Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 kể từ giữa tháng 7-2021 tại Khánh Hòa diễn biến hết sức phức tạp, tác động nặng nề đến kinh tế - xã hội địa phương. Nhiều doanh nghiệp (DN) phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, thậm chí là giải thể….
Cần nhiều giải pháp để duy trì sản xuất cho doanh nghiệp
. Bà Đặng Thị Thu Nguyệt - Trưởng Văn phòng đại diện VCCI Khánh Hòa
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 kể từ giữa tháng 7-2021 tại Khánh Hòa diễn biến hết sức phức tạp, tác động nặng nề đến kinh tế - xã hội địa phương. Nhiều doanh nghiệp (DN) phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, thậm chí là giải thể…. Đối với các DN còn hoạt động thì phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn. Trong đó, quy định phòng, chống dịch của tỉnh nói chung và các huyện, thị xã, thành phố nói riêng chưa đồng bộ; một số quy định về thủ tục hành chính còn nhiều bất cập gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của DN. Cụ thể như quy định về hàng hóa thiết yếu, quy định về xét nghiệm âm tính, về việc ra vào tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố thuộc “vùng xanh” trong tỉnh… Bên cạnh đó, chi phí của DN tăng cao; đơn vị SXKD phải chịu nhiều loại chi phí như: chi phí phòng, chống dịch, chi phí thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” hay “một cung đường, 2 điểm đến”, chi phí xét nghiệm. Đồng thời, chi phí vận chuyển, chi phí logistic (đối với DN xuất nhập khẩu tăng 5 đến 10 lần), chi phí nguyên vật liệu đầu vào đều tăng rất cao…
Tình hình dịch bệnh đã dẫn đến chuỗi SXKD của DN bị đứt gãy, từ việc thiếu lao động đến việc phải ngừng sản xuất do không đáp ứng được giãn cách; đầu vào nguyên liệu bị thiếu hụt dẫn đến việc không đáp ứng được đầu ra. Song song đó, việc vận chuyển hàng hóa cũng bị ách tắc trong khâu vận tải liên tỉnh, liên huyện… Hiện nay, đa phần các DN phải chấp nhận không có doanh thu nhưng vẫn phải chi trả các khoản chi phí khá lớn như: thuê kho bãi, xưởng, văn phòng giao dịch; phí tồn kho, lãi suất ngân hàng, chi trả lương chờ việc của người lao động… Trong khi đó, việc triển khai các gói hỗ trợ của Nhà nước chưa được nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời.
Để giúp các DN vượt qua khó khăn trước mắt, phục hồi và duy trì SXKD, VCCI Khánh Hòa đề nghị UBND tỉnh cần quan tâm và tháo gỡ khó khăn cho DN. Các biện pháp phòng, chống dịch cần linh hoạt, đồng bộ và hiệu quả hơn. Cụ thể như: nới lỏng các thủ tục, cần đơn giản và tinh gọn việc đi lại giữa các “vùng xanh” đối với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và liên tỉnh; quy định riêng, linh hoạt hơn cho các đối tượng đã tiêm vắc xin; tập trung nguồn vắc xin cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm nói riêng và các DN nói chung. Ngoài ra, các quy định thủ tục hành chính cần nới lỏng, đơn giản và tinh gọn hiệu quả để đảm bảo tất cả hàng hóa được lưu thông (trừ các mặt hàng cấm).
Bên cạnh đó, cũng đề nghị miễn phí công đoàn đối với các DN nằm trong khu vực thực hiện giãn cách từ tháng 8 đến tháng 12-2021; dừng và giảm phí công đoàn xuống còn 1% cho đến hết quý II/2022 đối với tất cả các DN; cho phép DN phối hợp với công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư tại đơn vị trả chi phí test nhanh, chi phí xét nghiệm cho người lao động, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn. Đồng thời, miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản thuế, phí cụ thể như: giảm thuế thu nhập DN ở mức 50%; thuế giá trị gia tăng 50%; tiền thuê đất ở mức 50%. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo để cho DN miễn, giảm, giãn, hoãn đóng bảo hiểm xã hội đến hết quý II/2022; tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng hơn nữa; giảm tiền điện, nước. Các cơ quan chức năng, cho phép DN vượt trần làm việc thêm giờ cả mức tháng và mức năm (vì DN không còn dư địa để đẩy mạnh sản xuất bù đắp cho thời gian đã mất).
Ngoài ra, UBND tỉnh nên có sự phân loại DN để có chính sách hỗ trợ phù hợp với từng loại DN như: DN chờ giải thể, DN ngừng sản xuất toàn phần, DN ngừng sản xuất một phần, DN đang hoạt động “3 tại chỗ” hay “2 tại chỗ - 1 vùng xanh”. Cơ quan chức năng cần cải tiến mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, đồng bộ, bảo đảm cho DN tiếp cận sớm nhất cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đưa ra các giải pháp từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng như: Chương trình kích cầu nội địa với sự tham gia của các địa phương – điểm đến xanh…; đẩy mạnh và đưa vào thực thi các chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Đình Lâm (ghi)