. PGS.TS Trần Đình Thiên Viện Kinh tế Việt Nam
Cú tăng tốc GRDP đột biến và bước ngoặt trong động thái thu hút đầu tư năm 2022 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ khác thường của Khánh Hòa: vượt qua giai đoạn đại dịch covid (2020-2021) khó khăn nhất trong quá trình phát triển của tỉnh, chuyển sang nhịp phát triển mới, với tầm nhìn, vị thế mới và chiến lược hành động đậm tinh thần đột phá - tiến vượt.
. PGS.TS Trần Đình Thiên Viện Kinh tế Việt Nam
Cú tăng tốc GRDP đột biến và bước ngoặt trong động thái thu hút đầu tư năm 2022 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ khác thường của Khánh Hòa: vượt qua giai đoạn đại dịch covid (2020-2021) khó khăn nhất trong quá trình phát triển của tỉnh, chuyển sang nhịp phát triển mới, với tầm nhìn, vị thế mới và chiến lược hành động đậm tinh thần đột phá - tiến vượt.
Đó là thế và đà phát triển mới của Khánh Hòa mà năm 2022 tạo lập để chào đón năm 2023 – năm của sự kiện 370 năm thành lập tỉnh.
Tại thời điểm mang tính bước ngoặt lớn lao này, việc kiểm định lại tiềm năng – lợi thế phát triển của Khánh Hòa, phân tích lại các bài học kinh nghiệm của giai đoạn đã qua, nhận diện rõ bối cảnh toàn cầu và các xu hướng phát triển tương lai là một đòi hỏi nghiêm túc, cấp bách – để Tỉnh có căn cứ định vị lại vai trò, vị thế của mình, định hình tầm nhìn và xây dựng chiến lược phát triển mới trong tổng thể chiến lược quốc gia.
I. Kiểm định lại tiềm năng và lợi thế phát triển.
Khánh Hòa có tiềm năng và lợi thế phát triển không chỉ to lớn mà còn là đặc biệt, khác thường. Xét tổng thể tiềm năng, khía cạnh “lợi thế” của Khánh Hòa trội bật hơn hẳn khía cạnh “bất lợi thế”. Lợi thế của Khánh Hòa có nhiều điểm khác biệt so với nhiều địa phương khác – không chỉ về quy mô, phạm vi mà quan trọng hơn, ở tính đặc sắc và “đẳng cấp”.
Nhận định này ít gặp sự phản đối. Nhiều ý kiến đánh giá tiềm năng và lợi thế du lịch của Khánh Hòa thuộc loại “tầm cỡ thế giới”, thậm chí ở đẳng cấp cao nhất, đặc biệt khi xét trong bối cảnh hiện đại.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lại gây “dằn vặt” cho không ít người, ít nhất là cho đến nay: tại sao nhiều tiềm năng, lợi thế như vậy mà cho đến nay, Khánh Hòa vẫn chưa phát triển “đúng tầm”, thấp xa kỳ vọng, chưa đạt mức “trung bình cả nước” và cơ bản vẫn là địa phương “khó phát triển”?
Câu hỏi thiết thực và nghiêm khắc này đặt ra không chỉ cho riêng Khánh Hòa mà cho tất cả các tỉnh, thành phố, cho cả Việt Nam. Nó trở thành ý tưởng định hướng công cuộc xây dựng “Quy hoạch Phát triển Tổng thể Quốc gia”, “Quy hoạch Phát triển Vùng”, “Quy hoạch Phát triển Tỉnh, Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” đang được ráo riết triển khai đồng loạt. Công cuộc này đưa ra thông điệp về đổi mới cách tiếp cận phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới, bắt đầu từ khía cạnh nền tảng nhất: đánh giá lại thực lực phát triển và soát xét lại cách thức phát triển đất nước một cách tổng thể, theo cách nhìn hiện đại.
