11:03, 28/03/2023

Định hình nông sản đặc hữu

Tuy không rộng lớn về diện tích, quy mô, nhưng bù lại, khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất "rừng trầm biển yến" Khánh Hòa lại tạo nên tính đặc trưng, đặc hữu để sản xuất ra nhiều loại nông sản.

Tuy không rộng lớn về diện tích, quy mô, nhưng bù lại, khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất “rừng trầm biển yến” Khánh Hòa lại tạo nên tính đặc trưng, đặc hữu để sản xuất ra nhiều loại nông sản.


Nhiều cây trồng đặc trưng theo vùng


Trong suốt hành trình phát triển, ngành Nông nghiệp Khánh Hòa luôn trăn trở, tìm kiếm cây trồng, vật nuôi phù hợp. Ngày xưa, khi còn khó khăn về cái ăn, việc trồng cây lương thực cho năng suất cao chỉ là mục tiêu duy trì cuộc sống. Nhưng giờ đây, nông nghiệp Khánh Hòa đã hướng đến những mục tiêu cao hơn khi từng vùng, từng địa phương đã tìm ra các loại cây đặc trưng, đặc hữu có giá trị cao.

 

Nông dân Cao Mai Hùng thoát nghèo nhờ cây sầu riêng.

Nông dân Cao Mai Hùng thoát nghèo nhờ cây sầu riêng.


Đến vùng đất Khánh Sơn anh hùng xưa kia, nay thơm ngát mùi sầu riêng cơm vàng hạt lép. Hơn 2.000ha sầu riêng nơi đây không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo, mà đã là cây làm giàu của nông dân. Điều đáng nói là sầu riêng Khánh Sơn có hương vị đậm đà đặc biệt, được giới sành ăn trong và ngoài nước tấm tắc khen ngon và ưu tiên lùng mua, dù giá bán có cao hơn gấp 2, gấp 3 lần so với sầu riêng thông thường.


Còn ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, hơn 15 năm trước, cây mía, cây mì, lúa nương, bắp rẫy cũng chỉ giúp nông dân đủ ăn. Rồi cây bưởi da xanh xuất hiện. Ban đầu, một vài hộ trồng thử nghiệm, cây phát triển xanh tốt, hoa thơm trái ngọt cũng từ đó theo về. Trái bưởi da xanh trồng ở Khánh Vĩnh có hương vị đặc trưng, đó là phần da xanh ngắt, phần ruột đỏ hồng, mọng nước và mùi thơm dễ chịu. Trong số 1.500ha bưởi trên toàn tỉnh, phần lớn nằm ở Khánh Vĩnh, vùng chuyên canh bưởi da xanh cũng đã định hình ở địa phương này.


Xuôi về các huyện đồng bằng, hàng nghìn héc-ta xoài ngút tầm mắt ở Cam Lâm có tuổi đời đến cả trăm năm không đơn thuần là cây trồng nông nghiệp, xoài còn gắn bó với nhiều thế hệ người dân nơi đây. Hơn 8.000ha xoài của tỉnh phần lớn nằm ở Cam Lâm. Cứ độ tháng 5 hàng năm, thời điểm xoài thu hoạch rộ, nơi đây nườm nượp xe cộ ra vào đóng xoài vận chuyển ra Bắc, vào Nam tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Xoài đã  gắn bó với  người dân  Cam Lâm  qua nhiều thế hệ.

Xoài đã gắn bó với người dân Cam Lâm qua nhiều thế hệ.


Với cây lúa, thay vì chạy đua năng suất vốn dĩ không phải là thế mạnh, nông dân Khánh Hòa tập trung nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt lúa mình làm ra. Hơn 45.000ha lúa mỗi năm, hầu hết là lúa giống, lúa cho ra gạo thơm chất lượng cao được nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng của các công ty giống, công ty lúa gạo lớn trên cả nước. Với tỏi sẻ, dù là cây trồng mới, nhưng tỏi phát triển nhanh chóng về diện tích. Đến nay, Khánh Hòa có diện tích trồng tỏi thuộc hàng lớn nhất cả nước, cao điểm có năm lên tới 570ha, tập trung ở huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.


Tập trung hoàn thiện chuỗi giá trị


Để những nông sản này phát triển bền vững, nông dân trong tỉnh và chính quyền các cấp đã bắt tay vào việc xây dựng quy trình sản xuất bài bản, xây dựng thương hiệu và sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa. Các mã số vùng trồng sầu riêng, xoài, bưởi, lúa với diện tích hàng trăm héc-ta đã được hình thành, định danh cho nông sản tỉnh trên con đường xuất khẩu chính ngạch; những thương hiệu nông sản của tỉnh đã được chứng nhận như: Nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”, nhãn hiệu sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng hạt lép được Cục Sở hữu trí tuệ cấp; sầu riêng Khánh Sơn còn được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố và vinh danh là “thương hiệu vàng nông sản Việt Nam”…


Đó là chưa kể trong gần 5 năm qua, hầu hết nông sản đặc trưng của tỉnh đều đã tham gia và trở thành sản phẩm OCOP, một chương trình phát triển sản phẩm có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị bằng việc hoàn thiện chuỗi hàng hóa ngay từ khâu nguyên liệu, sản xuất, chế biến, bao bì và phân phối ra thị trường. Các sản phẩm OCOP như: Sầu riêng sấy khô, đông lạnh; xoài sấy dẻo, bánh xoài; gạo chất lượng cao Ngọc Quang, gạo thảo dược Ninh Đông… đang dần tô điểm thêm những sắc màu trong bức tranh nông nghiệp của tỉnh.


Tại Chương trình hành động số 42 năm 2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh đề ra mục tiêu đưa thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh các giải pháp nâng cao năng lực, trình độ cho nông dân, đẩy mạnh phong trào nông dân khởi nghiệp, kinh tế nông nghiệp, Tỉnh ủy cũng định hướng phát triển trồng trọt theo hướng hình thành vùng chuyên canh rau màu, cây ăn trái, xây dựng thương hiệu nông sản, xây chuỗi giá trị, nhất là các loại nông sản đặc hữu có lợi thế cạnh tranh, như: Sầu riêng Khánh Sơn, bưởi da xanh Khánh Vĩnh, tỏi Ninh Hòa…


Hồng Đăng