguyên - Khánh Hòa - Trường Sa, còn trục dọc sẽ là Bắc Trung Bộ - Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.


Lợi ích kinh tế - xã hội của đất nước trên địa bàn Khánh Hòa cũng đặt ra những trách nhiệm to lớn đối với lĩnh vực Quốc phòng – An ninh trong thời bình phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo vệ khi có nguy cơ đe dọa. Đặc biệt là bảo vệ an toàn cho các tuyến vận tải quốc tế về hàng hải, hàng không, bảo vệ các cơ sở kinh tế trọng điểm như sân bay, bến cảng, các khu công nghiệp và các tuyến đường vận tải trên bộ kết nối liên vùng đi qua Khánh Hòa.


Không hề tình cờ khi một trong những chiếc tàu ngầm của Hải quân Việt Nam được đặt tên “Khánh Hòa”. Vị trí địa lý quân sự, đặc điểm lịch sử và các lợi ích quốc gia gắn với kết hợp phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng – an ninh trên địa bàn đã đặt Khánh Hòa vào một vị thế có ý nghĩa chiến lược hết sức đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, sứ mệnh quốc phòng, quân sự gắn với địa bàn Khánh Hòa không chỉ giới hạn trong trách nhiệm của Đảng bộ và chính quyền tỉnh, không chỉ là trách nhiệm của Quân khu V và Quân chủng Hải quân, mà là trách nhiệm chung của cả nước, của cả hệ thống chính trị và của các lực lượng vũ trang.

N.C.V