Đối với Khánh Hòa, cơ hội này đã được tận dụng với nỗ lực tối đa và tinh thần đổi mới sâu sắc: Trong 2 năm 2021-2022, Khánh Hòa đã không chỉ hoàn thành Quy hoạch tích hợp Phát triển tỉnh mà còn xây dựng hàng loạt Quy hoạch bộ phận, trong đó, nổi bật nhất là Quy hoạch Phát triển Khu Kinh tế Vân Phong. Các Bản Quy hoạch, hay cụ thể hơn, các Chương trình và Đề án Phát triển, Dự án Đầu tư đều quán triệt tinh thần xem xét lại lịch sử và cách thức phát triển giai đoạn vừa qua, đánh giá lại những gì cấu thành “tiềm năng – lợi thế phát triển”, lâu nay vẫn được coi là thế mạnh “tự nhiên và đương nhiên”, từ góc nhìn hiện đại.
Có thực những tiềm năng – lợi thế đang được ghi nhận của Khánh Hòa là lợi thế thực? Liệu có ảo tưởng hay hoang tưởng nào không trong những đánh giá thế mạnh phát triển của Khánh Hòa? Nếu là lợi thế thực thì tại sao chúng mãi chưa được phát huy, chưa chuyển hóa thành lợi ích phát triển thực sự sau hơn 35 năm đổi mới? Hay Khánh Hòa còn thiếu những yếu tố, điều kiện gì đó căn bản để bước chuyển lợi thế tiềm năng thành thành tích phát triển thực tế có thể thực sự diễn ra? Hay cách phát triển Khánh Hòa có những điểm yếu căn cốt nào đó chưa được nhận diện? Đó là những câu hỏi thật sự có trách nhiệm và nghiêm túc. Chúng không hàm ý phủ nhận. Trả lời chúng là để hướng tới tương lai đúng tầm và thế của Khánh Hòa |
Trước tiên, phải khẳng định rằng không có gì phải nghi ngờ những nhận định về tiềm năng, lợi thế phát triển đã được kiểm đếm của Khánh Hòa. Đó là những tiềm năng, lợi thế có thực, khác thường và có giá trị hiếm thấy.
́Xét tổng thể, những điều kiện tự nhiên cho sự phát triển hiện đại của Khánh Hòa là đặc biệt thuận lợi. Chúng tạo thành một tổ hợp lợi thế hiếm có.
Khánh Hòa có đường bờ biển dài 385km, thuộc loại dài nhất trong 28 tỉnh ven biển của Việt Nam. Biển Khánh Hòa chứa đựng nhiều tài nguyên quý – trong lòng biển (hải sản, khoáng sản, đặc biệt là dòng hải lưu nóng), trên mặt biển (nắng, gió , các tuyến hải hành), chưa kể dưới lòng biển và cả một không gian bao la trên biển. Khánh Hòa có nhiều Vịnh – Đầm – Cảng biển hạng nhất: Vịnh: Cam Ranh, Nha Trang, Nha Phu, Ninh Vân, Vân Phong; Đầm: Thủy triều, Nha Phu, Đầm Môn; Cảng: Cam Ranh, Nha Trang, Bắc Vân Phong – Nam Vân Phong. |
Gắn với các Vịnh – Đầm là những bãi biển đẹp - Nha Trang, Vân Phong, Bãi Dài. Trên biển và trong các Vịnh, có hàng trăm hòn đảo – đa dạng và tuyệt đẹp. Khánh Hòa là xứ sở của núi và đá. Sự giao hòa núi lửa Tây Nguyên với Biển kết tinh thành Trầm Hương – được coi là linh khí của Trời – Đất. Đây là biểu tượng “độc tôn”, nổi tiếng toàn cầu, biến Khánh Hòa thành xứ sở Trầm Hương. Điểm đặc biệt - khác thường của các tài nguyên biển Khánh Hòa: tất thảy đều là tài nguyên hạng nhất, hội tụ trong một Tỉnh, trở thành một địa chỉ hiếm có không chỉ ở Việt Nam, tạo thành lợi thế phát triển gần như “tuyệt đối” của Khánh Hòa. |
Nhưng Khánh Hòa không chỉ có các tiềm năng – lợi thế tự nhiên. Đây còn là xứ sở giao thoa – hội tụ văn hóa đặc sắc – văn hóa Biển và văn hóa Tây Nguyên, các tôn giáo và tín ngưỡng. Tháp Bà Ponaga – một tính biểu tượng tâm linh đặc biệt - có thể trở thành điểm hội tụ văn hóa Chăm, một thứ tài sản “quý hiếm toàn cầu” của cả Vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Không cần liệt kê thêm các yếu tố cấu thành điều kiện, lợi thế phát triển của Khánh Hòa để xác nhận một chân lý hiển nhiên.Tầm vóc lợi thế to lớn, đẳng cấp quốc tế của các tài nguyên phát triển mà Khánh Hòa sở hữu là không có gì phải nghi ngờ.
Nhưng để trả lời những câu hỏi nêu ở trên, cần khẳng định một sự phân biệt có giá trị định hướng chiến lược hành động: Các điều kiện phát triển mà Khánh Hòa có, dù là rất tốt, về cơ bản đều là tiềm năng; những lợi thế phát triển hạng nhất của Khánh Hòa cho đến nay chủ yếu được nhận diện ở cấp độ “lợi thế so sánh”, chưa chuyển hóa thành “lợi thế cạnh tranh”, do đó, chưa tạo ra lợi ích phát triển và sự giàu có thực tế cho Khánh Hòa như có thể.
Những tiềm năng và lợi thế đó, trong trạng thái phát triển hiện tại của đất nước và của Khánh Hòa – mảnh đất cơ bản chưa thoát khỏi phương thức sản xuất nông nghiệp – nông thôn truyền thống và cơ chế “xin – cho”, khi dân Khánh Hòa còn nghèo, tỉnh còn thiếu các điều kiện tiên quyết để biến tiềm năng, lợi thế so sánh thành động lực phát triển và sức cạnh tranh hiện thực, do đó, chưa chuyển hóa được thành những động lực phát triển thực tế.
Việc phân tích, đánh giá lại “thực trạng” phát triển của Khánh Hòa thời gian qua giúp làm sâu hơn nhận định nêu trên.
II. Thực trạng phát triển: Nhận diện đúng hiện tại để vượt qua chính mình.
Với Dự án Vinpearl Nha Trang khởi động năm 2006, Khánh Hòa bắt đầu phát hiện ra chính mình một cách thực tiễn, với những tiềm năng và lợi thế phát triển to lớn. Điều đó tạo cơ sở để Khánh Hòa xác định mô hình phát triển theo hướng hiện đại: thị trường - mở cửa, dựa vào du lịch, định hướng “khác biệt và đẳng cấp”, lấy doanh nghiệp Việt làm nền tảng, với trụ cột là các Tập đoàn kinh tế mạnh, tập trung xây dựng cực tăng trưởng để tạo đột phá.
Với mô hình đó, Khánh Hòa gia nhập quỹ đạo phát triển hiện đại và có những bước tiến mạnh mẽ. Một Nha Trang khởi sắc, lan tỏa phát triển nhanh theo tuyến Bãi Dài – sân bay Cam Ranh, báo hiệu một Khánh Hòa với tầm và thế mới.
Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo (2011-2021), đặc biệt từ 2016, quá trình phát triển của Khánh Hòa có phần chững lại, do phát sinh các vấn đề liên quan đến bộ máy, cán bộ và đặc biệt là do tác động của dịch covid (2020-2021). Tăng trưởng chậm lại, phát sinh các vấn đề cơ cấu và thể chế với mức độ nghiêm trọng gia tăng. Các giới hạn tăng trưởng bộc lộ ngày càng rõ.
Thực trạng đó được phản ánh khái quát qua các bảng số liệu so sánh dưới đây.
Hình 1: Quy mô GRDP năm 2020 và tốc độ tăng trưởng GRDP
Giai đoạn 2016-2020 của các tỉnh Nam Trung Bộ
Khu vực Nam Trung bộ bao gồm 8 tỉnh, cũng có tiềm năng và lợi thế phát triển to lớn, với cơ cấu tương tự Khánh Hòa. Cho đến nay, đa số các tỉnh vẫn còn nghèo, thực lực chưa mạnh, chưa tự chủ được ngân sách và còn “khó phát triển”.
Hình 1 cho thấy rõ thứ hạng khiêm tốn của Khánh Hòa trong vùng còn “khiêm tốn” về thứ hạng phát triển đó: quy mô GRDP năm 2020 xếp thứ 6/8 (tỉnh), tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2016-2020 đứng thứ 7/8.
Dân số Khánh Hòa khoảng 1,3 triệu người, đông thứ 3 Vùng Nam Trung bộ, bình quân thu nhập đầu người còn thấp (Hình 2).
Hình 2 cho thấy thu nhập bình quân đầu người của người dân Khánh Hòa chỉ xấp xỉ mức bình quân Vùng Nam Trung bộ và thấp khá xa mức trung bình cả nước.
Năm 2020 đánh dấu một “bước ngoặt”: thu nhập đầu người của Khánh Hòa tụt xuống xa mức bình quân Vùng (86,8%) và rất xa so bình quân cả nước (74,5%).
Mức thu nhập bình quân đầu người thấp, dẫn tới quy mô kinh tế tỉnh nhỏ bé chính là nguyên nhân trực tiếp giải thích mức độ hạn chế của vốn đầu tư nội tỉnh.
Sức hấp dẫn đầu tư từ bên ngoài vào Tỉnh không cao, cũng có một nguyên nhân chủ yếu do quy mô kinh tế nhỏ. Quy mô GRDP nhỏ đồng nghĩa với một thị trường “yếu” và thiếu nguồn lực “tự có”, để Tỉnh có thể chủ động xử lý các “nút thắt” phát triển, nhất là các nút thắt “hạ tầng đô thị” và “giao thông kết nối”.
Về Vốn đầu tư: Trong giai đoạn 10 năm 2011-2020, tổng lượng vốn đầu tư trên địa bàn Khánh Hòa đạt khoảng 15 tỷ USD, trong đó, vốn khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chiếm 45%, còn vốn FDI chiếm 3,4%.
Hình 3: Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn Khánh Hòa thời kỳ 2011-2020
So với đa số các tỉnh Nam Trung bộ, khối lượng vốn đầu tư tại Khánh Hòa là không thua kém. Song, so với tiềm năng, lợi thế, trong đó có lợi thế “trung tâm hội nhập phát triển tiểu vùng” và lợi thế Khu Kinh tế Vân Phong đã từng được lựa chọn làm thí điểm “Đặc khu Hành chính – Kinh tế” (nhưng chưa có cơ chế triển khai). Và số lượng đầu tư hiện tại không thể nói là tương xứng.
Mức độ khiêm tốn của lượng vốn FDI thu hút được (3,4% tổng số vốn đầu tư của tỉnh) là bằng chứng thuyết phục về sức hấp dẫn đầu tư chưa cao của Tỉnh.
Xét trong mối liên hệ này, nên lưu ý thêm rằng xếp hạng PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) không quá thấp, tuy có “trồi sụt” nhưng trong xu hướng được cải thiện rõ rệt (hạng 40/63 năm 2010, lên 26/63 năm 2020). Tình trạng “không đồng nhịp” giữa xu hướng PCI (được cải thiện) và xu hướng đầu tư (trồi sụt) hàm ý rằng trong 10 năm qua, tình trạng dòng vốn đầu tư vào Khánh Hòa bất thường, bị cản trở, hạn chế không hoàn toàn do sự yếu kém trong hoạt động quản lý điều hành phát triển của Tỉnh mà một phần quan trọng là bởi những yếu tố “ngoài tầm”.
Về thực chất, những yếu tố “ngoài tầm” đó chính là những hạn chế, ràng buộc thể chế, cơ chế, chung cho tất cả các địa phương. Tuy nhiên, chúng lại có tác động mạnh hơn đối với những địa phương đang bứt phá, trỗi dậy, đang cần các điều kiện cơ chế, chính sách thông thoáng hơn, có nhu cầu mạnh mẽ hơn về một không gian hoạt động rộng mở và tính tự chủ cao hơn. Những yếu tố “cản”, “chặn” đó được phát hiện sớm sẽ giúp “mở đường” kịp thời cho quá trình phát triển mới.
Chính đây là một trong những “điều kiện đủ” còn thiếu trong quá trình đi lên của Khánh Hòa. Việc xác định trúng yếu tố còn thiếu đó giúp định vị đúng tọa độ chiến lược ưu tiên để Khánh Hòa “vượt lên” chính mình khi bước vào giai đoạn mới.
Động thái ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư), thể hiện ở hình 4 dưới đây cung cấp thêm dữ liệu làm rõ bức tranh thực trạng phát triển của Khánh Hòa trong giai đoạn vừa qua.
Hình 4: ICOR các tỉnh Nam Trung bộ giai đoạn 2016-2019 và 2016-2020
Hình 4 cho thấy chỉ số ICOR của Khánh Hòa giai đoạn 2016-2019 là khá cao so với các tỉnh khác trong Vùng Nam Trung Bộ. Đặc biệt, năm 2020 – năm đại dịch Covid, khi tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh bị “âm” nặng, chỉ số ICOR của Khánh Hòa tăng đột biến, đoạt chức “vô địch” Vùng.
Sự nhảy vọt đột biến của ICOR năm 2020 chỉ ra mức độ rủi ro cao của định hướng phát triển thiên lệch kéo dài của tỉnh. Việc thiên lệch khai thác “lợi thế tuyệt đối” kết hợp với thiên lệch “hướng ngoại” dẫn tới thiên lệch đầu tư ngành (du lịch) và thiên lệch “cực tăng trưởng” (Nha Trang) , làm cho nền kinh tế tỉnh bị lệ thuộc vào một số biến số phát triển ngoài tầm “kiểm soát” và gây nên rủi ro phát triển.
Đây là bài học kinh nghiệm đắt giá mà Khánh Hòa đã đúc kết được trong giai đoạn phát triển vừa qua.
Hình 5: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2010-2020
Hình 5 góp phần giải thích nhận định nêu trên. Nó cho thấy xu thế chuyển dịch cơ cấu chậm chạp của Khánh Hòa trong giai đoạn 2011-2020. Sự sụt giảm tỷ trọng mạnh bất thường của lĩnh vực dịch vụ năm 2020, với du lịch là ngành trọng điểm, được giải thích bằng tác động “bất khả kháng – ngắn hạn” của dịch Covid. Tuy nhiên, sự gia tăng chậm của tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và xu hướng trồi sụt bất thường của lĩnh vực dịch vụ trong quãng thời gian 10 năm cho thấy cơ cấu ngành của tỉnh vẫn chưa định hình xu hướng thật sự vững chắc.
Xu hướng tăng trưởng GRDP âm “nặng” năm 2020 (-10,5%) và năm 2021 (-5,6%), dù mang tính bất thường – ngắn hạn, đã khẳng định tính “có vấn đề” của cơ cấu kinh tế tỉnh. Dịch Covid và tình trạng đứt chuỗi của nền kinh tế thế giới năm 2020-2021 chỉ là “cơ hội” để nền kinh tế bộc lộ rõ những điểm yếu, qua đó, giúp tỉnh nhận diện chính xác thực chất và mức độ nghiêm trọng của vấn đề đang đặt ra.
III. Bước ngoặt 2022: Xác lập tầm nhìn, cách tiếp cận phát triển mới.
Đối diện với một thực trạng “nhiều vấn đề” như vậy, thành tích kinh tế năm 2022 của Khánh Hòa nổi lên không như một sự “lóe sáng bất chợt”. Đây thực sự là dấu hiệu “chuyển làn”, hay đúng hơn, xu thế “đảo phách, đổi nhịp” phát triển của tỉnh.
Năm 2022, GRDP Khánh Hòa tăng trưởng 20,7% - mức tăng cao nhất cả nước và cao nhất trong lịch sử tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Về cơ cấu, GRDP theo ngành kinh tế tăng 22,1%, trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 24,6%; khu vực dịch vụ tăng 25,5%. Du lịch phục hồi theo kiểu bùng nổ, với doanh thu cả năm 2022 đạt hơn 13.843 tỷ đồng, tăng 5,8 lần so với năm 2021. GRDP/người bình quân của Tỉnh năm 2022 đạt 76,54 triệu đồng, bằng 80% mức trung bình cả nước, thu hẹp đáng kể so với mức của năm 2021 (74,5%). |
Đó là những thành tích thực sự gây ấn tượng.
Tốc độ tăng trưởng cao năm 2022 mà Khánh Hòa đạt được một phần quan trọng là do sự phục hồi du lịch mạnh mẽ. Tuy nhiên, ở điểm này, sự trội bật của Khánh Hòa nằm trong xu thế chung của cả nền kinh tế và giống nhiều địa phương khác.
Điểm khác biệt tăng trưởng của Khánh Hòa năm 2022 được giải thích bằng lý do gây nên sự đột biến trong thu hút đầu tư với mức tăng trưởng đạt 15,1%, so với mức tăng 6% năm 2021 và 8-9% của 3 năm trước đó.
Tốc độ tăng đầu tư 15,1%, trong điều kiện bình thường, không phải là một thành tích nổi bật. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng 2022 là năm nền kinh tế vừa thoát khỏi dịch covid, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn đầu tư. Trong khi đó, Khánh Hòa lại chưa phải là địa chỉ hấp dẫn FDI.
Cần nhấn mạnh rằng tốc độ tăng trưởng đầu tư năm 2022, tuy chưa thật cao, song là kết quả của nỗ lực mời gọi các nhà đầu tư đến Khánh Hòa với cách tiếp cận mới.
Trong năm 2021-2022, đã có nhiều “đại bàng Việt Nam” tìm đến Khánh Hòa để tìm hiểu, đề xuất và triển khai dự án đầu tư mới. Về cơ bản, đó đều là những dự án mới và lớn, sẽ giúp định hình chân dung phát triển tương lai của Tỉnh.
Trong danh sách các nhà đầu tư đến Khánh Hòa có mặt SunGroup, Thép Hòa Phát, Novaland, Trung Nam, không kể VinGroup, Hưng Thịnh và nhiều nhà đầu tư tiếng tăm khác đã hiện diện từ trước. Những con “đại bàng” Việt này là lực lượng chủ công, đang “biến” Khánh Hòa thành tọa độ hấp dẫn đầu tư bậc nhất.
Nhưng yếu tố gì giúp Khánh Hòa “đảo phách”, tạo sức hấp dẫn mạnh mẽ các Tập đoàn Kinh tế lớn – sau mấy năm bộ máy điều hành gặp “sự cố”, nền kinh tế gặp khó khăn, thành tích tăng trưởng suy giảm, thậm chí, rơi vào trạng thái “âm” nặng?
Có thể nêu khái quát một số yếu tố “đột phá”, gắn với những giải pháp mang tính đột phá, được lãnh đạo tỉnh tích cực đề xuất và triển khai nhanh trong sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung ương trên mọi phương diện.
Thứ nhất, Quy hoạch “lại” phát triển Tỉnh trên tất cả các tuyến và các cấp, nhận diện lại tiềm năng và lợi thế phát triển của tỉnh, xác định rõ “điều kiện cần và đủ” bảo đảm chuyển hóa “lợi thế so sánh” thành “lợi thế cạnh tranh”, để trên cơ sở đó, hiện thực hóa tiềm năng – lợi thế thành lợi ích phát triển.
Quy hoạch lại Khu Kinh tế Vân Phong - một tọa độ phát triển có lợi thế tầm cỡ thế giới nhưng cho đến trước năm 2022, vẫn chưa có sự chuyển biến tương xứng - là thử nghiệm điển hình của sự thay đổi này. Thử nghiệm đã được xác nhận thành công bởi chính những đối tác quan trọng bậc nhất: Chính phủ (sớm phê duyệt Báo cáo Quy hoạch) và các nhà đầu tư lớn Việt Nam (tìm đến và trở lại KKT Vân Phong với nhiều dự án đầu tư lớn).
Thành công của Quy hoạch, dù là bước đầu, bắt nguồn từ cách tiếp cận mới về tiềm năng - lợi thế phát triển của Vân Phong trong điều kiện hiện đại, từ đó, dẫn tới những đề xuất đột phá mạnh về cấu trúc và chức năng của Khu Kinh tế.
Cũng theo logic tương tự, năm 2022 còn chứng kiến sự xuất hiện của nhiều dự án phát triển mang tầm chiến lược khác ở Khánh Hòa - Dự án Đô thị Đầm Thủy triều, Dự án phát triển TP. Nha Trang, Dự án phát triển Kinh tế ban đêm,...
Có cơ sở để dự báo rằng cùng với Dự án Khu Kinh tế Vân Phong, những Dự án này sẽ tạo động thái phát triển mạnh mẽ khác thường cho tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn tới.
Thứ hai, tăng cường liên kết, tạo sức mạnh cộng hưởng.
Thực tiễn cho thấy tự thân Khánh Hòa không thể có đủ nguồn lực để vượt ngưỡng phát triển tối thiểu. Do đó, thúc đẩy liên kết phát triển để tạo cộng hưởng sức mạnh trở thành một tư tưởng định hướng quan trọng bậc nhất trong tư duy phát triển mới của Khánh Hòa.
Tư tưởng này đã được thể hiện sớm, rõ nhất từ nỗ lực phát triển sân bay Cam Ranh với tư cách là một tọa độ hội nhập - kết nối phát triển quan trọng của Tỉnh.
Trong giai đoạn mới, cách tiếp cận này được quán triệt sâu sắc hơn, toàn diện hơn trong các bản Quy hoạch phát triển.
Theo tinh thần quy hoạch, có cơ sở để xác định Nha Trang – Vân Phong là tuyến hội tụ phát triển đặc biệt – các tuyến đường cao tốc kết nối Khánh Hòa với các tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Đắk Nông, với 4 sân bay hiện hữu bao bọc Cam Ranh, Tuy Hòa, Buôn Mê Thuột và Liên Khương.
Khu Kinh tế Vân Phong sẽ là một tọa độ liên kết quốc tế tầm cao, với cảng biển trung chuyển quốc tế hiện đại – cả cảng biển du lịch và cảng biển công nghiệp. Ý tưởng xây dựng sân bay du lịch ở Vân Phong cũng đã được nêu ra và nhận được sự ủng hộ tích cực.
Hình thái liên kết phát triển như vậy cho phép hình dung rõ “thế” và “tầm” phát triển của Khánh Hòa: động lực liên kết đặc biệt mạnh mẽ, cho phép kết hợp lợi thế phát triển to lớn và đặc sắc của không chỉ các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ mà cả với Tây Nguyên khác biệt.
Thứ ba, xác định vị thế mới, với sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả từ Trung ương.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Khánh Hòa năm 2022 – và cả trong giai đoạn tới đây - sẽ không thể có được nếu không có sự hỗ trợ nhiều mặt tích cực và hiệu quả từ Trung ương. Sự hỗ trợ đó thực hiện trên 3 tuyến chính.
Một là Chính phủ sớm phê duyệt lại Quy hoạch Phát triển Khu Kinh tế Vân Phong, theo tinh thần khuyến khích tinh thần chủ động sáng tạo.
Hai là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về “Cơ chế đặc thù phát triển Khánh Hòa” ở mức độ nhanh nhất có thể.
Ba là Chính phủ tích cực thúc đẩy triển khai các Dự án Đường Cao tốc ven biển, đường cao tốc Buôn Mê Thuột – Nha Trang, …, nhờ đó, định hình một không gian phát triển đặc biệt gồm các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, trong đó Khánh Hòa – Nha Trang được xác định là Trung tâm hội nhập phát triển của “Tiểu vùng”.
Những sự hỗ trợ tích cực của Trung ương đã khai thông một số điểm nghẽn “thâm niên” ở Khánh Hòa mà tự Khánh Hòa không thể giải quyết. Đồng thời, chúng phát đi một thông điệp - một sự cam kết đối với tương lai phát triển của Khánh Hòa, của Khu Kinh tế “đặc biệt” Vân Phong. Điều đó chắc chắn có tác động đặc biệt tích cực đến quyết định lựa chọn địa chỉ đầu tư của các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh cuộc đua tranh phát triển và cạnh tranh thu hút đầu tư đang diễn ra quyết liệt giữa các địa phương, thông điệp đó được hiểu là sự xác nhận vị thế của Khánh Hòa, của Vân Phong trong chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Với thông điệp đó, tiềm năng – lợi thế của Khánh Hòa được coi là nguồn lực – thế mạnh quốc gia, Khu Kinh tế Vân Phong là động lực phát triển mới của Vùng, là tọa độ cạnh tranh quốc tế hiện đại của nền kinh tế.
Thông điệp đó không phải là sự “thiên vị phát triển” dành riêng cho Khánh Hòa. Ngược lại, nó xác định vị thế và trách nhiệm quốc gia của công cuộc phát triển Khánh Hòa. Nó hàm ý rằng chức trách nặng nề đó chỉ có thể và phải được giải quyết ở tầm quốc gia, bằng sự hợp lực quốc gia, với vai trò chủ công do Khánh Hòa đảm nhiệm.
Tất nhiên, không thể quy thành tích phát triển vượt bậc năm 2022 của Khánh Hòa chỉ về ba sự thay đổi đó. Song đó là những yếu tố đóng vai trò quyết định trong việc làm xoay chuyển tình thế phát triển của Tỉnh. Xin lưu ý rằng Khánh Hòa đang xoay chuyển cục diện phát triển chứ không đơn thuần là tạo sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng.
Đó là ba yếu tố cấu thành cách tiếp cận phát triển mới và là nền tảng để trên đó định hình tầm nhìn phát triển hiện đại của Tỉnh.
IV. Triển vọng thành công
Thành tích tăng trưởng của một năm 2022, dù sáng chói, vẫn không đủ để bảo đảm chắc chắn cho một tương lai Khánh Hòa rực rỡ.
Tuy nhiên, từ một góc độ khác, với những nền tảng xuất phát được thiết định cho giai đoạn phát triển mới đã được đề cập ở trên, có đủ cơ sở để xác lập niềm tin vào triển vọng đột phá, tiến vượt và bền vững của Khánh Hòa.
Trong đội hình phát triển đất nước tương lai, Khánh Hòa được xác định là Trung tâm Tiểu Vùng Duyên hải Nam Trung bộ, gồm 4 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Ở tầm rộng hơn, Khánh Hòa là Trung tâm Liên kết Phát triển các tỉnh trên cả hai tuyến Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng).
Trong đội hình đó, Khu Kinh tế Đặc biệt Vân Phong – “báu vật” phát triển quốc gia – thế giới – đang triển khai “Đại” Dự án Phát triển với hai “cánh gà” Nam và Bắc Vân Phong, theo định hướng “khác biệt và đẳng cấp”, sẽ trở thành địa chỉ được kỳ vọng có sức hấp dẫn toàn cầu, một trung tâm cạnh tranh quốc tế hàng đầu của Việt Nam.
Cùng với Vân Phong là Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Lâm, Cam Ranh, tạo thành chuỗi đô thị biển hạng nhất, đó vai trò là trục cốt lõi của Thành phố (toàn tỉnh) Khánh Hòa trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.
Để thực hiện mục tiêu đầy tính khát vọng này, Khánh Hòa lựa chọn kịch bản phát triển 2021-2030 với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân dự kiến 7,9%/năm. Bên cạnh kịch bản này, vẫn còn “để ngỏ” một kịch bản phát triển khác, có mức độ khát vọng còn cao vượt trội – tăng trưởng GRDP bình quân 11,6%.
Việc thực hiện mục tiêu được đặt trên các trụ cột, thể hiện ở hình dưới đây.
Bước vào giai đoạn mới, Khánh Hòa đã có một điểm khởi đầu 2022 đầy hứa hẹn. Tất nhiên, không thể lạc quan quá sớm và quá mức. Kinh nghiệm của chính Khánh Hòa và nhiều tỉnh khác cho thấy nguy cơ trả giá cho những thành công đến sớm, đến nhanh, do sự bốc đồng, hứng khởi quá mức nhiều khi là không nhỏ.
Khánh Hòa còn nhiều việc phải làm. Những thách thức gay go nhất có lẽ đang còn ở phía trước.
Nhưng Khánh Hòa, với tâm, tầm và thế hiện nay, thật sự xứng đáng với những thách thức đó.
Xứng đáng với thách thức – nghĩa là niềm tin về triển vọng thành công của Khánh Hòa được xác lập.
T.Đ.T